Kết hôn muộn dường như là xu hướng chung của người trẻ nhiều nơi trên thế giới. Điều này khiến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore đồng loạt đối mặt với tình trạng dân số già đi, thậm chí chính phủ Nhật còn phát triển app hẹn hò riêng để xử lý vấn đề này.
Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, độ tuổi kết hôn trung bình của nam giới tại Việt Nam năm 1989 là 24.4, đến năm 2022 đã tăng lên 29. Ở nữ, con số này cũng tăng từ 22.2 lên 24.1. Đây có lẽ là một nguyên nhân khiến chính phủ cũng “thúc giục” người trẻ kết hôn và sinh con trước tuổi 35.
Ngoài kết hôn thì độ tuổi bắt đầu đi làm, mua nhà hay sinh con của người trẻ cũng tăng lên vì nhiều lý do khác nhau. Đây chính là delayed adulthood - hiện tượng xảy ra khi người trẻ từ 18-20 tuổi trở đi “trì hoãn” thực hiện các cột mốc của việc làm người lớn. Vậy việc “lớn chậm” một bước so với các thế hệ trước nên được nhìn nhận thế nào?
Delayed adulthood là gì?
Vào đầu thế kỷ XX, chuyên gia tâm lý Granville Stanley Hall đã định nghĩa tuổi thiếu niên (adolescence) là giai đoạn xảy ra sau tuổi thơ (childhood), khi con người trải qua những thay đổi nhất định về sinh học, nhận thức và tâm lý, cũng như các vai trò xã hội và tính độc lập. Người lớn (adulthood) chính là sự tiếp diễn của giai đoạn này, khi con người tiến tới độc lập hoàn toàn khỏi người giám hộ và bắt đầu thực hiện các chức năng xã hội.
Theo cuốn The End of Adolescence: The Lost Art of Delaying Adulthood của hai tác giả Nancy Hill và Alexis Redding, phần lớn các học giả đồng tình rằng “adulthood” được đánh dấu bởi 5 cột mốc: tốt nghiệp phổ thông/đại học, rời nhà, đi làm, kết hôn và sinh con. Vì vậy, delayed adulthood xảy ra khi người trẻ trên 18 tuổi trì hoãn thực hiện những cột mốc này.
Lớn lên và trưởng thành: Giống nhau hay khác nhau?
Theo tiến sĩ giáo dục Lê Nguyên Phương, không ít người nhầm lẫn giữa delayed adulthood và một khái niệm có phần tương đồng khác là delayed maturity.
Maturity (trưởng thành) là tiến trình xảy ra tự nhiên khi chúng ta sống, nhận thức, trải nghiệm và điều chỉnh hành vi cho phù hợp với bối cảnh xã hội, hoặc để ta thoải mái ở mức độ nào đó. Chẳng hạn khi gặp chuyện không như ý, thay vì nổi đóa, bạn biết kiềm chế cảm xúc. Delayed maturity xảy ra khi bạn không học được những kỹ năng này.
Hai trạng thái trên không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau. Một người có thể kết hôn, có con cháu nhưng vẫn không biết cách kiềm chế cảm xúc hay đón nhận lời phê bình, góp ý. Ngược lại, một người nhỏ tuổi, chưa có gia đình có thể rất trưởng thành về mặt nhận thức, biết điều chỉnh hành vi phù hợp với từng tình huống xã hội.
Vì sao người trẻ “trì hoãn” làm người lớn?
Sự phản kháng các kỳ vọng xã hội
Đến một độ tuổi nào đó, chúng ta đều “sợ” các cuộc họp gia đình vì 7749 câu hỏi về lương, về chuyện tình cảm, hôn nhân… Người trẻ dường như đều chịu áp lực phải chạy theo “công thức” hạnh phúc của xã hội: tốt nghiệp Đại học, kiếm việc lương cao, an cư lạc nghiệp và lập gia đình.
Chẳng ai muốn bị người khác bảo phải làm điều gì. Vì vậy đứng trước những áp lực này, ta có xu hướng muốn “phản kháng”, làm điều ngược lại.
Điều này có thể thành phong trào xã hội, như trào lưu tang ping (nằm bẹp) ở Trung Quốc - nơi người trẻ rủ nhau “nằm yên một chỗ”, từ chối chạy theo cuộc đua không điểm dừng của xã hội. Một phong trào tương tự khác là anti-work - khi con người phản đối đi làm bất chấp áp lực cơm áo gạo tiền.
Khó khăn về kinh tế, tài chính
Trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19 và tình hình địa chính trị thay đổi chóng mặt, khủng hoảng kinh tế là điều tất yếu xảy ra. Hệ quả của nó là những làn sóng layoff, chi phí sinh hoạt tăng cao, áp lực tài chính khổng lồ khiến người trẻ ngần ngại kết hôn, sinh con.
Theo một thống kê của AIA, chi phí nuôi dưỡng một đứa con từ 0-22 tuổi tại Việt Nam năm 2023 trung bình rơi vào 1-1.4 tỷ đồng, trong đó mỗi năm khoảng 130-150 triệu đồng. Vì vậy việc người trẻ “trì hoãn” kết hôn và sinh con cũng là điều dễ hiểu, khi họ không có nền tài chính sẵn sàng cho việc này.
Người trẻ ngày nay có nhiều lựa chọn cuộc sống hơn
Theo chuyên gia tâm lý Nancy Hill, người trẻ hiện đại chủ động thực hiện các “trách nhiệm người lớn” muộn hơn so với thập niên 70. Lý do bởi được tiếp xúc với nhiều phong cách sống hơn, từ đó có thêm nhiều lựa chọn cho cuộc sống của mình.
Chẳng hạn với các thế hệ trước, phần lớn mọi người đều theo đuổi một mẫu số chung: học đại học, đi làm, kết hôn rồi sinh con. Hiếm ai trong số họ theo đuổi những chặng đường khác.
Trong khi đó, nhờ những tiến bộ về kinh tế và công nghệ, thế hệ millennials và gen Z đã tạo nên nhiều “mẫu số” mới, nhiều cách sống đa dạng hơn: tập trung sự nghiệp, đi du lịch, làm digital nomad.
Cũng nhờ những tiến bộ về y tế, họ cũng không cần phải lập gia đình ở một độ tuổi nhất định để đảm bảo khả năng sinh sản. Chẳng hạn nếu chưa muốn có con, họ có thể lựa chọn đông trứng rồi đợi đến thời điểm phù hợp để thực hiện.
Việc đi học kéo dài thời gian “lớn”
Một xu hướng được hai chuyên gia Hill và Redding chỉ ra là, tỷ lệ người trẻ tốt nghiệp đại học ngày nay cao hơn đáng kể so với thế hệ bố mẹ, ông bà. Theo một thống kê đăng tải trên báo Giáo dục thời đại năm 2022, gần 40% người trẻ Việt ở độ tuổi 22-25 sở hữu bằng cử nhân, trong đó con số này vào thập niên 90 chỉ khoảng 23.3%.
Số người sở hữu bằng Thạc sĩ trước 30 tuổi cũng tăng lên đáng kể. Đây là yếu tố giúp người trẻ phần nào “trì hoãn” việc đi làm, kết hôn và sinh con, đặc biệt khi đa số công ty, doanh nghiệp hiện nay yêu cầu bằng đại học trong tiêu chí tuyển dụng.
“Lớn chậm” lại một chút, bạn được và mất gì?
Về cơ bản, việc trì hoãn các cột mốc “người lớn” cho chúng ta thêm một khoảng nghỉ. Đây là thời gian quý giá giúp bạn hiểu thêm về chính mình, chuẩn bị kỹ hơn về vật chất và tinh thần trước khi ra các quyết định trọng đại.
Một ví dụ điển hình là việc kết hôn muộn hơn (độ tuổi kết hôn trung bình tăng lên) dẫn đến tỷ lệ ly dị giảm xuống. Điều này đã được chứng minh trong khảo sát của Our World In Data, tỷ lệ ly hôn năm 2020 là 2.9/1000 người - giảm xuống so với 5.1/1000 của thập niên 70.
Từ góc độ khoa học, việc “lớn chậm” khiến bạn có cơ hội mở rộng thế giới quan, thử thách bản thân với nhiều vai trò khác nhau. Điều này giúp não “trẻ” lâu hơn, cải thiện trí nhớ và giảm tỷ lệ mắc trầm cảm.
Tuy nhiên với mỗi cá nhân, delayed adulthood cũng có một số hệ quả nhất định. Chẳng hạn khi trì hoãn việc đi làm quá lâu, bạn sẽ không đạt được tự do tài chính, bị hạn chế khả năng kiểm soát và đưa ra quyết định cho chính mình. Điều này ảnh hưởng đến khả năng trưởng thành (maturity) - cái ta cần đạt được bất kể lựa chọn sống độc thân hay lập gia đình.