Taylor's version: Đòi lại chất xám kiểu Taylor Swift | Vietcetera
Billboard banner
16 Thg 11, 2021
Sáng TạoÂm NhạcOpinion

Taylor's version: Đòi lại chất xám kiểu Taylor Swift

Sáng tạo là rất khó; bảo vệ sự sáng tạo của mình còn khó hơn gấp nhiều lần.
Taylor's version: Đòi lại chất xám kiểu Taylor Swift

Nguồn: Taylor Swift/ Mình Hồng.

Với Red (Taylor's Version) ra mắt hôm thứ 6 tuần trước, Taylor Swift lại một lần nữa "bỏ bùa" người nghe nhạc. Fan miệt mài đi tìm trứng phục sinh trong phim ngắn All Too Well; truyền thông bận rộn săm soi câu chuyện thù trai và thù dai đã hơn một thập kỷ của nữ ca sĩ.

Album tiếp tục thành công ngoài mong đợi: lượt streaming “khủng”, số lượng đĩa bán ra lớn, xác lập những kỷ lục mới. Tuy nhiên, Red (Taylor's Version) ra đời còn ẩn chứa thông điệp mạnh mẽ hơn thế.

Việc tái thu âm lại album, mà trước đó là Fearless (Taylor's Version), cho thấy công chúa nhạc đồng quê không hề sợ hãi khi quyết định đoạt lại chất xám vốn thuộc về cô.

Thương lấy sự sáng tạo

Như đã biết, 6 album đầu của Taylor Swift dưới thời công ty Big Machine Records đều không thuộc về nữ ca sĩ, mà thuộc sở hữu của Shamrock Capital. Hiểu một cách đơn giản, cô sở hữu các bản nhạc nhưng không sử hữu những bản ghi âm ca khúc đã phát hành của chính mình.

Bất thành trong việc mua lại chính những bản ghi âm của mình, Taylor quyết định sẽ thu lại toàn bộ album đã bị "đánh cắp". Đầu tiên là Fearless, bây giờ là Red và tương lai sẽ là 4 album gồm: Taylor Swift, Speak Now, 1989 và Reputation.

Bìa album Red (Taylor's Version).

Red và Red (Taylor's version) có nhiều điểm khác biệt. Điều dễ thấy nhất là All Too Well có phiên bản hoàn chỉnh dài 10 phút, thêm nhiều ca khúc mới, thu âm mới với những giọng ca như Gary Lightbody, Phoebe Bridgers, Chris Stapleton...

Taylor Swift từng chia sẻ, cô ghi âm lại lời bài hát, giai điệu và hòa âm để tạo ra những sự khác biệt nho nhỏ. Chính vì thế, nếu chỉ nghe qua khán giả rất khó phân biệt sự khác nhau giữa bản gốc và Taylor's version.

Nhưng Taylor Swift đã làm đúng như những gì đã chia sẻ khi ghi âm lại các khúc của mình. Giáo sư phụ trợ Paula Clare Harper (Đại học Nebraska-Lincoln, Mỹ) đã chỉ ra sự khác biệt giữa khác biệt của các bản ghi âm cho cùng 1 ca khúc.

Nữ ca sĩ vẫn trung thành với các bản ghi âm gốc nhưng với giọng hát và cách xử lý khác, sử dụng công nghệ để giả lập âm thanh, hay thậm chí “hô biến” cách phát âm trong khi hát.

Taylor Swift đã có những đầu tư nhất định để tái tạo lại những ca khúc vốn dĩ là của mình. Nữ ca sĩ làm tất cả điều này với hy vọng, "Cách tôi thực hiện chúng sẽ góp phần cho thấy gốc gác của mình."

Taylor Swift thương lấy mọi sự sáng tạo của mình trong âm nhạc và nghệ thuật.

"Chỉ là một lời nhắc nhở thân thiện rằng tôi không bao giờ nghĩ rằng có thể quay lại và làm lại tác phẩm trước đây của mình, khám phá nghệ thuật đã mất, tìm kiếm những viên ngọc quý đã bị lãng quên trên đường.", Taylor Swift nói.

Nếu không thương lấy sự sáng tạo của bản thân, Taylor Swift đã buông xuôi những đứa con tinh thần của mình. Ngoài việc tiếp tục cống hiến, nữ ca sĩ còn thương lấy sự sáng tạo bằng cách:

  • Trân trọng toàn bộ các phiên bản khác nhau của cùng 1 sản phẩm sáng tạo. Vì thế mà chúng ta có bài hát All Too Well bản 10 phút thành công ngoài tưởng tượng.
  • Sự sáng tạo không hề lãng phí hay vô nghĩa. Những ca khúc ra đời dành cho album Red từng bị bỏ ra nay được bỏ vào Red (Taylor's Version).
  • Sáng tạo đôi khi là sự tái tạo những gì đã có và nó nằm ở những sự thay đổi rất nhỏ. Nếu bạn để ý nó sẽ tạo ra hiệu quả rất to lớn.

Sáng tạo để truyền cảm hứng

Khi thu âm lại Fearless (Taylor's version) trước đó, Taylor Swift đã làm thay đổi cuộc chơi trong ngành âm nhạc. Nữ ca sĩ truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ ghi âm bài hát và kiểm soát âm nhạc của do chính họ tạo ra.

Album này đã dấy lên nhiều vấn đề trong việc công nhận thành quả lao động của người làm sáng tạo. Qua đó, Taylor cũng đã chỉ ra thực tế đáng buồn trong chính sách bản quyền đối với các hãng đĩa, không phải lúc nào người nghệ sĩ cũng được sở hữu những gì mà họ tạo ra.

