1. Quiet quitting là gì?
Quiet quitting là một hình thức nghỉ việc trong tâm trí trong đó người lao động chỉ làm đúng những việc được liệt kê trong mô tả công việc trong đúng thời gian được công ty và pháp luật quy định. Họ sẽ không làm thêm giờ, không tham gia những hoạt động tập thể của công ty, và cũng không trả lời tin nhắn công việc ngoài giờ làm.
Dù việc người lao động thực hiện những điều trên là khá… bình thường trong các công ty, tổ chức, và quốc gia tôn trọng luật lao động, song nhiều tờ báo lại tỏ ra rằng đây là một xu hướng bất ngờ.
Một số tờ báo đã lãng mạn hoá quiet quitting bằng cách cô đọng nó lại thành một quan điểm rằng “công việc không nên chiếm quá nhiều thời gian trong cuộc sống.” Một số tờ khác thì coi quiet quitting là một “cuộc cách mạng.”
The Telegraph cảnh báo các doanh nghiệp rằng hợp đồng giữa họ và nhân viên đang ngày càng “dễ tổn thương” trong thời kỳ hậu đại dịch. Phải chăng quiet quitting cũng sẽ bùng phát thành một xu hướng toàn cầu như anti-work?
2. Nguồn gốc của quiet quitting
Thật bất ngờ rằng quiet quitting không bắt nguồn từ một đất nước tư bản chủ nghĩa như Mỹ và khối Tây Âu, nơi vấn đề bóc lột lao động và những phong trào đấu tranh được bàn tán hàng ngày. Thay vào đó, phong trào này bắt nguồn từ Trung Quốc.
Cụ thể, quiet quitting - vốn đang bao phủ hàng triệu video trên mạng xã hội TikTok - được truyền cảm hứng từ phong trào tang ping, hay lying flat (nằm thẳng). Tang ping bùng nổ trên các trang mạng xã hội Trung Quốc vào tháng 4 năm 2021 vừa như một lối sống, vừa như một phong trào xã hội.
Tang ping tuyên bố chống lại lối sống rat race (đường đua chuột) mà đất nước này theo đuổi sau cuộc Cải cách kinh tế Trung Quốc, hay cuộc mở cửa với nền kinh tế thị trường phương Tây vào năm 1978. Thay vào đó, nó cổ cũ việc người lao động có thể nằm thẳng ra và đợi cơn đau từ việc bị đánh đập qua đi, giống như những work zombie vậy.
Xảy ra cùng thời gian với cuộc Đại từ chức ở Mỹ và các nước phương Tây do hậu quả của cuộc đại dịch Covid-19, tang ping lan toả với tốc độ khổng lồ và nhanh chóng bị cho là một phong trào nguy hiểm, khi Trung Quốc và nhiều quốc gia đang phát triển vẫn theo đà tích luỹ tư bản nhanh chóng vì địa vị trong giao thương quốc tế. Phong trào bị dập tắt khi Trung Quốc lọc và cấm từ khoá này khỏi internet nội địa.
Giờ đây, với quiet quitting đang viral trên TikTok, tinh thần “nằm thẳng” hồi sinh trở lại ở quy mô toàn cầu. Chỉ có điều, khác với nhiều phong trào đình công, vốn rồi sẽ bị đàn áp nặng nề, những “quiet quitters” đấu tranh bằng cách chỉ ra rằng chúng ta đang sống trong một môi trường lao động điên rồ nơi làm đúng nghĩa vụ của mình bị coi là chưa đủ cống hiến.
3. Vì sao quiet quitting phổ biến?
Tương đồng với một số hình tượng phương Tây
Hình tượng người làm công chỉ làm đúng với bổn phận của họ, từ chối làm việc ngoài giờ, và ngắt liên lạc đối với những người có liên quan tới công việc vào ngoài giờ hành chính, hay được giới phê bình so sánh với nhân vật Bartleby trong tập truyện ngắn Bartleby, the Scrivener: A Story of Wall Street của nhà văn Herman Melville.
Truyện ngắn được sáng tác vào giữa thế kỷ 19 này kể về một luật sư ở Phố Wall thuê một người thư ký tên là Bartleby. Sau một thời gian làm việc chăm chỉ, anh ta dần từ chối những công việc được giao thêm bằng câu nói nổi tiếng, “I would prefer not to” (tạm dịch: Tôi không muốn). Câu nói này được sử dụng lại nhiều lần như một châm ngôn của nhà triết học theo chủ nghĩa cộng sản Slavoj Zizek.
Mức độ hài lòng trong công việc đang lao dốc
Đó là cảnh báo được đưa ra bởi công ty tư vấn và phân tích Gallup trong báo cáo Tình trạng Môi trường lao động Toàn cầu năm 2022. Một số chỉ báo đáng chú ý bao gồm:
- Sự tham gia và phúc lợi toàn cầu tạm ổn định, nhưng thấp. Trong năm nay, chỉ 21% trong số nguồn nhân lực thế giới còn tham gia vào công việc và 33% cảm thấy hạnh phúc với công việc, số còn lại chỉ nhìn đồng hồ đợi giờ về và thấy việc làm của họ hoàn toàn vô nghĩa.
- Mức độ stress trong công việc giữa người lao động trên toàn thế giới đã cao kỷ lục với 44% số nhân sự cảm thấy không lối thoát trong áp lực công việc. Vào năm 2014, con số này là 33%.
- Chỉ số phúc lợi ở châu Âu và Đông Á giảm mạnh sau đại dịch, trong đó Đông Á có chỉ số này thấp nhất thế giới.
- Sau đại dịch, chỉ có thị trường lao động ở Bắc Mỹ hồi phục. Đông Á tiếp tục là nơi có cơ hội việc làm thấp nhất.
Lo ngại về độ trong lành của môi trường lao động
Nhiều nhà phân tích lo ngại rằng phong trào quiet quitting lên ngôi có nghĩa là trong nhiều năm trở lại đây, hustle culture (văn hoá hối hả) đã độc chiếm các diễn ngôn về môi trường làm việc toàn cầu. Khi mọi công ty đều hối thúc nhân sự của mình làm việc chăm chỉ hơn, với thời gian làm việc dài hơn, năng suất lao động cao hơn, và lương theo giờ thấp hơn, chúng ta đang quay lại chủ nghĩa tư bản thế kỷ 19.
Những điều này đã bị quên đi: Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, luật lao động đã quy định cụ thể về thù lao cho làm thêm giờ; nếu hợp đồng lao động không quy định cụ thể điều khoản này, người làm hoàn toàn có thể thực hiện những nước đi pháp lý để đòi quyền lợi.
Ở Việt Nam, Điều 97 Bộ luật lao động 2012 cũng quy định nếu bạn được yêu cầu làm thêm giờ, làm đêm hoặc làm việc vào ngày nghỉ, tiền lương thêm giờ được tính bằng tiền lương theo công việc đang làm nhân với ít nhất 150% cho đến 300%. Mức phạt nếu trả dưới mức quy định cũng đã được pháp luật làm rõ.
4. Dùng quiet quitting như thế nào?
Tiếng Anh:
A: Work harder! The revenue of our company is decreasing due to the quiet quitting movement!
B: I would prefer not to.
Tiếng Việt:
A: Chăm làm lên, trong công ty này đã có quá nhiều người bỏ việc trong im lặng, doanh thu tháng này không biết đi đâu về đâu!
B: Tôi không muốn.