Hồi còn học đại học, có một lần thầy Linh* đứng trước lớp (đa phần là nữ) và nhẹ nhàng dặn dò: “Sau này, đâu đó trên bước đường sự nghiệp, các em sẽ gặp phải những người đàn ông cố tình khiến các em sợ hãi. Họ sẽ nói với các em rằng các em đáng giá bao nhiêu. Hoặc các em có thể, hay không thể làm điều gì. Nhưng đừng để bất kỳ điều gì họ nói lay chuyển các em, đừng để họ “gắn mác” các em. Đừng thu mình lại với lý do mình là phụ nữ, mình sẽ không làm được.” Cả lớp ngạc nhiên nhìn nhau, ít ai hiểu được tại sao thầy lại nói ra điều này, Linh cũng vậy.
Nhiều năm sau khi tốt nghiệp và đi làm, Linh mới dần thấm thía câu nói của thầy ngày nào. Khoảng thời gian đi làm khiến Linh nhận ra phụ nữ có nhiều lý do [chủ quan và khách quan] khiến họ khó có thể thích nghi và thăng tiến trong sự nghiệp hơn là đàn ông.
Dưới đây là một số trải nghiệm và bài học mà Linh, một chuyên viên nghiên cứu thị trường, rút ra trong quá trình đi làm của mình. Chia sẻ để các bạn nữ có thêm kinh nghiệm và cảm thấy tự tin hơn, nếu có lúc nào đó bạn cảm thấy rằng mình là người “duy nhất”.
Học cách giữ bình tĩnh, dù đôi khi bạn là người “duy nhất”
Mọi thứ đều phải học, kể cả việc giữ bình tĩnh, việc chấp nhận mình là “thiểu số” trong một số trường hợp, và chiến thắng nỗi sợ bằng cách đối diện với nó.“Làm được khoảng một năm, cấp trên giao cho mình một dự án khảo sát thị hiếu tiêu dùng cà phê của giới trẻ, khách hàng là một chuỗi cà phê lớn với hệ thống cửa hàng trong phạm vi cả nước. Là một người trẻ, đặc biệt có hứng thú với cà phê, đặc biệt là cà phê đặc sản, mình vừa vui vừa hồi hộp nhận dự án này. Tham gia với mình còn có hai đồng nghiệp nam khác. Thời điểm đó công ty ít người, nhiều dự án, nên mình gần như đảm đương toàn bộ dự án này.” Linh kể.
“Thế là mình dành cả tháng trời rong ruổi hết các quán cà phê lớn nhỏ, lặng lẽ ngồi quan sát các bạn trẻ xem họ đang ưa chuộng loại thức uống gì. Thời gian còn lại mình khảo sát trên mạng xem ở nước ngoài xu hướng nào đang lên ngôi, và bao lâu sau thì Việt Nam mới đón đầu các xu hướng đó…
Sau đó mình tổng hợp toàn bộ thông tin lại, chuẩn bị nội dung trình chiếu và thuyết trình. Gần tới ngày gặp mặt khách hàng, mình mới chia sẻ nội dung với hai bạn nam kia để cùng thuyết trình. Mọi thứ diễn ra rất suôn sẻ, cho đến một ngày trước ngày thuyết trình, mình phát hiện ra mình là cô gái duy nhất trong phòng họp đó!”
“Cả đêm đó mình đã không ngủ được. Mình–một cô gái vừa chập chững vào nghề–ngày mai sẽ đứng thuyết trình trong một phòng họp mà tất thảy đều là nam. Họ là sếp mình, là các anh đồng nghiệp, và khách hàng–Giám đốc chiến lược của một hãng cà phê lớn. Tất cả họ đều giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm, và đều… ăn to nói lớn, chỉ nghĩ đến đó thôi là mình đã cảm thấy sợ hãi. Sợ mọi ánh mắt đổ dồn hướng mình, sợ mình nói sai, sợ người ta to tiếng phản bác ý kiến của mình, và sợ một nỗi sợ nào đó rất vô hình, chỉ vì mình là nữ. Mình cũng không hiểu tại sao tại thời điểm đó mình lại có nhiều nỗi sợ như vậy nữa…”
“Thế rồi cậu làm gì?” – Tôi hỏi Linh.
“Mình nhắc nhở bản thân rằng: Mình không đi đến đây, để rồi chỉ dừng ở đây!” Giọng nói và ánh mắt của Linh trở nên dứt khoát hẳn. “Ngày hôm đó, mình đã thuyết trình với một chất giọng run run, mình đã sợ đến mức nói nuốt cả chữ. Mọi người đã trố mắt nhìn vì không hiểu sao mình nói nhanh đến vậy. Nhưng cuối cùng, mình vẫn hoàn thành bài thuyết trình đó. (Cười)
Từ lần đó, mình học được cách đương đầu với nỗi sợ, bởi vì mình không cho phép mình dừng bước chỉ vì sợ. Mình cũng thôi không còn cảm thấy lạc lõng chỉ vì mình là người phụ nữ “duy nhất” trong phòng họp. Mình nhận ra mọi thứ đều phải học, kể cả việc giữ bình tĩnh, việc chấp nhận mình là “thiểu số” trong một số trường hợp, và chiến thắng nỗi sợ bằng cách đối diện với nó. Bây giờ, không phải là mình không còn sợ nữa, chỉ là mình không để nỗi sợ “gặm nhấm” mình.”
Đừng quá quan tâm đến những hành vi gây hấn, hay lời phê phán, nhận xét của người khác
Đừng để bất kỳ điều gì họ nói lay chuyển các em, đừng để họ “gắn mác” các em. Đừng thu mình lại với lý do mình là phụ nữ, mình sẽ không làm được.Sếp giao cho Linh một dự án lớn, đó là phát triển một gói dịch vụ nghiên cứu mới cho công ty. Một đồng nghiệp nam hơn Linh hai mươi tuổi, nhìn thẳng vào mặt Linh, rồi quay lại hỏi sếp: “Cô này đã làm được gì nổi bật mà anh nghĩ cô ấy đủ sức kham dự án này?”
“Mình luôn biết anh ta coi mình như một con nhóc để sai vặt, nhưng mình không nghĩ có ngày anh ta biểu lộ điều đó trước mặt mọi người một cách hiển hiện như vậy!” – Linh kể lại.
“Chuỗi ngày sau đó, mình đã làm việc dưới những áp lực chồng chất. Áp lực vì làm những việc mình chưa làm bao giờ. Áp lực vì anh ta không ngừng gây hấn, hoặc là anh ta giao việc cho mình dù biết mình đang làm một dự án lớn, hoặc là anh ta giới thiệu với sếp mình những người mà anh ta nghĩ là có khả năng hơn mình. Anh ta làm mọi thứ để mình hiểu rằng mình không có quyền hạn, và mình chẳng là ai ở đây cả.”
“Thế rồi cậu làm gì?” – Tôi lại hỏi Linh.
“Đúng hơn là sếp mình đã làm gì?” Linh cười. “Đỉnh điểm là một tuần trước khi ra mắt dịch vụ mới, anh đồng nghiệp đó nhất quyết đề nghị sếp trì hoãn việc ra mắt. Sếp gọi cả mình và anh ta vào phòng và nói: “Tôi không hiểu vì sao anh cứ tìm đủ mọi cách để cản trở Linh làm việc của cô ấy. Tôi chỉ muốn nói một lần cuối rằng, ở công ty này, mọi người đều có quyền được phát triển bản thân như nhau, bất kể họ là nam hay nữ, già hay trẻ. Anh đừng can thiệp vào những dự án mà tôi không giao cho anh, hãy cứ làm tốt phần việc của anh thôi.”
“Thế đấy! Không nên đánh đồng nam giới. Chỉ có những người cổ hủ mới nghĩ sự thăng tiến của bạn cản trở bước đường của họ, và họ sẽ tìm mọi cách để khiến bạn tin rằng bạn không đủ năng lực. Những “quý ông” thực thụ sẽ không bao giờ làm như vậy, thầy mình và sếp mình là những ví dụ điển hình.” – Linh cười.
Đi làm là để phát triển bản thân, chứ không phải để kiếm tìm sự công nhận từ người khác
Không có đường tắt, cũng không có sự công nhận từ một ai là quan trọng đến vậy.“Từng có lúc em ước giá như mình là một người đàn ông, có lẽ mọi thứ sẽ dễ dàng hơn. Em có thể đứng ngoài ban công hút thuốc để kết thân với mấy anh đồng nghiệp. Em có thể uống rượu để bàn chuyện công việc trên bàn nhậu với mấy đối tác. Và em có thể đi đánh golf với cấp trên vào dịp cuối tuần. Em thấy có nhiều anh trai làm vậy và thăng tiến nhanh lắm.” – Linh kể cho tôi nghe về lời ước của một cô em đồng nghiệp của Linh trong công ty.
“Vậy, cậu trả lời cô bé thế nào?” – Tôi cười. Sau một vài câu chuyện, tôi gần như đã đoán được đáp án của Linh.
“Mình nói với em đó không phải là vấn đề. Vấn đề là em có đủ cầu tiến, đủ chăm chỉ, đủ nghiêm túc với công việc của em hay không mà thôi. Mình cũng từng như em, muốn được mọi người công nhận năng lực, đặc biệt là cấp trên. Nhưng sau này mình nhận ra việc tìm kiếm sự công nhận của người khác chỉ khiến bản thân mệt mỏi thêm mà thôi.
Thay vào đó, cứ xác định rõ mục tiêu phát triển của bản thân, bạn muốn học gì, muốn có thêm kinh nghiệm gì, kỹ năng gì. Khi bạn tự tin mình có tất cả những kỹ năng cần thiết để chinh phục một vị trí nào đó, thì dù ở công ty này hay công ty khác, bạn cũng sẽ tìm được chỗ đứng cho riêng mình. Không có đường tắt, cũng không có sự công nhận từ một ai là quan trọng đến vậy.”
*Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.
Leflair là trang web đầu tiên tại Việt Nam giới thiệu đến người mua những thương hiệu hàng đầu thế giới với mức giá hấp dẫn. Hoài bão lớn hơn của chúng tôi là mang sản phẩm hàng hiệu với mức giá tốt nhất đến tay người tiêu dùng trên toàn khu vực Đông Nam Á. Leflair mong muốn trở thành điểm đến số 1 cho nhu cầu mua sắm hàng hiệu trực tuyến tại Việt Nam.
Hình ảnh được thực hiện bởi Trà Nhữ.
Xem thêm:
[Bài viết] Đam mê, sự nghiệp và tình cảm - Phụ nữ hiện đại nói gì?
[Bài viết] Nhận diện ‘sếp xấu tính’ và ‘sếp khó tính’