Học được gì khi hỏi chuyện 10 vị hiệu trưởng các trường trung học Mỹ? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
08 Thg 02, 2024

Học được gì khi hỏi chuyện 10 vị hiệu trưởng các trường trung học Mỹ?

Cùng nhìn vào bức tranh toàn cảnh về giáo dục trung học Mỹ qua chia sẻ của 10 vị hiệu trưởng đến từ 10 trường trung học hàng đầu đất nước này.
Học được gì khi hỏi chuyện 10 vị hiệu trưởng các trường trung học Mỹ?

Nguồn: Mạnh Khang cho Vietcetera

FindingSchoool x Vietcetera

Những năm tháng trung học là giai đoạn quan trọng trong cuộc đời học sinh. Bởi đây là thời điểm các em bắt đầu hình thành nhân sinh quan về thế giới xung quanh, nên nhu cầu học hỏi và khám phá thế giới ngày một rõ ràng hơn. Đây cũng là thời điểm vàng để nhà trường trao cơ hội cho học sinh phát hiện và bồi dưỡng thế mạnh của mình, cũng như chuẩn bị cho cánh cửa đại học và cuộc sống tuổi trưởng thành.

Được tài trợ bởi FindingSchool, mùa 3 của series EduStation “đổi mới” bằng những góc nhìn đến từ phía bên kia bán cầu. Thông qua cuộc trò chuyện của host Hùng Võ với hiệu trưởng 10 trường nội trú hàng đầu nước Mỹ, EduStation mang đến một bức tranh toàn cảnh về giáo dục trung học Mỹ, cuộc sống ký túc xá, hành trang chuẩn bị vào đại học và trở thành công dân toàn cầu.

Đây là những thông tin hữu ích không chỉ cho các phụ huynh và học sinh đang tìm hiểu về du học Mỹ, mà cho bất cứ ai quan tâm tới giáo dục và phát triển con người. Cùng điểm lại những góc nhìn nổi bật được chia sẻ trong từng tập EduStation mùa 3:

Ep 20: Những điểm nổi bật về giáo dục trung học Mỹ

Khách mời: Cô Theresa Smith, Hiệu trưởng Trường Webb và thầy Alex Curtis, Hiệu trưởng Trường Choate Rosemary Hall.

Chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi nhanh hơn bao giờ hết. Nhiều phát minh công nghệ mới được liên tục ra mắt, song song đó là tình hình địa chính trị, những cuộc chiến tranh, xung đột cũng khiến đại cục thế giới xoay chuyển theo những chiều hướng khó lường.

Trước tình hình này, thầy Alex Curtis nhận định, việc dạy cho học sinh kiến thức học thuật hay kỹ năng để đối phó với một vài tình huống là chưa đủ. Thay vào đó, các em nên được chuẩn bị những kỹ năng nền tảng cơ bản để có thể thích nghi với bất kỳ thay đổi nào. Những kỹ năng này sẽ không bao giờ lỗi thời, bất kể ở thời điểm 5, 10 hay 20 năm nữa.

Một trong số đó là kiến thức toàn cảnh và khả năng nhìn nhận sự việc đa chiều. Từ đó các em có thể kết nối những con người, sự kiện và trải nghiệm đã gặp để hình thành bài học cho riêng mình. Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp rõ ràng, rành mạch ở cả văn nói và viết cũng hữu dụng với bất kỳ ngành nào các em theo đuổi.

Về phía cô Theresa Smith, một giá trị cốt lõi cô theo đuổi là sự chú trọng vào cộng đồng và kỹ năng lãnh đạo. Chương trình học ở trường Webb cũng vì vậy mà được “cài cắm” vào các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn các em học cách phân công việc vặt hàng ngày ở ký túc. Các em cũng được khuyến khích thử và sai, vì thất bại là cách hiệu quả nhất giúp các em tự rút ra bài học.

Ep 21: Ưu điểm khi theo học tại các trường đơn giới

Khách mời: Cô Amy Kumpel, Hiệu trưởng Trường Nữ sinh Dana Hall và thầy Jim Detora, Hiệu trưởng Trường Nam sinh Avon Old Farms.

Phụ huynh và học sinh Việt Nam đa phần quen thuộc với trường học song giới (co-ed school), nơi học sinh nam và nữ cùng theo học. Vậy ở trong môi trường chỉ có học sinh nam hoặc nữ, các em sẽ được giáo dục thế nào, có những ưu điểm gì so với trường song giới? Và những nhược điểm sẽ được khắc phục thế nào?

Trả lời câu hỏi này, thầy Jim Detora cho biết, nam sinh có cách học rất khác với nữ sinh. Chẳng hạn nam sinh sẽ có tính cạnh tranh cao hơn, và thường thích các hoạt động thể chất. Do đó ở Avon Old Farms, lớp học được thiết kế không gian rộng để học sinh đi đứng, vận động trong giờ.

Hạn chế của mô hình này là các em ít có tương tác với các bạn nữ, có thể ảnh hưởng đến kỹ năng xã giao sau này. Tuy nhiên thầy Jim Detora đã khắc phục nhược điểm này bằng các hoạt động giao lưu hằng tuần với học sinh của 2 trường nữ sinh gần đó, vì vậy các học sinh Avon Old Farms không gặp nhiều trở ngại.

Còn với cô Amy Kumpel, trường nữ sinh tạo không gian lành mạnh, an toàn để các em gái chia sẻ những vấn đề họ cùng đối mặt mà không gặp trở ngại. Điều này góp phần xây dựng mối quan hệ lành mạnh giữa phụ nữ với nhau.

