Hậu Taylor Swift đòi chất xám: Đến lượt Quentin Tarantino? | Vietcetera
Billboard banner
19 Thg 11, 2021

Hậu Taylor Swift đòi chất xám: Đến lượt Quentin Tarantino?

Khi chất xám được quy ra thành tiền, liệu nó chỉ chảy về túi của ông chủ hãng thu âm, hãng phim?
Hậu Taylor Swift đòi chất xám: Đến lượt Quentin Tarantino?

Nhà làm phim Quentin Tarantino.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng, các nhà nghệ thuật (nhạc sĩ, đạo diễn…) là người sở hữu tác phẩm do họ làm ra. Ví dụ như đạo diễn Quentin Tarantino thì sở hữu Pulp Fiction. Trong khi đó, You belong with me nhất định phải thuộc về Taylor Swift.

Nhưng sự thật là Taylor Swift đã "mất trắng" toàn bộ master của 6 đĩa nhạc đầu tay, trong đó có ca khúc You belong with me vào tay doanh nhân Scooter Braun và hãng Shamrock Capital. Còn đạo diễn Quentin Tarantino vừa bị kiện vì rao bán bộ sưu tập kỹ thuật số (NFT) từ phim Pulp Fiction do ông viết kịch bản và đạo diễn năm 1994.

Những sự kiện văn hóa giải trí này cho thấy một sự thật vốn đã tồn tại từ rất lâu, không phải lúc nào nghệ sĩ cũng được sở hữu tác phẩm của mình (ngoài quyền tác giả). Liệu chất xám của nghệ sĩ chỉ làm giàu thêm cho những ông chủ hãng phim, hãng thu âm?

Quentin Tarantino bị kiện bởi chính "chuyện tào lao"

Mới đây, đạo diễn gạo cội Quentin Tarantino bị hãng Miramax (hiện thuộc sở hữu của Bein Media Group và Viacom CBS) kiện vì công bố rao bán bộ sưu tập kỹ thuật số thuộc Pulp Fiction do họ sản xuất. Theo luật sư của Miramax, hãng có quyền hợp pháp và cần thiết để phát triển, tiếp thị cũng như bán NFT liên quan đến thư viện tài nguyên của tác phẩm điện ảnh này.

Đạo diễn Quentin Tarantino.

Rõ ràng câu chuyện của Quentin Tarantino có điểm giống với vụ việc của Taylor Swift. Trong bài viết Taylor’s version: Đòi lại chất xám kiểu Taylor Swift, Vietcetera đã đưa ra góc nhìn của người nhạc sĩ về việc sở hữu tác phẩm nghệ thuật mà họ làm ra. Cụ thể, Taylor Swift sau khi bất thành trong việc mua lại master những bản thu âm trong 6 album đầu đã quyết định ghi âm lại toàn bộ các đĩa nhạc bị “đánh cắp”.

Nếu như Taylor Swift rõ ràng không sở hữu các master bản thu của 6 album đầu thì vụ việc của Quentin Tarantino lại liên quan nhiều hơn đến việc giao dịch NFT. Đơn kiện của Miramax chỉ rõ việc đề xuất bán một vài trang hoặc cảnh trong kịch bản gốc của Pulp Fiction dưới dạng NFT là giao dịch 1 lần, không cấu thành xuất bản (không phù hợp với định nghĩa‘kịch bản phim đã xuất bản').

Tuy nhiên, luật sư của Tarantino phản bác, "Đơn giản là Miramax sai một cách hiển nhiên. Hợp đồng của Quentin Tarantino rất rõ ràng, anh ấy có quyền bán NFT bản viết tay kịch bản của Pulp Fiction. Nỗ lực ngăn cản anh ấy sẽ chỉ dẫn đến thất bại." Luật sư của Tarantino mô tả rõ, NFT được giới thiệu là “bí mật”, nghĩa là chỉ chủ sở hữu mới có thể xem nội dung của nó.

Cảnh trong phim Pulp Fiction (1994).

Dù vụ kiện của Quentin Tarantino mới chỉ bước đầu nhưng rõ ràng chuyện sở hữu tác phẩm, sự sáng tạo thực sự không phải là một chuyện tào lao (pulp fiction). Những sản phẩm sáng tạo, trong nhiều trường hợp, chỉ mang đến nguồn lợi nhuận ít ỏi và danh tiếng trên bề mặt cho người nghệ sĩ làm ra chúng.

