Nope và cái giá của sự mãn nhãn | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
03 Thg 09, 2022

Nope và cái giá của sự mãn nhãn

Tác phẩm mới nhất của Jordan Peele tiếp tục cài cắm những trào phúng và phê bình xã hội qua lý thuyết về "the spectacle" - sự mãn nhãn.
Nope và cái giá của sự mãn nhãn

Nguồn: Phim Nope

Lưu ý: bài viết phân tích sâu, có tiết lộ nội dung phim

Được mệnh danh là một trong các đạo diễn tiên phong của làn sóng phim kinh dị cao cấp (high-brow horror), Jordan Peele luôn khiến Hollywood và thế giới phải "thèm thuồng" tầm nhìn của mình.

Sau Get Out (2017) quá thành công và Us (2019) gây tranh cãi, Peele trở lại với nguyên tác phim thứ 3 với tên gọi Nope do chính anh chắp bút, sản xuất và đạo diễn.

Cũng như các tác phẩm trước, cái tên Jordan Peele gợi lên hai kỳ vọng nơi khán giả: kinh dị và đánh đố. Không chỉ đi ra từ những nỗi sợ, nỗi ám ảnh của con người, Peele luôn đưa vào những lý thuyết truyền thông, xã hội để làm nền tảng cho ý tưởng lớn của mình.

Không những vậy, mỗi tác phẩm trước của Peele còn chứa đầy những ẩn dụ về hình ảnh (visual metaphor), biểu tượng văn hoá và ẩn nghĩa đòi hỏi khán giả phải có một hệ ngôn ngữ nhất định để có thể hiểu hết.

Điểm chung của hai tác phẩm Get OutUs đều đang muốn khắc hoạ bức tranh xã hội, chính trị Mỹ phức tạp và vị thế của người Mỹ gốc Phi, mối quan hệ của họ với các thể chế xung quanh. Ngay cả đến những tác phẩm mà Peele sản xuất như Candyman (2021) cũng phản ánh rất rõ những đề tài này.

Với cách hiểu về Peele và phong cách của anh như một "cinema auteur" - một tác giả như trên, chúng ta bước vào Nope với ba mục tiêu: thấm được tầng nghĩa trên bề mặt, giải mã các ẩn nghĩa và ít nhất là, hiểu được một biểu tượng có tính motif được sử dụng xuyên suốt phim.

Dĩ nhiên, chúng ta không thể không dùng một lý thuyết văn hoá, xã hội để làm nền móng, mà ở đây tôi sẽ diễn giải lý thuyết về "the spectacle" - sự mãn nhãn qua luận văn Xã hội mãn nhãn (Society of the Spectacle) của Guy Debord.

Nope - một màn tri ân đầy phá cách cho dòng phim quái vật

Một chiếc đĩa bay trên bầu trời viễn Tây sẵn sàng hút bất cứ thứ gì vào nó. Một nhóm người dẫn đầu bởi hai anh em OJ (Daniel Kaluuya) và Emerald tìm cách để đối phó với nó. Mọi chiến dịch marketing và trailer của Nope đều hướng về một nội dung phim xoay quanh đề tài UFO.

Tuy nhiên, màn tiết lộ bất ngờ của Nope nằm ở chỗ đây không phải là một cỗ máy có người ngoài hành tinh điều khiển, mà là một sinh vật sống đang đánh dấu lãnh thổ của mình. Bất kể những ai nhìn lên "thưởng lãm" đều sẽ bị nó “ăn tươi nuốt sống”.

Vì lẽ đó, Nope không khác gì một “monster movie” kinh điển.

Nói về dòng phim này, không thể không nhắc đến Steven Spielberg, người đã khai sinh ra khái niệm "bom tấn mùa hè" (summer blockbuster) với Jaws (1975).

alt
Nguồn: Jaws

Chính Jordan Peele cũng đã thừa nhận rằng Nope có sự tri ân nhất định cho Spielberg. Vì lẽ đó, quái vật trong Nope về cơ bản không khác gì con cá mập của Jaws hay xenomorph trong thương hiệu Alien của Ridley Scott.

Nó có luật chơi của riêng nó để cho phép kịch bản khai thác “fun and games.” Tất cả những ai đứng dưới bầu trời lãnh thổ của nó đều có thể gặp nguy hiểm.

Nó có giây phút thể hiện sự nguy hiểm tột cùng khi gieo rắc nỗi kinh hoàng cho các nạn nhân. Nó có những màn rượt đuổi nghẹt thở với nhân vật chính. Nó có điểm yếu nhất định, mà điểm yếu này phải mất thời gian nghiên cứu và tìm hiểu.

Và dĩ nhiên, trong mọi phim quái vật, nhiệm vụ cuối cùng của tất cả các nhân vật là giết được nó, bắn nát sọ nó với một “perfect shot”.

