Chúng ta luôn được khuyên rằng quan hệ chính là chìa khóa thành công. Càng biết nhiều người, bạn càng nhanh chóng thăng tiến. Nhưng càng ngày tôi càng không thấy điều này đúng với bản thân. Và tôi bắt đầu nhìn thấy các ví dụ thành công không đi theo mô típ trên.
Sau một thời gian suy ngẫm, tôi đã quyết định dừng lại việc hăng hái xây dựng các mối quan hệ xã hội, xóa và ngừng theo dõi hơn một nửa danh sách bạn bè trên Facebook và Instagram.
1. Nguyên do tôi bỏ một nửa các mối quan hệ
Quan hệ rộng có thể thúc đẩy sự thành công nhưng không phải chìa khóa cho điều đó
Nhiều người cho rằng phải có quan hệ rộng mới là người thành công. Khi biết tôi từng nói chuyện với một số người nổi tiếng, không ít bạn bè ngưỡng mộ tôi.
Nhưng họ không biết chẳng có mấy người trong số đó còn nhớ tôi là ai. Đa số các buổi networking chỉ xoay quanh các câu hỏi: “Bạn làm gì?", “Bạn từng học ở đâu?"… Mọi người chỉ quan tâm công việc, thay vì con người nhau.
Bên cạnh đó, tôi bắt đầu quen những giám đốc và freelancer (người làm việc tự do) thành công nhưng không hề có tài khoản hoặc có ít bạn bè trên Facebook, Instagram hay LinkedIn. Họ cũng chẳng cố gắng làm quen với nhiều người.
Tôi nhận ra quan hệ đúng là có thể thúc đẩy sự thành công, nhưng chính chất lượng và thái độ trong công việc mới là thứ đem đến thành công thực sự.
Khi có thêm nhiều bạn trên mạng xã hội, tôi hay so sánh mình với họ
Họ chia sẻ những bức hình du lịch, cuộc họp doanh nhân, sự kiện và ảnh tự sướng với các nhân vật nổi tiếng. Tôi thấy áp lực khi phải liên tục chạy đua với những người mình chỉ gặp đôi lần trong cuộc sống.
Nhiều khi mải cố gắng cho bằng được những người xung quanh, mà tôi quên mất điều tôi muốn thực sự là gì.
2. Tôi làm việc này như thế nào?
Lọc danh sách bạn bè trên mạng xã hội
Nhiều người coi Facebook như một sân chơi để đọ xem ai có nhiều bạn bè hơn. Nhưng dù có nhiều đến mấy, số người thực sự tương tác với tôi chưa đến một nửa. Vì thế tôi đã dành một buổi xóa bớt bạn bè trên Facebook.
Theo nghiên cứu của Robin Dunbar tại Viện Nhân chủng học Nhận thức và Tiến hóa, Đại học Oxford, khả năng nhận thức của con người chỉ có thể duy trì khoảng 150 đến 250 mối quan hệ cùng một lúc.
Vì vậy khi mạng xã hội cung cấp thêm cho bạn hàng trăm người bạn mới, não bộ sẽ lập tức căng thẳng và không thể duy trì đồng bộ tất cả các mối quan hệ. Hệ quả là bạn không chăm sóc đủ tốt cho những mối quan hệ thật sự quan trọng.
Từ thiết lập quan hệ (networking) sang kết nối cá nhân (connecting)
Theo thời gian số danh thiếp tôi sưu tập qua các sự kiện cứ ngày một dày lên. Nhưng tôi sẽ nói thật rằng trong mấy trăm danh thiếp đấy, tôi chỉ nhớ được vài người, rằng tôi quen họ ở đâu, họ làm gì và mặt mũi họ thế nào.
Có nhiều thông tin liên hệ không đồng nghĩa tôi có thể mở rộng mạng lưới kết nối của mình.
Vì thế từ networking tôi chuyển sang connecting. Chúng khác gì nhau? Mục tiêu của networking là tập trung vào số lượng người mình quen, còn connecting là sự hiểu biết của mình về một ai đó và tập trung vào việc xây dựng các mối quan hệ cá nhân.
Thay vì tính toán mình nhận được gì từ người mới quen, với những câu dò thông tin như nghề nghiệp và học tập, tôi chuyển sang các câu hỏi về chính con người họ như quan điểm sống, quan điểm nghề nghiệp, sở thích hoặc sở ghét. Thay vì ấn “thích” (like) một dòng trạng thái của họ trên mạng xã hội, tôi gọi hoặc nhắn tin riêng cho những người tôi muốn quen.
Ngoài ra tôi cũng chuyển sang làm người kết nối. Tôi không ngại kết nối những người mình vừa quen với bạn bè hay giới thiệu họ những dự án mới. Tôi cũng hay rủ mọi người cùng đi ăn hoặc tham gia sự kiện cùng nhau.
Nhà thơ và diễn viên da màu Maya Angelou từng nói: "Mọi người sẽ quên những điều bạn nói, họ cũng sẽ quên những điều bạn làm, nhưng họ sẽ không bao giờ quên bạn khiến họ cảm giác thế nào".
