Chang Hung Chun của KPMG Việt Nam bàn về xu hướng, trở ngại, và cơ hội trong ngành đầu tư

Ông Chang Hung Chun, Partner – Trưởng bộ phận tiếng Trung của KPMG Việt Nam nói về vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu và cơ hội mà dân số trẻ mang lại cho thị trường lao động và tiêu dùng.
Agnes Alpuerto
Nguồn: Bobby Vũ cho Vietcetera

Nguồn: Bobby Vũ cho Vietcetera

Kể từ năm 1991 khi Việt Nam chuyển mình sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, số vốn đầu tư nước ngoài đổ vào trong nước có sự tăng trưởng ổn định. Những doanh nghiệp và tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều nhận định Việt Nam là quốc gia có đà tăng trưởng tốt và dồi dào tiềm năng phát triển trong tương lai.

Tuy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI: foreign direct investment) có sự sụt giảm do lệnh giãn cách xã hội vào năm 2021, Singapore vẫn giữ vững vị trí nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong số 106 quốc gia đầu tư vào Việt Nam năm 2021.

Năm nay, thông tin về Việt Nam tái mở cửa biên giới và miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 13 nước tiếp tục khơi dậy sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Các doanh nghiệp tư vấn kinh doanh như KPMG, vốn có nền móng và hoạt động sâu rộng tại Việt Nam, giữ vai trò lớn trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. KPMG giới thiệu những tiềm năng của thị trường Việt Nam cho các khách hàng và giúp họ nắm bắt cơ hội kinh doanh tại một quốc gia có vị trí chiến lược cả về mặt địa lý lẫn thương mại tự do toàn cầu.

Vietcetera đã trao đổi với ông Chang Hung Chun, Partner – Trưởng bộ phận tiếng Trung của KPMG tại Việt Nam, để hiểu rõ hơn về vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu và cơ hội mà dân số trẻ mang lại trong cả thị trường lao động và tiêu dùng.

COVID-19 khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thay đổi đột ngột. Các nhà đầu tư đã phản ứng như thế nào với những thay đổi này?

Đại dịch chắc chắn để lại ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Khi Việt Nam đóng cửa biên giới và dừng các đường bay quốc tế, việc chốt giao dịch hoặc thậm chí gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng là rất khó khăn. Nhiều nhà đầu tư vốn đã quen đến thăm Việt Nam để kiểm tra môi trường, cơ sở hạ tầng và thị trường trong nước, cũng không thể đến được vì lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, FDI vào Việt Nam không sụt giảm quá nhiều thời đại dịch. Các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp quốc tế vẫn rất quan tâm đến thị trường này. LG thậm chí đã tăng cường đầu tư vào Việt Nam (với tổng vốn đầu tư hiện là 4,65 tỷ USD) và mở rộng quy mô sản xuất tại Hải Phòng. Tập đoàn sản xuất đồ chơi trẻ em Lego từ Đan Mạch cũng vừa công bố khoảng đầu tư xấp xỉ 1,4 tỷ USD vào Việt Nam. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài rất tin tưởng vào tiềm năng của thị trường Việt Nam.

Điều gì khiến các nhà đầu tư hứng thú và tin tưởng vào tiềm năng phát triển của Việt Nam như vậy?

Tương lai của Việt Nam rất tươi sáng với bối cảnh kinh doanh đang mở rộng, thị trường phát triển cả về dân số lẫn khả năng chi tiêu. Nhưng có ba yếu tố quan trọng nhất khiến Việt Nam trở thành điểm đến thu hút với nhà đầu tư.

Yếu tố đầu tiên là vị trí địa lý. Việt Nam giáp với Trung Quốc, vốn được coi là “công xưởng của thế giới”. Với nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng, Việt Nam là địa điểm lý tưởng để thiết lập các trung tâm sản xuất mở rộng cho những doanh nghiệp đang hoạt động tại Trung Quốc. Những vấn đề như hệ thống chuỗi cung ứng và tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thô sẽ được giải quyết suôn sẻ hơn.

Thứ hai là dân số trẻ. Nhờ có nguồn nhân lực trẻ dồi dào, với hơn 51 triệu người đang tham gia lực lượng lao động, Việt Nam là một trong những nước có chi phí lao động rẻ nhất so với Trung Quốc và các nước châu Á khác.

Yếu tố cuối cùng là có lập trường thương mại quốc tế thoải mái. Tôi cho rằng năm vừa qua, Việt Nam là nước ký nhiều hiệp định thương mại tự do nhất trong khối ASEAN. Một trong những kí kết quan trọng đó là Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào đầu năm 2020. Với hiệp định này, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xoá bỏ thuế nhập khẩu. Đây là lý do tại sao các doanh nghiệp chọn đến đây thiết lập cơ sở sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí xuất khẩu.

Chính những lợi thế và lợi ích này mà nhà đầu tư quốc tế rất hứng thú với thị trường Việt Nam.

Giá nhân công rẻ là ưu thế thu hút các nhà đầu tư. Nhưng liệu có cản trở việc tăng lương tối thiểu cho lực lượng lao động trong nước?

Tôi không nghĩ vậy. Nhân viên của các công ty nước ngoài ở Việt Nam đều đang được trả lương trên mức lương tối thiểu. Chính phủ Việt Nam cũng đã tăng mức lương tối thiểu hàng tháng trong năm nay vì lạm phát. Chi phí ở Việt Nam chỉ rẻ so với các nước phát triển hơn, nhưng xét trong nước thì mức lương này là vừa phải.

