Đối mặt với giãn cách bằng nghịch lý Stockdale | Vietcetera
Billboard banner
15 Thg 09, 2021

Đối mặt với giãn cách bằng nghịch lý Stockdale

Nghịch lý Stockdale giúp chúng ta duy trì một thái độ hợp lý để đối phó với nghịch cảnh.

Đối mặt với giãn cách bằng nghịch lý Stockdale

HWEE @unknown_hwee cho Vietcetera

Thời gian trong thời kỳ giãn cách dường như trở nên vô định khi bạn mong chờ nó sẽ mau kết thúc để rồi lại nhận được thông báo “quay xe”. Phản ứng của bạn ở đây là gì? Có phải là một vòng lặp hy vọng rồi lại thất vọng khiến bạn trở nên mệt mỏi?

Tuy nhiên, có một triết lý được gọi là nghịch lý Stockdale để nói về mâu thuẫn của sự liên tục kỳ vọng này, từ đó tìm ra một thái độ giúp bạn ứng phó với giai đoạn giãn cách nói riêng, và các thời kỳ khủng hoảng nói chung. 

Vậy nghịch lý Stockdale là gì?

Nghịch lý Stockdale xuất hiện lần đầu trong cuốn sách Từ tốt đến vĩ đại (Good to great) của tác giả Jim Collins. Nghịch lý Stockdale cho rằng dù đối mặt với thực tế phũ phàng, chúng ta vẫn nên giữ niềm tin và hy vọng, tuy nhiên nó còn phải đi kèm thái độ chấp nhận thực tại, bởi một hy vọng quá xa vời dễ khiến nỗi thất vọng càng cao. 

Nguồn gốc của nghịch lý Stockdale?

Nghịch lý này được đặt theo tên của Jim Stockdale, một đô đốc người Mỹ từng là tù nhân trong chiến tranh Việt Nam suốt 8 năm ròng. 

Trong khoảng thời gian đó, ông nhận thấy có một phản ứng chung của những người cùng bị giam giữ. Họ kỳ vọng mình sẽ được thả vào ngày Giáng Sinh, rồi Giáng Sinh đến và đi nhưng lại chẳng có gì thay đổi, rồi họ lại đặt hy vọng mình sẽ được thả vào ngày Phục Sinh, sau đó là Lễ Tạ Ơn. Cuối cùng, họ qua đời với nỗi thất vọng và một trái tim tan vỡ mà không thể trở về.

Nghịch lý Stockdale được đúc kết như kinh nghiệm của một tù nhân chiến tranh. 

Theo Stockdale, những người tích cực như trên không vượt qua nghịch cảnh bởi họ đã để lỡ bài học quan trọng: “không được lẫn lộn giữa niềm tin rằng mình sẽ chiến thắng, cái mà bạn không bao giờ được để mất, với kỷ luật để đối diện với sự thật hiện tại, bất kể nó phũ phàng đến thế nào đi nữa.”

Liên hệ với việc giãn cách, chúng ta hy vọng nó sẽ kết thúc sớm khi ngày hạn đến, nhưng rồi thất vọng vì nó lại kéo dài thêm. Để tránh nỗi thất vọng đó, Stockdale cho rằng niềm hy vọng chỉ nên vừa đủ để chừa chỗ cho những biến động khó lường. Ta thực hiện điều này bằng cách sống cho hiện tại hơn là lo lắng về tương lai.

Nghịch lý Stockdale giúp ta đối mặt với thời kỳ khủng hoảng như thế nào?

Gạt bỏ những niềm tin, kỳ vọng không thực tế

Niềm tin và hy vọng là yếu tố thiết yếu để giúp ta có cái nhìn tích cực và phát triển, nhưng nó có thể trở thành con dao hai lưỡi khi đối mặt với khủng hoảng. 

Giáo sư triết học Musschenga tại Đại học Amsterdam nói, hy vọng không những nên thực tế mà còn phải xem liệu nó có đủ phù hợp để một người nhắm đến hay không. Những niềm tin không thực tế sẽ dẫn đến những kỳ vọng không thể trở thành hiện thực.

Giống như hy vọng được thả ở Giáng Sinh, Phục Sinh rồi Lễ Tạ Ơn, việc hy vọng rồi lại thất vọng nếu một lúc nào đấy vượt ngưỡng sẽ làm suy yếu sức chịu đựng của bạn. Nghịch lý Stockdale giúp ta xem lại những kỳ vọng đó bằng cách nhìn thẳng vào thực tế, không những tránh đi những niềm tin hão huyền mà còn để chấp nhận tốt hơn.

