Trong các bài viết trước tôi đã giới thiệu với bạn về Trào lưu FIRE (Financial Independence + Retire early: Độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm), cũng như những ai phù hợp để áp dụng. Nếu chưa đọc thì bạn có thể tìm các bài viết đầy đủ tại đây:
- Trào lưu FIRE: Con đường dẫn tới Độc lập tài chính và Nghỉ hưu sớm
- Giải đáp về trào lưu FIRE (phần 1): Ai mới có thể đạt được độc lập tài chính?
Tuy nhiên, để giúp bạn tiết kiệm thời gian, tôi xin vắn tắt lại về FIRE, như sau:
FIRE là một trào lưu sống hướng tới mục tiêu làm chủ hoàn toàn về tài chính.
Mục tiêu này được thực hiện bằng cách tiết kiệm và đầu tư từ 50-70% thu nhập cho đến khi số tiền bạn có được (tiền mặt hoặc tiền trong quỹ đầu tư) bằng khoảng 25 lần số tiền tiêu dùng trong một năm.
FIRE dành cho những người bình thường, không quá tài giỏi, không nhất thiết phải có kỹ năng lãnh đạo, có thể chỉ làm công việc bình thường (làm công ăn lương), xuất thân không quá nổi trội nhưng có khả năng kỷ luật cao, tiết kiệm triệt để, có thể hy sinh những thú vui trước mắt (như quần áo, nghỉ dưỡng…) vì mục đích tài chính lớn phía trước.
Trong bài viết này, tôi sẽ trao đổi thêm về những điều cần lưu ý trong đầu tư và vay nợ đối với trường hợp bạn đang muốn bắt tay vào thực hiện FIRE.
1. Quan điểm của FIRE về vay nợ?
FIRE có quan điểm khá “cứng rắn” về nợ nần: Trả nợ nhanh nhất có thể! Đây là vì xuất phát điểm của FIRE là sự ổn định, chắc chắn, ít rủi ro, tập trung vào yếu tố tự thân (tiết kiệm) thay vì dựa vào các yếu tố bên ngoài (nợ nần, gọi vốn vay).
Nhưng còn với những khoản nợ lớn và đòi hỏi thời hạn dài như trả góp mua nhà thì sao? Ngày nay, ít người trẻ có thể độc lập mua nhà hoàn toàn bằng tiền mặt, nếu không có sự trợ giúp của gia đình. Vì vậy phương án mua nhà trả góp (vay tiền ngân hàng để mua nhà) là phương án gần như duy nhất với nhiều người.
FIRE không có quy định cụ thể nào về việc này, nhưng những người thành công với FIRE đều trả dứt tiền nhà từ rất sớm (sớm hơn con số 15 hay 30 năm - thời hạn phổ biến của vay trả góp). Trả dứt tiền nhà đảm bảo sự ổn định và chắc chắn trong tài chính, cũng là nền tảng của FIRE.
Chính vì thế, đường đi của FIRE chậm hơn nhưng chắc chắn, độc lập hơn các phương pháp “làm giàu”, như đã trình bày ở bài trước.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, bạn không cần phải đợi đến khi trả dứt tiền nhà mới thực hiện FIRE. Vì nếu bạn đợi quá lâu có thể mất nhiều thời gian và cơ hội quý giá để tích lũy cho việc về hưu, nhất là nếu mức lãi suất vay trả góp nhà thấp hơn mức tiền lời bạn có thể kiếm được từ đầu tư.
Mặc dù vậy, mục tiêu trả nợ nhà vẫn cần được đặt lên hàng đầu; trả nợ được càng sớm thì khả năng đạt được FI/RE càng lớn và càng vững chắc.
2. Quan điểm của FIRE về rủi ro trong đầu tư?
Như đã phân tích và so sánh (trong bài trước) với hai mức độ tiếp cận tài chính: “Ổn định tài chính” (của Dave Ramsay) và “Làm giàu” (của Robert Kiyosaki), thì FIRE được xây dựng với mô hình rủi ro trung bình, không quá thấp, nhưng cũng không quá cao.
Điểm đặc biệt nhất của FIRE là đầu tư dài hạn, không rút tiền ra khỏi tài khoản đầu tư, để găm sinh lãi kép trong nhiều năm cho đến khi đạt FI thì mới rút 4%/năm. Điều này cho phép đầu tư được ổn định, kể cả trong giai đoạn thị trường đi xuống thì tổng lợi tức vẫn không bị ảnh hưởng (đã được chứng minh bằng 2 nghiên cứu độc lập có nhắc đến trong bài giới thiệu về trào lưu FIRE).
Mục tiêu của FIRE là không rút tiền ra khỏi tài khoản đầu tư cho đến khi đạt được số tiền 25 x (tiền tiêu dùng trong 1 năm).
Tuy vậy, vì mức độ chịu đựng rủi ro (risk tolerance) của mỗi người mỗi khác, nên có người sẽ nghĩ đầu tư 50-70% thu nhập như vậy là quá mạo hiểm.
