Hóa ra ai cũng phải bắt đầu từ đâu đó, kể cả “cô giáo” của tôi | Vietcetera
Billboard banner
Vietcetera
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
20 Thg 11, 2024

Hóa ra ai cũng phải bắt đầu từ đâu đó, kể cả “cô giáo” của tôi

“Chúng ta lúc bắt đầu ai cũng dở tệ cả,” lời nói của chị sếp giúp tôi vững tin hơn vào hành trình của chính mình.
Hóa ra ai cũng phải bắt đầu từ đâu đó, kể cả “cô giáo” của tôi

Lớp phụ đạo viết mỗi thứ 4 hàng tuần. | Nguồn: NVCC

Tôi có cuốn nhật ký đầu tiên năm lớp 3.

Viết bài blog dài đầu tiên trên Facebook năm lớp 8.

Đến cấp 3, tôi dần thu mình lại và không còn chia sẻ nhiều vì sợ ánh nhìn của người khác.

Đó là những ký ức còn sót lại của tôi về việc viết trước năm 18 tuổi. Năm nhất đại học, tôi có duyên gặp lại viết ở công việc đầu tiên - làm trợ lý cá nhân cho chị sinh viên ngành báo chí truyền thông.

Kể từ ngày dấn thân vào nghiệp viết, tôi thấy viết chao ôi sao khó quá. Từng câu từng chữ viết ra phải tinh gọn, không được viết như văn nói. Các ý phải liên kết thành câu chuyện hoàn chỉnh mà không dùng nhiều từ nối như hồi cấp 3. Riêng với bài PR, tôi phải dùng đúng từ chuyên ngành mới đủ uy tín, có những từ tôi còn chưa nghe bao giờ.

Sau nhiều lần viết ra những bài chưa hay nhưng loay hoay không biết cách sửa, tôi dần thấy áp lực và chần chừ mỗi khi bắt đầu một bài viết mới. Có hôm tôi ngồi lạch cạch 2 tiếng mới viết ra được 200 từ. Sao các anh chị đồng nghiệp viết trông đơn giản thế nhỉ? Có những hôm trưa họ lên ý tưởng, đến chiều đã có bài.

Họ viết cứ nhẹ tênh như hơi thở, còn tôi nghĩ mãi mới ra vài từ.

Tôi từng nghĩ nếu sợ viết đến thế, hay mình làm việc khác? Nhưng chả hiểu sao mỗi lần hoàn thành bài viết mới, tôi luôn thấy vui và tràn trề hy vọng vào khả năng của mình. Bởi vậy, tôi băn khoăn mãi trong nhiều tháng liền: Do mình không hợp với nghề viết, hay do mình luyện viết chưa đủ nhiều?

Vào ngày kết thúc kỳ thực tập, tôi đánh liều đi hỏi chị sếp ở công ty truyền thông. Sau khi nghe tâm sự của tôi, chị bảo, “Thực ra tụi chị cũng có lúc trầy trật lắm mới viết ra một câu ưng ý. Bí ý tưởng cũng là chuyện thường gặp”.

Rồi chị đem bằng chứng ra thuyết phục tôi. Tiếng lạch cạch phát ra từ bàn phím, chị lục lại chiếc email nhận xét bài viết PR đầu tiên của chị vào 4 năm trước. Bài viết chằng chịt những dòng gạch đỏ hiện lên trước mắt tôi. Bên dưới, người ta bảo không thấy được sự cố gắng của chị.

Khoé mắt tôi rưng rưng. Nếu phải đọc lời nhận xét ấy, tôi sẽ khóc toáng lên mất, vì công sức mình bỏ ra không được công nhận. Hóa ra sếp tôi, người viết những bài đạt 50,000 lượt xem, cũng phải bắt đầu từ đâu đó.

Những giây sau đó là cảm giác biết ơn chạy dọc những dây thần kinh, lan ra khắp cơ thể. Sếp tôi vừa đặt niềm tin vào tôi. Đến mức chị cho tôi xem ký ức riêng tư nhất, dù chúng tôi mới quen nhau được 3 tháng, để tôi tin mình có thể viết tốt hơn.

Tôi không còn lăn tăn nữa sau khi trò chuyện với chị. Tôi biết mình cần thời gian để hái “quả ngọt” của riêng mình.

4 tháng tiếp theo, cuộc sống tôi có nhiều thay đổi. Trong khi tôi mạnh dạn thử sức với nhiều dạng bài mới, chị sếp lại mở lớp phụ đạo cấp tốc cho những người viết mới mỗi thứ 4 hàng tuần.

alt
Nguồn: NVCC

Những buổi học của chị rất thú vị. Có hôm học viết bài phỏng vấn, chị phát cho mỗi người chúng tôi mẩu giấy nhỏ để viết ra mục tiêu của mình. Tôi cứ ngỡ chị sẽ mở chúng ra sau khi về nhà. Nào ngờ, ngay khi giảng xong lý thuyết, chị tráo những mảnh giấy lại rồi trả lại cho chúng tôi để bắt cặp tập phỏng vấn. Chúng tôi có 10 phút để đặt câu hỏi qua lại, sau đó mỗi người sẽ trình bày lại câu chuyện của người kia như một bài hoàn chỉnh.

Mới đầu, chúng tôi hơi chần chừ, bởi 10 phút có vẻ không tưởng để tìm hiểu về một ai đó. Nhưng sau khi luyện tập, tôi nhận ra 10 phút tuy không đủ để thu thập 3 ý trong bài như chị dạy, ít nhất chúng tôi đều đã tự tin hơn vì có cơ hội thực chiến.

alt
Nguồn: NVCC

Mỗi lần lắng nghe câu chuyện của từng người, tôi để ý thấy mắt chị sáng lên, hệt như cách chị nhìn tôi vào 4 tháng trước. Đôi tay chị thoăn thoắt ghi vào sổ vài từ khóa quan trọng, có lẽ để ngay khi trình bày xong, chị luôn đảm bảo đưa ra cho chúng tôi góp ý hoàn chỉnh nhất. Dù phần làm bài có thể chưa tốt lắm, chị luôn tìm ra lời khích lệ dành cho học trò của mình.

Tôi luôn có cảm giác “cô giáo” của tôi thật giỏi. Chị ấy dạy học thuần thục như thể chị ấy đã làm việc này cả chục năm. Nhưng có một lần, tôi thấy chị thở phào nhẹ nhõm sau khi buổi học kết thúc.

“Cô giáo” của tôi cũng có lúc không tự tin. Nhưng vì vậy mà tôi hiểu không tự tin là một phần hiển nhiên trong hành trình làm người lớn. Và tôi cũng đang lớn lên trong hành trình của riêng mình.