6 Bí quyết giúp bạn đón nhận lời phê bình tích cực hơn | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
27 Thg 11, 2020

6 Bí quyết giúp bạn đón nhận lời phê bình tích cực hơn

Đón nhận phê bình, tâm lý của chúng ta sẽ có những phản kháng nhất định khiến việc tiếp thu khó khăn hơn cho bản thân.
6 Bí quyết giúp bạn đón nhận lời phê bình tích cực hơn

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.

Đối mặt với những lời phê bình là điều chúng ta không thể tránh trong quá trình hoàn thiện mình. Bản thân những lời phê bình không phải là vấn đề, mà cách mỗi người truyền đạt và đón nhận mới khiến chúng trở nên nặng nề. Nhất là khi con người dễ bị ảnh hưởng bởi thiên kiến, khiến ta cảm thấy góp ý của người khác đang chủ đích nhằm vào mình, chứ không vì giúp đỡ mình.

Thay đổi người khác là điều không dễ dàng, thậm chí là không thể. Nhưng bạn có thể kiểm soát cảm xúc và phản ứng của mình để việc nhận phê bình trở nên dễ dàng và hữu ích hơn bằng những cách sau.

1. Đón nhận lời phê bình có sàng lọc

Lời phê bình bạn nghe được bắt nguồn từ đâu — từ người bạn tin tưởng và muốn học hỏi, hay người không hề biết gì về bạn? Bằng cách phân biệt và sàng lọc nguồn gốc của lời nhận xét, bạn sẽ biết đâu là một lời phê bình có giá trị đóng góp, đâu là một lời nhận xét vô thưởng vô phạt. Nhờ đó bạn mới có thể đưa ra quyết định phù hợp hơn tiếp theo.

2. Hiểu được điều gì đang kích động đôi bên

Người vừa nhận xét bạn gay gắt có thể đã trải qua một ngày tồi tệ, hoặc có lý do riêng khiến họ phản ứng nghiêm trọng như thế. Chẳng hạn họ biết lỗi sai này có khả năng tạo ra hậu quả nghiêm trọng nên không muốn bạn giẫm lên vết xe đổ. Hoặc đơn giản là người đó chỉ không biết cách truyền đạt quan điểm của mình sao cho hoà nhã.

Rất nhiều yếu tố ngoại cảnh khiến lời phê bình không được dễ chịu. Nhận biết được chúng sẽ giúp bạn không cá nhân hoá điều đó và hiểu được trọng tâm mà người đó đang muốn truyền tải.

Ngoài ra, nếu đã từng có những tổn thương trong quá khứ khiến bạn nhạy cảm hơn ở một số vấn đề nhất định, hãy từ từ học cách chấp nhận nó. Nhận ra được vấn đề là bước đầu tiên để chữa lành và ngừng đổ lỗi cho bản thân.

Don nhan gop y tich cuc hon 1
Đổi một góc nhìn khác, có lẽ bạn sẽ nhận ra những yếu tố khác đang khiến đôi bên trở nên cảm tính.

3. Nhận thức giá trị của mình

Nguyên nhân đầu tiên khiến bạn lẫn lộn phê bình thành chuyện cá nhân là vì sâu trong lòng, bạn đang nghi ngờ giá trị của mình và thầm công nhận lời của họ. Có thể chia thành 3 trường hợp:

  • Họ nói đúng nên bạn không thể phản bác: Bạn có hai lựa chọn, hoặc chấp nhận thực tế phũ phàng và tập trung vào những khía cạnh tích cực; hoặc nếu có điều gì bạn còn thay đổi được, hãy bắt tay vào thực hiện.
  • Họ nói đúng, bạn biết vì bạn vẫn đang trong quá trình điều chỉnh: Vậy thì bạn cần một tầm nhìn vượt qua những lời bình phẩm trước khi bạn đến đích. Hãy xem xét lại quá trình nỗ lực và ghi nhận tiến bộ của mình, biến chúng trở thành động lực. Rèn luyện tư duy cầu tiến sẽ giúp bạn nhận ra cơ hội đằng sau thiếu sót và tiềm năng để cải thiện mình. Ít nhất bạn cũng xác nhận được rằng bạn đang nhìn nhận đúng về mình.
  • Họ sai, chỉ là bạn thiếu tự tin: Hãy tự lập một danh sách những lý do bạn không đồng ý với tuyên bố của họ. Danh sách này sẽ giúp bạn không bị cuốn theo thiên kiến tiêu cực.

Mối nghi ngờ này thường xảy ra khi bạn có thói quen self-talk tiêu cực. Đảo ngược lại những đối thoại đó và luyện tập lòng tự trắc ẩn sẽ giúp bạn bớt khắt khe với bản thân mình hơn.

4. Nhìn nhận lại tính cầu toàn của mình

Người cầu toàn luôn cố gắng để trở nên hoàn hảo nhằm tránh khỏi những lời chỉ trích. Do đó lời phê bình khiến họ cảm thấy mọi nỗ lực của mình đang bị chối bỏ. Học cách vạch ra kỳ vọng và đo lường thành tựu thực tế sẽ giúp bạn bớt khắt khe với bản thân hơn.

Không chỉ về chuyên môn, một dạng cầu toàn phổ biến khác đó là “cầu toàn xã hội” — khi bạn không chịu nổi việc người khác thấy được khuyết điểm của mình. Những cá nhân này không thể ngừng lo lắng người khác nghĩ gì về mình, do đó việc cá nhân hóa mọi thứ là điều gần như không thể tránh khỏi.

Đây là bản năng của con người nên bạn không cần cố ép mình loại bỏ nó. Lo lắng trong mức độ cho phép sẽ giúp bạn dự đoán rắc rối và thay đổi tích cực. Nhưng nếu nó đi quá mức, bạn có thể chủ động điều chỉnh suy nghĩ để xoa dịu.

Don nhan gop y tich cuc hon 2
Những người cầu toàn thường dễ cảm thấy các góp ý và nhận xét đang chối bỏ mọi nỗ lực của mình.

5. Phản ứng để làm rõ vấn đề chứ không để tranh cãi

Trong nhiều trường hợp, người góp ý không nhận ra cách dùng từ của họ không hoàn thành được mục đích chính, hoặc họ chưa đặt bản thân vào vị trí của bạn để cân nhắc. Khi ấy, hãy xác nhận cách hiểu của mình đã đúng chưa và giải thích những điểm chưa thỏa đáng nếu có, vì mục đích cải thiện trong tương lai.

Lên tiếng về cảm nhận của cả hai bên cũng là một cách để bạn tránh kết luận sai lầm. Nếu có thể, hãy gợi ý những cách khác để họ có thể truyền đạt lời nhận xét tốt hơn.

Nếu sau đó, đối phương vẫn không tôn trọng bạn hay cố ý khiến bạn cảm thấy không thoải mái về bản thân, hãy nhìn nhận lại mối quan hệ đó. Đôi khi tạo ra những khoảng cách trong mối quan hệ là một cách giúp bạn giải quyết vấn đề tốt hơn.

Don nhan gop y tich cuc hon 3
Xác nhận cách hiểu và cảm nhận của cả hai bên cũng là một cách để tránh kết luận sai lầm về lời góp ý.

6. Cẩn thận khi tái hiện cảnh tượng đó trong đầu

Vài giờ sau khi nhận lời phê bình, chúng ta thường tái hiện lại cảnh tượng đó trong đầu “Đáng lẽ lúc đó mình phải làm thế này!”

Tái hiện là một cách rút kinh nghiệm và tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên nó cũng có thể là dấu hiệu của ái kỷ và lòng tự tôn thấp, đặc biệt là khi xuất hiện ý muốn trả đũa kèm theo những ký ức đã bị ‘bóp méo'. Những người này thường gặp nhiều mâu thuẫn và có xu hướng thao túng các mối quan hệ.

Vì vậy, trừ khi việc tự tái hiện những trải nghiệm trước tiếp thêm sức mạnh cho bạn, hãy tận dụng những phương pháp tích cực khác để đối phó với những lời nhận xét ấy.