Tuy nhiên, cũng sẽ có người cho rằng như vậy là chưa đủ, cần đầu tư thêm để đạt hiệu quả cao hơn. Nhưng nhìn chung, đã đầu tư thì phải có rủi ro. Đây là quy luật chung ở tất cả các phương pháp tài chính và hình thức đầu tư, không chỉ riêng gì FIRE.
Nhiều người vẫn chần chừ đầu tư vì luôn mắc kẹt với câu hỏi: “Nếu… thì sao…?” (ví dụ: Nếu đầu tư chứng khoán mà bị lỗ thì sao? Nếu đầu tư làm nhà cho thuê mà không có người thuê thì sao? Nếu đầu tư địa ốc mà bán không được lời thì sao?) và cuối cùng họ chẳng làm gì cả!
Đây chính là vấn đề mà tôi thấy rất nhiều ở thế hệ trước tại Việt Nam: mọi người làm công chức nhà nước, ăn mức lương khiêm tốn, chắt bóp chi tiêu nhưng không dám đầu tư, chỉ cất trong tủ, mua vàng, hoặc gửi ngân hàng lãi suất thấp.
Rồi đến khi con cái cần tiền đi học, xây nhà, cưới hỏi… thì lại phải cắt xẻ khoản tiết kiệm cho bản thân này đi để lo cho con, trong khi đó mình đã về hưu, không còn nhiều khả năng kiếm thêm như trước.
Đây không phải là điều gì xấu xa (bản thân tôi ăn học được đến ngày nay cũng là nhờ bố mẹ hy sinh kinh tế cho rất nhiều). Tuy nhiên, đây không phải là cách tối ưu để xây dựng một nền tảng tài chính cá nhân vững mạnh.
Đầu tư là cách duy nhất để nối dài hơn đồng tiền mình kiếm được, nhất là khi đã về hưu, thay vì cứ ăn dần, ăn mòn vào từng đồng, từng hào mình làm lụng vất vả, chắt bóp cả đời mới có được.
3. Đạt được FIRE có đồng nghĩa với giàu có không?
FIRE khác với giàu có.
Một lần nữa, FIRE có nghĩa là độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm, không có nghĩa là bạn có thể tiêu tiền không tiếc tay theo nghĩa “giàu có” thông thường.
Tại sao? Vì khi đạt được FI, bạn chỉ có thể rút tối đa 4%/năm để chi tiêu. 4% này đã được tính toán vừa đủ cho chi tiêu cơ bản. Rút nhiều hơn 4% có thể làm quỹ đầu tư hao hụt không thể đủ để chi tiêu cho 30 năm hoặc hơn sau khi nghỉ hưu sớm.
Đạt được FI không đồng nghĩa bạn có thể tiêu xài thoải mái, mà chỉ được rút 4% mỗi năm để chi tiêu.
Bởi vậy, đối với những người đã đạt được FIRE, chi tiêu của họ cũng chỉ như những người bình thường, thậm chí thấp hơn bình thường vì họ đặt mục tiêu tiết kiệm lên đầu.
Tuy vậy, cái “giàu có” riêng của họ là được tự do làm bất cứ điều gì mình muốn, mà không phải lo sợ rằng nếu ngày mai mất việc, kinh doanh đổ vỡ thì mình sẽ bị đẩy ra đường tay trắng.
Họ hoàn toàn an tâm về nền tảng tài chính của mình. Họ có thể theo đuổi những dự án nhiều tham vọng hơn, có thể làm việc theo sở thích và không gắn với lợi ích tiền bạc nhiều hơn… Đây chính là định nghĩa của sự “giàu có” trong FIRE.
4. Nên bắt đầu FIRE từ đâu?
Đây là câu hỏi chung mà rất nhiều người thắc mắc. Nhưng câu trả lời luôn là bạn phải tìm được đường đi riêng cho mình. Con đường chung là 5 bước tiến tới FIRE tôi đã vạch ra ở bài viết trước:
- Trả hết toàn bộ nợ nần
- Tính toán con số FI của mình
- Cắt giảm chi tiêu, tăng thêm thu nhập
- Đầu tư rất nhiều tiền
- Tìm cho mình một sở thích để sẵn sàng nghỉ hưu
Nhưng để đầu tư vào ngạch nào, mua cổ phiếu nào, mua nhà đất nào, đầu tư công ty nào, làm ra sao… thì bạn phải tự tìm hiểu.
Đừng mù quáng làm theo tất cả những điều dạy ở khóa học làm giàu mà chưa kiểm chứng. Đừng chỉ thoáng thấy “chuyên gia tài chính” nào đó thở ra tên cổ phiếu nào là đổ tiền vào cổ phiếu đó. Đừng mua bất cứ cái gì bạn không thực sự biết rõ và chưa đầu tư thời gian, công sức tìm hiểu về nó. Đừng tin hoàn toàn vào bất kỳ ai trên mạng Internet (bao gồm cả tôi!).
