Vì sao ta luôn thấy đường về ngắn hơn đường đi? | Vietcetera
Billboard banner
23 Thg 12, 2021
Cuộc SốngTâm Lý HọcBổ Não

Vì sao ta luôn thấy đường về ngắn hơn đường đi?

...dù độ dài quãng đường thực tế không thay đổi?
Vì sao ta luôn thấy đường về ngắn hơn đường đi?

Vì sao ta luôn thấy đường về ngắn hơn đường đi?

Hiệu ứng đường về (return trip effect) là cái tên được giới tâm lý học đặt cho hiện tượng trên. Quan niệm phổ biến trước đây cho rằng, ở lượt về ta đã quen với cảnh tượng và phương hướng trên đường, do đó mất ít thời gian hơn so với lúc đi.

Tuy nhiên đã có nghiên cứu cho thấy hiệu ứng này xảy ra cả với khách đi máy bay - phương tiện mà ta không thấy cảnh vật bên ngoài. Vậy thì não bộ đã làm cách nào để “rút ngắn đường về” trong các trường hợp này?

Chúng ta tính sai thời gian di chuyển khi nhớ lại quãng đi

Để tìm hiểu mối tương quan giữa sự quen thuộc và đường về, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Tilburg (Hà Lan) đã tiến hành 2 thí nghiệm như sau:

Ở thí nghiệm đầu tiên, 69 người đi 1 chuyến xe buýt khứ hồi đến hội chợ. Trên quãng đường này có một số điểm tham chiếu (như tòa nhà, trạm kiểm soát). Sau khi trở về, họ phải so sánh độ dài quãng đi và về, và đánh giá mức độ quen thuộc với các điểm tham chiếu trên đường về.

Kết quả họ đều thấy đường về ngắn hơn đường đi. Phân tích hồi quy cũng cho thấy, việc họ nhận ra các điểm tham chiếu không ảnh hưởng đến nhận thức trên.

Ở thí nghiệm thứ 2, 93 sinh viên đạp xe đến hội chợ, sau đó chia làm 2 nhóm nhỏ. Một đạp về bằng đường cũ, một đạp về bằng đường khác có độ dài tương đương. Cả 3 quãng đều mất 35 phút để đi, nhưng cả 2 nhóm đều áng chừng quãng đi mất 44 phút và quãng về mất 37 phút.

Kết quả cả 2 thí nghiệm cho thấy, yếu tố quen thuộc không ảnh hưởng đến hiệu ứng đường về. Nguyên nhân thật sự có thể là chúng ta đã tính sai quãng đi khi nhớ lại.

title22dec2021211215returntripintext2jpg 22dec2021211215returntripintext2jpg
Việc áng chừng sai khiến quãng đường đi bị kéo dài ra so với thực tế.

Theo nghiên cứu của Nicholas Bisson, não bộ theo dõi thời gian bằng 2 hệ thống riêng biệt. Một hệ thống ghi lại số lần nơron thần kinh được kích hoạt trong một khoảng thời gian nhất định. Hệ thống còn lại sử dụng ngôn ngữ để hồi tưởng một trải nghiệm xem nó diễn ra trong bao lâu.

Người tham gia dường như đã áng chừng sai thời gian di chuyển khi nhớ lại quãng đi. Họ “tính lố” thời gian quãng đi nhiều hơn so với thực tế. Còn ở quãng về, họ lại nhận thức thời gian đúng với thực tế. Hệ quả là họ nhầm tưởng quãng đi dài hơn quãng về, dù 2 quãng vốn dài bằng nhau.

Tổ nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, càng đánh giá sai về quãng đi, hiệu ứng đường về càng rõ rệt. Ngược lại, ta sẽ ít bị tác động hơn nếu nắm được chính xác độ dài và thời gian di chuyển cần thiết. Đây là lý do hiệu ứng này thường không xuất hiện trên đường đi làm/đi học hàng ngày.

Quãng đi càng trôi chậm hơn khi ta tập trung vào thời gian

Theo nhà thần kinh học Muireann Irish, ta thấy thời gian như giãn ra khi đang đợi một điều gì đó. Điều này là do ta chủ động để ý đến thời gian hơn trong quá trình chờ đợi.

Tương tự khi di chuyển đến điểm hẹn, đi công tác hoặc nghỉ mát, ta hay để ý đến thời gian vì biết rõ thời điểm mình phải có mặt ở điểm đến và đang chờ đợi cuộc hẹn/kì nghỉ diễn ra. Điều này vô hình trung khiến quãng đường đi dài hơn.

title22dec2021211215returntripintext1jpg 22dec2021211215returntripintext1jpg
Việc tập trung để ý thời gian khiến quãng đi càng trở nên dài hơn.

Điều này đặc biệt đúng nếu ta di chuyển bằng tàu hoặc máy bay. Vì không có nhiều việc để làm trong những môi trường này, ta dễ cảm thấy buồn chán. Hệ quả là ta hướng toàn bộ sự chú ý của mình đến thời gian và vô thức xem đồng hồ thường xuyên.

Khi cuộc hẹn hoặc kỳ nghỉ kết thúc, mối quan tâm về thời gian biến mất và ta cũng ít bị áp lực với thời điểm phải có mặt ở nhà. Vì không còn để ý thời gian, ta cảm giác đường về như ngắn lại dù độ dài thực tế không thay đổi.

Vẫn có những trường hợp ngoại lệ

Không phải lúc nào hiệu ứng đường về cũng xuất hiện, dù đó vẫn là các cung đường mới. Trong một chặng marathon khứ hồi, bạn sẽ mất nhiều thời gian chạy về hơn chạy đi, vì thể lực bạn lúc này đã suy yếu.

Một trường hợp khác là khi điểm đến của bạn không mấy dễ chịu, chẳng hạn đi khám bệnh. Vì tâm lý muốn khám xong sớm để trút gánh nặng khỏi đầu, bạn không còn chú ý đến thời gian trên quãng đi. Điều này khiến bạn không còn cảm thấy chặng về của mình ngắn hơn so với chặng đi.