10 Mặt trái của việc phát triển thương hiệu cá nhân | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
25 Thg 12, 2023

10 Mặt trái của việc phát triển thương hiệu cá nhân

Nếu bạn quan tâm đến việc phát triển cá nhân một cách bền vững thì cùng mình bàn luận về những mặt trái của thương hiệu cá nhân nhé.
10 Mặt trái của việc phát triển thương hiệu cá nhân

Nguồn: Ron Lach/ Pexels

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà người nổi tiếng không còn chỉ được "tạo ra" bởi các công ty giải trí, truyền thông.

Khi ai cũng có thể mở cửa cho cả thế giới biết cuộc sống từng phút, từng giờ của mình đang diễn ra thế nào, thì việc xây dựng thương hiệu cá nhân dường như đã trở thành một điều bình thường. Mục đích có thể không phải để trở nên nổi tiếng mà là để "chuyên nghiệp" hơn, hay kết nối với nhiều người có cùng giá trị hơn.

Và đúng là có thương hiệu cá nhân mạnh mang đến cho chúng ta rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, là một người cũng bắt đầu việc xây dựng thương hiệu cá nhân được một thời gian, mình nghĩ việc này có những điều bất cập, từ cấp độ cá nhân đến cấp độ tổ chức, xã hội. Nhất là khi việc xây dựng thương hiệu cá nhân đang được khuyến khích ồ ạt.

Nếu bạn quan tâm đến việc phát triển cá nhân một cách bền vững thì cùng mình bàn luận về những mặt trái của thương hiệu cá nhân nhé.

Thương hiệu cá nhân có thể được hiểu theo những nghĩa nào?

Ở bài viết "Khi nào biết mình sẵn sàng cho sự nghiệp thứ 2?" mình định nghĩa thương hiệu cá nhân bền vững là khi bạn sống thật theo cách mà mình muốn và có thu nhập từ cách mà mình sống.

Khi tìm hiểu thêm về chủ đề này, mình cũng rất đồng tình với một định nghĩa khác. Đó là, thương hiệu cá nhân là giao điểm giữa cách bạn nhìn nhận bản thân và cách người khác nhìn nhận bạn.

Hai định nghĩa này giống nhau thế nào?

Chúng đều nhấn mạnh về việc thể hiện bản thân.

Định nghĩa thứ nhất nói về việc sống thật với chính mình, còn định nghĩa thứ hai nói về cách bạn nhìn nhận bản thân như thế nào. Và để sống thật, mình nghĩ chúng ta phải nhìn nhận bản thân một cách đúng đắn trước.

Ngoài ra, cả hai định nghĩa đều ghi nhận tầm quan trọng của việc nhận thức từ người khác. Định nghĩa thứ hai trực tiếp đề cập đến cách người khác nhìn nhận bạn, trong khi định nghĩa thứ nhất ngầm hiểu rằng để có thu nhập từ cách sống của mình thì bạn phải được người khác nhìn nhận và đánh giá cao cách sống đó.

Ví dụ, Hoàng là một tác giả tự do. Anh ấy chọn viết những chủ đề mình thực sự quan tâm và có kinh nghiệm, thay vì viết những chủ đề chạy theo xu hướng nhưng lại không có chút hiểu biết gì về nó. Khi đăng tải những bài blog như vậy lên mạng xã hội, anh bắt đầu có nhóm bạn đọc trung thành vì thông qua các bài blog đó họ thấy thích cách anh thể hiện suy nghĩ cũng như cách anh sống.

Vậy còn điểm khác nhau?

Theo cách hiểu của mình thì 2 định nghĩa được nhắc bên trên khác nhau về cách đặt mục tiêu và định hướng.

Quay lại ví dụ về anh Hoàng, tác giả tự do bên trên. Trong viết lách anh tập trung vào việc truyền đạt niềm đam mê của mình một cách dễ hiểu và tạo ra nhiều giá trị cho bạn đọc nhất. Từ đó anh kiếm thêm thu nhập thông qua các cách khác, chẳng hạn như bán sách. Như vậy anh đang sống thật theo cách mình muốn và có thu nhập từ đó.

Tuy nhiên, khi tương tác trên mạng xã hội hay tham gia các sự kiện, anh ấy sẽ cân nhắc cách mình được người khác nhìn nhận và cách anh ấy tự nhìn nhận bản thân sao cho phù hợp. Điều này lại không liên quan gì tới mục tiêu kiếm thêm thu thập, mà chỉ đơn thuần là tạo dựng hình ảnh.

