Đọc phần 1 tại đây.
Sai lầm 6: Nghĩ mình biết rất nhiều thứ
Khi 20 tuổi, mình đọc gần hết sách trong cái thư viện nhỏ trên lầu 2 của Đại học Kinh tế TP.HCM Nguyễn Tri Phương, và xin qua được bên chương trình Fulbright để đọc ké sách tiếng Anh. Mình nghĩ là mình rất giỏi.
Khi 23 tuổi, mình vừa đi dạy ở đại học, vừa đi làm bán thời gian ở công ty chứng khoán, vừa tự quản lý quỹ riêng cho một nhóm bạn. Kiếm được kha khá tiền, mình nghĩ mình hiểu về thị trường.
Đến khi mình đi Úc học thạc sĩ, rồi đi làm thêm ở một quỹ đầu tư ở Úc trong một thời gian ngắn, mình mới phát hiện mình không biết cái gì cả. Đứa cùng đi làm chung dạng thực tập sinh với mình lúc đó - giờ là CIO cái quỹ ở Úc, hiện tại đang mướn mình ngồi chém gió.
Khi mình sang Anh học tiến sĩ, mình nghĩ là mình biết một chút gì đó từ những gì mình học được ở Úc, từ trường đại học và cái quỹ kia. Nhưng mình lại gặp một bạn người Pakistan, làm ở Ngân hàng Trung ương Pakistan và làm 1 năm về mảng quản lý rủi ro ở London, đi học chung PhD. Mình lại hiểu được là mình không biết cái gì cả.
Sai lầm 7: Nghĩ mình kiếm được tiền, đầu tư trúng là do mình giỏi, hiểu biết
Như mình nói ở trên, hóa ra trong gần 10 năm, những gì cho là mình biết là do mình tự nghĩ mình biết thôi, chứ thật ra là mình biết sai rất nhiều thứ. Đọc vài cuốn sách, làm vài công việc rồi tự nghĩ là mình đã biết rồi. Ở đáy giếng thì tự thấy bầu trời bé tí ấy mà.
Nhưng thời điểm đó mình lại kiếm được tiền (tất nhiên cũng có mất, nhưng tính trung bình là kiếm được). Có thể là do may mắn, hoặc có lẽ là do mình đầu tư vào đúng xu hướng mà nhiều người không biết như mình cũng quăng tiền vào đó. Và cũng có quý nhân chỉ đường cho đi nữa.
Vì vậy đừng lấy performance (hiệu suất) đầu tư ra để làm tiêu chuẩn cho rằng mình biết cái gì đó. Cái thú vị là ở đời đôi khi chúng ta không biết là mình không biết. Có rất nhiều thứ như vậy, nên tiếng Anh mới có một thuật ngữ gọi là unknown unknowns.
Cơ mà cũng may là trong những lúc thiếu hiểu biết đó mình không gây ra hậu quả gì nghiêm trọng.
Sai lầm 8: Nôn nóng làm giàu, kỳ vọng quá nhiều
Cái này mình hồi trẻ mắc phải, và giờ mình nhận rất nhiều tin nhắn của các bạn nói cũng giống vậy. Nói chung kiểu là như vầy, có những cổ phiếu hay deal nắm chắc ăn khoảng 70-80%, nhưng sẽ ăn ít kiểu 10-15%/năm, hay qua đêm 1 phát là cầm chắc ăn ngay 0,5% overnight (leverage x15-x20 thì không ít đâu).
Tuy nhiên nếu chỉ vậy thì không thể ăn lớn, ngôn ngữ bây giờ là “x lần”. Nhưng mà mấy cái deal "x lần" thì chắc chắn là đầy rủi ro. Nhiều khi mình biết là có người đang tạo game làm giá, nhưng vẫn đâm đầu vô vì nghĩ mình sẽ thoát ra trước người khác. Kết quả thường là những người thoát ra không được rất đông.
Nói chung nhiều khi không phải không biết, nhưng máu tham nổi lên thì rất khó kiềm chế, nhất là khi còn trẻ thì mình có xu hướng muốn thể hiện. Nói chung kiểu dân FX trader mới chơi đã nhào vào chơi GBP/USD với GBP/JPY vậy đó (là tui chứ ai). Game khó không ai bắt vào, nhưng cứ phải đâm đầu vào hiến máu.
Giống có mấy đứa giờ lâu lâu ra hỏi "em chơi option con này được hôn?" mà mình nhìn vào thì biết là cổ phiếu không chết không về. Nhưng nó vẫn chơi, còn chơi option nữa.
Sai lầm 9: Kiếm tiền nhiều rồi tiêu xài phung phí
Cái này bạn mình nhiều người biết nè. Mình có một dạo xài tiền phung phí, thích gì xài đó nên kiếm được tiền mà không tiết kiệm được gì hết. Cứ kiếm được tiền là đem đi ăn những chỗ rất mắc tiền, rồi mua những thứ linh tinh rồi không bao giờ xài.
Mình thì thật ra không ăn chơi gì, chỉ có ham ăn và mê mấy đồ độc độc, lạ lạ liên quan tới game - mấy cái đó mắc lắm. Làm người hào phóng thì cũng tốt, nhưng mà phải nghĩ tới tương lai. Vợ mình sau này hay la mắng là nếu gặp mình sớm hơn thì nhà giàu biết bao nhiêu.
Thời ở Úc mình cũng đốt sạch một đống tiền rất lớn để ăn chơi đập phá ở đó. Dù sao thì cũng không bằng vụ bán non bitcoin nên thôi, vợ tui cũng chán nói rồi.
Bí quyết vượt qua cái thói này là phải kiếm người quản lý bạn càng sớm càng tốt. Mặc dù mình hay nói là ngày xưa mà mình quen vợ sớm thì mỗi dịp ra chơi mình sẽ lên lầu canh ném bịch nước xuống vợ (tụi tui học chung trường cấp 3, nhưng hổng có biết nhau lúc đó).
Nhưng nói thiệt nếu không có vợ tui, giờ tui vẫn không có cái nhà nào đâu, vì kiếm ra nhiêu sẽ lại nướng sạch vào đâu đó.
Sai lầm 10: Không tập trung vào chuyên môn để người ta đưa tiền cho xài, mà cứ phải đi đặt cược mỗi ngày
Cái này mình không mắc phải, vì mình may mắn có mấy sếp tin tưởng cho việc để làm và chỉ bảo mình, nhưng mình thấy có một số bạn bị cái bệnh này.
Dù bạn làm ngay bộ phận làm đầu tư mà tập trung vào position bản thân của mình quá cũng xao nhãng, chứ nói gì đến bạn làm khác nghề, ngày nào cũng phải coi thị trường. Khi bạn còn trẻ mà không tập trung vào công việc chính thì sự nghiệp khó mà phát triển tốt.
Nói chung là khi tuổi còn trẻ, thì cách mà làm tăng thu nhập nhanh, bền vững, ít rủi ro, và giúp bạn xây dựng các mối quan hệ tốt nhất để dùng alô model sau này là đầu tư vào bản thân. Việc này giúp cho mình có các kỹ năng thị trường đang cần liền, để mình đi làm kiếm ra tiền và cũng tạo ra những kết nối chất lượng.
Ví dụ cho chuyện này là thay vì liều mạng đánh cổ phiếu IPO bằng số tiền ít ỏi của mình, thì đi chạy mua IPO cho người khác, lấy phần trăm ít ít, rồi làm báo cáo, tổng hợp thông tin,...
Chịu khó làm, các anh chị thấy chịu khó sẽ cho việc mà làm. Làm tốt được một việc, sau này có chuyện khác người ta vẫn kiếm bạn làm. Bạn không biết làm, người ta dạy cho. Bạn vừa có tiền, vừa học được kỹ năng, kiến thức mới và biết về một lĩnh vực đầu tư mới. Đây là trường hợp người thật việc thật của tui.
Túm lại, qua quá trình đó rồi tự học được không ít, hoặc được dạy không ít. Nhiều cái vậy giúp mình hiểu thị trường mà cũng kiếm được tiền không rủi ro.
Quan trọng hơn là khi bạn thăng tiến trong nghề nghiệp, nhiều mối quan hệ bạn xây dựng được chính là cái alô model network của bạn sau này.
Khi chuyên môn bạn tốt, tạo được tên tuổi, thì có những cái deal tốt hơn tìm tới bạn. Alô model của bạn cũng ngon lành hơn. Mấy đứa bạn cùng tuổi 20 mà chịu xây dựng sự nghiệp như bạn thì giờ nó đang làm sếp cái công ty bạn muốn đầu tư, bạn sẽ ít lo đu đỉnh hơn.
Đó là con đường kiếm tiền của tui để mua được nhà cho bà vợ mỗi năm. Cách đó không thể làm tỷ phú, nhưng làm được triệu phú đôla.
TOPI là ứng dụng đầu tư và quản lí tài chính cá nhân toàn diện.
TOPI hỗ trợ nhà đầu tư thông qua 3 tính năng chính: Phân tích thị trường ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, dữ liệu lớn Big data để đưa ra chỉ số tâm lí thị trường phục vụ việc dự báo thị trường một cách tốt nhất. Hợp tác với những quỹ đầu tư lớn và công ty chứng khoán hàng đầu để đưa các sản phẩm cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và vàng trên một nền tảng hợp nhất. Lập kế hoạch tài chính, quản lí toàn bộ các khoản thu chi và đầu tư.
Tải ngay ứng dụng tại đây.