Nhiều nữ sinh cũng chia sẻ, việc học trong môi trường toàn nữ giúp các em tập trung hơn vào việc học mà không phải lo ngại những gì các bạn nam nghĩ về mình. Các em cũng được giáo dục về quyền phụ nữ, cũng như trao quyền lựa chọn con đường sự nghiệp phù hợp, kể cả ở những ngành nam giới chiếm ưu thế.

Ep 22: Làm thế nào để du học sinh Việt hòa nhập vào môi trường nội trú Mỹ?

Khách mời: Thầy Michael Wirtz, Hiệu trưởng Trường St. George và thầy Randy Bertin, Hiệu trưởng Học viện Cushing.

Mỗi năm có khoảng 40.000 học sinh Việt Nam du học. Số lượng này không chỉ tăng dần theo từng năm, mà độ tuổi của các em cũng ngày một trẻ hóa. Nhiều em lựa chọn du học ngay từ bậc phổ thông. Vậy làm thế nào để các em hòa nhập với môi trường nội trú Mỹ, và xa hơn nữa là chuẩn bị hành trang vào đại học?

Ở Học viện Cushing, có một đội ngũ nhân viên là “dorm parents” đóng vai trò giám sát và chăm sóc học sinh nội trú. Các “bố mẹ” này sẽ thay phiên túc trực ở ký túc xá 24/7 để hỗ trợ học sinh giải quyết những vấn đề từ nhỏ nhất. Họ cũng tích cực cập nhật tình hình cho phụ huynh qua nhiều phần mềm chat khác nhau, tùy thuộc quốc gia mà phụ huynh sinh sống.

Cũng theo thầy Michael Wirtz, để học sinh nước ngoài nhanh chóng hòa nhập, thì việc làm “công tác tư tưởng” với phụ huynh các em cũng đóng vai trò quan trọng. Nhà trường mời phụ huynh cùng tham gia chọn ngành và trường đại học, nhưng vẫn để học sinh là người dẫn dắt, bởi sau cùng các em mới là người quyết định tương lai của chính mình.

Ep 23: Học được gì từ cuộc đua đến các trường đại học hàng đầu nước Mỹ?

Khách mời: Cô Alex Lockett, Hiệu trưởng Trường Cate và thầy Charlie Cahn, Hiệu trưởng Học viện Suffield.

Hiện nay các kỳ thi chuẩn hóa như SAT hay ACT không còn được các trường đại học Mỹ ưu tiên trong quá trình tuyển sinh. Điều này cho thấy những gì họ tìm kiếm ở những sinh viên tương lai không chỉ gói gọn trong kết quả một bài thi. Vậy từ bậc phổ thông, các em học sinh phải chuẩn bị những gì để có một bộ hồ sơ thật ấn tượng?

Theo cô Alex Lockett, học sinh cần khám phá ra điểm mạnh của chính mình, và nghệ thuật là yếu tố rất tốt giúp các em làm điều này. Việc học âm nhạc, hội họa hay kịch nghệ đều mang lại sự tự do và sáng tạo trong tư duy, dù các em có năng khiếu những môn này hay không.

Còn theo thầy Charlie Cahn, các lớp học AP (Advanced Placement) mang lại áp lực cao nhưng giúp học sinh sớm làm quen với cách học ở đại học. Một điểm đặc biệt ở Học viện Suffield là học sinh được khuyến khích chọn lớp AP… trái ngược với sở trường của mình. Điều này giúp các em bồi dưỡng những phần kiến thức còn khuyết thiếu, từ đó học giỏi đều các môn.

Ep 24: Đi tìm chân dung công dân toàn cầu

Khách mời: Thầy Pieter Mulder, Hiệu trưởng Trường Berkshire và thầy Tony Jaccaci, Hiệu trưởng Học viện Tabor.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, những người có trí thông minh văn hóa (CQ) luôn có lợi thế cạnh tranh nhất định. Họ hiểu biết và đánh giá cao những nền văn hóa khác với mình, có tư duy cởi mở và hợp tác tốt trong môi trường đa dạng văn hóa. Để giúp học sinh trở thành những công dân toàn cầu, các trường trung học cần lưu ý những gì?

Theo thầy Tony Jaccaci, học sinh nên được trang bị những kỹ năng cần thiết để “bơi” trong thế giới thông tin vô tận mà không bị choáng ngợp. Chương trình ở Học viện Tabor cũng tập trung vào can đảm (courage) như một giá trị cốt lõi. Trong đó có điểm nổi bật là hải trình Tabor Boys, nơi học sinh được đóng vai trò thủy thủ đoàn dẫn dắt một “học kỳ” trên biển.

Còn theo thầy Pieter Mulder, một chương trình giáo dục kết hợp yếu tố Đông - Tây sẽ là câu trả lời lý tưởng. Khi kết hợp được tính kỷ luật và hợp tác của giáo dục phương Đông với tính tự do và sáng tạo của giáo dục phương Tây, học sinh sẽ có được trải nghiệm học tập toàn diện, có khả năng thích nghi ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.

EduStation từ tập 20 đến tập 24 là phiên bản đặc biệt được ghi hình tại Mỹ. Đây sẽ là cuộc trò chuyện giữa host Hùng Võ cùng 10 hiệu trưởng thuộc 10 trường trung học nội trú hàng đầu tại xứ sở cờ hoa. “Phiên bản Mỹ” của EduStation hứa hẹn sẽ mang đến góc nhìn độc đáo về cách mà một trong những nền giáo dục tốt nhất thế giới hoạt động.

Bạn có thể đón xem trên kênh YouTube của Vietcetera hoặc Spotify.

Series EduStation được tài trợ bởi FindingSchool, nền tảng EduTech kết nối hàng triệu gia đình châu Á với các trường K-12 tư thục hàng đầu trên toàn thế giới.