Như vậy, dù cả hai định nghĩa này đều nói đến việc thể hiện bản thân và tạo dựng hình ảnh cá nhân, nhưng định nghĩa thứ nhất có xu hướng tập trung vào mục tiêu cá nhân và sự tự do nhiều hơn. Nó nói về việc sống theo cách của mình và tìm được cách kiếm thêm thu nhập từ đó. Điều này nhắc nhở mình phải luôn có một mục tiêu cụ thể và thực tế thì mới có thể tạo ra được giá trị cho người nhận, rồi từ đó nhận lại giá trị kinh tế từ họ.

Trong khi đó, định nghĩa thứ hai nhấn mạnh đến việc cân bằng giữa nhận thức của chúng ta về bản thân và nhận thức của người khác về ta. Nó không nhất thiết liên quan trực tiếp đến các mục tiêu về thu nhập.

Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp bạn tự chọn ra một định nghĩa phù hợp với mình. Và dù là định nghĩa nào, mình nghĩ chúng cũng đều tồn tại những mặt trái hay thử thách tương tự nhau.

Với mình thì xây dựng thương hiệu cá nhân nghĩa là đang tạo ra ảnh hưởng đến với thế giới bên ngoài, vì thế để dễ theo dõi, mình sẽ xếp những mặt trái của nó theo các vòng tròn ảnh hưởng, mở rộng từ cá nhân, đến tổ chức và rộng hơn nữa là xã hội.

Với migravenh thigrave xacircy dựng thương hiệu caacute nhacircn nghĩa lagrave đang tạo ra ảnh hưởng đến với thế giới becircn ngoagravei vigrave thế để dễ theo dotildei migravenh sẽ xếp những mặt traacutei của noacute theo caacutec vograveng trograven ảnh hưởng mở rộng từ caacute nhacircn đến tổ chức vagrave rộng hơn nữa lagrave xatilde hội
Việc mình nêu lên những mặt trái không phải để bài trừ, hay xem nhẹ việc phát triển thương hiệu cá nhân, mà ngược lại là để thấy được những khó khăn khi ta chọn con đường phát triển bền vững.

Vòng tròn ảnh hưởng cá nhân

1. Áp lực phải duy trình hình ảnh cá nhân hàng ngày

Nghĩa là cứ mở mắt ra đã phải nghĩ tới việc nên duy trì thương hiệu cá nhân như thế nào, nhất là với những bạn chọn sáng tạo theo hướng đem mọi hoạt động trong ngày ra làm nội dung. Lúc đó sẽ có trường hợp: thay vì ăn trưa bình thường với món mình thích, ta lại chọn món ăn mình "phải" làm nội dung.

Lâu dần, ta biến mọi nhu cầu cá nhân thành công việc mà không nhận ra, khiến ta mất cân bằng giữa việc sống để sống và sống để làm.

Tuy nhiên nếu bạn chủ động muốn biến cuộc sống thành công việc hoàn toàn thì có lẽ không thể gọi đây là mặt trái.

2. Khi ta sống thật và chia sẻ quá nhiều lên mạng xã hội, chắc chắn sẽ không tránh khỏi việc bị soi mói và phán xét

Đây cũng là một thử thách không nhỏ về tinh thần cần phải vượt qua. Nếu bạn có tâm lý sợ bị người khác ghét thì lại càng dễ rơi vào vòng lẩn quẩn: ám ảnh với việc tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài, rồi đánh đổi sự chân thật chỉ để làm hài lòng người theo dõi.

3. Dễ bị phân tâm khỏi lộ trình phát triển đã vạch ra ban đầu

Nếu đang ở giai đoạn cần tập trung cho việc phát triển chuyên môn, mà ta còn làm thêm việc phát triển thương hiệu cá nhân thì rất dễ bị phân tâm.

Hay nguy hiểm hơn là trường hợp ta chưa có đủ chuyên môn, hay phát triển đủ năng lực để tạo ra các giá trị trực tiếp cộng thêm cho xã hội như sáng tạo đổi mới hay lao động sản xuất, thì đã vội đi tạo "ảnh hưởng" bằng cách tạo dựng hình ảnh giải trí. Dù rằng tính giải trí cũng là một giá trị riêng biệt, nhưng nếu không có năng lực thật sự sẽ khó mà tiến xa với ngành được.

4. Hình ảnh cá nhân chật chội so với con người thật

Như đã nói ở phần định nghĩa, mình tin "sống thật" là một cốt lõi của hành trình phát triển bản thân. Qua thời gian khi phát triển và hiểu hơn về bản thân, những điều mà ta thấy "thật" với mình đôi khi không còn (bó hẹp lại) như trước nữa. Nhưng khi đó chính ta, hay những người đang theo dõi ta trước nay có xu hướng chối bỏ sự thay đổi đó, vì họ đã quá quen thuộc với con người cũ của ta.

Mình thấy có một trường hợp rất phù hợp để làm ví dụ cho điều này, xin mạn phép được nhắc tới là bạn JVevermind, một vlogger đời đầu mà mình rất thích và theo dõi cho tới bây giờ. Chi tiết thế nào nếu bạn tò mò thì có thể tìm hiểu thêm hành trình thay đổi bản thân của bạn ấy ở trên mạng nhé.

Còn nếu bạn đang xây dựng thương hiệu cá nhân để đóng góp nhiều hơn cho tổ chức của mình, thì dưới đây sẽ là những điều mình nghĩ cần cân nhắc.

Vòng tròn ảnh hưởng đến tổ chức

5. Rủi ro khi một công ty/tổ chức bị phụ thuộc quá nhiều vào thương hiệu cá nhân của một, hoặc một số ít người

Trong thang đo mức độ trưởng thành của doanh nghiệp, thì cấp độ person dependence hay còn gọi là bị phụ thuộc vào một cá nhân là mức độ trưởng thành thấp nhất của tổ chức.

Nếu thương hiệu cá nhân của một, hoặc một số ít người đó là yếu tố chính tạo nên nguồn thu cho công ty, thì rủi ro cho sự tồn tại của công ty là vô cùng lớn khi họ rời đi.

6. Mất cân bằng về sự chú ý, công nhận, gây mất đoàn kết nội bộ

Trong một nhóm người, ai có thương hiệu cá nhân mạnh hơn thường sẽ được chú ý hơn, vô tình khiến những người khác bị lu mờ.

Điều này dễ dẫn tới khả năng gây mất đoàn kết và lệch đi sự công nhận cho mỗi cá nhân, rồi cũng từ đó có thể tạo ra sự xung đột lợi ích giữa cá nhân và tổ chúc.

Nguồn
Nguồn: cottonbro/ Pexels

Vòng ảnh hưởng đến xã hội

7. Khủng hoảng về số lượng lao động trí thức

Đây là góc nhìn chủ quan đến từ cá nhân mình. Mình nghĩ những công việc cần thương hiệu cá nhân nhiều như làm nội dung không hoàn toàn đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của xã hội như những công việc đòi hỏi tính sáng tạo đổi mới hay lao động sản xuất. Thế nhưng nó lại thường được khoác lên sự hào nhoáng quá đà làm cho các bạn trẻ với mong muốn thành công sớm, giàu sớm, bỏ bê học tập mà theo đuổi.

Về lâu dài nó có thể tạo ra sự khủng hoảng về số lượng lao động tri thức trong xã hội.

8. Gia tăng văn hoá so sánh thành tựu

Việc người người nhà nhà muốn phát triển thương hiệu cá nhân cũng dễ làm tăng thêm văn hóa so sánh thành tựu, thứ vốn đã nhức nhối bao năm nay trong văn hóa phương Đông. Ngày xưa thì con nhà người ta học giỏi, còn bây giờ thì "bằng tuổi mày nó đã nổi tiếng rồi kìa".

9. Tạo ra những chuẩn mực, hay định nghĩa thành công "ảo"

Ở thời đại của mạng xã hội, chúng ta thường nói chuyện với nhau bằng những con số. Bài mới đăng lên có bao nhiêu lượt tương tác? Người đó có bao nhiêu người theo dõi? Rồi thành công là phải có triệu views, hay thành công là phải có nhiều người theo dõi trên mạng xã hội.

Hệ lụy là ta dễ hình thành thói quen dùng con số để làm thang đo cho những việc lớn của đời người, mà với mình nó là tiêu chí đánh giá hết sức vô lý. Chẳng hạn như “20 tuổi rồi mà chưa kiếm được 200 triệu là thua kém thiên hạ” hay “30 tuổi vẫn còn đi xe số là thất bại”.

10. Làm người trẻ ám ảnh với việc phải trở nên "khác biệt"

Khi việc phát triển thương hiệu cá nhân được khuyến khích ồ ạt, mình nghĩ nó cũng vô tình khiến cho người trẻ bị ám ảnh với việc phải trở nên “khác biệt”, như cách một sản phẩm buộc phải có unique selling proposition - hay còn gọi lợi điểm cạnh tranh khác biệt.

Thế nhưng, khi cả xã hội ai cũng khác biệt thì chẳng ai khác biệt cả.

Mặt khác cũng không có hai người giống hệt nhau. Người ta thường cố gồng để trở nên thật ngầu, thật độc đáo để rồi cuối cùng, sự nỗ lực đó lại biến họ trở thành những phiên bản gần giống nhau.

Vậy nên, mình nghĩ chỉ cần sống thật từ một tư duy đúng đắn là đã tạo ra sự độc đáo ở mỗi cá nhân.

Hy vọng, những chia sẻ trên có thể giúp bạn chọn được một chiến lược phù hợp để phát triển thương hiệu cá nhân cho riêng mình.