Bìa album Fearless (Taylor's Version).

Đến Red (Taylor’s version), Taylor Swift đang trên con đường mà cô đã “dọn sẵn” trước đó. Nữ ca sĩ không còn tuyên ngôn quá nhiều về câu chuyện bản quyền giữa nghệ sĩ và hãng đĩa nhưng kêu gọi người hâm mộ nghe phiên bản mới, sự sáng tạo mới của cô.

Nếu đứng từ góc độ thương mại, việc sở hữu 100% các bản ghi âm sẽ mang lại nhiều lợi ích về mặt lợi nhuận cho nghệ sĩ. Thông thường, hãng thu âm (sở hữu bản ghi âm) sẽ thu về 80% lợi nhuận từ dịch vụ streaming, nghệ sĩ chỉ thu về 20%. Trong khi đó, nếu nghệ sĩ sở hữu bản ghi âm của mình, họ có thể thu nguồn lợi nhuận từ 80% - 95%.

Taylor Swift từng chia sẻ, “Khi người đàn ông ấy nói âm nhạc có giá trị, tức là toàn bộ lợi nhuận chảy vào túi người không góp chút công sức nào để tạo ra nó.” Ở đây, nữ nghệ sĩ không chỉ tấn công trực diện vào Scooter Braun, người khiến cô mất quyền sở hữu những bản ghi âm, mà còn với những người lợi dụng chất xám của nghệ sĩ để kiếm tiền.

Kể từ khi ký hợp đồng với hãng Universal Music Group (UMG) và ra mắt các album Lover, Folklore và Evermore, Taylor có quyền sở hữu bản thu gốc các ca khúc mới của mình.

Taylor Swift đang lần lượt thu âm lại các album của mình khi còn dưới trướng Big Machine Records.

Taylor Swift là người dẫn đầu bởi cô chính là tấm gương cho người hâm mộ lẫn nghệ sĩ việc kiểm soát tương lai là điều có thể, Susan Genco, thành viên của Hiệp hội liên mình về quyền nghệ sĩ và đồng chủ tịch của Azoff Company nói.

Nghệ sĩ Việt học được gì?

Câu chuyện nghệ sĩ bị tước mất quyền sở hữu “chất xám” không chỉ xảy ra với Taylor ở trời Tây mà còn diễn ra ngay tại Việt Nam. Thời gian gần đây, nhiều vụ việc vi phạm bản quyền đã dấy lên sự lo ngại về vấn đề bản quyền tác giả, tác phẩm.

Nhạc sĩ Giáng Son bị YouTube thông báo vi phạm bản quyền khi đăng tải ca khúc Giấc mơ trưa do chính cô sáng tác lên kênh của mình. Không những thế, một loạt sáng tác nổi tiếng khác như Tiến quân ca - Quốc ca (nhạc sĩ Văn Cao) hay bài hát dân ca quan họ Bắc Ninh Giã bạn cũng bị báo cáo bản quyền khi đăng tải lên YouTube.

Đứng sau loạt sự việc vi phạm bản quyền kể trên chính là công ty BH Media. Công ty này được cho là chủ sở hữu của những bản ghi âm kể trên, và có quyền báo cáo và khiếu nại về bản quyền trên nền tảng YouTube. Điều này đã được nghệ sĩ và truyền thông chỉ ra nhiều điểm bất cập.

Theo Giáo sư Tonya Butler (Cao đẳng Âm nhạc Berklee, Mỹ), ngay từ đầu, Taylor Swift không thể nào lấy bản thu âm của mình do thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, trường hợp Giấc mơ trưa của nhạc sĩ Giáng Son lại đến từ sự lỏng lẻo trong quản lý và bảo vệ bản quyền tác giả.

Nhạc sĩ Giáng Son bị một công ty tố vi phạm bạn quyền với chính sáng tác của mình.

Trong thời đại nhạc số, việc nghệ sĩ nắm rõ về bản quyền và các quyền liên quan sẽ giúp họ bảo vệ chính thành quả của mình. Với những trường hợp của nhạc sĩ Giáng Son hoặc tương tự, cô hoàn toàn có thể nhờ pháp luật can thiệp để lấy lại quyền sở hữu và quyền tác giả của mình.

Bên cạnh đó, các nghệ sĩ hay nhạc sáng tạo nên bảo vệ và đấu tranh đến cùng cho đứa con tinh thần của mình, như cách mà Taylor Swift đã làm. Điều này không chỉ tạo ra cộng đồng sáng tạo có khả năng kiểm soát các tác phẩm mà còn tạo động lực để sáng tạo nhiều hơn nữa.

Tạm kết

Trở lại với Taylor Swift, trong 2 năm đại dịch Covid-19 diễn ra, cô đã khiến người hâm mộ đi từ ngạc nhiên này đến thích thú khác khi ra mắt tới tận 4 album (2 mới và 2 tái thu âm). Nữ nghệ sĩ là minh chứng cho sự sáng tạo không ngừng nhưng cô cũng đấu tranh để bảo vệ chất xám của người nghệ sĩ.

Từ trường hợp của Taylor Swift, ta có thể thấy được một điều, sáng tạo là rất khó nên có giá trị. Bảo vệ sự sáng tạo của mình còn khó hơn gấp nhiều lần. Tuy nhiên, mọi vấn đề đều có cách giải quyết của nó, và Taylor là một ví dụ điển hình.

Chúng ta có thể học cách thương lấy sự sáng tạo của mình, dù là những điều nhỏ nhất. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có nhiều cách để bảo vệ chất xám của mình trên nền tảng internet, dù là một nghệ sĩ, nhà thiết kế hay chỉ đơn giản là một người hứng thú viết blog, làm vlog.