Những điều chỉ sách văn học mới đem đến cho bạn | Vietcetera
Billboard banner
02 Thg 06, 2020

Những điều chỉ sách văn học mới đem đến cho bạn

Vì sao bạn nên bắt đầu hoặc khám phá lại sách văn học?

Những điều chỉ sách văn học mới đem đến cho bạn

Những điều chỉ sách văn học mới đem đến cho bạn

Khi còn nhỏ, phần thưởng lớn nhất của tôi từng là sách, thế giới của tôi tràn ngập những câu chuyện. Tôi lớn lên với tủ sách chất đống, với chữ kí và dòng chữ mẹ nắn nót “Dành cho con gái, chúc con đọc sách vui” ở trên đầu mỗi cuốn truyện. 

Sau khi chính thức trở thành học sinh chuyên Văn ba năm cấp ba, ngang trái thế nào mà tôi lại mất hết hứng thú với việc đọc sách văn học. Tôi đọc "Cuốn theo chiều gió" của Margaret Mitchell, “Đồi gió hú” của Emily Bronte, và “Jane Eyre” của Charlotte Bronte như một bài tập bắt buộc. Cảm giác uể oải và ngán ngẩm đó đeo theo tôi suốt những năm đại học. 

Về sau, tôi chỉ đọc sách kinh tế, xã hội, và kĩ năng mềm. Tôi mê những cuốn như “Lược sử loài người” của Harari, hay “Thiên nga đen” của Taleb hơn là đọc tiểu thuyết. 

Cho đến cách đây hơn một năm, một người bạn tặng tôi cuốn “Chất Michelle” (Becoming) của Michelle Obama. Mặc dù là thể loại tự truyện chứ không phải truyện hư cấu, tôi đã bị cuốn vào thế giới được dẫn dắt bởi ngôn từ và cảm xúc. Tôi thấy đầy hi vọng và nhận ra không có một cuốn sách kĩ năng mềm hay sách tự lực (self-help) nào có thể mang lại cho mình điều đó. 

Sau đó tôi đã đọc khoảng 4 - 5 cuốn truyện một tháng trong hơn một năm nay. Chúng tiếp xúc với tôi, tác động đến tôi, thách thức và bẻ gãy định kiến trong tôi. Những cuốn truyện trở lại làm bạn với tôi trong thời điểm khủng hoảng, và vẫn tiếp tục là một người bạn đồng hành khiêm tốn, lặng lẽ và đầy cảm hứng.

Vậy vì sao bạn nên thử đọc sách văn học?

1. Văn chương nói ra điều không thể nói

“Những điều quan trọng nhất là những điều khó nói nhất, vì từ ngữ không thể bộc tả hết chúng” ("On Writing" – Stephen King)

Văn chương thúc đẩy trí tưởng tượng của bạn. Chẳng hạn như đoạn văn này: “Nhìn kĩ nhé: Có một cái bàn ở giữa căn phòng, được phủ bởi miếng vải đỏ. Trên chiếc bàn là một cái hồ cá, ở trong là một con thỏ màu trắng với cái mũi hồng đào và đôi mắt lim dim. Trên lưng con thỏ là một dấu mực xanh in số 8.” ("On Writing" – Stephen King)

Stephen King không cần phải miêu tả chất liệu của miếng lót trải bàn, liệu nó bằng nhung hay vải thô, liệu màu đỏ là sẫm hay tươi, liệu cái hồ cá được viền gỗ hay kim loại, và đó là con thỏ đực hay cái. Nhà văn không ở đó cùng bạn, cuốn sách có thể đã được viết cách đây hơn chục năm, lệch nhau cả không gian lẫn thời gian, nhưng bạn nhìn thấy những hình ảnh đó một cách rõ ràng, bạn tự xây dựng nó với tư cách độc giả. Stephen King gọi đó là “Là thần giao cách cảm”. 

