Yếu tố ESG có ảnh hưởng gì tới tương lai khí hậu Việt Nam?

Chuyển đổi theo hướng xanh hoá không còn là lựa chọn, mà là xu hướng bắt buộc của Việt Nam.
Agnes Alpuerto
Nguồn: Vietcetera

Nguồn: Vietcetera

Phiên thảo luận chuyên sâu thứ ba thuộc chuỗi sự kiện Vietnam Innovators Summit tập trung khai thác chủ đề tương lai của khí hậu Việt Nam và vai trò của chiến lược ESG trong quá trình xanh hoá của đất nước. Phiên thảo luận diễn ra tại The Sentry và được dẫn dắt bởi Michele Wee - CEO của Standard Chartered Vietnam. Tham gia thảo luận có sự góp mặt của Don Lam (VinaCapital), Holly Bostock (Heineken Vietnam), Masuko Yosuke và Sanae Takasugi (Pizza 4P’s), và Gricha Safarian (Puratos Grand-Place Indochina).


Việt Nam là một trong những quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, và cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong khu vực. Các nhà khoa học và môi trường học đã nhiều lần cảnh báo rằng Việt Nam sẽ phải đối mặt với thiệt hại kinh tế nặng nề nếu không kiểm soát được tác động của biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Ngay sau đó, Việt Nam đã có những nỗ lực tích cực và triển khai nhiều hành động thiết thực nhằm hiện thực hoá các mục tiêu của mình. Tại COP27 năm nay, Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết giảm phát thải ròng như đã đề ra trong COP26.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng ngày càng đề cao tính bền vững trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. Vào tháng 9 vừa qua, đơn vị sản xuất ô tô điện VinFast đã công bố tham gia Cam kết Khí hậu toàn cầu “The Climate Pledge” (TCP). Đây là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên tham gia TCP.

Tuy nhiên, xây dựng một kế hoạch phát triển bền vững chung cho tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội là điều không tưởng. Mỗi ngành nghề từ nông nghiệp, sản xuất, xây dựng cho đến F&B đều có những đặc thù riêng và vì thế, cần phải lên chiến lược cụ thể cho từng ngành. Ngoài ra, quá trình "xanh hoá" còn cần một nguồn tài trợ khồng lồ.

"Để đạt được cam kết mức phát thải ròng bằng 0, Việt Nam sẽ cần hơn 300 tỷ đô la Mỹ" - ông Don Lam, Partner của quỹ đầu tư VinaCapital Group cho biết.

"Tôi cũng có mặt tại COP26 cùng với Thủ tướng Chính phủ. Phái đoàn khi đó rất bất ngờ khi ngài thủ tướng tuyên bố cam kết Việt Nam sẽ đạt giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nhưng chúng tôi cũng rất tự hào vì đất nước đã chủ động tích cực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu" - ông Don Lam nói.

VinaCapital có những khoản đầu tư trị giá hàng triệu đô la vào các công ty Việt đề cao tính bền vững và nỗ lực xanh hoá. Trong số 60 công ty thuộc danh mục đầu tư của VinaCapital có SkyX Solar - nhà phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái, hướng tới trở thành đối tác năng lượng xanh của các doanh nghiệp thương mại và công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam.

Hiện VinaCapital đã đầu tư ít nhất 1 tỷ đô la Mỹ vào các sáng kiến thân thiện với môi trường và đang thực hiện một dự án trị giá 3,3 tỷ USD nhằm chuyển đổi một nhà máy nhiệt điện than thành một nguồn năng lượng tái tạo.

"Chúng tôi luôn hướng các công ty trong danh mục đầu tư của mình áp dụng các yếu tố ESG trong vận hành. Chỉ có như vậy họ mới tồn tại được. Đồng thời, để VinaCapital có thể thực hiện cam kết phát triển bền vững của mình thì trước tiên phải có sự đồng lòng của các công ty thuộc danh mục đầu tư."