Nhạc sĩ không còn là "cần câu cơm" của hãng đĩa

Trong ngành âm nhạc, khi nghệ sĩ ký hợp đồng với một hãng thu âm, họ kỳ vọng kiếm được tiền từ âm nhạc mà họ làm ra. Nhưng chính nhiều nghệ sĩ nhận ra sau đó, họ lại mất quá nhiều tiền cho hãng thu âm.

Năm 2007, ban nhạc Radiohead đã làm một việc mà ngành công nghiệp thu âm thậm ghét. Họ đã phát hành album In Rainbows trên Internet mà không thông qua bất kỳ hãng đĩa nào. Kết quả là họ thu về khoản lợi nhuận khoảng 3 triệu USD, lớn hơn rất nhiều nếu ở dưới trướng một hãng ghi âm. Việc kinh doanh bản vật lý (CD và vinyl) của đĩa nhạc này cũng hết rất quan sau đó.

Bản nhạc Radiohead. | Nguồn: Getty Image

Đứng từ góc độ thương mại, việc sở hữu 100% các bản ghi âm sẽ mang lại nhiều lợi ích về mặt lợi nhuận cho nghệ sĩ. Thông thường, hãng thu âm (sở hữu bản ghi âm) sẽ thu về 80% lợi nhuận từ dịch vụ streaming, nghệ sĩ chỉ thu về 20%. Trong khi đó, nếu nghệ sĩ sở hữu bản ghi âm của mình, họ có thể thu nguồn lợi nhuận từ 80% - 95%.

Các hãng ghi âm đang ngày càng phải nhượng bộ nghệ sĩ và có chính sách để "đối phó" với họ. Kể từ khi ký hợp đồng với hãng Universal Music Group (UMG), Taylor Swift có quyền sở hữu bản thu gốc các ca khúc mới của mình. Bên cạnh đó, UMG cũng thay đổi hợp đồng tiêu chuẩn so với trước đây.

Theo đó, nghệ sĩ sẽ không được thu lại tác phẩm của họ trong vòng 5 năm sau khi phát hành lần cuối hoặc sau 2 năm khi chấm dứt hợp đồng. Điều khoản hợp đồng mới của UMG sẽ tăng thời hạn này lên 7 năm sau khi phát hành tác phẩm lần cuối và 5 năm sau khi chấm dứt hợp đồng. Nghĩa là tăng từ tối đa 7 năm (hợp đồng gốc) lên 12 năm.

Các hãng đĩa vẫn đang lèo lái thị trường âm nhạc nhưng họ đang thất bại trong việc tạo ra một thị trường rộng mở và lành mạnh. Cái thời mà nghệ sĩ có tài năng, hãng thu âm có bệ phóng (kênh phân phối) đang và sắp qua rồi.

Ca sĩ Taylor Swift.

Indie (hay independent, độc lập) không chỉ là một tinh thần âm nhạc của nghệ sĩ, mà còn là một phương thức phân phối, kinh doanh do nghệ sĩ làm chủ cuộc chơi. Từ các cửa hàng trực tuyến cho đến các nền tảng nghe nhạc online hiện nay như Apple Music, Spotify, YouTube, TikTok... đều đang hỗ trợ những nghệ sĩ tài năng trong việc phân phối và thúc đẩy âm nhạc của nghệ sĩ.

Đây có thể là thời kỳ để các ca sĩ, nhạc sĩ khôn ngoan hơn trong hoạt động sáng tạo, bảo vệ chất xám cũng như kinh doanh nghệ thuật của chính mình.

Các nhà làm phim có thể sở hữu tác phẩm của mình?

Không giống như các nghệ sĩ trong ngành âm nhạc (hay thiết kế, hội họa…) vốn có thể làm việc độc lập, các nhà làm phim thường làm việc tập thể và ảnh hưởng rất lớn trong mọi khâu từ sản xuất tiền kỳ, hậu kỳ và phân phối.

Ngành điện ảnh rất đặc thù, không chỉ đến từ bản chất ngành nghề mà còn ở nguồn kinh phí, hệ thống phân phối chặt chẽ và mang tính toàn cầu. Sự thật là nhiều nhà làm phim đã “thỏa hiệp” (cả nghĩa tích cực và tiêu cực) để hiện thực hóa giấc mơ điện ảnh của mình.

