Mùa Tết năm nay, Trấn Thành trở lại với phim điện ảnh thứ 3 do anh đứng tên đạo diễn - Mai. Bộ phim kể về Mai (Phương Anh Đào), một người phụ nữ gần 40 tuổi có quá khứ bi kịch nhưng luôn khát khao tìm kiếm tình yêu thực sự. Cuộc đời Mai thay đổi kể từ khi chuyển đến khu chung cư mới và gặp Dương (Tuấn Trần) – chàng trai đào hoa luôn tìm cách tán tỉnh cô.
Với thương hiệu thành công được xây dựng trước đó qua các dự án ăn khách mùa Tết như Bố già hay Nhà bà Nữ, Mai nhận sự quan tâm của khán giả ngay từ khi ra mắt. Hiện, tác phẩm vươn lên trở thành phim điện ảnh Việt có doanh thu cán mốc 100 tỉ đồng nhanh nhất lịch sử ngành công nghiệp điện ảnh Việt (chỉ sau 3 ngày công chiếu).
Kể từ khi chính thức lấn sân đạo diễn với Bố già, Trấn Thành đã cho thấy bản sắc cá nhân rõ nét trong mỗi tác phẩm anh nhào nặn. Dù khai thác đề tài không mới nhưng Trấn Thành vẫn có sự khéo léo riêng, đủ để khán giả háo hức chờ đợi ra rạp xem phim anh mỗi dịp Tết đến xuân về.
Đồng cảm cùng những vai diễn trong dàn nhân vật đa dạng
Trong Mai, Trấn Thành kể câu chuyện xoay quanh nhân vật trung tâm là một cô gái làm nghề massage. Mai thường xuyên phải đối diện với ánh mắt thèm muốn của những gã trai háo sắc, đi kèm với đó là sự dè bỉu, miệt thị của những người đàn bà ghen tỵ trong chung cư.
Đi làm bị đồng nghiệp chơi xấu, ở nhà bị người này đến người kia ăn hiếp, cộng thêm quá khứ bi kịch với người cha tham tiền, thường xuyên dính vào cá độ, nợ nần… khiến cuộc sống của Mai như địa ngục. Ở độ tuổi U40, Mai không nghĩ mình còn có thể yêu một lần nữa, cho đến khi gặp Dương.
Mai là nhân vật có số phận bất hạnh nhưng luôn mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống. Nỗi cô đơn của người phụ nữ bất đắc dĩ phải làm mẹ đơn thân, khao khát được yêu nhưng lại sợ tình yêu, là câu chuyện khiến bất kỳ cô gái nào cũng có thể cảm nhận được.
Tương tự, Nhà bà Nữ xây dựng Nhi (Uyển Ân) là cô gái trẻ mong muốn được theo đuổi ước mơ nhưng bị gia đình cấm đoán. Ở độ tuổi nhiều bồng bột, Nhi bỏ nhà ra đi rồi lỡ có thai ngoài ý muốn với người bạn trai mới quen.
Với nhiều người, Nhi chính là hình ảnh, là ký ức những năm tháng thanh xuân vừa mơ mộng, nhưng cũng vừa khờ dại của mình. Trải qua nhiều sóng gió, Nhi mới dần trưởng thành và biết cách tự chịu trách nhiệm với cuộc đời hơn, như mỗi chúng ta ai cũng phải đi lên từ những sai lầm và cay đắng.
Trong Bố già, Quắn (Tuấn Trần) vốn là cậu con trai ngỗ nghịch, cứng đầu của ông Ba Sang (Trấn Thành). Sau nhiều hiểu lầm và mất mát, khi Quắn nhận ra tình cảm thương yêu mà bố dành cho mình thì mọi chuyện đã quá muộn màng. Quắn, cũng phần nào đó giống như Nhi, chỉ cảm nhận được giá trị thật sự của gia đình khi đã đánh mất nó.
Đặc sản bi kịch gia đình!
Bi kịch gia đình chính là một tình tiết đặc trưng của thể loại Drama. Đây cũng chính là điểm khó khăn: làm sao để có thể mô tả lại sự đa dạng về cảm xúc và biểu hiện cảm xúc của nhân vật? Làm sao để giúp khán giả hiểu được tâm tư riêng của mỗi người?
Với xuất thân từ tầng lớp bình dân, Trấn Thành đã “chế biến” hương vị drama trong các bộ phim của mình rất tốt. Những bi kịch gia đình cũng trở thành thương hiệu, màu sắc riêng chùm phim Tết của anh, cũng như những phim mà anh tham gia.
Trong Mai, ông Hoàng (Trấn Thành) là người bố đã khiến cho cuộc đời Mai đau khổ. Thiếu vắng tình cảm của mẹ, còn bố suốt ngày chỉ biết cá độ, sẵn sàng bán đứng con gái ruột vì đồng tiền, Mai phải trở nên kiên cường để làm chỗ dựa cho chính mình.
Ở Nhà bà Nữ, Nhi không tài nào hiểu được suy nghĩ của mẹ mình do khoảng cách thế hệ. Cô dần trở nên nổi loạn, tìm mọi cách để thoát khỏi sự kiểm soát của gia đình dù bản thân chưa đủ nội lực. Những trận cãi vã nảy lửa giữa hai mẹ con vì lối sống khác nhau khiến người xem ngậm ngùi, chua xót.
Còn với Bố già, nhân vật Ba Sang được Trấn Thành xây dựng là người nhu nhược, cuối cùng dẫn đến việc phải gánh hết bi kịch trong gia đình. Dù âm thầm hy sinh nhiều, Ba Sang vẫn bị con cái quay lưng, hắt hủi, thậm chí căm ghét vì sự bảo thủ trong suy nghĩ.
Những câu thoại vừa nghe là “chạm”
Trấn Thành tạo điểm nhấn cho mỗi bộ phim anh làm bằng những câu thoại vừa hài hước vừa sâu cay. Nhiều trong số đó trở nên “viral” trên mạng xã hội.
Trong Bố già, bà Cẩm Lệ (Lê Giang) từng khuyên Quắn bằng giọng điệu hóm hỉnh: “Câu xin lỗi rất khó nói, nhưng nói ra rồi thì dễ thương lắm,” hay câu thoại mà vị sư thầy (NSND Việt Anh) nói với ông Sang: “Hãy trả lại sự cân bằng cho vạn vật. Những điều đau khổ phải xảy ra để có những điều tốt đẹp.”
Sang Nhà bà Nữ, Trấn Thành tiếp tục khéo léo cài cắm những câu thoại đáng suy ngẫm vào phim như: “Thất bại cũng là quyền của con người,” “Ai cũng có lỗi nhưng ai cũng nghĩ mình là nạn nhân,”" Trường học dạy mình bài học trước rồi mới cho mình thực hành. Trường đời bắt mình thực hành trước rồi mới rút ra bài học”
Gần nhất, Mai “chạm” đến trái tim và nỗi lòng người xem nhờ những câu nói tưởng chừng bâng quơ như: “Cái mền sạch nhất cũng có bụi,” hay “Đừng tìm người chín chắn để yêu. Cứ yêu đi rồi nó sẽ chín chắn.”
Có thể nói, với cốt truyện gần gũi, không quá mới mẻ, những câu thoại ý nghĩa trong phim của Trấn Thành chính là yếu tố quan trọng giúp níu chân khán giả. Nó không chỉ đóng vai trò thể hiện chiều sâu tính cách các nhân vật, mà còn gửi gắm những bài học cuộc sống đáng để mỗi chúng ta chiêm nghiệm.