ESG, viết tắt của Environmental (Môi trường), Social (Xã hội), và Governance (Quản trị doanh nghiệp), là tiêu chuẩn đo lường các yếu tố về chính sách doanh nghiệp liên quan đến phát triển bền vững và trách nhiệm với cộng đồng.

Tuy nhiên, ông Don cho biết quá trình thuyết phục các danh mục đầu tư thay đổi theo hướng bền vững thường vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp do gia đình sở hữu. Đây là những doanh nghiệp đã quá quen thuộc với mô hình kinh doanh truyền thống vì vậy họ rất ngại thay đổi.

"Những doanh nghiệp này có suy nghĩ rằng 'không ai quan tâm đến những vấn đề trên'. Thế nên chúng tôi sẽ tìm cách tiếp cận với thế hệ nối nghiệp tiếp theo, thường là con cái của nhà sáng lập doanh nghiệp, và thuyết phục họ. Đây là cách hiệu quả nhất."

Để đạt mức phát thải ròng bằng 0, Việt Nam phải trải qua một cuộc chuyển đổi lớn về kinh tế và xã hội, ảnh hưởng tới hàng triệu người dân và các ngành công nghiệp. Vì thế, cần phải suy xét và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào. Nhưng dù các doanh nghiệp trong nước không chủ động chuyển đổi và thực hiện ESG, thì Việt Nam cũng sẽ chịu tổn thất kinh tế rất lớn, ảnh hưởng tới hơn 50% GDP cả nước.

"Chuyển đổi theo hướng xanh hoá không còn là lựa chọn, mà là xu hướng bắt buộc của Việt Nam" - ông Don khẳng định.

Hành động thiết thực

HEINEKEN là một trong những doanh nghiệp tư nhân có nỗ lực tích cực và hành động quyết liệt để hiện thực hoá tham vọng bền vững tại Việt Nam. Công ty sản xuất bia này luôn nằm trong top 3 doanh nghiệp bền vững nhất suốt sáu năm liền.

Cả sáu nhà máy bia của HEINEKEN tại Việt Nam đều sử dụng năng lượng sinh khối và hướng tới mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2025 – sớm hơn 5 năm so với mục tiêu của tập đoàn HEINEKEN Global. Hơn nữa, HEINEKEN Việt Nam cũng tự hào khẳng định các nhà máy trong nước đã đạt mục tiêu không còn rác thải chôn lấp từ năm 2021.

Bà Holly Bostock, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao của HEINEKEN Việt Nam cho biết: "Chúng tôi cũng thông báo tiến tới việc bù hoàn 100% nước sử dụng trong quá trình sản xuất vào năm 2025. Điều này nghĩa là công ty sẽ hoàn trả lại thiên nhiên lượng nước bằng với lượng nước trong toàn bộ sản phẩm. Hiện tại chúng tôi đang nỗ lực trồng rừng và bảo tồn nguồn tài nguyên nước để có thể đạt được mục tiêu này."

"Chúng tôi cần phải lên kế hoạch, mục tiêu, chiến lược cụ thể và đủ can đảm để công bố mục tiêu của mình ngay cả khi chúng tôi không chắc có thể thực hiện được hay không. Khi đã công khai mục tiêu rộng rãi, bạn sẽ có động lực hành động hơn" - bà Holly nói thêm.

Ngoài duy trì sản xuất 12 triệu lon bia mỗi ngày, HEINEKEN Việt Nam còn nỗ lực khuyến khích 3.000 nhân viên và 46 công ty thuộc hệ sinh thái của mình tham gia vào các mục tiêu bền vững của doanh nghiệp. HEINEKEN Việt Nam đã thành lập riêng một bộ phận chuyên về phát triển bền vững. Bộ phận này sẽ đặt ra các nguyên tắc quản trị rõ ràng và đưa ra các đánh giá chiến lược về những gì doanh nghiệp đã đạt được và những gì cần làm tiếp theo để hướng tới mục tiêu bền vững.