Đạo diễn Quentin Tarantino bên cạnh tài tử Leonardo DiCaprio và Brad Pitt.

Một nhà làm phim độc lập tại Việt Nam chia sẻ với Vietcetera, nhà làm phim có thể sở hữu toàn bộ tác phẩm của mình nếu họ thực hiện tác phẩm từ A - Z. Điều này là khả thi nhưng họ cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định.

Bản thân nhà làm phim này từng nhiều lần làm hồ sơ xin tài trợ từ các chợ điện ảnh, Liên hoan phim quốc tế. Cô chỉ ra, nhà làm phim và nhà sản xuất (trong nhiều trường hợp là nhà tài trợ) có những thỏa thuận khác nhau khi hợp tác làm phim, và thường khác nhau. Tuy các Quỹ điện ảnh quốc tế hào phóng tài trợ tiền làm phim cho cô mà không yêu cầu quyền sở hữu nhưng đó không phản ánh vấn đề chung của nền điện ảnh.

"Có lần chúng tôi đã không ký hợp đồng với nhà sản xuất vì nhiều rắc rối. Lúc đó, phim của tôi cũng đã gần hoàn thiện nên thấy không cần thiết." - Nữ đạo diễn cho biết thêm, "Nhà làm phim có thể còn lệ thuộc vào hợp đồng giữa nhà sản xuất và nhà phát hành. Tôi không thể tự trình chiếu hay bán tác phẩm của mình còn bởi hợp đồng nhà sản xuất (mà tôi hợp tác) với đơn vị phát hành."

Quay lại với vụ kiện của Quentin Tarantino, việc ông có quyền sở hữu kịch bản viết tay và bán bộ sưu tập NFT từ nó phụ thuộc rất lớn vào các điều khoản hợp đồng mà ông đã ký với nhà sản xuất trước đó. Không ngoại trừ trường hợp, Tarantino sẽ thua kiện, mất tất cả chất xám mà ông đã làm ra để đạt Cành Cọ Vàng danh giá năm xưa.

Tuy nhiên, nhận thức về quyền sở hữu tác phẩm là một trong những tấm chìa khóa giúp nghệ sĩ chủ động trong cuộc chơi của lợi nhuận và tiền bạc của các hãng ghi âm, hãng phim. Họ đang ngày càng cẩn trọng và tỉ mỉ hơn để bảo vệ và kiểm soát sự sáng tạo của mình.

Kết

Khi chất xám được quy ra thành tiền, đó không còn là câu chuyện đơn thuần của người sáng tạo. Họ đang tìm cách đấu tranh để giành lại chất xám, thứ đã khẳng định tài năng và tên tuổi, mà còn là quyền lợi chính đáng về tiền bạc.

Cách đây 7 năm, Taylor Swift từng khảng khái phát ngôn rằng, tương lai của ngành âm nhạc là một chuyện tình. Ở đó, cô không chỉ đưa ra quan điểm về thị trường âm nhạc, người hâm mộ, mà còn ở hướng đi và cách bảo vệ thành quả lao động của người nghệ sĩ.

Taylor Swift được đánh giá là "người thay đổi cuộc chơi ngành âm nhạc".

"Âm nhạc là nghệ thuật, nó quan trọng và có giá trị. Mọi thứ có giá trị phải được trả công xứng đáng" - Taylor nói, "Quan điểm của tôi là, âm nhạc không nên miễn phí, và dự đoán của tôi là từng nghệ sĩ và hãng đĩa của họ, một ngày nào đó sẽ quyết định giá bán của album. Tôi không muốn họ hạ thấp giá trị của bản thân hay nghệ thuật mà họ tạo ra."

Có lẽ, sau những sóng gió vừa qua, Taylor đã dần bỏ ra cụm từ hãng đĩa của họ (their labels) để hướng vào cá nhân người nghệ sĩ. Vì thế mà mới đây, cô khẳng định, không nên để "toàn bộ lợi nhuận chảy vào túi người không góp chút công sức nào để tạo ra nó (âm nhạc.)”

Không chỉ âm nhạc mà điện ảnh, thiết kế, hay những sản phẩm sáng tạo khác đều có giá trị và cần được bảo vệ. Chỉ như thế, nền nghệ thuật nói riêng và sự sáng tạo nói chung mới phát triển lành mạnh và rạng rỡ những tác phẩm giá trị.