“Hiểu mình” từ những điều cơ bản nhất, tại sao không? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
09 Thg 07, 2024

“Hiểu mình” từ những điều cơ bản nhất, tại sao không?

Theo Tiến sĩ Giáo dục Bùi Trân Phượng, việc “tìm thấy chính mình” nên bắt đầu từ những điều cơ bản nhất thay vì những triết lý sâu xa, khó hiểu.
“Hiểu mình” từ những điều cơ bản nhất, tại sao không?

Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Ở độ tuổi đầu 20, khi mới tốt nghiệp và chân ướt chân ráo bước vào đời, có lẽ hầu hết bạn trẻ đều mong muốn được “tìm thấy chính mình”. Và nếu tìm từ khóa này trên Google, những gì chúng ta thấy phần lớn là các triết lý sâu xa, hoặc các khóa tu tập, thiền định với lời hứa giúp bạn “đi vào bên trong” để hiểu mình từ sâu thẳm.

Những giải pháp ấy không sai, nhưng dường như kiến thức chúng mang lại thì người trẻ chưa thể hoàn toàn lĩnh hội, bởi họ chưa nhiều kinh nghiệm sống. Do đó, thay vì tập trung vào những triết lý sâu xa khó hiểu, vì sao chúng ta không “hiểu mình” từ những điều căn bản, gần gũi nhất?

Đó chính là bài học Tiến sĩ Bùi Trân Phượng muốn truyền tải đến người trẻ trong tập 31 của EduStation. Cô Bùi Trân Phượng có nhiều năm tu nghiệp và giảng dạy tại Pháp, là nguyên hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen và từng được Forbes Việt Nam lựa chọn là 1 trong 50 người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam năm 2017.

“Hiểu mình” xuất phát từ những điều cơ bản nhất

Tiến sĩ Bùi Trân Phượng nhận định, sự khác biệt trong giáo dục ở thế hệ của cô và hiện tại dường như kéo dài thời gian trưởng thành của người trẻ. Cụ thể, trước đây ở tiểu học thầy cô gọi học sinh bằng “em” hay “con”, nhưng lên cấp 2 là đã gọi bằng “anh” hay “chị”. Nữ sinh trung học cũng phải mặc áo dài, nam sinh ăn mặc chỉnh tề và hầu như đều tự đi tới trường.

Những điều này dù nhỏ, nhưng lại cho học sinh tập làm người lớn trước khi thực sự trưởng thành. Ngày nay chúng đã giảm đi nhiều, một phần vì xã hội trở nên phức tạp hơn, phần vì học sinh ngày nay phải chịu nhiều áp lực hơn các thế hệ trước.

Hệ quả là nó hình thành một thế hệ trẻ bị động về nhiều mặt. Không ít bạn trẻ lên đại học vẫn để bố mẹ đưa đón, thậm chí không thể tự nấu một bữa cơm. Và bởi việc gì cũng có người khác làm giúp, họ không nắm được điểm mạnh, điểm yếu của chính mình, không hiểu rõ ở thời điểm này mình cần gì, muốn gì, phải cải thiện chỗ nào… để có được cuộc sống mong muốn.

Nếu rơi vào trường hợp này, bạn nên chủ động chấm dứt sự phụ thuộc vào người khác khi tới một độ tuổi nhất định. Chẳng hạn thay vì để bố mẹ đưa đón, bạn chủ động đi đến trường, chưa có xe thì đi bộ, đi xe bus. Tất cả những điều này sẽ giúp bạn sống một cách bình thường.

08jul2024edustationbuiitrainphuioiingkhooanguyen06jpg
Theo Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, bước đầu để “hiểu mình” là chủ động chấm dứt sự phụ thuộc vào người khác khi đến độ tuổi nhất định. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

“Hiểu mình” để nhận ra đời không như trường học

Cũng theo tiến sĩ Bùi Trân Phượng, việc người trẻ không hiểu nổi mình một phần là do bất cập trong nền giáo dục hiện tại. Do ảnh hưởng của bệnh thành tích, gần như mọi học sinh trong lớp đều đạt danh hiệu giỏi hay xuất sắc. Việc được đánh giá học lực “trung bình” trở thành điều cá biệt chứ không còn bình thường như trước kia.