Khả năng thích ứng với môi trường tốt hơn 

Nghiên cứu của nhà tâm lý John Leach cho thấy, những người sống sót sau trận thiên tai nhanh chóng lấy lại nhận thức, và xác định môi trường mới để tìm ra cách tiếp tục thích nghi. Vì thế, ông cũng cho rằng con người có bản năng sinh tồn theo thời điểm. Đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng, bản năng đó được kích hoạt để ta tập trung vượt qua các vấn đề sống còn trước mắt hơn là lo lắng về tương lai. 

Thay vì nuôi hy vọng về một tương lai vô định, ta nên tập trung sức lực cho hiện tại. 

Tương tự quan điểm của nghịch lý Stockdale, nó giúp ta trở nên bền bỉ và dễ thích nghi với việc giãn cách bằng cách tập trung vượt qua các khó khăn ở hiện tại. Dù là tù nhân kỳ vọng được thả, hay những người đang ở giữa tâm dịch, đây đều là những “thiên tai” mà chúng ta cần đối mặt.

Áp dụng nghịch lý Stockdale để đối mặt với giãn cách

Nghịch lý Stockdale không hoàn toàn rũ bỏ hy vọng khi đối mặt với nghịch cảnh, mà chỉ nên đủ để đối mặt với thực tế phũ phàng. Để làm được điều này, chúng ta cần gia tăng sức bền để đối diện với hiện tại hơn là nghĩ ngợi về tương lai.

Dưới đây là một vài gợi ý cho bạn rút ra từ nghịch lý Stockdale.

1. Giữ một niềm tin, hy vọng trung lập

Bủa vây bởi những thông tin hỗn loạn về đại dịch, bạn hãy giữ cho mình một thái độ trung lập để tránh rơi vào bất kỳ thái cực nào. Chẳng hạn như dù chúng ta có niềm tin chiến thắng được đại dịch, nhưng phải chấp nhận sự thật rằng việc này cần rất nhiều thời gian và nỗ lực, thậm chí là một tinh thần “sống chung với lũ”. 

Trong thời điểm biến động, khó để biết trước điều gì sẽ diễn ra vào ngày mai. Vậy nên giữ một niềm tin trung lập để chừa chỗ cho những thay đổi không lường trước, cũng như áp dụng bước thứ 2 để sống cho hiện tại hơn. 

Bạn có thể tham khảo thêm:

Toxic positivity: Tại sao tích cực không phải lúc nào cũng tốt?

2. Chia nhỏ công việc trong một ngày

Việc giãn cách không biết thời hạn khiến ta chán nản và không muốn làm gì ngoài việc đếm ngày trôi qua. Điều này sẽ không giúp bạn cảm thấy bớt lo âu hay thất vọng hơn. Vậy nên thay vì chờ đợi, vì sao không tận dụng khoảng thời gian này để sắp xếp lại thói quen, công việc hằng ngày.

Lập một danh sách cần làm trong ngày, hay chia nhỏ thời gian để hoàn thành công việc. Dù điều này nghe rất bình thường, nhưng có một thời khóa biểu như thế cho bạn định hướng mình nên làm gì, cũng như kiểm soát được những gì mình có thể. 

Vietcetera gợi ý cho bạn:

Ngưng bận sấp mặt với 5 thủ thuật quản lý thời gian này.

Thử rồi thích: mỗi ngày một chiến thắng với quy tắc 1-3-5.

Một tuần trải nghiệm một Pomodoro giúp tôi nhận ra điều gì?

3. Thực hành thiền chánh niệm

Thiền chánh niệm giúp ta sống cho hiện tại hơn là lo lắng về những bất định tiếp theo của đại dịch. Với 5-10 phút tĩnh lặng và hít thở mỗi ngày, bạn đã làm dịu lại bộ não để loại bỏ các nỗi lo âu và áp lực. Theo Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai, não bộ của giống như cơ bắp và việc luyện tập mỗi ngày sẽ khiến não bộ dẻo dai hơn (brain plasticity).

Chánh niệm không dừng lại ở việc ngồi thiền, hít thở mà còn được thực hành dưới nhiều hoạt động khác nhau như vẽ tranh, tô màu, thêu thùa,... mà biết đâu sau khi thử, bạn lại tìm thêm được một sở thích khác cho mình.

Tìm hiểu thêm về thiền chánh niệm ở bài viết: 

Thử Rồi Thích: Thiền yêu thương (metta meditation)

Phương pháp thiền và chánh niệm cho người bận rộn

Điểm tên 5 kỹ thuật thiền phổ biến: Bạn phù hợp với dạng nào?