Chúng ta cũng cần nhìn vào tình hình phát triển của ngành công nghiệp của Việt Nam trong thời gian qua. Trước đây, Việt Nam chủ yếu chú trọng vào lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng với các khoản đầu tư sắp tới, đất nước đang dần chuyển sang hướng công nghiệp hóa hơn. Về sản xuất, trước đây, Việt Nam tập trung nhiều vào hàng dệt may, giày dép và đồ nội thất. Hiện nay, Việt Nam đang bắt tay vào sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao và phân khúc cao cấp hơn như điện thoại thông minh.

Nhờ thu hút các công ty và vốn đầu tư mới vào thị trường trong nước, mức sống của người dân từ đó cũng được cải thiện.

Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài xem Việt Nam là trung tâm sản xuất hơn là thị trường tiêu thụ. Phải chăng những tiềm năng khác của Việt Nam đang bị bỏ qua?

Hiện phần lớn các công ty nước ngoài tại Việt Nam đều hướng đến xuất khẩu, chứ chưa tập trung nhiều vào thị trường nội địa. Khi KPMG làm việc với khách hàng, chúng tôi luôn hỏi mục tiêu của họ khi gia nhập thị trường Việt Nam là gì. Họ đến đây vì lao động giá rẻ và lợi ích xuất khẩu nhờ các hiệp định thương mại tự do? Hay họ có sản phẩm nào phục vụ cho thị trường nội địa? Mỗi mục tiêu đòi hỏi những yếu tố khác nhau, từ vị trí đến đối tác và chuỗi cung ứng.

Tôi tin rằng Việt Nam là một thị trường còn thô, nhưng rộng lớn và đầy tiềm năng. Chúng ta không nên đánh giá thấp thị trường trong nước, vì tầng lớp trung lưu ở đây đang ngày càng phát triển, đặc biệt là họ còn rất trẻ và dám chi tiêu. Nếu nhìn vào điện thoại di động mà người dân Việt Nam sử dụng, bạn có thể thấy họ bắt kịp rất nhanh với các xu hướng hiện đại. Ngoài ra, trên phố còn xuất hiện đông đúc các thương hiệu xe máy và ô tô hàng đầu trên thế giới! Những điều này chứng minh Việt Nam là một thị trường tiêu dùng lớn mà các nhà đầu tư không nên bỏ qua.

Những xu hướng kinh doanh nào sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam?

Thương mại điện tử (E-commerce) và công nghệ tài chính (Fintech). Đây là hai lĩnh vực có sự tăng trưởng vượt bậc trong thời đại dịch. Khi tất cả mọi người đều mắc kẹt ở nhà, các hoạt động mua bán và thanh toán hóa đơn đều diễn ra trực tuyến, trên điện thoại thông minh. Đây là những xu hướng mới nổi và có tiềm năng phát triển rất lớn. Vì đây là những dự án tương đối mới, nên có rất nhiều cơ hội đầu tư và tiềm năng tăng trưởng cho các nhà đầu tư khai thác.

Tiếp đến là môi trường, xã hội và quản trị (ESG: Environment - Social - Governance). Đây là lĩnh vực đang được cả thế giới quan tâm. Các nhà đầu tư cũng đang áp dụng ESG vào mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn tụt hậu khá xa trong câu chuyện ESG. Nhưng tín hiệu tích cực là Việt Nam đang thúc đẩy năng lượng tái tạo và năng lượng mặt trời. Rất nhiều nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang tham gia và xem xét đầu tư vào lĩnh vực này.

Đây là những xu hướng mới nổi lên từ đại dịch, tuy nhiên các nhà đầu tư nên suy xét khai thác kế hoạch đường dài. Hiện, Việt Nam không quá khắt khe về vấn đề năng lượng xanh, nhưng đây chính là tương lai của doanh nghiệp. Không sớm thì muộn, tất cả các doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ việc sản xuất bền vững. Người tiêu dùng ngày nay cũng có ý thức và sáng suốt hơn trong vấn đề môi trường. Vì thế, các doanh nghiệp nên định hướng bản thân là thương hiệu “thân thiện với môi trường và không gây ô nhiễm" ngay từ bây giờ.

Ông vừa chủ trì hội thảo Hỗ trợ Thanh tra, Kiểm tra Thuế 2022 dành cho doanh nghiệp nói tiếng Hoa tại Việt Nam diễn ra vào tuần trước tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện năm nay điểm qua những vấn đề quan trọng nào?

Vào ngày 25/5 vừa rồi, chúng tôi đã chào đón hơn 150 lãnh đạo doanh nghiệp tới chương trình tại hội trường ở Thành phố Hồ Chí Minh. Mục đích năm nay là giải thích những thay đổi lớn về luật thuế Việt Nam. Luật đã được điều chỉnh khá nhiều để phù hợp với đại dịch, và một số điều luật cũng không quá rõ ràng vì thay đổi rất nhanh. Chúng tôi muốn giúp khách hàng của mình nhanh chóng được giải đáp và bắt kịp với tình hình hiện tại.Chuỗi chương trình về thuế và luật của chúng tôi được tổ chức hàng năm nhằm phục vụ các nhà đầu tư và thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trong hai năm đại dịch vừa qua, chương trình chỉ diễn ra trực tuyến. Hiện tại, đại dịch về cơ bản đã được kiểm soát nên đây là một trong những buổi gặp mặt trực tiếp đầu tiên dành cho cộng đồng doanh nhân nói tiếng Hoa tại Việt Nam.

KPMG Việt Nam mang đến những thông tin hữu ích và góc nhìn chuyên gia nhằm hỗ trợ các đối tác của chúng tôi phát triển. KPMG luôn muốn duy trì kết nối với khách hàng và hỗ trợ họ về vấn đề thuế, kiểm toán và pháp lý.

Một sự kiện tương tự sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào 17/6 sắp tới.

Tìm hiểu thêm về sự kiện tại đây.

Chuyển ngữ bởi Bích Trâm


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất