Cho một mối quan hệ bền lâu, 10 yếu tố để kiểm tra ngay | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
31 Thg 10, 2020
Thương

Cho một mối quan hệ bền lâu, 10 yếu tố để kiểm tra ngay

Mối quan hệ của bạn liệu có bền vững hay không? Khảo sát bởi 11,000 cặp đôi về các dấu hiệu sẽ cho bạn biết kết quả.

Cho một mối quan hệ bền lâu, 10 yếu tố để kiểm tra ngay

Nguồn: Shutterstock

Tình cảm là một phạm trù phức tạp và khó nắm bắt. Chính vì thế mà con người vẫn luôn tìm đủ mọi cách để hiểu và kiểm soát được nó. Gần đây, công nghệ cũng đã vào cuộc và bước tiến mới nhất là sử dụng AI để xác định những dấu hiệu của một mối quan hệ dài lâu.

Cụ thể, một nghiên cứu đã thống kê kết quả từ 43 nghiên cứu khác về mối quan hệ của hơn 11.000 cặp đôi trên khắp thế giới, và tìm ra 5 nhân tố cơ bản hình thành nên một mối quan hệ, đó là:

  • Mức độ hài lòng trong cuộc sống
  • Cảm giác tiêu cực
  • Mức độ trầm cảm
  • Mức gắn bó lo âu
  • Mức gắn bó né tránh

Từ 5 nhân tố trên, các nhà nghiên cứu đã chia thành 10 dấu hiệu cụ thể giúp bạn nhận biết mối quan hệ của mình liệu có bền vững hay không. 

1. Mức độ hài lòng với cuộc sống

Nhân tố cho mối quan hệ bền lâu 1
Những người cảm thấy không hài lòng với cuộc sống thường ít có khả năng tiếp tục mối quan hệ của họ. | Nguồn: Unsplash

Mức độ hài lòng với cuộc sống là cảm nhận chung về cuộc sống và cách chúng ta thấy hài lòng với những gì đang diễn ra xung quanh. Khi hài lòng với cuộc sống, bạn sẽ hạn chế được căng thẳng, tận hưởng cuộc sống đơn giản hơn và dễ dàng tạo nền tảng bước vào một mối quan hệ lành mạnh.

2. Mức độ thường xuyên lo lắng, căng thẳng

Khi cảm thấy căng thẳng, chúng ta có xu hướng thu mình lại, mất tập trung, và ít thể hiện tình cảm hơn. Điều này dẫn đến sự xa lánh với đối phương.

Ngoài ra, căng thẳng còn làm tăng mức độ cảnh giác, khiến bạn chú ý hơn đến những hành vi tiêu cực và có phản ứng tồi tệ với chúng. Khi cãi vã, nó khiến bạn nghiêm trọng hóa vấn đề và không giải quyết vấn đề hiệu quả.

Vì thế, nếu một người trong thường xuyên lo lắng, căng thẳng thì mối quan hệ đó cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

3. Mức độ trầm cảm 

Nhân tố cho mối quan hệ lâu dài 2
Mức độ trầm cảm có thể hình thành rào cản trong mối quan hệ. | Nguồn: Unsplash

Người đối mặt với chứng trầm cảm sẽ dễ gặp những khó khăn nhất định trong mối quan hệ nếu không được điều trị phù hợp.

Khi một người mắc chứng trầm cảm, người còn lại có thể dễ dàng cảm thấy kiệt sức và buồn bã vì nỗ lực cần bỏ ra. Ngược lại, người bệnh trầm cảm có thể cho rằng mình là gánh nặng và dần cảm thấy có lỗi, hạ thấp lòng tự tôn của mình.

Điều này khiến việc giao tiếp khó khăn hơn, đôi khi có thể hình thành những rào cản trong mối quan hệ.

4. Mức độ gắn bó lo âu 

Gắn bó lo âu (attachment anxiety) thường hình thành từ khi còn nhỏ, khi những đứa trẻ thiếu sự chăm sóc của bố mẹ hoặc chỉ được đáp ứng thiếu nhất quán. 

Những người gắn bó lo âu luôn khao khát sự thân mật. Nỗi sợ bị bỏ rơi luôn hiện hữu khiến họ nhạy cảm về các dấu hiệu chia cách. Vì thế, họ thường có xu hướng kiểm soát, bám đuổi để nhận được sự đảm bảo và xoa dịu liên tục từ người yêu.

Nếu bạn hoặc người yêu có mức độ gắn bó lo âu cao nhưng người còn lại không thể nhận biết và thông cảm, việc thiết lập ranh giới lành mạnh trong mối quan hệ của cả hai sẽ bị ảnh hưởng.

5. Mức độ gắn bó né tránh

Nhân tố cho mối quan hệ lâu dài 3
Nếu một bên không cách nào thể hiện sự thân mật và e ngại ràng buộc, việc gắn bó lâu dài sẽ khó khăn hơn. | Nguồn: Unsplash

Gắn bó né tránh (avoidant attachment) hình thành ở những đứa trẻ gặp phải sự lạnh nhạt, xa cách, thờ ơ hoặc thiếu hẳn bóng dáng của người chăm sóc trong thời thơ ấu

Người thuộc kiểu gắn bó né tránh muốn ở trong mối quan hệ lãng mạn nhưng lại không thoải mái với sự thân mật và e ngại sự ràng buộc. Họ đánh đồng sự thân mật với việc đánh mất tự do, nên họ liên tục cố gắng giảm thiểu sự gần gũi. Đồng thời, họ gặp khó khăn trong việc chia sẻ cảm xúc sâu kín của mình với nửa kia.

Nếu bạn hoặc người yêu có xu hướng gắn bó né tránh, việc cam kết trong mối quan hệ của cả hai sẽ là một điều rất khó khăn.

6. Mức độ cam kết của đối phương

Trong tình yêu lứa đôi, cam kết là sự sẵn lòng duy trì mối quan hệ lâu dài với đối phương, thường đem lại cảm giác an toàn. 

Nhận thức của bạn về một mối quan hệ góp phần vào độ bền của nó. Nếu cho rằng đối phương có mức độ cam kết cao, bạn và họ thường ở bên nhau lâu hơn.

Ngược lại, nếu nghĩ rằng đối phương hời hợt trong mối quan hệ, bạn sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi thiên kiến tiêu cực. Từ đó, bạn thường xuyên đưa ra những giả định bi quan và dẫn đến những hành động tiêu cực gây rạn nứt tình cảm.

Tư tưởng của mỗi người về việc cam kết là khác nhau. Có người sẵn sàng cam kết, có người lại không. Vì vậy, đây là chủ đề mà đôi bên nên thẳng thắn trao đổi với nhau trước khi bước vào một mối quan hệ lâu dài.

7. Cảm kích đối phương

Nhân tố cho mối quan hệ lâu dài 4
Bày tỏ sự cảm kích đúng lúc sẽ giúp mối quan hệ bền chặt hơn.

Sự cảm kích dành cho nhau là chìa khóa của mọi mối quan hệ. Bày tỏ cảm xúc vừa giúp đối phương cảm thấy tốt hơn về bản thân, vừa tăng thêm sức mạnh và sự gắn kết cho tình cảm của đôi bên.

Vấn đề thường xảy ra khi chúng ta bắt đầu xem những gì mà người kia làm cho mình là hiển nhiên. Đây là dấu hiệu thể hiện bạn cho rằng mình đang làm những việc quan trọng hơn, dẫn đến sự mất cân bằng trong mối quan hệ.

Khi sự mất cân bằng này diễn ra, các cuộc cãi vã và sự giận dữ dần xuất hiện, đi kèm với băn khoăn về tương lai tốt đẹp cho cả hai.

8. Mức độ thỏa mãn tình dục 

Từ bé, chúng ta đã quen với thái độ lảng tránh của người lớn khi nhắc đến chủ đề tình dục nên thường mặc định rằng đây là một điều cấm kỵ. Nhưng trên thực tế, đây là một vấn đề hoàn toàn bình thường.

Quan hệ tình dục lành mạnh làm tăng mức độ cam kết và tình cảm của cả hai bên, nhờ đó giảm thiểu tỉ lệ chia tay giữa các cặp đôi. Nó còn giúp bạn giảm thiểu ảnh hưởng của căng thẳng và lo âu quá mức.

Một số người cảm thấy vấn đề này quan trọng còn một số khác thì không. Và bạn chỉ nên quan hệ nếu đó là điều bạn muốn, chứ không phải vì cảm thấy ép buộc hay bị dè bỉu. Do đó việc trò chuyện với người yêu hoặc bạn đời về vấn đề này là điều không thể thiếu để xây dựng một tương lai bền lâu.

9. Mức độ hạnh phúc của đối phương

Nhân tố cho mối quan hệ lâu dài 5
Kết nối về mặt cảm xúc và cảm giác an toàn là điều thiết yếu trong mối quan hệ. | Nguồn: Shutterstock

Theo nhà tâm lý học Sue Johnson, một mối quan hệ thường thiếu hạnh phúc khi hai bên không thể kết nối về mặt cảm xúc với nhau và mất đi cảm giác không an toàn. 

Nếu bạn cảm nhận được người còn lại đang thấy hạnh phúc trong mối quan hệ, chính bạn cũng sẽ nhận được tác động tích cực. Khi một người cảm thấy hạnh phúc, những người xung quanh có cơ hội trở nên hạnh phúc hơn 25%. Nhờ đó mà mức độ bền vững của mối quan hệ cũng sẽ tăng lên theo tâm trạng.

10. Mức độ xảy ra bất đồng

Bất đồng là một phần của mọi mối quan hệ. Đôi khi bất đồng giúp cả hai người hiểu và tin tưởng nhau hơn thông qua việc chia sẻ, giải quyết vấn đề.

Nhưng khi không tìm được tiếng nói chung, chúng ta cần nhìn nhận nguyên nhân cốt lõi của cuộc cãi vã, có thể là do sự giao tiếp sai lệch, ích kỷ, kỳ vọng quá mức và thường xuyên chỉ trích.

Một mối quan hệ hạnh phúc thường có tỉ lệ giữa tương tác tích cực và tiêu cực là 5:1. Nếu đến một thời điểm mà những cuộc tranh cãi không được giải quyết triệt để nữa thì bạn không nên xem nhẹ chúng.

Kết

Có thể thấy hầu hết những điều trên đều là yếu tố bắt nguồn từ thế giới bên trong mình. Vì thế mà trước khi yêu, bạn cần lắng nghe và học hỏi từ chính thế giới nội tâm của mình. Chỉ khi đã hiểu và ổn thoả với bản thân, bạn mới có thể chăm lo cho những người khác, bao gồm cả người yêu, bạn đời và cuộc sống gia đình tương lai.