Man-child: Những người đàn ông mãi không chịu lớn | Vietcetera
Billboard banner
10 Thg 02, 2022

Man-child: Những người đàn ông mãi không chịu lớn

Man-child thường được coi mẫu bạn trai mà nhiều cô gái không muốn hẹn hò.
Man-child: Những người đàn ông mãi không chịu lớn

Nguồn: bandt

1. Man-child là gì?

Man-child chỉ một người đàn ông đã lớn nhưng thiếu sự điềm tĩnh, đứng đắn, khôn ngoan mà ở độ tuổi của họ nên có.

Đây là từ dùng để chế giễu những người đàn ông bên ngoài đã lớn tướng nhưng bên trong vẫn còn là đứa trẻ. Ngoài man-child, chúng ta còn có từ mama boy với độ châm biếm tương tự. Còn ở Việt Nam, những chàng trai này hay được gọi vui là “bé bự”.

2. Nguồn gốc của man-child

Theo Merriam Webster từ man-child được biết đến từ thế kỷ 14, xuất hiện trong một cuốn tiểu thuyết của nhà văn người Mỹ, Jack London.

Trích dẫn của từ man-child trong cuốn sách như sau “… it came to her what a glory it would be to be the mother of a man-child like this.” (tạm dịch: đối với cô ấy đó là một vinh quang khi được làm mẹ của một cậu con trai như thế này).

Tại thời điểm đó, man-child có nghĩa tương tự như “son” (con trai) chứ vẫn chưa mang hàm ý mỉa mai như hiện nay.

3. Vì sao man-child lại phổ biến?

Ý nghĩa châm biếm của man-child đến từ nỗi đau của nhiều cô gái trót hẹn hò với các anh chàng “già đầu rồi mà chưa chịu lớn”. Nếu tìm kiếm man-child trên Google thì ngoài các trang từ điển, bạn cũng sẽ bắt gặp cụm từ này trong những bài viết về chủ đề hẹn hò.

Những bài viết này thường cảnh báo về dấu hiệu bạn đang cặp kè với một man-child, chẳng hạn như nhà cửa bừa bộn, hay “lí do lí trấu”, thích cằn nhằn, ưa đổ lỗi, đam mê chè chén và tài chính bấp bênh.

Thậm chí, trên Bustle còn có cả bài viết chia sẻ kinh nghiệm “sương máu” mà một cô gái đã chắt lọc được sau khi hẹn hò với “bé bự”. Nhìn chung cũng như fuckboy, man-child là tuýp đàn ông không nhận được nhiều thiện cảm.

Chủ đề về các chàng trai chưa lớn cũng được các nhà làm phim Hollywood ưa chuộng, bởi các man-child khi được cường điệu hóa thì có độ gây hài rất cao.

Trong số đó có thể kể đến bộ phim Big do diễn viên gạo cội Tom Hanks thủ vai chính, Billy Madison và Happy Gilmore của cây hài Adam Sandler. Cũng không thể bỏ qua The Hangover - câu chuyện về 3 anh chàng ất ơ tỉnh dậy sau một đêm chè chén và bay sạch ký ức về những gì xảy ra hôm trước.

alt
Bộ phim về 3 chàng trai lớn già đầu nhưng vẫn ất ơ. | Nguồn: The Hangover

Trong tâm lý học cũng có hẳn một thuật ngữ dành riêng cho các chàng trai chưa lớn này, đó chính là hội chứng Peter Pan.

Tương tự như man-child, hội chứng Peter Pan mô tả những chàng trai đã đến tuổi trưởng thành nhưng vẫn từ chối lớn lên và đảm nhận trách nhiệm của một người lớn. Hội chứng này bắt nguồn từ sự tương đồng với nhân vật cùng tên của nhà văn James Matthew Barrie.

Song hành với Peter Pan là hội chứng Wendy. Hội chứng này chỉ những người phụ nữ đứng đằng sau các chàng trai chưa lớn (có thể là mẹ, chị gái hoặc bạn đời), gánh lấy phần trách nhiệm và giải quyết những việc mà Peter Pan không thể.

alt
Hội chứng Peter Pan và hội chứng Wendy được đặt tên theo 2 nhân vật hoạt hình cùng tên. | Nguồn: phim Peter Pan/Disney

Ngoài ra, môi trường nuôi dưỡng cũng được coi là nguyên nhân tạo nên các chàng trai mãi không chịu lớn. Cha mẹ của các chàng trai có thể đã bảo bọc quá mức, khuyến khích con trai tận hưởng tuổi thơ và không dạy các kỹ năng cần thiết khi trưởng thành như lập kế hoạch tài chính, dọn dẹp nhà cửa, hay kiểm soát cảm xúc.

4. Cách sử dụng man-child?

Tiếng Anh:

A: Hey, how was the guy that you met from Tinder? Is he ok?

B: Nah, I stopped talking to him. He’s a man-child.

Tiếng Việt:

A: Ủa rồi cái anh bữa gặp trên Tinder sao rồi? Ổn chứ bạn tui?

B: Không, tui hết nói chuyện với ổng rồi. Ổng là “bé bự” bà ơi.