Vì sao bão Yagi “sống dai”, tàn phá đến tận Nam Á? | Vietcetera
Billboard banner
18 Thg 09, 2024

Vì sao bão Yagi “sống dai”, tàn phá đến tận Nam Á?

Thường bão sau khi đổ bộ sẽ yếu đi và biến mất. Nhưng cơn bão Yagi này thì khác.
Vì sao bão Yagi “sống dai”, tàn phá đến tận Nam Á?

Tàn dư bão Yagi tiếp tục hoành hành ở Myanmar. | Nguồn: CNN

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Theo đúng quy luật, sau khi đổ bộ đất liền, một cơn bão sẽ suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới rồi tan biến. Nhưng bão Yagi thì không như vậy. Sau khi lướt qua Việt Nam, tàn dư cơn bão tiếp tục gây mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất ở Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanmar.

Và sau khi trải qua chặng đường dài hơn 2000 km tính từ khi hình thành ở phía tây bắc đảo quốc Palau, tàn dư bão Yagi lại tiếp tục mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới ở phía Bắc vịnh Bengal. Nó gây ra thời tiết xấu ở vùng biển ngoài khơi Bangladesh và phía đông bắc Ấn Độ cho tới ngày 16/9. Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra trong 30 năm nay.

2. Bão Yagi lấy “năng lượng” ở đâu để mạnh lên?

Bão Yagi là siêu bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm trở lại đây hoạt động trên Biển Đông, với sức gió lên tới 240 km/h. Nó cũng lập “kỷ lục” về số quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng (lên tới 10 quốc gia ở ngoài khơi Thái Bình Dương, Đông Nam Á và Nam Á).

Tuy nhiên ít ai biết ở thời điểm mới hình thành, nó chỉ là một áp thấp nhiệt đới với sức gió tối đa 90 km/h. Sở dĩ Yagi nhanh chóng mạnh lên thành bão giật cấp 16 là do mặt biển ấm. Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, từ tháng 4/2023 đến tháng 6/2024, nhiệt độ bề mặt trung bình hằng tháng của các đại dương đạt mức cao kỷ lục (tính theo dữ liệu ghi nhận từ năm 1979).

17sep2024screenshot20240917173323jpg
Nhiệt độ mặt nước biển đạt mức cao nhất kể từ năm 1979. | Nguồn: Copernicus Climate Change Service

Do hiện tượng nóng lên toàn cầu, các đại dương đã hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa, và băng ở hai đầu địa cực tan ra cũng khiến mực nước biển dâng cao. Điều này dẫn tới hệ quả tất yếu là khi các cơn bão hình thành, chúng “hút” được nhiều hơi nước hơn, nhiều gió hơn và dữ dội hơn so với trước đây. Ngoài ra cũng có nghiên cứu cho thấy, biến đổi khí hậu khiến bão di chuyển chậm hơn, từ đó gây mưa nhiều hơn ở từng địa điểm nó đi qua.

3. Còn những nơi nào trên thế giới đang bị bão, lũ lụt hoành hành?

Nếu như các nước Đông Nam Á “gồng mình” chống chọi bão Yagi, thì phía Đông Bắc Á cũng bị một cơn cuồng phong khác tên Bebinca tấn công. Với sức gió 151 km/h, biết đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ Thượng Hải (Trung Quốc) kể từ năm 1949, khiến giao thông thành phố tê liệt, nhiều khu vực bị mất điện.

17sep202445825599138312736972015147738260995253987539njpg
Bầu trời Thượng Hải chuyển tím trước khi bão Bebinca đổ bộ. | Nguồn: China Daily

Phía bên kia bán cầu, bang Bắc Carolina (Mỹ) cũng vừa hứng trận mưa lịch sử “nghìn năm có một” do một cơn áp thấp gần bờ biển Florida gây ra. Dù chưa đủ mạnh để được gọi là bão, cơn áp thấp này đã trút xuống 457 mm nước mưa chỉ trong 12 giờ, gây ngập lụt và mất điện diện rộng, nhiều phương tiện giao thông bị cuốn trôi và trường học, công sở phải đóng cửa.

Quay trở lại Việt Nam, phía bắc Biển Đông đã có thêm một cơn áp thấp nhiệt đới. Nó đang di chuyển rất nhanh về phía Tây, khả năng cao sẽ mạnh lên thành cơn bão số 4, đổ bộ vào khu vực Bắc Trung Bộ. Chính phủ cùng các cơ quan, ban ngành liên quan đang nhanh chóng lên kế hoạch đối phó với cơn áp thấp này.