Khi Yoga “đi khắp muôn nơi”: Nên tập thế nào cho đúng cách? | Vietcetera
Billboard banner
29 Thg 10, 2024

Khi Yoga “đi khắp muôn nơi”: Nên tập thế nào cho đúng cách?

Vượt ra ngoài 4 bức tường phòng tập, Yoga giờ được thực hành ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Nhưng có phải lúc nào tập như vậy cũng phù hợp?
Khi Yoga “đi khắp muôn nơi”: Nên tập thế nào cho đúng cách?

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Ngày 20/10, nữ du khách nước ngoài tên A.M. đã chia sẻ trên mạng xã hội đoạn clip cô quay trên đỉnh Fansipan (Lào Cai) với chú thích “Đây là view trên đỉnh Fansipan”. Trong video là một nhóm phụ nữ đang tạo dáng các tư thế Yoga bên bia tọa độ. Do nhóm này mặc trang phục bó sát và góc quay của nữ du khách, một số tư thế hiện lên trông có phần… nhạy cảm.

Hình ảnh này nhanh chóng gây ra tranh cãi trên mạng xã hội. Một số ủng hộ việc tập thể thao nơi công cộng, tuy nhiên phần đông cư dân mạng nhận định, việc tạo dáng Yoga trong trang phục bó sát ở nơi danh lam thắng cảnh là hành động phản cảm. Số khác lại cho rằng nữ du khách đã sai khi quay clip mà chưa xin phép nhóm tập, họ chưa vào tư thế nên mới có những hình ảnh “dở khóc dở cười” này.

26oct2024unnamed89701729674837jpg
Nữ du khách và chiếc view “có một không hai” trên đỉnh Fansipan. | Nguồn: VnExpress

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên việc tập Yoga ở nơi đông người gây tranh cãi. Trong một hội nhóm du lịch trên Facebook, chị T. T (Hà Nội) cũng chia sẻ một trải nghiệm tương tự ở Đà Lạt. Được biết gia đình chị đã xếp hàng từ sáng sớm để mua vé vào khu vực “săn mây”, nhưng lại phải chờ một nhóm Yoga chụp hình. “Họ không chỉ chụp một, hai tấm mà cứ hết tư thế này lại đến tư thế khác, từ chụp đơn, chụp đôi rồi tới chụp nhóm”, chị T.T chia sẻ.

Vào tháng 11/2023, một clip ghi lại cảnh 3 cô gái mặc đồ bó sát trình diễn Yoga trên một sân khấu đám cưới cũng gây tranh cãi lớn trong cộng đồng mạng. Trước đó vào tháng 5/2023, một nhóm Yoga ở Thái Bình cũng đã bị phạt hành chính vì tạo dáng ngay trên… đường quốc lộ, gây cản trở giao thông.

26oct20244bibqfarqr1p7mbxmhvpk2bm2p8x8fyr31716171355430409089822jpg
Nhóm Yoga tạo dáng ngay giữa đường quốc lộ ở Thái Bình vào tháng 5/2023. | Nguồn: Người Lao Động

2. Tập Yoga theo cách như vậy có sai không?

Theo truyền thống, Yoga thường được thực hành ở không gian yên tĩnh, tách biệt với tiếng ồn, chẳng hạn trong phòng tập, hoặc một địa điểm ngoài trời thích hợp. Điều này giúp người tập có sự tập trung cao độ để đạt hiệu quả tối ưu.

Cũng có những trường hợp ngoại lệ, đó là các cuộc thi, chiến dịch tập Yoga cộng đồng để kỷ niệm hoặc gây quỹ. Tiêu biểu có thể kể đến các buổi tập theo nhóm lớn nhân Ngày Quốc tế Yoga (21/6 hằng năm), hoặc màn đồng diễn với 5000 người tham gia trong Ngày Hội Yoga do báo Dân trí tổ chức năm 2023.

