Đây là một tập Have a Sip đặc biệt. Trải qua hơn 150 tập, điều luôn được host Thuỳ Minh nung nấu đã trở thành hiện thực - một tập phát sóng mang tên Have a Ship, với ý tưởng ban đầu đến từ cách phát âm của nhiều khán giả Việt xoay quanh chữ “sip”.
Đặc biệt ở bối cảnh khi nó diễn ra tại bờ sông. Thỉnh thoảng, bạn sẽ nghe thấy tiếng tàu thuyền chạy qua hoặc khung hình có hơi chao đảo do sóng vỗ. Cả ekip đã gọi vui đây thực sự là tập Have a Ship. Và đặc biệt cũng ở khách mời bởi lần này Have a Sip đã có dịp trò chuyện với Chủ tịch ACB - Trần Hùng Huy. Một sự thật thú vị là chủ tịch cũng di chuyển đến địa điểm ghi hình trên một chuyến tàu.
Nhắc đến chủ tịch Trần Hùng Huy, hẳn nhiều người sẽ nhớ đến màn biểu diễn chấn động trong buổi kỷ niệm 30 năm thành lập ACB. Tuy nhiên khi được hỏi về điều đó, chủ tịch đã thừa nhận rằng ngoài đời anh là một người hướng nội và nhảy… dở nhất trong dàn lãnh đạo. Buổi biểu diễn thực chất là một tình huống nghịch đảo. Thông thường nhân viên có thể tham gia diễn trong các tiết mục văn nghệ thì lần này chủ tịch với tư cách là “thuyền trưởng” muốn đích thân gửi lời tri ân đến những thế hệ đã cống hiến cho ACB.
Ai cũng phải lái con tàu của cuộc đời mình, nhưng ở vị trí lãnh đạo, con tàu đó không chỉ là bản thân mà còn là tập thể các thành viên trong công ty. Vậy “thuyền trưởng” Trần Hùng Huy có những suy tư gì về “con tàu” ACB?
Lãnh đạo cũng giống như thuyền trưởng của một con tàu
Nếu như xem ACB là một con tàu, điều gì sẽ là quan trọng nhất đối với thuyền trưởng?
Hiểu bản thân muốn gì và giá trị của công ty. Bên cạnh đó, biết bản thân không phải là người giỏi nhất. Mình rất tự hào khi ở ACB có những bạn mạnh dạn đến và bảo là họ giỏi hơn mình. Bởi vì chỉ khi tập hợp được những cá nhân giỏi hơn mình ở những lĩnh vực mà họ có chuyên môn thì ở vị trí cầm lái mình mới chắc chắn là con tàu sẽ đi đúng hướng.
Giữa hướng đi và đích đến của con tàu, đâu là điều quan trọng hơn đối với anh?
Hướng đi và đích đến là hai điều mà lúc nào mình cũng phải cân não nhưng nếu hỏi đâu là điều quan trọng hơn thì đối với mình đó là hướng đi. Nếu nghĩ về cuộc sống thì đích đến cuối cùng của một người hẳn là… cái chết. Cái chết thì không thú vị rồi nên điều quan trọng ở đây là hướng đi.
Áp dụng khái niệm đó vào công việc thì cũng sẽ thấy đích đến ở mỗi thời điểm có thể thay đổi. Chẳng hạn, đích đến của một doanh nghiệp trong 5 năm là một con số nhất định nhưng trong 3 năm mình đã đạt được nó thì đích đến của mình hiển nhiên sẽ phải khác đi. Nhưng dù đích đến có thay đổi cách mấy mình vẫn cần phải đi đúng hướng để không rơi vào chiếc vòng luẩn quẩn của 100 ngã rẽ khác nhau.
Vậy làm thế nào anh biết là mình đi đúng hướng?
Bằng cách lắng nghe feedback. Thật ra, so với khi đúng hướng, đi lầm dễ nhận ra hơn bởi luôn có ai đó phản biện mình.
Mình vận dụng nhiều kỹ năng trong cuộc sống trong quá trình điều hành doanh nghiệp. Nếu bình thường mình lắng nghe người thân, bạn bè để điều chỉnh lại quỹ đạo cuộc sống thì trong công việc cũng vậy. Đồng nghiệp từ những cấp bậc khác nhau sẽ cho mình phản hồi để mình có thể lái con tàu đi đúng quỹ đạo mà mình muốn.
Khi nhận được phản hồi, làm thế nào để anh biết là mình đi lệch hướng hay đó chỉ là bởi ý tưởng của anh quá mới?
