Cách phòng tránh 'tư duy tập thể' để họp nhóm không đi vào lối mòn | Vietcetera
Billboard banner
18 Thg 02, 2020

Cách phòng tránh 'tư duy tập thể' để họp nhóm không đi vào lối mòn

Bên cạnh lợi ích, tư duy tập thể cũng gây ra nhiều tác hại đến kết quả chung. Vậy phải làm thế nào để hạn chế tư duy tập thể trong khi làm việc nhóm?

Cách phòng tránh 'tư duy tập thể' để họp nhóm không đi vào lối mòn

Khái niệm “tư duy tập thể”, được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1972 bởi nhà tâm lý học xã hội Irving L. Janis. Khái niệm này miêu tả một hiện tượng tâm lý khi các thành viên của nhóm cố gắng bằng mọi cách để đạt được sự đồng thuận cao nhất.

Trong nhiều trường hợp, mọi người sẽ gạt bỏ ý kiến riêng của mình và chấp nhận ý kiến chung của cả nhóm. Những thành viên phản đối quyết định chung thường sẽ im lặng để giữ hòa khí và tránh phá vỡ sự đoàn kết của tập thể.

Hiểu rõ hơn về tư duy tập thể

Vì sao tư duy tập thể tồn tại? Hãy thử nhớ lại lần làm việc nhóm gần đây nhất của bạn. Giả dụ như có ai đó đề xuất một ý tưởng mà cá nhân bạn thấy không ổn lắm. Tuy nhiên, những người còn lại đều đồng ý và bắt tay vào thực hiện ý tưởng ấy. Liệu bạn có nêu lên ý kiến riêng của mình không, hay bạn sẽ chấp nhận bị “cuốn theo” số đông?

Trong nhiều trường hợp, người ta quyết định “tư duy” theo hướng “tập thể” vì họ sợ rằng bất đồng quan điểm sẽ làm mất đi sự hòa thuận giữa các thành viên trong nhóm, hoặc việc bày tỏ quan điểm riêng sẽ khiến các thành viên khác xa lánh họ.

Janis cho rằng tư duy tập thể thường chiếm ưu thế trong ba trường hợp. Một, các thành viên trong tập thể có tinh thần gắn kết cao. Hai, có sự xuất hiện các yếu tố ngoại cảnh ảnh hưởng đến mong muốn chiều theo số đông của các thành viên (chẳng hạn như các mối nguy hiểm ở ngoài nhóm, vấn đề đạo đức, những khi phải đưa ra quyết định khó khăn). Ba, tồn tại các vấn đề liên quan đến bộ máy tổ chức của nhóm (tính công bằng khi lãnh đạo, cảm giác bị cô lập khi ở trong nhóm).

Dấu hiệu nhận biết

Cách phòng tránh tư duy tập thể để họp nhóm không đi vào lối mòn0
8 dấu hiệu nhận biết hiện tượng tư duy tập thể.

Janis chỉ ra 8 dấu hiệu nhận biết của hiện tượng tư duy tập thể:

  • “Ảo tưởng sức mạnh” (Illusions of invulnerability) khiến cho các thành viên trong nhóm trở nên lạc quan quá mức và liều lĩnh quá đà.
  • Niềm tin tuyệt đối (Unquestioned beliefs) khiến họ xem nhẹ tính đúng sai của vấn đề và hậu quả của những hành động mà mình (và tập thể) có thể gây ra.
  • Biện hộ (Rationalizing) ngăn các thành viên trong nhóm cân nhắc lại quan điểm của mình và khiến họ bỏ qua những nguy cơ tiềm ẩn.
  • Suy nghĩ rập khuôn (Stereotyping) làm cho các thành viên bỏ qua hoặc có ác cảm với những người ngoài nhóm đang phản bác lại họ.
  • Tự kiểm duyệt (Self-censorship) khiến cho các thành viên che giấu cảm xúc và nỗi nghi ngờ của mình.
  • “Người gác cổng” (Mindguards) là những thành viên có khả năng che giấu những thông tin gây bất đồng trong nhóm, khiến cho mọi người không có đủ dữ liệu cần thiết để đưa ra quan điểm riêng của mình.
  • Ảo giác đồng thuận (Illusions of unanimity) làm cho các thành viên tin rằng mọi người đều đã nhất trí với nhau.
  • Gây áp lực (Direct pressure) lên các thành viên dám thể hiện quan điểm riêng của bản thân. Những người dám chất vấn ngược lại tập thể sẽ bị coi là không trung thành hoặc phản bội.

Mặt lợi và hại của tư duy tập thể

Tư duy tập thể cũng có một số lợi ích nhất định. Nó giúp chúng ta đi đến quyết định chung và hoàn thành mục tiêu một cách nhanh chóng và hiệu quả khi làm việc nhóm.

Tuy nhiên, tư duy tập thể cũng hạn chế tính sáng tạo và khả năng suy nghĩ độc lập của các thành viên, từ đó dễ dẫn đến các quyết định sai lầm và giải pháp kém hiệu quả.

Cách phòng tránh tư duy tập thể để họp nhóm không đi vào lối mòn1
Bên cạnh những lợi ích nhất định, tư duy tập thể cũng dẫn đến những tác hại cho kết quả chung.

Nguyên nhân dẫn đến tư duy tập thể

Có nhiều yếu tố góp phần gây nên hiện tượng này. Tư duy tập thể thường xuất hiện khi các thành viên trong nhóm có tính cách tương tự nhau, hoặc khi trưởng nhóm (leader) là một người quyền lực và có sức hút lớn. Tư duy tập thể cũng có thể xảy ra khi mọi người phải làm việc dưới áp lực cao, hoặc đang ở trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Ngăn ngừa tác hại của tư duy tập thể

Có nhiều cách để hạn chế tác hại của hiện tượng này. Trưởng nhóm/người lãnh đạo có thể tạo điều kiện để các thành viên trong nhóm/tổ chức bày tỏ quan điểm riêng của mình, hoặc phản biện lại các ý kiến đã được nêu lên trước đó. Chia các thành viên thành từng nhóm nhỏ cũng có thể giúp ích được phần nào.

Dưới đây là một số giải pháp hữu dụng khác:

1- Bước đầu, trưởng nhóm/người lãnh đạo nên tránh nêu lên quan điểm và mong muốn của riêng mình. Hãy để các thành viên bày tỏ quan điểm của họ trước.

2- Bổ nhiệm một hoặc vài người đóng vai trò phản biện lại các ý kiến đã được nêu ra.

3- Thảo luận các ý kiến trong nhóm với người ngoài để có được những quan điểm khách quan nhất.

4- Khuyến khích các thành viên có tư duy phản biện. Không nên hạn chế bất đồng quan điểm.

5- Trong nhiều trường hợp, trưởng nhóm/người lãnh đạo nên hạn chế sự có mặt của mình để tránh ảnh hưởng đến quyết định chung của nhóm.

Cách phòng tránh tư duy tập thể để họp nhóm không đi vào lối mòn2
Có nhiều cách để hạn chế tư duy tập thể, từ đó khuyến khích khả năng sáng tạo và suy nghĩ độc lập của từng thành viên, nhờ vậy sẽ đem lại kết quả chung hiệu quả nhất.

Ý kiến từ các chuyên gia

Theo Marlene E. Turner & Anthony R. Pratkanis: “Hối thúc sự đồng thuận từ các thành viên trong nhóm một cách cực đoan có thể dẫn đến 2 hướng đi sai lệch trong quá trình đưa ra quyết định chung.

Hướng thứ nhất xuất hiện các “triệu chứng” của tư duy tập thể như đã nêu trên. Hướng thứ hai dẫn đến những thiếu sót trong quá trình đưa ra quyết định, bao gồm thiếu cân nhắc đến tất cả mục tiêu và khả năng có thể xảy ra, yếu kém trong việc tìm kiếm thông tin, thất bại trong việc đánh giá rủi ro, và thiên vị trong quá trình chọn lọc thông tin.”

Còn theo Irving L. Janis: “Niềm tin vững chắc của các thành viên vào tính đúng đắn của nhóm và những thành kiến sai lệch về đối thủ khiến cho họ thiếu đi sự cân bằng giữa lợi ích và các giá trị đạo đức, nhất là khi đã bắt đầu lạm dụng bạo lực để giải quyết vấn đề.

Đầu tiên, niềm tin “chúng ta là một tập thể tốt” khiến ta xem sự đồng thuận của tập thể như một tiêu chí để phán xét tính đúng sai và hiệu quả của các giải pháp. Đồng thời, suy nghĩ “những gì chúng ta làm đều vì mục đích tốt đẹp cả” càng khiến các thành viên cảm thấy quyết định đã đưa ra là đúng đắn. Những thành kiến tiêu cực về đối thủ càng củng cố thêm suy nghĩ ấy lẫn niềm tự hào về những mục tiêu cao cả của tập thể.”

Bài viết này được thực hiện bởi Kendra Cherry trên Verywell Mind, được chuyển ngữ bởi Sơn Đặng.

Xem thêm:

[Bài viết] Độ hiệu quả thật sự của brainstorming

[Bài viết] Bạn có đang là một phần của “văn hoá đổ lỗi”?