Luôn luôn tìm hiểu, nghiên cứu, đọc sách, hỏi han, học hỏi… rồi tự đưa ra quyết định cho mình. Kể cả có thuê chuyên gia tài chính để định hướng đầu tư thì bạn cũng cần phải nghiên cứu trước rồi mới khẳng định rót vốn.
Do vậy, thực sự nếu nói là nên bắt đầu FIRE từ đâu, lời khuyên chân thành nhất của tôi là bắt đầu từ chính mình.
Tự bạn phải "vun trồng" kiến thức về tài chính cho bản thân trước chứ đừng phụ thuộc vào chỉ dẫn của người khác.
Mình phải tự nâng cao kiến thức về tài chính (financial literacy), học hỏi thêm những người đi trước, quan sát, nghiên cứu thị trường, đi thực địa… thì mới có thể là một người quản lý tài chính cá nhân và người đầu tư tốt được. Bản thân tôi cũng vẫn đang học hàng ngày.
5. Kết: Nghĩ về FIRE khi thành phố chìm trong lửa cháy
Bài viết này được thực hiện vào những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6/2020, khi các thành phố lớn ở nước Mỹ chìm trong biểu tình, bạo động, nhưng vẫn khá phù hợp để nhắc đến trong hiện tại.
Tạm để sang một bên những lý do sắc tộc, chính trị, văn hóa gây nên sự vụ này, thì hệ lụy kinh tế-tài chính từ đó là điều rất đáng bàn trong khuôn khổ FIRE.
Nước Mỹ vừa rục rịch mở cửa kinh tế trở lại sau COVID-19 thì lập tức bị “phủ đầu” bởi biểu tình, bạo động. Rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhỏ mới thoi thóp cầm cự được qua mùa bệnh, giờ lại bị đập phá.
Theo dõi cô gái khiếm thị người Việt, Masterchef Christine Ha, vất vả xây dựng được nhà hàng đầu tiên ở Houston chưa được bao lâu để rồi bị trộm cướp tôi thực sự rất xót xa. Suy nghĩ đầu tiên của tôi là: “Hy vọng Christine có nền tảng tài chính cá nhân vững mạnh để sa sút kinh doanh không làm ảnh hưởng đến gia đình chị ấy”.
Đây thực sự là một bài học, không chỉ cho nước Mỹ, mà toàn thế giới: Trên đời, không có gì là ổn định mãi mãi. Đừng trông chờ vào bất cứ ai và bất cứ điều gì để tạo nên sự ổn định. Bản thân chúng ta phải độc lập tạo ra sự ổn định cho riêng mình. Đây chính là điều tôi thích nhất ở FIRE vì nó cho phép bạn dựa vào chính bản thân để tiết kiệm và đầu tư chắc chắn, lâu dài.
Nếu bạn đang ở Mỹ, đừng nên nghĩ rằng cứ sang được Mỹ (hay bất cứ đất nước phát triển nào khác) là đột nhiên mình sẽ kiếm được rất nhiều tiền và nhanh chóng đạt được độc lập tài chính. Đừng nên nghĩ rằng thị trường chứng khoán phát triển là mình có thể dựa vào đó để “lướt sóng” kiếm tiền ăn sổi. Đừng nên chờ vào chính phủ ban ân huệ cho mình để đạt được những gì mình muốn.
Một thay đổi bất ngờ về visa nhập cư, một dấu ghi chú bé tí xíu trên đạo luật kinh doanh, một quyết định bộc phát của chính quyền… có thể làm mọi kế hoạch về tài chính, cuộc sống của bạn bị đảo lộn hoàn toàn.
Đạt được FI càng sớm thì bạn càng ít bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bất định bên ngoài này.
Nếu bạn đang ở Việt Nam, đừng nên trông chờ vào những thay đổi của chính sách, thị trường còn non nớt, bất ổn để đưa ra quyết định kinh tế - tài chính quan trọng cho mình.
Đừng nên nghe theo bất kỳ ai tuyên truyền về những khóa học làm giàu, những cơ hội có một không hai để bạn trở thành triệu phú, tỷ phú chỉ trong thời gian ngắn. Cũng đừng nên yên chí rằng bố mẹ bạn khi về già sẽ chia cho bạn, cho con cái bạn nhà đất, tài sản mà không bắt tay vào xây dựng nền tảng tài chính riêng cho mình ngay từ bây giờ.
Một ca bệnh nặng, một biến cố lớn trong gia đình, một cái lắc đầu của người thân cũng có thể làm mọi dự định của bạn tan thành mây khói. Đạt được FI càng sớm thì bạn càng có thể tự tin vượt qua mọi yếu tố bất định trong cuộc đời và có thể tích lũy để giúp đỡ trở lại cho gia đình, thay vì chỉ dựa vào họ.
Viết về FIRE khi thành phố chìm trong lửa cháy khiến tôi càng hiểu thêm tầm quan trọng của độc lập tài chính. Có rất nhiều con đường dẫn đến cái đích này. Nhưng điều quan trọng là ta phải bắt đầu đi những bước đầu tiên ngay tại đây, ở chính ngày hôm nay để đạt được những gì mình muốn.