Có điều, khái niệm “perfect shot” trong Nope không phải là phát bắn thần sầu của một khẩu súng, mà là cú nháy quyết định của một chiếc camera.

Những nhân vật trong bộ phim này bị ám ảnh và bị mê đắm với con quái vật này đến mức thay vì tìm cách để "shoot" nó và bảo vệ nhân loại, họ muốn "shoot" được một tấm ảnh “để đời để đổi đời”, một shot hình mà họ gọi là "the Oprah shot."

Mọi kế hoạch của họ đều không phải để hạ nó mà chỉ để được “mãn nhãn” vì nó, và khiến cho cả thế giới phải “mãn nhãn” vì nó.

Dĩ nhiên, cái gì cũng có giá phải trả.Những cái giá này vén màn các ẩn ý sâu xa hơn của phim mà ta có thể luận giải từ góc nhìn xã hội học của Guy Debord về khái niệm “spectacle” – sự mãn nhãn.

Guy Debord và Society of the Spectacle

Khái niệm spectacle được nhắc đến lần đầu ở lời đề từ của phim, trích từ kinh thánh

“I will cast abominable filth upon you, make you vile, and make you a spectacle”

Spectacle ở đây là gì? Với tính từ “spectacular”, có quá nhiều cách để dịch và để hiểu “spectacle”: một mỹ cảnh, một màn trình diễn tuyệt vời, một hiện tượng đáng để chiêm ngưỡng, một thứ mà ai cũng phải ngắm nhìn. Với tôi, có một từ tiếng Việt diễn tả rất đúng từ "spectacle."

“Ta sẽ vấy bẩn ngươi, khiến ngươi trở nên độc địa, và biến ngươi thành một thứ mãn nhãn.”

alt
Nguồn: Nope

Nếu phải tóm tắt Nope, đây là một bộ phim xoay quanh sự mãn nhãn và cái giá của nó, một tác phẩm khai thác sự ám ảnh của con người với những mỹ cảnh tuyệt vời, sẵn sàng dán mắt vào nó, khai thác và vật hóa nó vì lợi ích cá nhân để rồi đánh mất chính bản thân mình và sự tự chủ vào những khoái cảm thị giác.

Năm 1967, nhà xã hội học Guy Debord viết nên 221 luận điểm vô cùng trừu tượng, chia làm 9 phần và đặt tên toàn bộ tác phẩm của mình là La Societé Du Spectacle – dịch tiếng Anh là Society Of The Spectacle.

Tác phẩm này được Nguyễn Tùng dịch với cái tên “Xã hội diễn cảnh.” Với tôi, từ “diễn cảnh” khá khó hiểu nhưng nói đúng bản chất của “the spectacle”, nhưng nếu dịch “xã hội mãn nhãn” sẽ dễ hiểu hơn và sát với những gì mà Jordan Peele muốn gửi gắm qua Nope hơn.

Vậy “Xã hội mãn nhãn” là gì? Debord, vốn là một nhà phê bình chủ nghĩa tư bản, cho rằng thời đại của vật phẩm và chủ nghĩa tiêu dùng (commodity and consumerism) đang dần tách con người ra khỏi “thực tại”. Ông viết như sau:

“Khi xã hội dần bị thống trị bởi các điều kiện sản xuất hiện đại, cuộc sống không khác gì một tập hợp của những thứ mãn nhãn. Những gì chúng ta từng sống và trải nghiệm nay chỉ còn là những mô phỏng có tính đại diện.”

Bản gốc: “In societies where modern conditions of production prevail, all of life presents itself as an immense accumulation of spectacles. Everything that was directly lived has moved away into a representation.”

Thật đáng sợ khi một luận văn viết năm 1967 lại có phần minh họa khá rõ những gì đã và đang diễn ra hằng ngày: sức mạnh chi phối của truyền thông đại chúng.

Chúng ta nhìn chiêm ngưỡng những gì đẹp đẽ nhất, hấp dẫn nhất trên truyền thông và cuối cùng sống trong một thực tại được kiến tạo nên bởi một lăng kính, không phải bởi trải nghiệm sống thật sự.

Nhưng chúng ta vẫn tôn thờ nó và coi nó như một phần tất yếu của cuộc sống. Chúng ta khát khao sở hữu nó và biến nó thành nội dung của chính mình. Chúng ta định nghĩa trải nghiệm sống của bản thân bằng những thứ mãn nhãn đó.

Trong bìa gốc, hình ảnh một đoàn người cùng đeo một cặp kính râm, cùng ngước lên nhìn về một phía có tính kết nối mạnh mẽ với Nope. Bạn có biết “kính râm” tiếng Anh là gì không? Là “spectacle.”

Trong Nope, tất cả các nhân vật đều bị thu hút về phía sinh vật lạ có hình dạng như UFO kia. Nhưng điều thật sự mà họ mong muốn đó là được nhìn sinh vật đó qua “tấm kính” của máy ảnh, máy quay phim, bởi chỉ có như vậy họ mới có một minh chứng về sự mãn nhãn.

