Theo lý thuyết về số Dunbar, một người bình thường có thể duy trì mối quan hệ với một số lượng bạn bè và người quen nhất định. Nhưng liệu quy tắc này có còn đúng trong thế giới kỹ thuật số hiện nay?
Lý thuyết về số Dunbar là gì?
Theo nhà nhân chủng học người Anh Robin Dunbar, một người có thể duy trì khoảng 150 mối quan hệ có ý nghĩa.
Trong một nghiên cứu về Bộ linh trưởng không gồm họ Người, Dunbar kết luận rằng tỉ lệ giữa kích thước vùng tân vỏ não (vùng não liên quan đến nhận thức và ngôn ngữ) và kích thước nhóm của một loài (group size) sẽ giới hạn mức độ phức tạp mà một hệ thống xã hội có thể xử lý.
Vì thế, một người chỉ có thể duy trì khoảng 150 mối quan hệ có ý nghĩa.
Áp dụng trong việc kiểm tra dữ liệu tâm lý học, Dunbar và các nhà nghiên cứu khác nhận thấy quy tắc 150 vẫn đúng với các nhóm xã hội khác (bao gồm công sở, nhà máy, khu dân cư, tổ chức quân đội,...). Nếu vượt quá con số 150, một mạng lưới sẽ khó duy trì hoặc gắn kết tốt.
Theo Dunbar, vòng tròn xã hội chặt chẽ nhất bao gồm 5 người — những người thân thiết. Tiếp theo là những vòng tròn bao gồm 15 người (bạn tốt), 50 người (bạn bè), 150 người (mối quan hệ có ý nghĩa), 500 người (mối quan hệ xã giao) và 1500 người (người bạn có thể nhận ra).
Bên cạnh đó, người hướng ngoại thường có mạng lưới quan hệ bạn bè mở rộng nhưng có xu hướng ít thân thiết, trong khi người hướng nội thường tập trung vào một vòng tròn nhỏ nhưng gắn kết chặt chẽ. Và phụ nữ thường có nhiều mối quan hệ hơn trong mỗi vòng tròn nêu trên.
Yếu tố xác định các vòng tròn trên là mức độ thường xuyên gặp gỡ của mỗi người với bạn bè. Mỗi ngày, chúng ta phải quyết định thời gian có thể dành ra cho các mối quan hệ xã hội. Và số lượng này luôn có giới hạn.
Một số tổ chức đã áp dụng quy tắc này trong việc cơ cấu nhân viên. Một cơ quan thuế Thụy Điển đã giới hạn số lượng nhân viên của họ trong khoảng 150 người mỗi văn phòng.
Sự tương đồng khi áp dụng cho các mối quan hệ trên mạng xã hội
Một phiên bản hiện đại của nhóm xã hội là Slack.
Nhân viên thiết kế kỹ thuật số Carly Ayres đã sử dụng nó để xây dựng một nhóm những đồng nghiệp mà cô quen biết, với tên gọi 100s Under 100. Nhóm này chú trọng việc cân bằng số lượng và sự thân thiết giữa các thành viên bằng cách tạo ra những nhóm nhỏ hơn.
Áp dụng lý thuyết số của Dunbar vào quan sát, Ayres nhận ra: “Bạn chỉ có thể ghi nhớ một lượng thông tin nhất định trong đầu. Càng biết rõ về một ai, bạn sẽ càng thân thiết với người đó, nhưng đồng thời cũng giảm bớt số lượng mối quan hệ bạn có thể nắm giữ.”
Quy mô là một vấn đề của những trang mạng xã hội lớn. Với người dùng Facebook, những nhóm nhỏ và riêng tư mang lại hiệu quả tốt hơn.
Một nghiên cứu trên Facebook của Dunbar và nhóm đồng nghiệp cho thấy, khi một người có hơn 150 bạn bè trên Facebook hoặc 150 người theo dõi trên Twitter, những con số này trở thành đại diện cho các mối quan hệ xã giao (vòng tròn 500 và 1500). Hầu hết đều không thể thân thiết với hơn 150 kết nối.
