Ngoài kia vẫn còn rất nhiều em như Vân An | Vietcetera
Billboard banner

Ngoài kia vẫn còn rất nhiều em như Vân An

Vụ việc của bé Vân An cũng chỉ là một trong vô số rất nhiều các vụ bạo hành trẻ em xảy ra mỗi giờ.
Ngoài kia vẫn còn rất nhiều em như Vân An

Buổi tưởng niệm bé Vân An | Nguồn: Soha

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Đêm ngày 22/12, em Nguyễn Thái Vân An, 8 tuổi đã qua đời đột ngột. Trên người em là những vết bầm tím, vết khâu vá đang đợi được lành. Em được nghi vấn là đã bị bạo hành tới tử vong. Lúc đó bố ruột và mẹ kế của bé cũng có mặt tại hiện trường.

Bé Vân An đã sống với mẹ kế tương lai cùng bố được một năm nay và bị ngăn gặp mặt mẹ ruột. Được biết rằng hàng xóm của gia đình đã thường xuyên nghe những tiếng động phát ra từ căn hộ, tuy hiên, họ nghĩ rằng gia đình “đang đánh chó”.

Không lâu sau đó, bà Nguyễn Võ Quỳnh Trang, người tình của bố bé đã bị bắt giữ và điều tra. Bà đã thừa nhận hành vi bạo hành dẫn tới sự qua đời của bé Vân An.

Bà Trang đã bị triệu tập và điều tra | Nguồn: Soha

2. Dư luận phản ứng ra sao?

Vì nhiều tình tiết nghiêm trọng mà dư luận đặc biệt quan tâm tới sự việc. Hình ảnh bé gái với thân hình bầm tím nhanh chóng được lan truyền. Vụ việc hội ngộ đầy đủ yếu tố của một câu chuyện khiến cộng đồng quan tâm: dì ghẻ và con chồng, trà xanh và vợ cả, bi kịch của gia đình giàu có.

Nhiều người tỏ ra thương tiếc | Nguồn: Soha

Hoàn cảnh gia đình, cuộc sống cá nhân của những người trong cuộc cũng nhanh chóng được đào bới. Các yếu tố kịch tính khiến cho vụ việc được cập nhật từng giờ. Tuy nhiên về bản chất, các vụ án về bạo lực gia đình với nạn nhân là trẻ em trước giờ không hề ít. Vụ việc của bé Vân An cũng chỉ là một trong vô số rất nhiều các vụ bạo hành trẻ em xảy ra từng giờ.

3. Kẻ phạm tội sẽ phải nhận hậu quả gì?

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng bố của cháu bé, ông Thái, cũng sẽ bị xem như là đồng phạm nếu ông có tham gia bạo hành hoặc nhận biết được điều này mà không lên tiếng.

Ông cũng cho biết rằng vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp có liên quan tới bạo hành nạn nhân dưới 16 tuổi, cố ý gây thương tích và bỏ mặc nạn nhân đến tử vong. Vậy nên, mức phạt cao nhất kẻ gây án phải đối mặt có thể là tù chung thân hoặc tử hình.

4. Ngoài kia còn bao nhiêu em như Vân An?

Mỗi năm tại Việt Nam trung bình có 2,000 em bé phải sống trong lo sợ và đòn roi như những gì Vân An từng gánh chịu. Đây có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng khi không phải lúc nào sự việc này cũng được trình báo. Tiếng trẻ khóc vì bị đòn đau, tiếng cãi vã của vợ chồng vẫn cứ vang vọng ở nhiều căn nhà.

Tương tự tại Mỹ, trong đợt cách ly vừa qua, nhiều nhà chức trách cũng lo ngại các ca bạo hành đã bị che giấu khi số liệu được ghi nhận giảm mạnh. Cách ly đã khiến nạn nhân khó lòng tìm được sự giúp đỡ. Bản thân bác của bé Vân An cũng chia sẻ đợt dịch vừa qua khiến gia đình nhà ngoại không thể trực tiếp tới gặp em. Vậy nên, đôi khi số liệu chưa phản ánh chính xác được những gì thực sự đang xảy ra.

