1. Cushioning là gì?
Cushioning / 'kʊʃənɪŋ / (động từ) là khi một người nhắn tin, tán tỉnh với nhiều người khác trong khi họ đã có người yêu rồi. Mục đích là để có “kế hoạch dự phòng”: nếu họ và người yêu “chẳng may” chia tay thì họ cũng không quá đau buồn.
Cushion có nghĩa đen là tấm nệm, nghĩa bóng là xoa dịu tổn thương hoặc thiệt hại đến từ một tình huống khó chịu.
2. Nguồn gốc của cushioning?
Vào đầu năm 2017, cushioning được thêm vào Urban Dictionary - một từ điển trực tuyến chuyên tổng hợp các thành ngữ và tiếng lóng. Trước đó không lâu, ghosting một hiện tượng hẹn hò tiêu cực khác được đưa vào từ điển Merriam-Webster.
Theo The Guardian, công nghệ hiện đại đã thay đổi cách chúng ta hẹn hò. Để mọi người dễ thích ứng với những luật lệ mới, các thuật ngữ về phong cách hẹn hò hiện đại lần lượt ra đời.
3. Lý do cushioning trở nên phổ biến?
Sau ghosting, cushioning được nhận định là xu hướng hẹn hò kiểu mới. Tuy nhiên, cushioning thường được gắn với những tính từ tiêu cực. Thậm chí, năm 2017, cushioning còn được “bầu chọn” là nguyên nhân phổ biến nhất khiến một mối quan hệ tan vỡ (Theo The Sun).
Vì sao ai đó muốn cushioning?
Về cơ bản, cushioning bắt nguồn từ cảm giác né tránh, sợ hãi. Khi cảm thấy mối quan hệ đang gặp trục trặc, một số người bật cơ chế phòng vệ (defense mechanism) bằng việc thử tìm hiểu những mối quan hệ ngoài luồng, với hy vọng cảm xúc tiêu cực sẽ phần nào vơi bớt.
Một động cơ khác là họ cảm thấy đối tác không giúp họ thoả mãn nhu cầu tâm lý. Ví dụ, A thường làm B thiếu tự tin trong chuyện tình cảm, nên B tìm kiếm sự chú ý và xác nhận từ người khác để cái tôi của họ được xoa dịu và yêu thương (menshealth.com).
Cushioning thường bị coi là một hình thức ngoại tình tư tưởng (emotional cheating). Vì cushioning là duy trì sự thân mật “trên tình bạn dưới tình yêu” với nhiều đối tượng cùng lúc.
Có phải cushioning luôn xấu hay không?
Một số ý kiến cho rằng cushioning vẫn có thể chấp nhận được trong giai đoạn đầu, khi bạn và đối phương còn đang hẹn hò. Trước khi bước vào mối quan hệ chính thức, cả hai vẫn chưa thực sự hiểu về mong muốn và nhu cầu nửa kia, ví dụ: họ muốn mối quan hệ 1-1 hay mối quan hệ mở.
Trong giai đoạn này, cushioning còn giúp họ tránh tập trung quá nhiều năng lượng vào một người và tìm ra điều mình thật sự cần ở một mối quan hệ.
Tóm lại, trong một số trường hợp, cushioning chấp nhận được miễn là nó diễn ra trước khi cả hai cùng cam kết và hiểu rõ về kỳ vọng của nhau.
4. Cách để chống lại sự cám dỗ của cushioning
Bạn có thể đang cushioning mà không nhận ra. Để chống lại sự cám dỗ của hành động này, theo trang eharmony bạn hãy thử 3 cách sau:
- Tìm hiểu lý do vì sao bạn cảm thấy không an toàn trong mối quan hệ;
- Nói chuyện, trao đổi trực tiếp với người yêu về vấn đề bạn đang gặp;
- Thiết lập ranh giới rõ ràng với những người đang tỏ ý thích bạn (và bạn đang có chút “rung động” với họ).
Ngoài ra, có thể bài viết sau sẽ giúp ích cho bạn:
5. Dùng cushioning như thế nào?
Tiếng Anh
A: Why have you hung out with other people lately?
B: I think my relationship with Nhan will end soon. So I’ve been cushioning him with other online dates.
Tiếng Việt
A: Sao dạo này cậu hay tìm hiểu những người khác qua mạng thế?
B: Tớ nghĩ mối tình với Nhân sắp kết thúc rồi. Nên tớ đang xoa dịu viễn cảnh này bằng những cuộc hẹn hò qua mạng khác.