Negativity bias là gì? Vì sao não bộ chỉ ưu ái suy nghĩ tiêu cực? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
02 Thg 10, 2020

Negativity bias là gì? Vì sao não bộ chỉ ưu ái suy nghĩ tiêu cực?

Thiên kiến tiêu cực cho thấy: đến cảm xúc cũng không công bằng

Negativity bias là gì? Vì sao não bộ chỉ ưu ái suy nghĩ tiêu cực?

Trang Pham @tranglearntoart cho Vietcetera.

Khi đến một nhà hàng, nếu chẳng may có trải nghiệm không vui (phục vụ luống cuống, bảo vệ thờ ơ, muỗng đũa có vết dơ,...) thì khi kể lại, ta thường chỉ nhắc đến những điều này. Không gian thoáng đãng, thức ăn vừa miệng, giá cả phải chăng sẽ vô tình bị lướt qua.

Bạn trình bày bản báo cáo công việc, sếp nhận xét tổng thể rất tốt, chỉ có một số lỗi cần được cải thiện. Sau cùng, bạn sẽ chỉ nhớ những lỗi sai ấy mà quên đi lời khen ban đầu.

Một tuần đi du lịch cùng đám bạn thân là một ký ức tuyệt vời. Nhưng đến khi sắp về, một người bạn vô ý nói lời không hay với bạn. Sau này khi nhớ về chuyến đi ấy, điều bạn nhớ nhất không phải là bảy ngày vui vẻ mà là một câu nói vô tình vào phút chót.

Đây là những hình thái của 'thiên kiến tiêu cực' (negativity bias) trong cuộc sống. Nó cho biết một điều đơn giản: Não của chúng ta thiên vị tin xấu hơn tin tốt.

Negativity bias - Thiên kiến tiêu cực là gì?

Thiên kiến tiêu cực được định nghĩa trên verywellmind là khuynh hướng chúng ta chú ý, ghi nhớ, và sử dụng thông tin tiêu cực nhiều hơn tích cực. Nó thể hiện sự không cân xứng giữa mặt tích cực và tiêu cực.

Trong lúc tương tác xã hội, thiên kiến này làm chúng ta cảm thấy những sự kiện tiêu cực quan trọng hơn và ghi nhớ chúng rõ nét hơn.

Thiên kiến tiêu cực thể hiện qua việc:

  • Nghĩ về điều tiêu cực nhiều hơn tích cực
  • Ghi nhớ trải nghiệm tiêu cực hơn 
  • Nhớ những lời công kích hơn lời khen
  • Phản ứng mạnh mẽ hơn với những sự việc/ công kích tiêu cực.

Nguồn gốc của thiên kiến tiêu cực

Theo nhà tâm lý học Rick Hanson, thiên kiến tiêu cực được cho là một chức năng tiến hoá thích nghi. Từ thời xa xưa, bản năng con người phải luôn chú ý đến nguy hiểm để tồn tại. Vậy nên từ góc độ tiến hoá, xu hướng nhìn vào mặt tiêu cực là cách não bộ giúp chúng ta an toàn.

Thiên kiến tiêu cực được tiến hoá từ bản năng sinh tồn của con người từ xưa
Thiên kiến tiêu cực được tiến hoá từ bản năng sinh tồn của con người từ xưa.

Nó ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?

Những thông tin tiêu cực gia tăng sự hoạt động ở vùng xử lí thông tin quan trọng của não bộ, khiến cho những hành vi của chúng ta dễ bị định hình bởi tin tức và trải nghiệm không tốt đẹp (theo Psychology Today).

Tạo động lực

Thiên kiến tiêu cực ảnh hưởng lên động lực hoàn thành công việc. Mục tiêu tránh khỏi mất mát sẽ tạo ra nhiều động lực để con người cố gắng hơn là khi chỉ muốn đạt được điều gì đó.

Thiên kiến tiêu cực cũng đóng vai trò quan trọng khi cố gắng hoàn thành mục tiêu. Chúng ta không giỏi tập trung vào kết quả sẽ có được, mà thường dễ bị lung lay khi nghĩ đến những điều phải từ bỏ để đạt được mục tiêu đó.

Tin tức tiêu cực

Trên thực tế, 90% tin tức được xem là tiêu cực. Những tin tức này thường thu hút nhiều sự chú ý hơn, vì vậy chúng ta thường vô thức xem chúng là sự thật và có giá trị cao.

Nắm bắt được tâm lý này, nhiều kênh thông tin và truyền thông cố tình đăng tải những tin tức tiêu cực và đặt tiêu đề “giật gân”để tăng lượt xem.

Vậy phải làm gì khi nhìn đâu cũng thất tin buồn? Một số giải pháp được cho là hữu ích như không sử dụng điện thoại khi không cần thiết, chọn xem và theo dõi tin tức tích cực, biết điểm dừng khi đọc tin,...

Đưa ra quyết định

Khi đưa ra quyết định, chúng ta thường đặt nặng vào khía cạnh tiêu cực. Điều này ảnh hưởng đến các quyết định lẫn việc sẵn sàng chấp nhận những rủi ro của chúng ta.

Ngay cả khi xác suất xảy ra kết quả tích cực và tiêu cực là ngang nhau, chúng ta vẫn chỉ nghĩ về ảnh hưởng tiêu cực hơn là mong muốn đạt được kết quả tích cực.

Cách nhìn nhận về người khác lẫn về mình

Khi đánh giá đối phương, chúng ta thường để ý nhiều hơn đến khía cạnh tiêu cực. Một nghiên cứu trên tờ Hogrefe eContent đã chỉ ra khi được cung cấp những tính từ miêu tả đối phương, người tham gia thường chọn những từ tiêu cực hơn khi nói về ấn tượng đầu tiên.

Con người cũng thường đánh giá bản thân khắc nghiệt hơn người ngoài. Một phần vì là người trong cuộc, có cái nhìn chi tiết và trực tiếp hơn. Chúng ta luôn là trung tâm trong thế giới của riêng mình, nên có xu hướng gán góc nhìn tâm điểm đó vào suy nghĩ của người khác. Nhưng trên thực tế thì, sự xấu hổ của bạn lại là vẻ đẹp trong mắt của người khác. Vấn đề là bạn có đủ sự tự tin vào chính bản thân mình hay không.

Chúng ta thường để ý đến những điều tiêu cực về mình và người khác
Chúng ta thường để ý đến những điều tiêu cực về mình và người khác.

Cách hành xử trong một mối quan hệ

Negativity bias ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng ta theo nhiều cách khác nhau.

Nó khiến chúng ta giả định điều tồi tệ nhất về người còn lại, ảnh hưởng đến những tương tác về sau. Khi đưa ra các giả định bi quan về phản ứng của người khác, chúng ta trở nên “đề phòng" trong cách cư xử. Điều này thường dẫn đến những cuộc tranh cãi và cơn giận không đáng có.

Khi các nhà nghiên cứu ghi lại dữ liệu về những lần tương tác tích cực và tiêu cực giữa các cặp đôi, họ đã tìm ra tỉ lệ 5:1. Nếu 5 là con số cho những kỷ niệm hạnh phúc, hôn nhân của họ sẽ bền vững. Ngược lại, những cặp đôi bên bờ vực tan vỡ lại có rất ít thậm chí không có những khoảnh khắc vui vẻ, trong khi những lần bất hoà tăng dần. (theo Psychology Today)

Kết

Thiên kiến tiêu cực góp mặt trong rất nhiều khía cạnh và tình huống đời thực. Nó đến rồi đi trong khi chúng ta vẫn chưa kịp nhận ra. Việc tìm hiểu và nhận thức về tâm lý này sẽ giúp ta chủ động chuẩn bị và kịp thời đưa vào những khía cạnh tích cực hơn để tìm sự cân bằng.