Khi hiểu được giá trị cốt lõi của bản thân lẫn công ty thì mình tự khắc có thể phân biệt được đâu là phản hồi tích cực và đâu là phản hồi mang tính phản đối. Sự thay đổi lúc nào cũng sẽ bị chống đối trong thời gian đầu.
Cách đây 10 năm, ESG là một câu chuyện rất xa vời và ngay cả các cổ đông lớn của ACB cũng phản đối. Mình biết sẽ tốn rất nhiều thời gian để thuyết phục và chứng minh giá trị của nó. Đây không phải là câu chuyện của 1-2 năm mà là câu chuyện của 10, 20, 30 và thậm chí là hàng trăm năm sau.
ESG là đáp án để giải một bài toán ở thì tương lai
Nếu anh phải giải thích ESG cho một khán giả 5 tuổi?
Nếu phải tóm gọn, thì ESG sẽ là “nếu một mai khi con lớn lên, tất cả mọi thứ vẫn còn ở đó vẹn nguyên để con hưởng thụ”. ESG là cho thế hệ tương lai, chứ không phải là cho thế hệ của bản thân mình.
Trong ESG sẽ bao gồm Governance (quản trị) để một công ty đi đúng hướng, Social (xã hội) không chỉ gói gọn ở an sinh xã hội và từ thiện, Social có thể là sự quan tâm đến nhân viên, hoặc là bình đẳng giới trong doanh nghiệp và Environment (môi trường) là tác động của doanh nghiệp đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Vì sao ESG lại nên được quan tâm tại thời điểm này?
Thật lòng mà nói, hiện giờ chúng ta đã hơi muộn rồi. Ở các nước phát triển, họ đã không còn dùng từ ESG nữa mà có rất nhiều tranh luận xoay quanh EEE - tất cả đều là về Environment. S (Social) và G (Governance) là một điều mặc nhiên và doanh nghiệp cần phải làm gì đó vượt trội hơn.
Dù hơi muộn so với thế giới nhưng ở thị trường đang phát triển như Việt Nam thì ESG vẫn là một khái niệm thiết thực đối với các doanh nghiệp.
Quá trình thay đổi và ứng dụng ESG cho hàng nghìn nhân viên của ACB diễn ra như thế nào?
Đó là sự kết hợp giữa kiên định và… có chút đàn áp. Trong quá trình chuyển đổi từ ly nhựa thành ly giấy, loại bỏ chai nhựa khi tiếp khách để thay bằng tách trà thì chi phí bị đội lên rất nhiều. Đó là cả một quá trình đầu tư và mình cũng nhận những phản hồi không đồng thuận. Nhiều người nghĩ đây là một khoản đầu tư không mấy hiệu quả, mà làm doanh nghiệp thì hiệu quả phải đặt lên hàng đầu (đây cũng là giá trị cốt lõi của ACB).
Tuy nhiên, hiệu quả thì cũng có hiệu quả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Mình phải phân tích cho mọi người thấy những gì mình làm sẽ được hoàn trả như thế nào. Và đó là cả một quá trình.
Điều gì trong quá trình này mà đến chủ tịch cũng không làm được?
Ở công ty mình có thể dùng quyền lực cứng để thuyết phục mọi người nhưng khi về nhà mình vẫn thấy đâu đó những thành viên còn đi chợ bằng túi nilon. Điều đó mang lại cảm giác nếu mình không thuyết phục được những người bên cạnh mình thì làm sao nghĩ đến việc thuyết phục mười mấy nghìn người trong một công ty, khi mà không gian sống của họ không chỉ ở văn phòng.
Nhìn chung đó là điều khiến mình có đôi chút nản lòng và mình đang cố cùng các bạn kiên trì vượt qua.
Điều gì khiến ACB chọn ESG?
Mình tin tưởng ACB là một doanh nghiệp trường tồn. Không chỉ 5-10 năm mà là hàng trăm năm. Mình đã thấy nhiều ngân hàng trên thế giới tồn tại qua mấy trăm năm. Và để trường tồn thì môi trường là mấu chốt và mình muốn làm đáp án chứ không phải là vấn đề.
Vì sao anh nghĩ ESG là đáp án?
Mình nghĩ tất cả vấn đề đều sẽ có đáp án của nó. Quan trọng là, liệu đó có phải đáp án mình thích hay không. Thay vì để người khác áp đặt đáp án lên mình, mình nên là người chủ động đi tìm đáp án.
Để đến đích ta buộc phải bắt đầu dù là từ số 0
Làm thế nào để giải quyết được nghịch lý giữa hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường?