Khác với điện ảnh, văn học đòi hỏi khán giả thưởng thức một cách chủ động hơn. Thế giới của văn học mở ra cánh cửa cho thế giới của riêng bạn. Hình ảnh nhân vật, cá tính, số phận, những nỗi đau và sợ hãi, sự thờ ơ và tàn nhẫn, tất thảy bước ra chầm chậm từ mỗi câu chữ, từ khu rừng văn chương bằng trí tưởng tượng của bạn. Văn chương nói ra điều không thể nói, và khiến bạn nhìn thấy điều không thể thấy vì thế giới văn chương được phóng chiếu từ thế giới nội tâm của bạn, khơi gợi những cảm xúc và tâm tư mà bạn không thể tự thành văn. 

Từ bao quát đến cụ thể, văn học như dòng suối chảy qua mọi ngóc ngách của đời sống để moi ra những điều được giấu kín và đưa nó lên trang giấy.

Những điều chỉ sách văn học mới đem đến cho bạn0

2. Văn chương không giáo điều

“Hư cấu là sự thật trong lời nói dối.” (Stephen King)

Một nhà văn giỏi không áp đặt tư tưởng của họ lên ai cả, họ không phán xét và đưa ra những bài học sáo rỗng. Nhà văn xây dựng câu chuyện và nhân vật từ chất liệu cuộc sống, từ những điều nhìn và thấy, từ những phi lý của cuộc đời. Họ can đảm nói ra sự thật: về tình yêu và tình bạn, về đam mê và xa cách, về một trái tim tan vỡ và nỗi ám ảnh, hay về xã hội và về bất công, về sự lãnh đạm và cả lòng nhân ái của thế gian. 

Nhà văn để cho độc giả tự quyết định ý nghĩa và nhân vật nào gắn kết với họ. Có nhà văn nói ra một cách kín đáo, có người lại hùng hồn và quyết liệt hơn, quan trọng là bạn đồng cảm với ai và yêu mến giọng văn nào. 

Khác với những tựa sách tự lực (self-help), sách văn học là những câu chuyện kể, là những hư cấu để thúc đẩy con người nhìn đến sự thật. Tôi cũng từng đọc một vài cuốn sách self-help, và dù nó lôi cuốn đến thế nào, tôi ít khi ấn tượng đến mức nhớ mãi những gì mình đọc. Có lẽ như nhà văn nữ người Anh Virginia Woolf từng nói trong tiểu luận dài “Căn phòng của riêng ta”: “Khi một cuốn sách thiếu sức gợi, dù nó có đập mạnh lên bề mặt tâm trí đến đâu, nó cũng chẳng thể xuyên thủng bề mặt ấy.”

Và chúng ta chẳng ai có thể quên được một câu chuyện hay.

Những điều chỉ sách văn học mới đem đến cho bạn1

3. Văn chương khiến chúng ta đồng cảm

“Bạn không bao giờ thực sự hiểu một người cho đến khi bạn nhìn mọi việc từ quan điểm của người đó, cho đến khi bạn đi vào sâu trong nội tâm họ và thử đi lại vòng quanh trong đó.” (“Giết con chim nhại” – Harper Lee)

Văn học dạy tôi rằng để hiểu một người, cần hiểu câu chuyện của họ — và để hiểu câu chuyện của họ, chúng ta cần lắng nghe với một trái tim rộng mở. Trong “Giết con chim nhại”, khi Atticus nói về bà Dubose với các con mình, tôi nhận ra dưới vẻ ngoài xấu xa và thô lỗ của bà là lòng can đảm đối diện với chính mình. Khi Atticus bảo vệ những người vô thanh thời bấy giờ — những người da màu giữa bối cảnh lịch sử Mĩ thập niên 30 — ông dạy con mình rằng: “Lương tâm là cái duy nhất không tuân theo quy tắc của đám đông.” Câu nói đó dạy tôi rằng tin tưởng chính mình và hành động theo niềm tin đó là một sự can đảm. 

Nhà văn khơi gợi tính người trong mỗi chúng ta, khiến chúng ta đồng cảm với hành trình của nhân vật, nhờ vậy mà khoan dung hơn với chính mình. Khi đọc cuốn “Ngày xưa có một chuyện tình” của Nguyễn Nhật Ánh, tôi đã khóc như mưa. Câu chuyện được nhìn từ phía mỗi nhân vật chính và để họ tự lựa chọn, tự khổ đau, và tự bước đi trên trang giấy, khiến tôi cảm nhận được sự dằn vặt của Miền, nỗi đau của Vinh, và đồng cảm với những suy nghĩ ngây ngô thời mình còn là học trò. 

Khi nhìn mọi thứ từ quan điểm của người khác, chúng ta học cách tôn trọng sự khác biệt từ những người xung quanh ta. 

Những điều chỉ sách văn học mới đem đến cho bạn2

4. Văn chương là một hành trình cá nhân

“Để viết ra một tác phẩm thiên tài thì ta phải vượt qua khó khăn phi thường.” ("Căn phòng của riêng ta" – Virginia Woolf) 

Khi viết cuốn “Người xa lạ”, Albert Camus đang trải qua thời kì Chiến tranh thế giới thứ II. Tác phẩm đạt Nobel văn học năm 1957, mà theo J.P Satre nhận xét là “ông đã cố im lặng trong ngôn ngữ của mình.” Albert Camus đã vượt qua một khó khăn phi thường, nhưng không phải qua súng đạn, mà là qua ngôn ngữ phi ngôn ngữ, qua việc xây dựng hình ảnh một “người xa lạ” vô cảm trước cái chết của mẹ anh ta. Đối với chúng ta, anh ta là người xa lạ, và đối với anh ta, có lẽ ta cũng vậy. 

Văn chương cũng như hành trình trưởng thành rất cá nhân. Dù vậy, văn chương giúp chúng ta đào sâu hơn về tính người của chính mình, thông qua những cái chạm vào nỗi khổ của người khác. Nhờ đó, ta cảm thấy rằng mình không cô độc trong trận chiến cá nhân. 

Như trong tác phẩm “Bắt trẻ đồng xanh” của J.D Salinger, khi bắt gặp hình ảnh một cậu thiếu niên 17 tuổi bất bình với mọi thứ và mọi người xung quanh mình, chúng ta không khỏi nhớ lại bản thân thời niên thiếu với những lý tưởng về con người và cách mà thế giới nên vận hành. Từ đó chúng ta biết rằng, cách nghĩ và cảm nhận của mình không hề lập dị và xa lạ. Ở đâu đó vẫn có một Holden Caulfield với mong ước mọi người sống thành thật với chính họ, và sự ngây thơ của trẻ con sẽ được ai đó bảo vệ khỏi những bộ tịch của một xã hội coi trọng địa vị, tiền bạc.

Những điều chỉ sách văn học mới đem đến cho bạn3

Kết

Giữa hàng ngàn đầu sách văn học hiện đại và cổ điển, bạn luôn có thể tìm thấy tác phẩm dành riêng cho mình. Vì đọc sách là một hành trình cá nhân, bạn không nhất thiết phải yêu thích cuốn sách mà số đông thích, hoặc ép mình đọc những tác phẩm kinh điển khi bạn chưa sẵn sàng. 

Những tác phẩm văn học là một sự kết tinh cho quan sát thâm sâu của tác giả về thế giới quanh mình. Chúng giúp bạn đồng cảm hơn với mọi người, giúp bạn hiểu rằng một vấn đề không chỉ có trắng hoặc đen, và sự thật luôn cần được bóc tách qua nhiều góc nhìn khác nhau. 

Ở mỗi thời điểm trong cuộc đời bạn, bạn sẽ luôn tìm được cuốn sách như nói hộ lòng mình, hoặc nói lên những điều bạn còn hoài nghi. Và đôi khi, chỉ bấy nhiêu là đủ để an ủi tâm hồn bạn.