Raise Partners: Tích hợp ESG để xây dựng tương lai bền vững cho Việt Nam

Mimi Vu và Van Ly, đối tác tại Raise Partners, chia sẻ về cơ hội, thách thức và chiến lược phát triển ESG cụ thể cho từng ngành nghề tại Việt Nam.
Hao Tran
Mimi Vu và Van Ly, đối tác tại Raise Partners, chia sẻ về chiến lược  xây dựng tương lai bền vững tại Việt Nam. | Nguồn: Vietcetera

Mimi Vu và Van Ly, đối tác tại Raise Partners, chia sẻ về chiến lược xây dựng tương lai bền vững tại Việt Nam. | Nguồn: Vietcetera

Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam 2024 do Raise Partners và Vietnam Innovators by Vietcetera tổ chức sẽ là bệ phóng cho các sáng kiến xanh và mở ra cánh cửa đầu tư bền vững tại Việt Nam. Hội nghị quy tụ các nhà lãnh đạo, các chuyên gia, nhà đầu tư, và đại diện cơ quan chính phủ các nước, cùng chia sẻ kiến thức chuyên môn, thảo luận về những xu hướng ESG mới nhất và thúc đẩy tư duy dẫn đầu (thought leadership) dựa trên tiêu chuẩn ESG.

Với chủ đề “Xây dựng một tương lai bền bỉ cho Việt Nam”, buổi gặp gỡ dự kiến diễn ra vào ngày 16 và 17/5 tại TP.HCM, tập trung trao đổi các giải pháp xây dựng hệ thống ESG linh hoạt và quản lý chuỗi cung ứng bền vững.

Trước thềm sự kiện, chúng tôi đã có buổi trao đổi với Mimi VuVan Ly, đối tác tại Raise Partners - công ty tư vấn chiến lược phát triển bền vững cho các doanh nghiệp tư nhân, nhà từ thiện, tổ chức phi lợi nhuận,...

Đặt mục tiêu xây dựng Việt Nam bền vững, Mimi Vu và Van Ly chú trọng vào việc tích hợp ESG vào hoạt động sản xuất, vận hành, và đầu tư trong doanh nghiệp. Đồng thời, đưa ra các giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết thách thức và nắm bắt cơ hội mà ESG mang lại.

Việc triển khai ESG tại Việt Nam đã có bước tiến gì kể từ hội nghị 2023?

Van Ly: Từ năm 2020, việc thực hành và đầu tư vào ESG (Environmental - Môi trường, Social- Xã hội và Governance - Quản trị doanh nghiệp) đã trở thành xu hướng tất yếu trong các hoạt động của chính phủ, tập đoàn và nhà đầu tư trong và ngoài nước. Xu hướng này thậm chí còn phát triển mạnh hơn sau Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam 2023.

Trước kia, hoạt động bền vững thường chỉ gói gọn trong việc thực hiện CSR (Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) hoặc các chiến lược marketing hời hợt. Nhưng ESG hiện tại đã trở thành yếu tố then chốt trong các hoạt động kinh doanh, quyết định đầu tư và đánh giá doanh nghiệp toàn cầu.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2024 (VBF 2024) vừa qua, chủ đề tăng trưởng xanh và ESG cũng được các đại diện chính phủ và hiệp hội doanh nghiệp bàn luận sôi nổi.

Hơn nữa, ngày càng nhiều Tổ chức Tài chính Phát triển (DFIs) từ Úc, Hà Lan, Anh và Bỉ rót vốn vào Việt Nam thông qua hình thức đầu tư tư nhân. Mục tiêu của họ là hỗ trợ các sáng kiến cải thiện môi trường, xã hội và kinh tế tại Việt Nam, khẳng định vai trò quan trọng của ESG trong tiến trình phát triển bền vững.

Hội nghị năm nay tập trung giải quyết những thách thức nào?

Mimi Vu: Một hội nghị không thể giải quyết tất cả những vấn đề. Nhưng nếu chúng ta gỡ bỏ những nút thắt quan trọng sẽ đóng góp đáng kể trong việc thúc đẩy đầu tư và phát triển ESG tại thị trường Việt Nam.

Muốn môi trường đầu tư và ESG tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, cần giải quyết 3 thách thức chính sau:

Thứ nhất, những thông tin về ESG mà doanh nghiệp Việt công bố vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư. Khoảng cách này ngày càng tăng do sự thiếu hụt nguồn vốn và nhân lực chuyên môn để doanh nghiệp có thể tuân thủ nguyên tắc ESG một cách hiệu quả.

Thứ hai, hiện chưa có một bộ tiêu chuẩn ESG thống nhất và được áp dụng rộng rãi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu tính đồng bộ trong việc đánh giá và thực hành ESG, gây khó khăn cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Thứ ba, các doanh nghiệp chưa được tiếp cận rộng rãi đến nguồn vốn ESG. Ngoài các Tổ chức Tài chính Phát triển (DFI), doanh nghiệp có thể tìm kiếm những nguồn vốn khác như các khoản vay bền vững, các khoản đầu tư tác động và các vốn đầu tư hỗn hợp (blended finance).

Van Ly: Một vấn đề thách thức không kém là thiếu chính sách cũng như những ban hành cụ thể về ESG từ phía chính phủ, đặc biệt là cho ngành sản xuất và thương mại. Việc thiếu quy định minh bạch và lộ trình cụ thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch và điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo tiêu chuẩn ESG.

Những lĩnh vực tích hợp ESG nào là điểm sáng của Hội nghị năm nay?

Mimi Vu: Các khía cạnh của E, S và G không tồn tại và hoạt động độc lập với nhau, thay vào đó, chúng có mối liên kết chặt chẽ. Việc giảm thiểu nhựa và nền kinh tế tuần hoàn phải đi đôi với việc xem xét hành vi của con người, từ đó tích hợp vào cùng một kế hoạch quản lý rác thải hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Dựa trên nguyên tắc hoạt động của ESG, hội nghị sẽ mở ra không gian thảo luận về nhiều chủ đề khác nhau như: vai trò của tài chính khí hậu, tài chính toàn diện cho nhóm lao động tay nghề thấp, dự án nuôi tôm rừng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển nguồn nhân lực toàn diện cho các ngành nghề xanh và công nghệ,...

Các nhà đầu tư quốc tế cần lưu ý gì để có thể xây dựng chiến lược ESG hiệu quả tại Việt Nam?

Van Ly: Đó là mối quan hệ mật thiết giữa ESG và nền kinh tế địa phương.

Các nước phương Tây thì đánh giá từng yếu tố E, S, G riêng lẻ và tập trung đầu tư chủ yếu vào yếu tố môi trường (E). Nhưng tại Việt Nam, bộ 3 ESG luôn đi liền với động lực phát triển kinh tế.

Do đó, cần xem xét kỹ lưỡng cả 3 yếu tố này khi đưa ra chiến lược đầu tư để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực ngoài ý muốn. Mặt khác, việc lồng ghép ESG hiệu quả cũng mang lại lợi thế cho doanh nghiệp, giúp họ triển khai chiến lược hiệu quả hơn, gia tăng tổng giá trị tác động và tỷ suất hoàn vốn (ROI).

Kỳ vọng và sứ mệnh của Raise Partners đối với ESG tại Việt Nam trong tương lai?

Van Ly: Tôi mong sẽ có thêm nhiều đối thoại chuyên sâu về các hoạt động ESG hiệu quả trong tương lai. Đồng thời, tôi cũng muốn thấy các doanh nghiệp tích hợp ESG vào các hoạt động kinh doanh và chiến lược đầu tư, dù các khoản vốn đó không hoàn toàn tập trung vào ESG hay tạo tác động xã hội.

Hiện nay, bối cảnh đầu tư ở Việt Nam đang có xu hướng phát triển nhanh chóng. Tôi mong sẽ có nhiều thương vụ đầu tư ESG đáp ứng được các kế hoạch hành động, luật pháp và quy định trong nước và quốc tế. Để đạt được điều này thì cần chính phủ và khu vực tư nhân trao đổi và hợp tác chặt chẽ hơn.

Dù chính sách đóng vai trò định hướng chiến lược đầu tư, nhưng chính các nhà đầu tư và doanh nghiệp cũng cần tham gia đề xuất ý tưởng và góp ý cho chính phủ để xây dựng phương án thu hút vốn hiệu quả, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế chung.

Mimi Vu: Raise Partners sẽ tiếp tục kết nối với các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và các bên liên quan để chia sẻ về những thách thức và cơ hội hiện nay, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác và đầu tư.

Đặt mục tiêu thúc đẩy Việt Nam phát triển toàn diện về xã hội, văn hóa, kinh tế và môi trường, Raise Partners sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp ESG, góp phần xây dựng tương lai bền vững và bền bỉ cho đất nước.

Về Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam 2024

Do Vietnam Innovators by Vietcetera và Raise Partners đồng tổ chức, hội nghị đã mang đến những cuộc đối thoại và câu chuyện ESG mang tính chuyên môn cao và hữu ích từ các chuyên gia, nhà đầu tư, lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện từ các tổ chức chính phủ quốc tế, và các công ty khởi nghiệp startup định hướng ESG trong và ngoài nước.

Thời gian: 8:30 AM - 4:30 PM, ngày 16-17/05/2024
Địa điểm: Khách sạn New World Saigon Hotel - 76 đường Lê Lai, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Thông tin chi tiết về sự kiện: tìm hiểu thêm tại ĐÂY

Chân thành cảm ơn các nhà tài trợ: Dynam Capital and Vietnam Holding (Title Sponsor), Australian Department of Foreign Affairs and Trade (Leading Government Partner), British University Vietnam, HSBC Vietnam (Major Sponsor), New World Saigon Hotel (Venue Sponsor), S&P Global, DEEP C Industrial Zones (Expert Content Partner), Vero Asean (Official Communications Partner), Aden Services (Booth Sponsor),Eurocham, Nordcham, and AmCham (Promotional Partner), Marou, Cricket One and Every Half Coffee (In-Kind Partners).


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất