Ô nhiễm môi trường, đặc biệt là quá tải rác thải nhựa, hiện đang là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được tiêu thụ trên toàn thế giới, mỗi năm có đến 5000 tỷ túi nhựa thải ra môi trường, nhưng chỉ 9% trong số đó là được tái chế. Tại Việt Nam, lượng rác thải và bao bì nhựa được đưa đến bãi rác mỗi tuần luôn ở mức đáng báo động. Chỉ riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình có khoảng 80 tỷ tấn nhựa thải ra mỗi ngày.
Với mong muốn giảm thiểu lượng rác thải nhựa khó phân hủy bằng phương pháp bán hàng mới, Nguyễn Dạ Quyên – Giám đốc Công ty tư vấn quản trị cung ứng CEL Consulting, và Tống Khánh Linh (Helly Tống), đã sáng lập dự án Lại Đây Refill Station. Hãy cùng Vietcetera tìm hiểu về mô hình bán hàng “xanh” và những giải pháp môi trường bền vững mà hai nhà sáng lập đã luôn ấp ủ.
Nguyễn Dạ Quyên (trái) và Tống Khánh Linh (phải), hai nhà đồng sáng lập của dự án.
Hai chị có thể chia sẻ đôi chút về Lại Đây Refill Station với những ai chưa biết đến dự án được không?
Lại Đây Refill Station là một cửa hàng tiện dụng dành cho những bạn quan tâm tới lối sống xanh và bền vững. Bọn mình chuyên cung cấp các sản phẩm dành cho sinh hoạt và chăm sóc nhà cửa với nguyên liệu thân thiện với môi trường, dịch vụ “refill”— tức sang chiết và làm đầy sản phẩm của cửa hàng vào trong vật chứa có sẵn của khách hàng. Và cuối cùng là dịch vụ 5R— Reduce, Re-use, Recycle, Repair, Refuse — chẳng hạn như sửa chữa những món đồ lâu năm để tăng thời hạn sử dụng, giới thiệu các giải pháp giảm lượng rác thải cho văn phòng, tổ chức sự kiện và các bữa tiệc gia đình, hay chương trình “Chia sẻ xanh và Tái sử dụng” để người tiêu dùng có thể trao đổi các vật dụng mà bản thân mình không cần nữa.
Lại Đây Refill Station là một giải pháp nhỏ trong thói quen sinh hoạt hàng ngày nhằm góp phần giảm lượng bao bì nhựa sử dụng một lần.
Sản phẩm bày bán tại cửa hàng có điểm gì khác biệt và thỏa mãn tiêu chí bền vững ra sao?
Danh mục đồ dùng trong nhà, cá nhân, và mang đi của Lại Đây đều làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường. Không chỉ cam kết về chất lượng sản phẩm, bọn mình còn đảm bảo về tính minh bạch của thông tin sản phẩm. Cụ thể, các sản phẩm hợp tác thương mại phải hoàn toàn nói không với bao bì nhựa dùng một lần. Lại Đây cũng ưu tiên làm việc với những nhà cung cấp có vị trí địa lý gần nhất với cửa hàng nhằm giảm thiểu lượng CO2 thải ra môi trường trong quá trình vận chuyển.
Lại Đây Refill Station, trạm dừng chân cho những ai quan tâm tới lối sống xanh.
Hiện nay, Lại Đây chỉ đảm bảo được các mặt hàng có 75% xuất xứ Việt Nam, do chúng ta còn nhiều hạn chế trong công nghệ và kỹ thuật. Nhưng trong tương lai gần, bọn mình hy vọng có thể giới thiệu đến người tiêu dùng những sản phẩm vừa 100% xuất xứ từ Việt Nam, vừa có thiết kế đáp ứng phong cách sống bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.
Lợi ích của việc mua sắm tại Lại Đây Refill Station là gì?
Bọn mình muốn giới thiệu và nhân rộng cách “đi chợ kiểu mới”, mà trong đó sản phẩm không nhất thiết cần đóng gói sẵn. Người tiêu dùng chỉ cần mang chai lọ, giỏ đựng có sẵn của mình đến cửa hàng để lấy đủ lượng sản phẩm cần dùng và thanh toán dựa trên đó. Phương pháp này vừa giúp tiết kiệm chi phí đóng gói bao bì, vừa giảm lượng rác thải trong hoạt động tiêu dùng cá nhân.
Lại Đây Refill Station giới thiệu “đi chợ kiểu mới” giúp tiết giảm bao bì nhựa đóng gói.
Bọn mình sẽ giảm 2% trên tổng hóa đơn của những khách hàng thực hiện phương pháp đi chợ này, như một cách để khuyến khích mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường, bắt đầu từ việc thay đổi những thói quen nhỏ nhất.
Lại Đây Refill Station cũng chăm chút cho những khách hàng không có cơ hội trực tiếp đến cửa hàng.
Đúng vậy. Bạn có thể đăng gói dịch vụ Refill tận nơi theo tháng, chọn sản phẩm và thời gian giao nhận, sau đó các Cô Tấm của bọn mình sẽ vận chuyển đến cho bạn. Lại Đây đã liên hệ với Chi hội Phụ nữ tại các địa phương với mong muốn hỗ trợ lao động nữ tự do và các chị em nội trợ. Vì vậy, mỗi đơn hàng của bạn là thêm một cơ hội để các Cô Tấm địa phương kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể chọn mua và đặt các sản phẩm đồ dùng trong nhà, cá nhân, và mang đi trên website của Lại Đây.
Tại sao mô hình và dịch vụ của Lại Đây Refill Station lại cần thiết với thị trường Việt Nam?
Phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện đang kinh doanh theo mô hình kinh tế tuyến tính (linear economy), tức là sản xuất – tiêu dùng – vứt đi. Vì vậy, hầu hết các sản phẩm mà người tiêu dùng mua về đều sẽ bị vứt bỏ bao bì sau khi được sử dụng. Vấn đề hiện nay nằm ở chuyện các vật liệu làm ra những sản phẩm đó sẽ phải mất vài trăm năm thì mới phân hủy hết, khiến lượng rác thải ra môi trường tích tụ ngày càng nhiều theo từng năm.
Những năm gần đây, khái niệm kinh tế tuần hoàn (circular economy) trở thành một giải pháp phù hợp hơn, với ưu điểm là tái sử dụng, tái chế, và sửa chữa, nhằm nâng cao tuổi đời của các vật dụng trong cuộc sống. Người tiêu dùng Việt cũng đã bắt đầu quan tâm đến các sản phẩm có tính năng tái sử dụng hoặc làm đầy trở lại. Nhưng hiện nay chưa có nhiều doanh nghiệp áp dụng mô hình đó. Lại Đây Refill Station hy vọng có thể góp một phần nhỏ bé để việc tìm kiếm và ủng hộ các sản phẩm sống xanh trở nên dễ dàng hơn tại Việt Nam.
Thử thách lớn nhất mà Lại Đây Refill Station tự đặt ra cho mình là gì?
Đó chính là thay đổi nhận thức và thói quen của người tiêu dùng về lối sống xanh và bền vững, vốn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Nếu không thể thay đổi nhận thức của mọi người, thì dù bọn mình có bán sản phẩm tốt nhất, khách hàng vẫn sẽ quay về với thói quen cũ. Đặc biệt khi các sản phẩm nhựa tiện lợi và tiết kiệm hơn rất nhiều.
Vậy nên, bọn mình chọn bắt đầu Lại Đây với những sản phẩm thiết yếu nằm trong thói quen sinh hoạt nhỏ nhất hàng ngày, từ đó chắc chắn sẽ có những sự thay đổi mang ảnh hưởng lớn hơn. Cả hai đều biết, làm trong lĩnh vực trách nhiệm xã hội và môi trường thì chắc chắn không thể “ăn xổi ở thì”, mà cần có tầm nhìn xa và thời gian dài.
Khó khăn lớn nhất là phải thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, bởi đây vẫn còn là một mô hình mới mẻ tại Việt Nam.
Bên cạnh các sản phẩm và dịch vụ tại cửa hàng, hai chị còn có những hoạt động gì để tăng cường và nhân rộng lối sống xanh đến với cộng đồng?
Bọn mình từng tổ chức phiên chợ Lại Đây Mua Đồ Cũ, quy tụ hơn 50 gian hàng bày bán các mặt hàng thời trang, phụ kiện, và nội thất tuy đã qua sử dụng nhưng vẫn còn mới. Cùng với đó là giới thiệu cẩm nang Quản lý Du lịch bền vững đến với các khách sạn, cẩm nang Tổ chức Sự kiện “xanh”, hướng dẫn hoạt động nhặt rác hiệu quả cho các chương trình nhân ngày Thế giới Dọn dẹp (World Clean Up Day), và chia sẻ thông tin về bảo vệ môi trường thông qua các tập “Chuyện của Nilon“.
Việc cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường là trách nhiệm của cả cộng đồng. Tuy mọi nỗ lực còn phụ thuộc rất lớn vào chính sách của Nhà nước, giáo dục nhận thức từ phía nhà trường và gia đình, cùng nỗ lực từ phía các doanh nghiệp sản xuất, nhưng điều đó không đồng nghĩa là mỗi cá nhân trong chúng ta chỉ cần khoanh tay đứng ngoài chờ đợi. Bọn mình luôn quan niệm rằng, Lại Đây Refill Station là cách thể hiện trách nhiệm của chúng ta với thế hệ tương lai, bằng những việc làm trong tầm tay ở thời điểm hiện tại.
Lại Đây Refill Station có dự định mở rộng mô hình của mình các tỉnh thành khác hay không?
Bọn mình vẫn cần cân nhắc xem việc mở rộng kinh doanh có ảnh hưởng đến môi trường hay không, chẳng hạn khi bàn đến mức độ gây ô nhiễm không khí từ các hoạt động logistic và giao nhận hàng. Sau đó thì mới tính đến việc mở rộng các trạm. Đơn giản vì bọn mình quan niệm, nếu không thể là một phần của giải pháp khắc phục vấn đề, thì đừng làm cho nó trở nên tồi tệ hơn.
Xem thêm:
[Bài viết] Thời trang bền vững – Phần 1: Những tiềm năng cần phát triển