6 Lầm tưởng thường gặp về bạo hành trẻ em | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
20 Thg 01, 2022

6 Lầm tưởng thường gặp về bạo hành trẻ em

Đừng để những lầm tưởng, định kiến che mắt mà bỏ lỡ cơ hội giúp đỡ một đứa trẻ. 
6 Lầm tưởng thường gặp về bạo hành trẻ em

Nguồn: Unsplash

Trong thời gian vừa qua, nhiều vụ án liên quan tới bạo hành trẻ em phủ sóng truyền thông. Tuy nhiên trước giờ, đây vẫn luôn là một vấn đề âm ỉ và nhức nhối. Việc chúng ta chứng kiến sự việc này nhiều hơn, không đồng nghĩa với việc nó ít xảy ra. Đơn giản chỉ vì thời gian qua, nhận thức và sự quan tâm tới quyền lợi của trẻ em đang dần nâng cao.

Vấn đề về bạo hành trẻ em không đơn giản và dễ nhận biết. Có rất nhiều yếu tố về tâm lý và xã hội liên quan tới chủ đề này. Chính vì vậy mà xoay quanh nó là rất nhiều những hiểu nhầm, dẫn tới hậu quả đáng tiếc cho trẻ em. Nổi bật trong số đó bao gồm:

1. Bạo hành chỉ thể hiện qua bạo lực

Nhắc tới bạo hành, đa phần chúng ta thường nghĩ tới những di chứng vật lý để lại trên cơ thể như vết bầm tím. Tuy nhiên, bạo lực còn tồn tại dưới dạng lời nói. Đây chính là một dạng của bạo hành cảm xúc. Bản thân những lời la mắng xối xả, miệt thị, được bình thường hóa trong đời sống hàng ngày có tác động mạnh mẽ, tương đương những trận đòn roi.

alt
Lời nói có thể là kẻ giết người vô hình | Nguồn: Pexels

Ước tính tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em và vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần rơi vào khoảng 8-29%, và đa số các em đều không được phát hiện và điều trị. ⅓ số em học sinh THCS cũng đã từng có suy nghĩ muốn tự tử. Nguyên nhân sâu xa của việc này có thể tới từ việc các em thường xuyên phải sống dưới áp lực từ những câu nói của phụ huynh. Nói không đâu xa chính là thói quen so sánh với “con nhà người ta” và đặt ra những kỳ vọng vượt quá khả năng của các em.

Ngoài ra, kiểu cha mẹ thao túng cũng thường xuyên lờ đi những nỗi lòng của trẻ và cho rằng đó là chuyện cỏn con. Việc áp đặt suy nghĩ lên trẻ cũng khiến chúng mất khả năng phán đoán và sự tự tin.

2. Thương cho roi cho vọt

Câu nói quen thuộc này được nhiều bậc cha mẹ thuộc nằm lòng và luôn bị hiểu theo nghĩa đen. Nó thành cái cớ cho những trận đòn roi khi trẻ không cư xử như kỳ vọng của cha mẹ.

Trong thời gian qua, chúng ta đã phải chứng kiến nhiều sự việc đau lòng như bé Vân An hay bé gái bị cha đánh tử vong khi học bài. Sự nghiêm khắc, kỷ luật trong nuôi dạy không nên được đánh tráo thành bạo lực và tiếp nối từ đời này sang đời khác. Không phải ai cũng may mắn được lớn lên dù từng chịu đòn roi, vẫn có rất nhiều đứa trẻ mãi mãi chẳng bao giờ sống được tới tuổi trưởng thành.

3. Chỉ có bé gái mới bị xâm hại tình dục

Bộ Công An đã thống kê trong năm 2020 có 1.576 vụ xâm hại tình dục trẻ em và trong đó, trẻ em nam chiếm 20%. Tuy nhiên, đối tượng này dễ bị bỏ qua hơn so với trẻ em gái. Một phần của văn hóa hiếp dâm đã mặc nhiên khiến đại đa số nghĩ rằng, nam giới nói chung, không thể là nạn nhân của xâm hại tình dục. 60% cha mẹ khi được hỏi cũng tin là con trai của họ không thể bị lạm dụng tình dục.

alt
Các bé trai cũng có thể là nạn nhân | Nguồn: Unsplash

Bản thân lối suy nghĩ này đã khiến những bé trai sợ phải nói ra, bởi con trai được dạy là phải mạnh mẽ. Việc phải kể lại chuyện mình đã bị xâm hại tình dục đối với nam giới, tương đương với việc thừa nhận rằng bản thân yếu đuối. Điều này tạo ra rào cản, ngăn các em mở lòng, cũng như khiến nhiều bậc cha mẹ khó lòng nhận thức được sự tồn tại của vấn đề.

Xân hại tình dục trẻ em trở nên nhức nhối hơn đối với đối tượng trẻ em dân tộc thiểu số hay khuyết tật. Năm 2018, vụ án hiệu trưởng dâm ô các em học sinh nam được đưa ra ánh sáng, đã khiến nhiều người ngỡ ngàng và hoảng sợ khi nhận ra con trai mình không an toàn như họ nghĩ.

4. Chỉ có đàn ông mới quấy rối tình dục trẻ em

Phụ nữ vẫn có thể là thủ phạm dâm ô hay bạo hành tình dục trẻ em. Tuy nhiên, điều này lại ít nhận được sự chú ý của truyền thông và không có nhiều số liệu nghiên cứu cụ thể.

Tại Việt Nam, những vụ việc như thế này cũng ít xuất hiện trên báo đài. Nổi trội trong số đó có vụ việc năm 2017, một bé trai (15 tuổi) tố mình bị bị người phụ nữ 50 tuổi ép quan hệ tình dục. Tuy nhiên vụ án không được khởi tố vì thiếu bằng chứng.

Những sự việc này có thể xảy ra ở cấp độ nhẹ như việc các cô/bà/dì họ hàng thường tự nhiên quá đáng, vạch quần áo của trẻ em ra để xem vùng nhạy cảm và gọi đó là nựng yêu. Đây là lý do mà nhiều cha mẹ nên dạy trẻ em từ bé về những bộ phận riêng tư, không nên để ai chạm vào dù là người thân.

Ngược lại, chúng ta cũng nên ý thức về việc không nên quá vô tư phơi bày điểm nhạy cảm cho trẻ em xem. Giống như năm 2019, mạng xã hội lan truyền thước phim người phụ nữ vô tư để các em trai chạm vào vùng nhạy cảm.

Tương tự như vụ việc khi nam giới bị phụ nữ bạo hành, phản ứng đa phần của dư luận lại cho rằng nạn nhân đang được hưởng lợi. Nam giới cũng phải chịu những định kiến không khác gì phụ nữ.

alt
Phụ nữ cũng có thể là người xâm hại tình dục trẻ em | Nguồn: Pexel

Vài nghiên cứu cho rằng, điểm khác biệt trong việc phụ nữ là đối tượng đi xâm hại tình dục nằm ở chỗ, nhóm người này không phân biệt giới tính của trẻ em. Các lý do dẫn tới hành vi của họ cũng phức tạp hơn và động cơ không phải lúc nào cũng để thỏa mãn tình dục.

Một số phụ nữ xâm hại trẻ em hay con của họ nhằm mục đích trả thù (vì họ là nạn nhân của hiếp dâm); muốn đồng lõa với người tình nam giới của mình; hay thậm chí phục vụ mục đích kinh tế (bắt ép trẻ em bán dâm).

5. Bỏ bê trẻ em không phải là bạo hành

Bỏ bê và không chăm sóc trẻ em cũng được tính là bạo hành. Hành vi vô trách nhiệm này bao gồm sự thiếu quan tâm và chăm sóc về mặt thể chất, cảm xúc, tâm lý, y tế và giáo dục. Một phần nguyên nhân của việc này tới từ hoàn cảnh gia đình, giá trị văn hóa hay tiêu chuẩn trong việc nuôi dạy trẻ.

alt
Trẻ em vốn cần nhiều sự quan tâm và chăm sóc | Nguồn: Unsplash

Đây là lý do mà trong nhiều gia đình, vai trò của cha mẹ và con cái bị đổi vai. Những đứa trẻ trong nhà bị “phụ huynh hóa" khi phải gánh vai trò tự chăm sóc cho bản thân và cả anh/chị/em. Quan niệm dạy dỗ trẻ học cách tự lập sớm đôi khi lại phản tác dụng.

6. Nhà là nơi an toàn

Trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em, rất nhiều trường hợp xảy ra tại nhà của các em và bị gây ra bởi người thân. Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc ước tính có tới 93% trẻ em bị xâm hại tình dục từ người thân. Bạo hành thể xác hay tình dục, đều có thể xảy tới với bất kỳ gia đình nào.

Mùa dịch vừa qua, nhiều đứa trẻ phải kẹt lại trong chính căn nhà của mình, hứng chịu bạo lực tới từ người thân trong gia đình. Sức ép lên trẻ em, đôi khi tới từ chính mâu thuẫn và cãi vã của người lớn.

Bên cạnh đó, việc ở nhà nhiều trong mùa dịch cũng làm gia tăng thời gian các em online trên mạng. Đây là môi trường nếu không cảnh giác, trẻ em dễ bị lừa đảo dẫn tới bị quấy rối tình dục. Việc không thể tiếp xúc với người khác giảm thiểu khả năng nhận được sự giúp đỡ của các em. Lúc này, ngôi nhà không còn là tổ ấm để quay về mà lại là chiếc lồng giam hãm sự vô tư và hạnh phúc của nhiều đứa trẻ.

Kết

Thay vì chỉ quan tâm khi sự việc đau lòng đã xảy ra, ta có thể bắt đầu học cách nhận biết các hành vi bạo hành. Đừng để những lầm tưởng, định kiến che mắt mà bỏ lỡ cơ hội giúp đỡ một đứa trẻ.

Chúng ta không cần đợi tới khi trở thành một người cha và mẹ để hiểu trẻ em cần gì, và khi nào chúng cần giúp đỡ. Một người ngoài cuộc đôi khi lại mang nhiều sức mạnh hơn chúng ta nghĩ. Một khi hiểu, thông cảm và chủ động, chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi lên cuộc sống của một đứa trẻ bị bạo hành.