Có một vẻ đẹp tồn tại trong nghịch lý đó chính là quyền được chọn. Và ở trong ngành ngân hàng mình có lợi thế ở quyền được chọn. Liệu mình có muốn khơi thông nguồn vốn cho những dự án có tác hại xấu đến môi trường hay mình muốn ủng hộ các doanh nghiệp có dự án tạo nên tác động tốt?
Khi làm kinh doanh thì bài toán về lợi nhuận sẽ được đặt lên hàng đầu nhưng trong lợi nhuận cũng có sự hài hòa và đó là giá trị cốt lõi của ACB. Lợi nhuận không chỉ nằm ở số tiền mà còn nằm ở giá trị đem lại cho cộng đồng và xã hội. Nếu ngân hàng tài trợ cho một dự án có hình ảnh tốt về môi trường thì bản thân ngân hàng cũng được hưởng lợi.
Sau chiến dịch nội bộ thu gom 45 tấn rác kỷ niệm 30 năm thành lập ACB, anh có nhận thấy có sự thay đổi nào đang diễn ra không?
Không chỉ dừng lại 45 tấn, để kỷ niệm 30 năm thành lập ngân hàng, mình cũng đã đặt ra mục tiêu là thu gom 300 tấn rác trong 3 năm (đến 2025). 45 tấn chỉ là mục tiêu của năm 2023.
Với một nhân viên ACB, món quà ý nghĩa nhất không phải là sự công nhận mà là mỗi cá nhân để lại gì cho tương lai. Đó là lý do mình cho triển khai hoạt động dọn 300 tấn rác.
Tác động của 300 tấn rác lên môi trường thực chất cũng là một con số rất nhỏ, gần như bằng 0. Nhưng mình hiểu rằng dù là từ số 0 thì nó cũng cần sự bắt đầu bởi nếu không bắt đầu thì sẽ không bao giờ có đích đến.
Số lượng lãnh đạo nữ ở ACB là 49%, một con số vô cùng đáng kể cho thấy sự đa dạng trong dòng chảy của ACB. Với sự đa dạng như vậy anh có cảm thấy vị trí thuyền thưởng khó khăn?
Đây là một điều mà mình rất tự hào bởi 49% là một con số cao không chỉ ở Việt Nam mà còn ở trên thế giới. Văn hóa bình đẳng giới đã có mặt từ những ngày đầu thành lập ACB và mình cảm thấy may mắn khi được thừa hưởng điều đó từ các thế hệ đi trước. Cũng bởi là người kế thừa nên đối với mình điều này diễn ra rất tự nhiên và mình có không gian để phát triển nó.
Mình không dùng con số 49% hay 50% để đo lường bởi như vậy mình đã đưa nó vào sự gán ép nhất định. Thay vì vậy, mình để bình đẳng diễn ra tự nhiên và có những chính sách khuyến khích để nó trở thành thế mạnh của doanh nghiệp. Có mẹ là một người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, mình quan sát được rằng nếu phụ nữ ở trong một môi trường cởi mở và được khuyến khích thì họ hoàn toàn có thể làm tốt, có khi là hơn cả nam giới.
Theo anh, đâu là đích đến của ESG?
Dù ban đầu mình có nói nhiều đến việc đích đến không quan trọng nhưng với vấn đề về môi trường thì đích đến quan trọng. Bởi nếu mình không đến đích thì sẽ để lại hậu quả rất lớn cho mỗi cá nhân, doanh nghiệp, đất nước và rộng hơn là cho nhân loại.
Trong hội nghị biến đổi khí hậu COP26, chính phủ Việt Nam đã đã cam kết đạt được net zero (mức phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050. Khi đã biết đích đến rồi thì mình sẽ phải xác định được hướng đi để đến được cái đích đó.
Người trẻ nên cảm thấy gì và nên làm gì cho cái đích này?
Đối với người trẻ đây thực chất là quyền lợi của họ. Bởi trong 50 năm, 70 năm hoặc 100 năm nữa trái đất sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Vì vậy họ cần đứng lên đòi hỏi quyền lợi này và hành động ngay. Bắt đầu từ những việc rất nhỏ như thay đổi hành vi và tạo ra ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Đến lúc nào thì anh nghĩ mình không cần phải làm thuyền trưởng nữa?
Cũng giống như chiếc áo, nếu nó bắt đầu rộng hơn cơ thể thì mình nên cởi ra. Nếu doanh nghiệp đã vượt qua năng lực của mình thì mình nên bước ra để cho một người có năng lực hơn kế thừa.