“Hạnh phúc là do mình tạo ra, cho nên hãy cứ là chính mình.”

Lần đầu gặp gỡ của Ted và Clayton là khi họ cùng thuyết phục chính phủ Hoa Kỳ ngừng phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục.

Ted Osius
“Hạnh phúc là do mình tạo ra, cho nên hãy cứ là chính mình.”

“Tại Việt Nam, gia đình chúng tôi được đón tiếp vô cùng nồng hậu ngay từ khi mới đến.” | Nguồn: Ted Osius

Đầu nhiệm kỳ Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, tôi từng có cơ hội phát biểu và chia sẻ về mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam tại trường THPT Chuyên Quốc Học - Huế. Đây cũng chính là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng theo học. 

Đến phần hỏi - đáp, tôi được xin lời khuyên từ một bạn nữ có ước mơ trở thành diễn viên. Tuy nhiên, ước mơ ấy của bạn lại trái ngược với kỳ vọng của cha mẹ. 

Thời đi học, bản thân tôi cũng từng phải đối mặt với những kỳ vọng từ các thành viên trong gia đình và giáo viên trong trường. Cho nên, trong trường hợp này, tôi tin rằng lời khuyên hợp lý nhất dành cho bạn chính là: hãy vững bước trên con đường mình chọn.

Sau đó tới lượt một bạn nam đứng dậy. Nhìn thẳng về phía tôi, bạn hỏi tôi có từng gặp khó khăn khi công khai mình là người đồng tính.

Bạn đã có đủ can đảm để đặt câu hỏi này trước mặt 800 bạn bè đồng trang lứa, đủ can đảm đối mặt với chính câu hỏi của mình. Vì thế, bạn xứng đáng được nhận câu trả lời chân thành nhất từ tôi.

“Có chứ,” tôi trả lời. “Tôi cũng từng gặp khó khăn. Ở thời điểm tôi mới gia nhập đoàn ngoại giao, nếu công khai là người đồng tính thì rất có thể bị đuổi việc. Tuy nhiên, cộng đồng người đồng tính trong ngành khi đó đã thuyết phục Bộ Ngoại giao ngừng phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng các gia đình đồng giới cũng cần được tôn trọng như bao gia đình truyền thống khác.”

“Trong cộng đồng ngày ấy, tôi đã gặp chồng mình. Khi cùng nhiệm sở tại Ấn Độ, tôi và chồng đã có dịp dự một buổi tiệc chiêu đãi cấp cao. Trong buổi tiệc, một người phụ nữ trong bộ Sari trang trọng đã hỏi thăm Clayton về vợ anh. Và Clayton chỉ về phía tôi, giới thiệu tôi là chồng của anh ấy. Bà tròn mắt rồi nói với chồng tôi: ‘Phải rồi, hãy cứ sống như mình muốn’.”

“Tại Indonesia, nơi có số dân theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, và xã hội vẫn khá bảo thủ, tôi cũng đã có một kỷ niệm đáng nhớ. Đó là một sự kiện cấp quốc gia do tổng thống Indonesia tổ chức để chiêu đãi Tổng thống và Phu nhân Obama. Tôi và Clayton được xếp cạnh nhau, và trên các tấm thẻ xếp chỗ ghi: ‘Ted Osius, Phó Trưởng Phái đoàn’, và ‘Clayton Bond, chồng của Phó Trưởng Phái đoàn’.”

“Còn tại Việt Nam, gia đình chúng tôi được đón tiếp vô cùng nồng hậu ngay từ khi mới đến. Nếu có thể rút ra bài học từ những trải nghiệm này, thì tôi tin đó là hãy sống thật với bản thân. Hạnh phúc của mình là do mình tạo ra, nên chúng ta hãy cứ là chính mình.”

Trả lời xong, tôi thấy toàn trường lặng đi một lúc. Và rồi, cậu bạn đặt câu hỏi cười rất tươi, theo đó là tiếng vỗ tay vang lên, lớn dần, kéo dài suốt một lúc lâu.

Bạn muốn tìm hiểu thêm về câu chuyện này chứ? Hiện cuốn sách tự thuật của Ted Osius, “Nothing is Impossible: America's Reconciliation with Vietnam”, với lời nói đầu được chấp bút bởi ông John Kerry (Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, hiện là Đặc phái viên khí hậu của Hoa Kỳ), sẽ được Nhà xuất bản Đại học Rutgers (Rutgers University Press) cho ra mắt bản tiếng Anh vào tháng 10/2021, và bản tiếng Việt sẽ được phát hành trong năm 2022.

Để biết thêm thông tin về cuốn sách - bao gồm cả những phần quà tặng đặc biệt - bạn có thể truy cập trang web www.tedosius.com, sau đó đăng nhập bằng địa chỉ email.

Bài viết được biên dịch bởi Thảo Vân


Read full article

Most viewed