Với chuỗi nhà hàng nổi tiếng Pizza 4P's, cần đi từ những bước tiến nhỏ để đạt được những bước nhảy vọt về phát triển bền vững. Từ khi mở cửa nhà hàng đầu tiên ở Sài Gòn vào năm 2011, sứ mệnh và hoạt động của Pizza 4P's luôn xoay quanh hai chữ "bền vững". Suốt 11 năm phát triển, chuỗi nhà hàng không ngừng lan toả hạnh phúc tới thực khách thông qua những món ăn và sản phẩm F&B của mình. Đồng thời, Pizza 4P's còn mở những địa điểm kết hợp giữa học tập và giải trí để khách có thể đến và tìm hiểm về phát triển bền vững.

"Với chúng tôi, áp dụng các yếu tố ESG không phải là trách nhiệm, mà là một thành phần cơ bản trong chiến lược kinh doanh" - Sanae Takasugi, Phó Giám đốc Điều hành của Pizza 4P's chia sẻ. Chuỗi nhà hàng có khu vực phân loại rác thải ngay trong nhà bếp, hướng tới thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và chứng minh cho khách hàng thấy bằng những hành động thiết thực.

Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Pizza 4P's - Masuko Yosuke kể lại câu chuyện khởi đầu của Pizza 4P's. Đó là khi anh cảm nhận được một niềm hạnh phúc khác lạ khi nướng bánh pizza trên chiếc lò đốt củi tự làm, là khi anh nhận ra mục đích chính của doanh nghiệp là mang lại giá trị cho xã hội. Đây là lý do tại sao tất cả các quy trình và chuỗi cung ứng của Pizza 4P's đều tuân theo quy tắc bền vững.

Masuko cũng tự nhận định Pizza 4P's vẫn chưa có một hành động thực sự thiết thực nào để hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 trong hoạt động kinh doanh, nhưng họ đang tích cực tìm cách thức và công cụ để hiện thực hoá mục tiêu này.

"Chúng tôi đang tìm kiếm những đối tác để tiếp tục hiện thực hoá các mục tiêu bền vững. Chúng tôi luôn cố gắng và cẩn thận từng chút một để đảm bảo không làm điều gì gây nguy hại đến môi trường" - Sanae đồng quan điểm với Masuko.

Gricha Safarian - Nhà sáng lập Puratos Grand-Place Indochina, chia sẻ cách ông tiếp cận với chuỗi cung ca cao và chocolate ở Việt Nam. Ông Gricha nhấn mạnh rằng "ngành công nghiệp ngọt ngào" này là một trong những chuỗi cung ứng khắc nghiệt và lạm dụng lao động nhất trên thế giới.

"Khoảng 25 năm trước, chúng tôi thành lập Puratos nhằm mang đến giải pháp sáng tạo và đột phá cho chuỗi cung ứng ca cao, giải quyết các vấn đề về quản lý chất lượng, trồng rừng và sử dụng lao động trong ngành công nghiệp ngày. Hiện tại chúng tôi là cái tên dẫn đầu trong xu hướng sản xuất chocolate bền vững" - ông Gricha chia sẻ.

Gricha cũng là nhà đồng sáng lập đồng sáng lập trung tâm Sáng tạo đột phá (Center for Disruptive Innovation) - một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu vì một tương lai bền vững và tốt đẹp hơn cho ngành cung ứng ca cao.

"Mục tiêu sau cùng của chúng tôi không phải là lợi nhuận. Chúng tôi muốn khuyến khích và truyền động lực cho những người tiêu dùng và công ty đang nỗ lực phát huy tính bền vững. Hiện nay người dùng ngày càng chú ý đến các hoạt động của doanh nghiệp, và chuyển sang ủng hộ các doanh nghiệp có những đóng góp tích cực cho môi trường."

"Việc chuyển đổi mô hình kinh doanh thông thường sang mô hình lấy phát triển bền vững làm trọng tâm nên được nhìn nhận như một khoản đầu tư. Nếu bạn bắt đầu cuộc chơi càng muộn, bạn sẽ càng tiêu tốn nhiều hơn. Thế nên càng hành động sớm thì bạn càng có lợi thế cạnh tranh."

Một số hình ảnh trong phiên thảo luận thứ ba tại The Sentry:

Chuyển ngữ bởi Bích Trâm


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất