Zó Project: Lưu giữ nét đẹp giấy dó Việt | Vietcetera
Billboard banner
08 Thg 11, 2018
Kinh DoanhKhởi Nghiệp

Zó Project: Lưu giữ nét đẹp giấy dó Việt

Zó Project ra đời với mục tiêu giữ lại một ngành nghề truyền thống, một loại giấy đẹp của dân tộc Việt - giấy dó. Không dừng lại tại đó, doanh nghiệp xã hội này cũng góp phần tạo ra công việc cho các cộng đồng thiểu số, những người phụ nữ dân tộc để họ có thêm thu nhập.

Zó Project: Lưu giữ nét đẹp giấy dó Việt

“Mịt mù khói tỏa ngàn sương

Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.”

Câu ca dao này dường như đã quá quen thuộc với thế hệ trẻ Việt Nam từ cuối thế kỷ 20 đến nay bởi nó được đưa vào sách giáo khoa, thế nhưng tôi tin rằng có rất ít người biết về ý nghĩ đằng sau của những nhịp chày – vốn là nhịp chày giã vỏ cây dó để làm giấy truyền thống làng Bưởi, hay còn được biết đến với tên gọi giấy dó.

Zó Project Lưu giữ nét đẹp giấy dó Việt0
Giấy dó tại cửa hàng của Zó Project.

Làng Bưởi bắt đầu làm giấy từ đầu thế kỷ XV, và cũng như hầu hết các nghề truyền thống khác của Việt Nam, giấy dó đạt đến thịnh vượng vào thời Lý Công Uẩn. Thời bấy giờ, loại giấy bền dai này được làm ra là để dành viết giấy thị, giấy lệnh (để ghi chỉ thị và mệnh lệnh), và in tranh dân gian. Điều đó cũng dễ hiểu vì quy trình làm ra loại giấy này hết sức phức tạp, từng công đoạn đều đòi hỏi người thợ làm giấy phải cực kỳ thạo nghề.

Thế rồi theo thời gian, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế công nghiệp, những sản phẩm giấy vở được sản xuất hàng loạt bằng máy móc dần thay thế vai trò của các loại giấy truyền thống, trong đó có giấy dó. Mãi đến gần đây, loại giấy này mới được tái sinh với sự ra đời của Zó Project.

Zó Project Lưu giữ nét đẹp giấy dó Việt1
Chị Hongky Le, đại diện của Zó Project.

Để biết Zó Project là gì và những hoạt động mà doanh nghiệp xã hội này thực hiện nhằm mang giấy dó đến gần hơn với đời sống hiện đại, mời các bạn cùng tôi trò chuyện với người đại diện của Zó, chị Hongky Le.

Đầu tiên, chị có thể cho biết Zó Project đã khởi nguồn như thế nào được không?

Câu chuyện bắt đầu từ 4 năm trước, trong một lần công tác về Bắc Ninh, chị Hồng Nhung, người sáng lập của Zó, có ghé thăm làng nghề giấy Dương Ô. Thời điểm đó, trước sự áp đảo của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làng nghề Yên Thái và Nghĩa Đô – cái nôi của giấy dó, đã bị mai một, nghề giấy chuyển lên Bắc Ninh cũng đứng trước nguy cơ biến mất.

Ở nơi mà một thời cả làng cùng nhau lao vào làm giấy nay chỉ còn lại lẻ tẻ vài gia đình, mà con cái của họ thì không ai chịu nối nghiệp cả. Vốn dĩ nghề làm giấy vất vả, nên đa phần thế hệ sau đều chọn đi làm công nhân tại các xưởng công nghiệp với mức lương ổn định.

Zó Project Lưu giữ nét đẹp giấy dó Việt2
Trước sự áp đảo của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làng nghề Yên Thái và Nghĩa Đô – cái nôi của giấy dó, đã bị mai một, nghề giấy chuyển lên Bắc Ninh cũng đứng trước nguy cơ biến mất.

Đến một vài nơi khác, chúng tôi tìm được một vài hộ người dân tộc Mường làm giấy dó thủ công khác trên vùng núi Hòa Bình. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là kinh doanh lẻ tẻ chứ chưa tập trung thành một cộng đồng và có chiến lược để tiêu thụ sản lượng đầu ra một cách hiệu quả.

Thế là Zó Project ra đời với mục tiêu giữ lại một ngành nghề truyền thống, một loại giấy đẹp của dân tộc Việt, cũng như tạo ra công việc cho các cộng đồng thiểu số, những người phụ nữ dân tộc để họ có thêm thu nhập. Càng làm chúng tôi càng nhận ra mình còn có thể làm được hơn thế – đó là tình yêu, là ý thức giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam để chúng không bị mai một theo thời gian.

Hãy chia sẻ cho chúng tôi một số nét đặc biệt của giấy dó.

Để làm giấy dó, người nghệ nhân phải tuân theo một quy trình cụ thể được làm thủ công bằng tay. Thay vì xay vụn cây ra thành bột bằng máy móc như các loại giấy công nghiệp, mỗi một tờ giấy dó làm ra là công sức của một quá trình vất vả hàng tháng trời từ khi cắt thân cây về, đem hấp, tách vỏ, gọt bẩn rồi đập vỏ để tách sợi, cho vào khung ép và cuối cùng là phơi nắng cho khô giấy lại. Đó là lý do vì sao mỗi tờ giấy đều mang một cá tính riêng nào đó dù được làm ra từ một quy trình chung.

Zó Project Lưu giữ nét đẹp giấy dó Việt3
Zó Project ra đời với mục tiêu giữ lại một ngành nghề truyền thống, một loại giấy đẹp của dân tộc Việt, cũng như tạo ra công việc cho các cộng đồng thiểu số, những người phụ nữ dân tộc để họ có thêm thu nhập.

Sau tất cả, giấy dó hiện lên như một lớp vỏ cây mỏng, cứng cáp, mộc mạc và trường tồn với thời gian. Tôi tin rằng không có một tờ giấy công nghiệp nào có thể chống ẩm, chống mối mọt và có tuổi thọ lên đến 100 năm như giấy dó cả. Vẻ đẹp của giấy dó là thứ không thể nào cảm nhận được nếu chỉ nhìn qua những khung hình, bạn phải thực sự chạm vào nó để cảm nhận từng đường vân giấy nổi lên, và cả cái mộc mạc thô sơ của bề mặt giấy.

Thật đáng tiếc khi một loại giấy có những phẩm chất như thế này lại ít được ứng dụng…

Đó cũng là lý do Zó Project ra đời. Chúng tôi muốn đem giấy dó trở lại bằng cách ứng dụng vào những sản phẩm hiện đại, mang đến giá trị thực tiễn trong cuộc sống thay vì chỉ dùng để vẽ tranh hay viết thư pháp như trước đây, ví dụ như sổ, lịch, thiệp và quạt giấy với hình ảnh tranh Đông Hồ của họa sĩ Trần Nguyên Đán đậm chất truyền thống, hoặc vòng tay, vòng cổ, và khuyên tai giấy.

Được sự cho phép của bác Đán trong việc sử dụng tranh Đông Hồ trên sản phẩm của Zó là một sự may mắn. Bởi nó giúp chúng tôi trở nên khác biệt, không bị lẫn với những thiết kế sổ phổ thông khác cũng như tôn vinh giá trị của Zó: Kết nối với văn hóa độc đáo của Việt Nam.

Zó Project Lưu giữ nét đẹp giấy dó Việt4
“Chúng tôi muốn đem giấy dó trở lại bằng cách ứng dụng vào những sản phẩm hiện đại, mang đến giá trị thực tiễn trong cuộc sống thay vì chỉ dùng để vẽ tranh hay viết thư pháp như trước đây.”

Bên cạnh đó, Zó cũng nhận thấy rằng, với những sản phẩm thủ công như thế này, làm ra sản phẩm tốt là chưa đủ, cần phải giáo dục người dùng về nét đẹp của giấy nói riêng, và nét đẹp của những sản phẩm cổ truyền nói chung.

Thế là những lớp học cuối tuần ra đời. Tại đây, mọi người có dịp trải nghiệm các hoạt động như DIY phụ kiện bằng giấy dó, cảm nhận được quá trình làm nên một sản phẩm thủ công từ khi còn là vỏ cây thô sơ đến khi hoàn thiện thành phẩm. Hy vọng là qua những lớp học như thế này phần nào truyền tải đến các bạn những câu chuyện và tâm sức người thợ làm giấy, hiểu thêm về một nghề truyền thống của Việt Nam.

Hiện vẫn chưa có nhiều người biết đến giá trị của giấy dó, Zó đã làm thế nào để ổn định về mặt tài chính?

Những ngày đầu, chúng tôi có nhận được sự hỗ trợ từ CSIP và quỹ hỗ trợ của những tổ chức xã hội. 3 năm sau đó, chúng tôi đã có thể tự mình độc lập về mặt tài chính và hoạt động như một doanh nghiệp bình thường. Với mô hình doanh nghiệp xã hội, chúng tôi ý thức được việc cân bằng cả hai yếu tố “doanh nghiệp” và “xã hội” là vô cùng quan trọng để có thể phát triển lâu dài.

Zó Project Lưu giữ nét đẹp giấy dó Việt5
“Làm ra sản phẩm tốt là chưa đủ, cần phải giáo dục người dùng về nét đẹp của giấy nói riêng, và nét đẹp của những sản phẩm cổ truyền nói chung.”

Trước nay vẫn có thị trường cho giấy dó, nhưng cộng đồng người làm giấy dó lại không kết nối được với nhau, cũng như không kết nối được với người mua để có được đầu ra ổn định. Với sự trợ giúp từ Zó, hiện cộng đồng người làm giấy đã liên kết với nhau hơn để tạo ra một quy trình kinh doanh chỉnh chu giữa các bên.

Yếu tố “xã hội” còn được phản ánh rõ trong các chiến lược kinh doanh khác của chúng tôi, làm sao để mang lại những hiệu ứng tích cực cho cả môi trường, cộng đồng và xã hội. Không đơn giản chỉ là bán càng nhiều càng tốt, còn phải lên kế hoạch trồng cây để khai thác, thuyết phục những nghệ nhân đi trước truyền nghề lại cho cộng đồng, thay vì chỉ giữ kín bí kíp rồi để nghề bị mai một do không ai trong gia đình có ý định tiếp tục theo đuổi. Có thể nói, vấn đề “xã hội” còn khiến chúng tôi trăn trở nhiều hơn là giải quyết bài toán kinh doanh.

Những thách thức mà các bạn gặp phải trong quá trình xây dựng và phát triển Zó Project là gì?

Đó là nhân sự. Quả thực rất khó để có thể tìm ra những người trẻ sẵn lòng đồng hành cùng Zó Project. Điều đó cũng dễ hiểu vì hiện tại các bạn có quá nhiều lựa chọn với các doanh nghiệp lớn, công việc ổn định, không quá vất vả, và môi trường có quy trình chuyên nghiệp, rõ ràng.

Về phần Zó, chúng tôi vẫn đang ở giai đoạn chập chững khởi nghiệp, vừa làm vừa xây dựng quy trình. Phải thử và chấp nhận thất bại. Hiện các thành viên của Zó đều rất đa tài: vừa làm sales, marketing, lại vừa lo hậu cần, quy trình,… Đặc biệt, các bạn phải là người rất yêu văn hóa truyền thống thì mới gắn bó lâu dài được với Zó.

Zó Project Lưu giữ nét đẹp giấy dó Việt6
“Không đơn giản chỉ là bán càng nhiều càng tốt, còn phải lên kế hoạch trồng cây để khai thác, thuyết phục những nghệ nhân đi trước truyền nghề lại cho cộng đồng.”

Ở làng nghề Dương Ô, Bắc Ninh, nơi một thời nghề giấy được truyền lại từ Hà Nội và phát triển mạnh mẽ, nay thanh niên trong làng bỏ đi làm công nhân ở xí nghiệp nước ngoài hết. Vậy nên mới có câu chuyện, giấy sắc phong (loại giấy nhiều lớp, có màu vàng mà vua thường dùng khi ban thưởng cho quan thần) hiện nay chỉ có duy nhất một bác làm. Ấy thế mà bác không chịu truyền ra ngoài, trong khi con của bác thì nhất quyết không theo nghề rồi. Bác cũng đã ngoài 50, thật không biết sau này khi bác không còn làm nữa, giấy sắc phong sẽ đi về đâu…

Cuối cùng, chị có thể bật mí một số dự định của Zó trong tương lai được không?

Chúng tôi sẽ tập trung vào việc giáo dục người dùng về văn hóa truyền thống của Việt Nam bằng những hình thức tour du lịch văn hóa, triển lãm giấy cũng như phát triển thêm các lớp học làm đồ thủ công.

Trên thế giới, có rất nhiều làng giấy thủ công phát triển và được sự ủng hộ từ toàn thể đất nước, như làng giấy tại Nhật hay Nepal. Khi tới thăm Nhật Bản, tôi đã rất ấn tượng tới cách tổ chức bài bản, được đầu tư bởi chính phủ và nhận được sự trân trọng của người dân. Tôi hy vọng Zó Project cũng có thể mang đến điều tương tự ở Việt Nam.

Xem thêm:

[Bài viết] Cùng Bùi Công Khánh nhìn lại chặng đường của nghệ thuật đương đại Việt Nam

[Bài viết] Inpages: Đam mê sách cùng đồng sáng lập Đặng Thành Long