Não của chúng ta sa vào lưới tình như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
17 Thg 11, 2021

Não của chúng ta sa vào lưới tình như thế nào?

Tưởng chừng là câu chuyện của con tim nhưng hóa ra yêu lại là vấn đề của não.
Não của chúng ta sa vào lưới tình như thế nào?

Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Tình yêu vẫn hay được liên hệ với trái tim nhưng thực ra các hormone trong não mới là tác nhân khiến chúng ta vật vã mỗi khi rơi vào lưới tình.

Theo một nghiên cứu của nhà nhân chủng học Helen Fisher tại Đai học Rutgers, tình yêu được chia làm giai đoạn: khao khát (lust), say đắm (attraction) và gắn bó (attachment). Mỗi giai đoạn sẽ đặc trưng bởi những loại hormone riêng và tạo nên các tác động tâm lý khác nhau. (Nguồn: sitn.hms.harvard.edu)

Testosterone và estrogen: Giai đoạn khao khát

Khao khát là giai đoạn mà chúng ta bị thúc đẩy bởi mong muốn thỏa mãn tình dục. Điều này bắt nguồn từ nhu cầu sinh sản, một nhu cầu chung ở tất cả các loài sinh vật. Nhờ đó mà một giống loài có thể duy trì sự tồn tại.

Vùng dưới đồi (hypothalamus) đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn này khi nó kích thích sản xuất hormone sinh dục testosterone và estrogen. Dù hai hormone này thường được cho là đặc trưng riêng giữa nam và nữ, nhưng thực chất testosterone làm tăng ham muốn ở tất cả mọi người.

Testosterone và estrogen khiến cho nhu cầu tình dục tăng cao ở các cặp đôi.

Tác động của estrogen tuy ít rõ ràng hơn, nhưng một số phụ nữ cho biết họ có nhu cầu tình dục cao hơn vào khoảng thời gian rụng trứng, khi estrogen ở mức cao nhất.

Dopamine và norepinephrine tăng, serotonin giảm: Giai đoạn say đắm

Đây là giai đoạn khiến nhiều người đang yêu vật vã bởi sự tham gia của nhiều loại hormone khiến tâm trạng bị xáo trộn dữ dội, bao gồm:

Dopamine được giải phóng khi một người đang vui vẻ và phấn khích, khiến họ muốn lặp lại cảm giác đó nhiều hơn. Dopamine cũng tăng khi bạn làm một điều gì đó mới mẻ hoặc chơi trò cảm giác mạnh. Vì thế mà các cuộc tình chớm nở luôn là một nguồn cung cấp dopamine dồi dào và những người mới yêu có nhu cầu gặp nhau thường xuyên.

Dopamine, norepinephrine, serotonin - những hormone khiến cảm xúc của ta bị rối loạn.

Norepinephrine là chất hóa học khiến bạn tràn đầy năng lượng, hưng phấn, thậm chí dẫn đến cảm giác biếng ăn mất ngủ. Trên thực tế, norepinephrine còn được gọi là noradrenalin, được kích hoạt khi bạn đang stress nhằm giữ cho tinh thần tỉnh táo. Đây là hormone quen thuộc trong phản ứng chiến hoặc chạy, từng giúp tổ tiên của chúng ta sống sót trước nguy hiểm.

Sự gia tăng của norepinephrine là nguyên nhân khiến tim bạn lỗi nhịp, hơi thở gấp gáp, mồ hôi túa ra, dạ dày quặn lên khi đứng trước người ấy và cũng là thủ phạm cho những đêm thao thức.

Serotonin được biết đến là hormone giúp bạn bình ổn tâm trạng. Lượng serotonin cao đồng nghĩa với việc bạn sẽ thấy bình tâm hơn, ngược lại khi serotonin xuống thấp, tinh thần của bạn lại dễ bị dao động. Đó là lý do mà bạn cứ thấp thỏm đợi tin nhắn của nửa kia, lo lắng khi họ nhỡ trả lời muộn, hay “đoán già đoán non” xem họ đang nghĩ gì.

Oxytocin và vasopressin tăng: Giai đoạn gắn bó

Những mối quan hệ lâu dài đòi hỏi sự bình ổn về mặt tinh thần, bởi chẳng ai có thể chịu đựng lâu nếu tâm trạng cứ mãi bị xáo trộn. Khi mối quan hệ vào giai đoạn ổn định, dopamine sẽ giảm. Vì thế, hormone quyết định sự gắn kết của cặp đôi lúc này là oxytocin và vasopressin.

Oxytocin tạo cho cặp đôi cảm giác an toàn, thoải mái, gắn bó. Đây là hormone được khơi dậy bởi những cử chỉ thân mật như vuốt ve, ôm ấp. Oxytocin còn được chứng minh là làm tăng thời gian bạn dành để nhìn vào mắt người yêu lẫn khả năng đọc cảm xúc của họ. Có lẽ đây là lý do mà những người yêu lâu dễ hiểu ý nhau hơn.

Trong quá trình đồng hành lâu dài, nếu duy trì được lượng oxytocin, các cặp đôi sẽ cảm thấy gắn kết đủ để vượt qua sóng gió.

Oxytocin và vasopressin tăng cảm giác gắn bó cho các cặp đôi.

Vasopressin thì lại liên quan đến hành vi bảo vệ bạn tình hoặc lãnh thổ, cũng như các hình thức tự vệ thích ứng khác. Điều này giải thích cho cảm giác ghen tuông và chiếm hữu trong tình yêu hay việc ta luôn thấy các cặp đôi lúc nào cũng như hình với bóng.

Kết

Trên thực tế, cách mà các hormone hoạt động còn chồng chéo và phức tạp hơn nhiều, cũng giống như tình yêu vậy.

Hiểu về chúng không hề khiến tình yêu kém đi phần lãng mạn, trái lại còn giúp bạn nắm bắt được cảm xúc của chính mình. Bên cạnh đó, bạn cũng ý thức được rằng cảm giác phấn khích lúc mới yêu sẽ không ở lại mãi nhưng vẫn luôn có những cách khác để bạn duy trì tình yêu của mình.