Nhận thức rõ bản thân
Trước khi quen biết ai đó, điều tôi cần chắc chắn đó chính là hiểu rõ tâm lý bản thân với ba câu hỏi:
- Mình muốn gì từ buổi gặp mặt này?
- Mình mong đợi một mối quan hệ thế nào?
- Mình có thể nói chuyện được với những ai?
Việc hiểu rõ bản thân giúp tôi lọc những sự kiện hợp với mình, những người tôi có thể kết nối được và những câu chuyện tôi có thể dùng trong hội thoại. Sau khi trả lời những câu hỏi trên, tôi làm những điều sau để đem lại hiệu quả sau mỗi buổi gặp mặt:
- Tìm hiểu kỹ nội dung sự kiện hay buổi gặp mặt mà tôi tham dự
- Xem những ai sẽ tham gia và lập danh sách những người tôi muốn gặp
- Chuẩn bị những câu hỏi và chủ đề làm quen
Thay vì nói chuyện với 100 người trong sự kiện, cầm hàng trăm danh thiếp và có thêm vài trăm bạn mới trên mạng xã hội, tôi chỉ muốn kết nối với vài người, học hỏi từ họ và bảo đảm chúng tôi có thể phát triển một mối quan hệ thân thiết.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về cách networking hiệu quả trong bài viết của Vietcetera.
3. Khó khăn khi đã bỏ một nửa mối quan hệ
Lo lắng mình sẽ bỏ lỡ cơ hội khác
Một trong những điều khiến tôi tự hỏi nhất là liệu tôi có đang bỏ lỡ quen biết một ai đó thú vị, người có thể cho tôi những kiến thức và cơ hội hấp dẫn mới không. Bạn biết đấy, cơ hội đến từ mọi nơi và tôi luôn lo lắng mình đang để chúng vụt qua tầm mắt.
Tôi sẽ không nói dối đâu rằng đã có lúc tôi tiếc vì không làm quen một ai đó sau khi thấy thông tin họ trên LinkedIn. Ngừng “networking” đồng nghĩa số người tôi nói chuyện trong một sự kiện giảm hẳn, số người tôi theo dõi trên mạng xã hội cũng ít đi. Vì thế một vài hoạt động hay các câu chuyện trong ngành đến tai tôi có lúc chậm hơn.
Nhớ cảm giác “nổi tiếng” trên mạng xã hội
Vì tôi hoạt động rất tích cực trên mạng xã hội, nên khoảng thời gian đầu khi xóa một nửa số bạn bè trên Facebook, tôi có cảm giác trống rỗng và bị hẫng.
Tôi nhớ cảm giác bạn bè ngưỡng mộ số lượng “Friends” (Bạn bè) khủng của mình. Con số đó cho bạn cảm giác của sự nổi tiếng dù hơn nửa trong số chúng là ảo và họ còn không nhớ vì sao có bạn trong Facebook của mình.
4. Bỏ một nửa mối quan hệ đã đem lại cho tôi điều gì?
Tập trung vào bản thân nhiều hơn
Mặt trái của việc có quá nhiều bạn bè và người theo dõi trên mạng xã hội là ta liên tục kéo màn hình điện thoại, chỉ để theo dõi họ đang đi du lịch ở đâu, đang tham gia sự kiện nào, chức vụ nào họ vừa thăng tiến,… Chỉ khi giới hạn số người tôi thực sự muốn theo dõi, tôi bắt đầu ngừng nhìn người khác và so sánh họ với bản thân.
Tôi tập trung vào sở thích, năng lực và các dự án cá nhân của chính mình. Hồi trước tôi ganh đua để đạt được những thành công giống người khác, như có người đi châu Âu, tôi cũng muốn kiếm tiền để đi châu Âu; ai đó vừa thăng chức ở tuổi 23, tôi cũng sốt ruột cày cuốc để được thăng chức.
Nhưng mỗi người đều có giá trị, năng lực và mục tiêu khác nhau. Khi mải miết chạy theo người khác, tôi nhận ra mình đang quên đi con đường mình muốn theo đuổi.
Tìm lại cảm giác hứng thú khi quen người mới
Connecting thay vì networking đem lại cho tôi niềm hứng thú khi làm quen người mới và không còn coi đó là nghĩa vụ phải làm nếu muốn thành công. Khi các quan hệ trở nên thân thiết, thay vì có thêm một đối tác, tôi có thêm bạn bè đi chơi, lắng nghe chuyện của mình và cho lời khuyên.
Quen biết đúng người phù hợp với bản thân
Không làm quen quá nhiều người ở mọi lĩnh vực, tôi chỉ tập trung kết nối với những người đang hoạt động trong lĩnh vực tôi quan tâm. Những người này có nhiều chủ đề tôi muốn nghe, mà tôi cũng có thể tương tác ngược lại, từ đó cũng thoát được những màn bị “quê” khi không hiểu người khác nói gì.
Không chỉ dừng lại ở công việc học tập, khi kết nối những người tính cách phù hợp với mình, tôi thấy việc làm quen người mới không còn trở nên căng thẳng.