Dunbar cho rằng, “Các phương tiện kỹ thuật số, bao gồm cả điện thoại, chỉ cung cấp cho chúng ta một phương tiện khác để liên lạc với bạn bè mà thôi.”
Việc trò chuyện qua mạng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Rất khó để trò chuyện với một người không hiện diện vì không biết được họ có đang lắng nghe hay không. Theo quan điểm này, một mối quan hệ trực diện với các thông tin phi ngôn ngữ (non-verbal information) rất cần thiết và quan trọng trong giao tiếp.
Bên cạnh đó, nghiên cứu của Dunbar cũng cho thấy sự khác biệt thế hệ trong vấn đề này. Những người trong độ tuổi 18 - 24 có nhiều mối quan hệ trên mạng xã hội hơn những người trong độ tuổi 55 trở lên.
Đồng thời, thế hệ trẻ rất coi trọng các mối quan hệ trên mạng, và không cảm nhận rõ sự cần thiết của những mối quan hệ trực tiếp cho lắm, vì họ chưa bao giờ biết đến một cuộc sống không có Internet.
Tuy nhiên, con số này không hẳn sẽ bất biến
Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy rằng những mạng lưới xã hội ở đây thường có kích thước là 290.
Các mối quan hệ xã hội không phân bố theo phân phối chuẩn (hay “đường cong hình chuông” – bell curve). Một số trường hợp ngoại lệ (chẳng hạn như những người có đủ khả năng tài chính để thuê trợ lý phụ giúp quản lý các mối quan hệ) sẽ khiến con số trung bình sai lệch.
Dựa trên phương pháp luận, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến phản biện về lý thuyết số Dunbar, chẳng hạn như:
- Kích thước não của động vật linh trưởng còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như chế độ ăn uống.
- Mặc dù vùng tân vỏ não mới có hạn, năng lực xã hội có thể tăng lên tuỳ thuộc vào nền văn hoá và sự trợ giúp của công nghệ. Ví dụ, sử dụng chức năng danh bạ trong điện thoại để lưu giữ hơn 150 liên hệ.
- Ảnh hưởng của vốn xã hội (social capital) – những tác động tích cực tạo ra từ tương tác của con người. Ví dụ: vòng tròn tin tưởng (trust circle) của các nhóm dân tộc tại Bắc Ghana và Oaxaca chủ yếu gồm các mối quan hệ hạt nhân. Tuy nhiên, các yếu tố môi trường nguy hại tại đây lại làm tăng nhu cầu hợp tác cho mục đích sinh tồn giữa các nhóm dân tộc, từ đó mở rộng vòng tròn tin tưởng của họ.
Vì vậy, nếu chỉ tập trung vào kích thước não và giới hạn nhận thức của Dunbar thì không đủ để kết luận.
Lý thuyết số Dunbar có thể áp dụng cho hầu hết các xã hội tiền hiện đại, hoặc những người có thu nhập trung bình trong xã hội phương Tây đương đại, chẳng hạn như các chẳng hạn như các xã hội Weird (người phương Tây được giáo dục, giàu có, và dân chủ). Dù vậy, sự phát triển của văn hóa Internet đang khiến các mối quan hệ ngày càng phức tạp hơn.
Kết
Mỗi người chỉ có thể duy trì sự thân thiết với một số lượng mối quan hệ nhất định, tuy vẫn chưa có gì chắc chắn về khả năng duy trì hoặc mở rộng con số đó, nhất là khi có sự can thiệp của công nghệ và mạng xã hội.
Dù vậy, lời khuyên Dunbar đưa ra dành cho những người đang tìm kiếm mối quan hệ sâu sắc là hãy thường xuyên liên hệ với những người trong vòng tròn 15 (bạn tốt) và 50 (bạn bè). Việc thường xuyên liên lạc là một cách đơn giản để gia tăng gắn kết giữa các mối quan hệ.