Việc “giỏi đều các môn” cũng dường như được bình thường hóa. Trong khi thực tế đây là điều gần như bất khả thi, bởi chẳng ai có năng khiếu nổi trội trong mọi lĩnh vực. Trường học vì thế mà trở thành một môi trường có phần giả dối, khiến học sinh xa rời với xã hội thực tế.

Bên cạnh đó, mỗi lần lướt mạng xã hội, chúng ta lại thấy những tấm gương “con nhà người ta” xuất hiện với mật độ dày đặc. Dần dần, ta lầm tưởng rằng việc giỏi toàn diện là bình thường, còn năng lực trung bình lại là điều cá biệt, không được chấp nhận trong xã hội.

Vì vậy, giới trẻ cần trang bị năng lực “miễn nhiễm” với kiểu áp lực này. Ngoài hiểu rõ những nhu cầu và mong muốn của bản thân, họ cũng cần nhận thức được khoảng cách giữa năng lực của mình và thực tế xã hội, và cố gắng hết sức để thu hẹp khoảng cách đó.

08jul2024edustationbuiitrainphuioiingkhooanguyen21jpg
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng nhận định, “miễn nhiễm” với áp lực đồng trang lứa cũng là kỹ năng cần luyện tập. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Chẳng hạn ở trường bạn được học một phần mềm đã cũ, mà các công ty không dùng nữa. Bạn nhận thức được mình thích học IT và mong muốn phát triển sự nghiệp trong mảng này, nhưng hiện tại có khoảng cách giữa kiến thức của bạn và nhu cầu thị trường. Vậy là bạn chủ động học thêm về những phần mềm mới, tìm mentor nhờ chỉ dẫn và chủ động trau dồi trong công việc.

Như vậy dù đọc bao nhiêu tấm gương học giỏi, lương cao trong ngành này, bạn cũng sẽ bớt so sánh mình với họ. Bởi bạn đã biết mình cần gì, đã có cơ sở để hiểu họ có quan trọng với mình hay không.

Chẳng hạn họ có thể xuất sắc, nhưng lại không giỏi chuyên môn mà bạn cần trau dồi, hoặc họ xuất thân trong điều kiện khác với bạn. Thậm chí bạn có thể bỏ theo dõi, nếu nhận thấy mình không học hỏi được gì từ họ.

“Hiểu mình” để tự tin trong thế giới biến đổi không ngừng

Host Hùng Võ cũng đồng tình rằng, nhiều người trẻ hiện nay “vỡ mộng” khi ra đời, bởi họ nhận ra họ không giỏi như họ vẫn nghĩ. Với cô Bùi Trân Phượng, nhận ra được điều này là bạn đã rất dũng cảm. Bạn cần đủ lý trí để nhận ra thế giới vốn không có “đồng phục”, và không ai có thể giỏi toàn diện.

Sự thật là ở trường bạn có thể cố gắng một chút là đạt điểm cao. Nhưng khi ra ngoài đời, bạn làm việc đủ đạt yêu cầu là đã muốn “hụt hơi” rồi chứ chưa nói đến xuất sắc. Thế nhưng đó mới là thế giới bình thường, mới là điều nên xảy ra.

Bạn rèn luyện sao cho bản thân ngày hôm nay tốt hơn hôm qua là đã có tiến bộ rồi. Chẳng hạn hôm qua bạn dậy lúc 8h sáng, hôm nay dậy được từ 7 rưỡi là đã tiến bộ. Cứ như vậy, mỗi ngày/mỗi tuần bạn tăng mục tiêu lên một chút, đi chậm nhưng chắc chắn.

08jul2024edustationbuiitrainphuioiingkhooanguyen24jpg
Theo cô Bùi Trân Phượng, “tự tin” sẽ hình thành khi bạn rèn luyện cho bản thân tiến bộ hơn mỗi ngày. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Đó chính là sự “tự tin” mà mỗi người nên có: hiểu mình đang có gì, mình muốn gì, thiếu gì và cần làm việc gì để đạt điều mình mong muốn. Ngoài ra, bạn cũng nắm được điểm yếu mình ở đâu, cái nào cần khắc phục, cái nào có thể bỏ qua.

Như vậy khi đi làm, bạn cũng có nhiều lựa chọn hơn. Chẳng hạn nếu gặp môi trường độc hại, bạn có quyền lựa chọn ở lại (thỏa hiệp) hay rời đi, vì bạn đã hiểu rõ điều mình cần, những giá trị bạn muốn theo đuổi.