Nhiều người cứ lên xe lại ngủ là do "bùa mê" gì? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
29 Thg 12, 2021

Nhiều người cứ lên xe lại ngủ là do "bùa mê" gì?

Những chuyến xe đường dài đã tác động gì lên não khiến nhiều người có thể đánh một giấc ngon lành suốt hành trình?
Nhiều người cứ lên xe lại ngủ là do "bùa mê" gì?

Nguồn: Amy Anh @hi.amyanh cho Vietcetera

Di chuyển đường dài là điều không dễ dàng với nhiều người. Cảm giác mệt mỏi, buồn chán, đôi khi say xe khiến chúng ta chỉ mong có thể đánh một giấc đến lúc xuống.

Ấy vậy mà một số người thực sự có khả năng này. Dù đêm trước đó ngủ ngon lành đủ giấc, họ vẫn ngủ một mạch suốt quãng đường. Trong từ điển Urban Dictionary còn có hẳn một từ chỉ tình trạng này là carcolepsy (ghép từ “car” - ô tô và “narcolepsy” - chứng ngủ rũ). Thứ "bùa mê thuốc lú" nào đã khiến họ cứ lên xe là ngủ?

Tiếng ồn trắng và rung động khiến não dễ rơi vào giấc ngủ hơn

Khi ngồi trên ô tô trong thời gian dài, tiếng động cơ và bánh xe chuyển động trên đường tạo ra hai yếu tố kích thích giấc ngủ là tiếng ồn trắng và rung động.

Tiếng ồn trắng là loại âm thanh bao gồm tất cả các tần số mà con người nghe được (20Hz - 20.000Hz) khi ở cùng một mức năng lượng. Nhờ khả năng át bớt các âm thanh xung quanh, tiếng ồn trắng giúp người nghe dễ đi vào giấc ngủ hơn.

title29dec2021int1jpg 29dec2021int1jpg
Nhờ khả năng át bớt âm thanh xung quanh, tiếng ồn trắng giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ.

Tương tự, các rung động tần số thấp kéo dài có thể đồng bộ sóng não, khiến ta rơi vào giai đoạn đầu của giấc ngủ. Một thí nghiệm của giáo sư Stephen Robinson đến từ Đại học RMIT (Úc) đã chứng minh điều này.

Ông cho 15 người lái xe hai lần trên một thiết bị mô phỏng. Lần đầu tiên thiết bị không rung và lần hai rung ở tần số 4Hz - 7Hz. Kết quả họ đều có dấu hiệu buồn ngủ chỉ 15-30 phút sau khi cầm lái lần thứ hai. Nhiều người thừa nhận nếu không phải ngồi ghế lái, họ còn có thể ngủ gật nhanh hơn.

Đây cũng là lý do nhiều vật dụng trẻ em như nôi, cũi và gối có chức năng rung để dễ dàng đưa trẻ vào giấc ngủ.

Sự lặp lại khiến ta dễ buồn chán khi di chuyển đường dài

Đếm cừu là một bài tập dân gian chữa mất ngủ phổ biến. Theo đó mỗi khi mất ngủ, bạn chỉ cần tưởng tượng ra một đàn cừu trong đầu và đếm nhẩm 1 con cừu, 2 con cừu…cho đến khi ngủ gật lúc nào không biết.

Nguyên lý mà bài tập này áp dụng chính là sự lặp lại và dễ đoán. Khi lặp lại việc đếm cừu nhiều lần, ta dần mất tập trung và cảm thấy buồn ngủ vì không có thay đổi gì đáng chú ý.

Theo chuyên gia tâm lý Geoffrey Underwood, hiện tượng tương tự cũng xảy ra trên các chuyến xe đường dài. Khi di chuyển trên một con đường với cảnh sắc đơn điệu, dễ đoán và lặp lại trong suốt thời gian dài, ta mất dần hứng thú với việc nhìn đường và dễ dàng đi vào giấc ngủ.

title29dec2021int2jpg 29dec2021int2jpg
Cảnh sắc đơn điệu, dễ đoán và lặp lại khiến ta nhanh chóng mất hứng thú và buồn ngủ.

Tuy nhiên với người cầm lái thì điều này khá nguy hiểm, vì khi họ mất tập trung sẽ dễ gây tai nạn. Để giải quyết vấn đề này, một số đường cao tốc ở Úc và Mỹ đã cắm những biển báo có nội dung hài hước giúp tài xế tỉnh táo hơn.

Chúng ta thoải mái, dễ chịu hơn khi không phải cầm lái

Nếu không phải ngồi sau vô lăng thì sự thoải mái chính là yếu tố thứ ba khiến bạn dễ buồn ngủ. Theo Elite Daily, ta tự cảm thấy yên tâm khi không phải căng não nhìn đường và không chịu trách nhiệm cho sự an toàn của mọi người trên xe. Nhờ vậy mà ta dễ dàng buồn ngủ hơn.

Tuy nhiên không phải ai cũng thoải mái, dễ chịu khi ngồi ghế hành khách. Nếu bạn ngồi hướng dẫn cho một người tập lái, hoặc sốt ruột chờ thời gian trôi trên đường đi thì tất yếu sẽ cảm thấy căng thẳng và khó ngủ.

Các trường hợp ngoại lệ

Nếu là người dễ say xe, việc đi lại có thể khiến bạn mệt mỏi cực độ và tâm trạng thất thường. Điều này dẫn đến cảm giác buồn ngủ trước và trong suốt hành trình, thậm chí tiếp diễn sau khi chuyến đi kết thúc. Bạn sẽ thấy rất uể oải khi thức dậy chứ không tỉnh táo và thoải mái.

Ở một số người, đây có thể là biểu hiện của hội chứng Sopite - một dạng rối loạn thần kinh khi di chuyển đường dài. Nó có thể có hoặc không đi kèm với những triệu chứng say xe phổ biến như chóng mặt, buồn nôn hay nôn mửa. Trong trường hợp này bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có cách điều trị tốt nhất.

Kết

Những người “lên xe là ngủ” không phải vì thiếu ngủ, mà do tác động của tiếng ồn trắng, rung động, sự lặp lại và thoải mái. Đây là phản ứng hoàn toàn bình thường, thậm chí có lợi vì nó giúp bạn đỡ mệt mỏi sau một hành trình dài.

Tuy nhiên nếu bạn là người cầm lái thì ngủ gật sau vô lăng lại vô cùng nguy hiểm cho bạn và những hành khách trên xe. Để phòng tránh, bạn nên ngủ đủ giấc trước khi lái, và khi cần thì đừng ngại dừng xe ngả lưng một chút cho tỉnh rồi đi tiếp sẽ an toàn hơn.