Trong những năm vừa qua vấn đề xâm hại trẻ em được nhắc tới nhiều hơn khi tính chất của vụ việc thường mang tính giật gân, gây chú ý. Còn các hình thức ngược đãi trẻ em như vấn nạn tảo hôn, bỏ mặc trẻ em, trẻ em lao động trái pháp luật lại ít được quan tâm hơn. Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM cho rằng nhiều người nghĩ bạo hành trẻ em sẽ không sao khi mà nhiều vụ việc không bị khởi tố.

5. Định kiến nào ở Việt Nam khuyến khích bạo hành?

Câu nói thương cho roi cho vọt thường nhấn mạnh vào việc cha mẹ nên dạy con nghiêm khắc lại luôn bị hiểu theo nghĩa đen: muốn con ngoan phải dùng bạo lực. Bà Trang cũng đã khai báo rằng mình mua roi đánh bé để bắt bé học bài.

Một số chuẩn mực văn hóa và xã hội có thể chính là tác nhân khuyến khích các hành vi bạo lực của trẻ em (WHO). Trong gia đình, trẻ em thường được cho là có vị trí thấp nhất trong nhà vậy nên là lẽ tự nhiên khi cha mẹ có quyền “uốn nắn" theo ý mình, kể cả là dùng bạo lực. Con cái cũng được cho là “tài sản" của cha mẹ. Điều này vô hình khiến trẻ em thành một món đồ, cha mẹ đặt đâu ngồi đó. Nguyện vọng và nhu cầu của “món đồ” này cũng bị lờ đi.

6. Đưa tin về bạo lực gia đình như thế nào?

Nguyên nhân và hệ quả của bạo lực gia đình không đơn giản gói gọn trong hai chữ mẹ kế hay cha dượng. Từ khi sự việc xảy ra, một số kênh truyền thông bắt đầu tổng hợp lại những sự kiện bạo lực gia đình theo năm có sự tương đồng. Điều này vô tình làm gia tăng định kiến trong câu nói “mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng” và đơn giản hóa vấn nạn bạo lực gia đình.

Phương tiện truyền thông luôn có sức mạnh để thay đổi định kiến và tạo ra những chuyển biến lớn về luật pháp cũng như xã hội. Tuy nhiên đây cũng có thể là công cụ truyền bá những khuôn mẫu và định kiến. Vậy nên UNESCO đã soạn thảo văn bản và cẩm nang về cách đưa tin về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Một số chú ý cơ bản gồm:

  • Không phán xét, sử dụng từ ngữ "lên lớp" hoặc ngầm khơi gợi tính phán xét;
  • Lý giải rõ về bối cảnh của sự việc để tránh gây hiểu nhầm;
  • Chú ý về cách đặt tiêu đề, đề mục;
  • Đưa tin chân thực tránh mô tả quá cảm xúc;
  • Cân bằng thông tin để thúc đẩy bình đẳng giới cũng như tham khảo thông tin trước khi lên bài/ phỏng vấn.

7. Là một người ngoài cuộc, chúng ta có thể làm gì?

Hiệu ứng người ngoài cuộc không chừa một ai khi khiến nhiều người quên mất một đứa trẻ có thể mong manh như thế nào cả về thể xác và tinh thần. Những người hàng xóm trong chung cư nhà bé Vân An cũng đã từng nghe thấy tiếng đòn roi nhưng lại ngại can thiệp vào chuyện dạy con của gia đình này.

Chuẩn mực xã hội cũng đóng vai trò trong việc ngăn chặn người ngoài lên tiếng. Chỉ khi ta thay đổi quan điểm về vai trò xã hội của mình trong một vụ bạo hành thì mới có thể tạo ra sự thay đổi. Ngay cả khi là một người ngoài, hãy trở thành người trong cuộc bằng cách:

  • Khi cảm nhận thấy dấu hiệu bạo lực gia đình, hãy thử tin vào bản năng và can thiệp;
  • Hành động như thể mình là người duy nhất thấy và có thể hành động;
  • Khi ở trong đám đông, chỉ hoặc gọi đặc điểm của một người để yêu cầu họ tham gia giúp đỡ;
  • An ủi và chia sẻ với nạn thân thay vì ép họ phải kể lại những gì đã xảy ra.

Đôi khi sẽ rất khó khăn khi trực tiếp can thiệp vào một sự việc, tuy nhiên thay vì không làm gì cả bạn có thể ẩn danh liên hệ và trình báo về sự việc: