Mặc cảm ngoại hình: Những bất an về vẻ bề ngoài đến từ đâu? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
18 Thg 06, 2021

Mặc cảm ngoại hình: Những bất an về vẻ bề ngoài đến từ đâu?

Body dysmorphia (mặc cảm ngoại hình) là một rối loạn tâm lý thường gặp ở nhiều người.
Mặc cảm ngoại hình: Những bất an về vẻ bề ngoài đến từ đâu?

Anh Thư Ng @immortal_wurst cho Vietcetera

Rối loạn mặc cảm ngoại hình diễn ra khi bạn không thể điều khiển suy nghĩ tiêu cực về cơ thể và ảnh hưởng đến hành vi hằng ngày. Theo nghiên cứu, tần suất rối loạn mặc cảm ngoại hình trong dân số chung khoảng 2%.

Phụ nữ cũng được cho là dễ mắc chứng rối loạn này hơn. Theo bệnh viện Da liễu, trong số những người được chẩn đoán là mắc tình trạng này, tỷ lệ chênh lệch giữa nam nữ là 1:4,5.

Vậy rối loạn mặc cảm ngoại hình là gì và chúng ta có thể vượt qua nó như thế nào?

Mặc cảm ngoại hình: một dạng rối loạn tâm lý

Body dysmorphic disorder hay body dysmorphia (tạm dịch: rối loạn mặc cảm ngoại hình) diễn ra khi một người lo lắng quá nhiều về các khuyết điểm ngoại hình của họ. Những khuyết điểm này thường rất nhỏ và người khác không thật sự chú ý đến nó.

Body dysmorphia có thể diễn ra ở mọi lứa tuổi, giới tính, phổ biến nhất là ở tuổi vị thành niên và những người trẻ.

Mặc cảm ngoại hình không đồng nghĩa với việc bạn là một kẻ phù phiếm, viển vông hay ái kỷ. Đây thật ra là một dạng rối loạn tâm lý cần sớm được nhận biết và khắc phục để không ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.

Dấu hiệu của người mắc body dysmorphic disoder?

Một số dấu hiệu thường gặp bao gồm:

  • Thường xuyên nhìn vào gương để kiểm tra cơ thể, nếu không sẽ cảm thấy bất an và bồn chồn.
  • Ngược lại, có những người chủ ý tránh né nhìn vào gương vì lo sợ khi nhận thấy khiếm khuyết của mình.
  • Cố che giấu khiếm khuyết của cơ thể bằng nón, khăn choàng, khẩu trang hoặc lớp trang điểm đậm bất chấp điều đó có thể không hợp với thời tiết hoặc hoàn cảnh.
  • Có những biện pháp cực đoan để duy trì vẻ ngoài mong muốn. Như nam giới khi mặc cảm về cơ bắp có thể sử dụng anabolic steroids, một chất giúp gia tăng khối lượng tế bào, nhưng rất nguy hiểm với sức khỏe.
body dysmorphia
Soi gương quá nhiều hoặc né tránh việc soi gương đều có thể là dấu hiệu của body dysmorphia.
  • Thường xuyên so sánh mình với người khác.
  • Cần sự xoa dịu từ người khác về ngoại hình của mình, nhưng lại không tin khi họ bảo rằng bạn vẫn ổn.
  • Né tránh các sự kiện xã hội hoặc những nơi đông người vì nghĩ rằng mọi người có thể nhìn thấy hay đang ngầm châm chọc khiếm khuyết của mình.
  • Liên tục tìm đến những phương pháp làm đẹp, cơ sở thẩm mỹ một cách không cần thiết.
  • Luôn cảm thấy lo âu, phiền muộn và xấu hổ về ngoại hình của mình.
  • Thường xuyên dùng tay chạm vào da để che đi hoặc loại bỏ những khuyết điểm.

Điều gì ẩn sau tâm lý của một người mắc body dysmorphia?

Nguyên nhân chính của mặc cảm ngoại hình chưa được xác định, nhưng được cho là sự kết hợp của yếu tố môi trường sống, tâm lý và sinh học. Những yếu tố cụ thể là:

Gia đình có người mắc rối loạn này hoặc bản thân có những bệnh liên quan

Nghiên cứu chỉ ra 8% người mắc chứng mặc cảm ngoại hình khi tiền sử gia đình có người mắc cùng rối loạn. Ngoài ra, body dysmorphia cũng ảnh hưởng đến những người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế (obsessive-compulsive disorder). Nghiên cứu chứng minh 8-37% người mắc OCD cũng có các triệu chứng của body dysmorphia.

Trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ

Trong nghiên cứu, nhiều người mắc body dysmorphia cho biết họ từng bị châm chọc về ngoại hình. Khi mối liên hệ tiêu cực giữa ngoại hình và phản ứng của người khác được thiết lập, bạn dễ trở nên nhạy cảm hơn với những nhận xét xung quanh vẻ bề ngoài.

Chẳng hạn, một lời nói "vô thưởng vô phạt" về đặc điểm ngoại hình mà bạn từng bị chê bai sẽ làm bạn chú ý hơn, rồi trở nên ám ảnh với nó.

So sánh bản thân với một hình mẫu không thực tế

Khi theo dõi mọi người trên mạng xã hội, chúng ta đôi khi sẽ so sánh bản thân với những người đẹp hơn mình ở một khía cạnh nhất định (chân dài, mắt đẹp, cơ bụng săn chắc hơn,...), mặc dù tiêu chuẩn này không phải lúc nào cũng khách quan. Theo thuyết so sánh xã hội, đây được gọi là hành vi “so sánh trên” và điều này có thể dẫn đến cảm giác bất an.

body dysmorphia
Chúng ta đôi khi lấy tiêu chuẩn của người khác để so sánh với mình.

Nghiên cứu cho thấy, những người sử dụng Instagram nhiều thường nhạy cảm hơn với mặc cảm ngoại hình, bởi xu hướng so sánh mình với những người dùng khác. Bên cạnh đó, họ cũng gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc và có thói quen diễn giải thông tin theo chiều hướng xấu. Chẳng hạn như nghĩ rằng người khác đang ngầm phán xét hoặc cười nhạo ngoại hình của mình.

Để vượt qua mặc cảm ngoại hình

Đặt những câu hỏi để có cái nhìn thực tế về bản thân

Theo tiến sĩ Timothy những câu hỏi mang tính tái thiết lập nhận thức (cognitive restructuring) sẽ giúp bạn kiểm tra mức độ thực tế trong các giả định của mình, từ đó điều chỉnh được thói quen nhìn nhận mọi thứ theo chiều hướng tệ nhất.

Chẳng hạn, bạn hay cho rằng mọi người đang âm thầm cười cợt ngoại hình của mình. Lúc này những câu hỏi bạn có thể đặt ra là:

  • Suy nghĩ của mình dựa trên thực tế hay chỉ là cảm giác?
  • Đã bao giờ mình nghĩ là mọi người đang cười mình, nhưng sau đó lại vỡ lẽ là không phải?
  • Nếu bạn thân của mình có suy nghĩ tương tự, mình sẽ trấn an họ như thế nào?
  • Liệu đây có phải là thói quen?
  • Mình có thể lý giải nó theo những cách nào khác?

Đặt bản thân vào những thử thách nhằm vượt qua chướng ngại tâm lý

Liệt kê ra những thử thách và tìm cách khắc phục từng điều một. Chẳng hạn như:

  • Tránh việc lướt web chỉ để tìm thông tin về mỹ phẩm hoặc thẩm mỹ viện.
  • Ngừng chú ý đến các đặc điểm ngoại hình của người khác.
  • Hạn chế được việc luôn tìm kiếm sự đảm bảo từ người khác.
  • Tham gia vào hoạt động có nhiều người.
  • Ngừng việc liên tục nhìn vào gương (nếu việc sử dụng gương cầm tay liên tục khiến bạn săm soi những khiếm khuyết nhỏ trên mặt, hãy cân nhắc sử dụng gương toàn thân để có một cái nhìn tổng thể hơn).