26oct2024ngayhoiyogadantri222edited16918130555261691925510546jpg
Màn đồng diễn Yoga 5000 người tại trong Ngày Hội Yoga Dân trí 2023. | Nguồn: Dân Trí

Bạn cũng không nhất thiết phải mặc đồ bó sát để tập yoga, dù trang phục này được nhiều người lựa chọn (do bộ môn có nhiều tư thế cúi ngược, mặc đồ bó sẽ hạn chế quần/áo bị tốc lên). Dù vậy, kiểu trang phục này bị cho là không phù hợp để mặc đến danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và nhiều địa điểm khác.

Bên cạnh đó, việc tạo dáng quá lâu, chiếm nhiều thời gian và diện tích có thể ảnh hưởng đến nhiều người xung quanh. Như chị T.T. kể lại, nhóm tập khiến nhiều du khách phải đứng chờ họ tạo dáng, không kịp “săn mây” theo kế hoạch ban đầu. Chưa kể, việc nằm, ngồi, tạo dáng tràn lan trên đường quốc lộ sẽ gây cản trở giao thông, nguy hiểm cho người đi đường khác.

3. Liệu Yoga ở Việt Nam có đang bị “biến tướng”?

Là môn tập có xuất xứ từ Ấn Độ, Yoga giúp chúng ta cân bằng thân-tâm-trí. Khi kết hợp với các bài tập thiền và thở, Yoga không chỉ mang lại sức mạnh thể chất mà còn giúp ta kết nối với nội tâm, lắng nghe cơ thể và điều hòa cảm xúc.

Tuy nhiên nhằm đáp ứng nhu cầu của người học, ngày càng nhiều loại hình Yoga khác nhau được phát triển ở Việt Nam như Yoga với bóng/gậy, Yoga thể hình, Yoga bay… Các trung tâm Yoga cũng nhanh chóng mọc lên như “nấm sau mưa”. Song song đó, không ít người chạy theo trào lưu tập các động tác khó để có những bức ảnh đẹp “cúng” Facebook, dù thời gian tập luyện chưa lâu.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, Trung tâm Y học Thể thao Starsmec, đây là một biến tướng nguy hiểm của Yoga. Bởi khi tập các động tác vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể, bạn rất dễ bị chấn thương. Bản thân bác sĩ Thủy đã tiếp nhận nhiều trường hợp chấn thương do tập Yoga sai cách hoặc quá sức, từ giãn dây chằng đến đau khớp, thậm chí gãy cổ (do cố sức tập các tư thế khó như trồng cây chuối, hay tư thế bánh xe).

26oct2024yogachanthuong17240292169457970491jpg
Nếu mới học Yoga, bạn nên bắt đầu với các tư thế đơn giản, rồi lên dần các tư thế khó hơn. | Nguồn: Tuổi Trẻ

Biến tướng này cũng khiến nhiều người hiểu sai về Yoga, cho rằng bộ môn này chỉ dành cho người dẻo dai, trong khi thực tế nó dành cho tất cả mọi người. Nó cũng vô tình khiến người học hình thành cạnh tranh không lành mạnh lẫn nhau (so sánh ai tập giỏi hơn, ai làm được tư thế khó hơn) - điều hoàn toàn đi ngược với triết lý vốn có của bộ môn Yoga.

Theo huấn luyện viên Yoga quốc tế Nguyễn Thị Nhật Thanh, nếu mới học Yoga, bạn nên thực hiện dưới sự hướng dẫn của giáo viên chuyên nghiệp để tránh tập sai cách. Nếu có thể, bạn nên kết hợp học thêm thiền và thở - hai bộ môn có thể kết hợp với Yoga giúp bạn thở đúng cách, bình ổn tâm trí và tăng cường thể lực theo đúng khả năng của mình.

Dưới đây là một số bài tập Yoga, thiền và thở đơn giản bạn có thể tham khảo:

Tư thế cat-cow

Tư thế cái cây

Thiền kết hợp mùi hương và âm thanh