Sinh vật kia trở thành một món hàng không chịu sự chi phối của chúng ta, mà đang dần xâm chiếm cuộc sống của chúng ta và tự nuôi sống chính nó với mỗi cái ngước nhìn trầm trồ.

Debord cũng từng viết như sau: “Sự mãn nhãn là khoảnh khắc một món hang hóa đã hoàn toàn chiếm lấy đời sống xã hội.”

Bản gốc: “The spectacle is the moment when the commodity has attained the total occupation of social life.”

Nhân vật Ricky “Jupe” Park là một minh chứng điển hình cho điều này. Mọi thứ anh cố gắng đạt được trong cuộc đời mình đều xoay quanh một chữ "spectacle."

Câu chuyện sang chấn quá khứ về tai nạn với con tinh tinh bị kích động tên Gordy trở thành một điềm báo (foreshadow) xuất sắc.

Con tinh tinh như một sinh vật sống, nó hóa điên trong lúc đang bị biến thành một “spectacle” trên truyền thông đại chúng, và Jupe thoát chết nhờ không nhìn thẳng vào mắt nó.

Ở khía cạnh này, con tinh tinh và sinh vật kia có một mối liên kết chặt chẽ. Cả hai sinh vật này bằng một cách nào đó đều bị vấy bẩn, bị khắc họa một cách độc địa và bị biến thành thứ mãn nhãn bởi con người.

alt
Nguồn: Nope

Còn với Jupe, anh đã không thể vượt qua ám ảnh gây dựng nên một spectacle lớn nhất của đời mình. Từ việc xây một công viên, trở thành showman, trưng bày những “token” để tính phí người khác khi kể về sự kiện năm xưa cho đến việc làm mọi cách để chiêm ngưỡng sinh vật kì lạ kia, cuối cùng anh phải trả bằng chính mạng sống của mình cho thứ spectacle hão huyền đó.

Không chỉ riêng Jupe, mà cái chết của TMZ và cả đạo diễn hình ảnh Antlers Holst cũng cho thấy cá giá con người ta sẵn sàng trả để được trở thành người “sở hữu” sự mãn nhãn đó.

Nghe có tiêu cực quá chăng? Dĩ nhiên, lý thuyết nào cũng có thể phản biện. Những gì Debord nói và nhìn nhận về truyền thông, văn hóa đại chúng không quá khác những gì mà hai học giả cùng thời là Adorno và Horkheimer đã nói về văn hóa đại chúng trong học thuyết nổi tiếng “Mass Culture Theory” của mình.

Nhưng với góc nhìn của Jordan Peele, ông đang không muốn làm một “video essay” về những luận điểm của Debord, mà ông đang muốn nói về câu chuyện của những con người đang ám ảnh bởi spectacle và cách mà họ đã dứt ra khỏi nó để tìm đến sự kết nối có ý nghĩa với họ. Một trong những ý niệm hay nhất và rõ ràng nhất của Debord được thể hiện qua câu:

“Sự mãn nhãn không phải tập hợp các hình ảnh, mà là mối quan hệ giữa người với người được kết nối qua những hình ảnh đó.”

Câu gốc: “The spectacle is not a collection of images, but a social relation among people, mediated by images.”

Từ câu nói này, chúng ta có thể thấy rất rõ hướng đi của bộ phim: Jordan Peele muốn khán giả phải xê dịch điểm nhìn, rằng thứ khiến chúng ta mãn nhãn không phải sinh vật kia, mà là chủ thể của phim, là OJ và Emerald và mối quan hệ của họ.

Điều này được thể hiện qua ngôn ngữ hình ảnh ở cảnh tiêu đề (title sequence) và cảnh ending mà với tôi là vô cùng giàu ẩn ý: người đàn ông cưỡi ngựa.

The true spectacle: Điều mãn nhãn thật sự của Nope

Ở title sequence, phim đưa chúng ta vào một đường hầm tối, giới thiệu tên phim và credit.

Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ nhận ra đó không phải là đường hầm mà là đường vào bên trong Jean Jacket – sinh vật kì là của Nope. Về cơ bản, nó như một cái miệng có thể hút mọi thứ vào, nhưng về chức năng, nó không khác gì một con mắt: nếu có tiếp xúc mắt (eye contact) sẽ ngay lập tức bị nó hút vào.

Vậy nên từ đầu, Jordan Peele đã cố tình bắt khán giả phải nhìn trực diện vào sinh vật ấy, đưa họ đến hình ảnh “the horse in motion” (ngựa chuyển động) của Eadweard Muybridge – thước phim đầu tiên trong lịch sử mô tả hình ảnh một người cưỡi ngựa. Và đó là một người da đen.

alt
Nguồn: Nope

Hình ảnh này có ý nghĩa gì và đóng vai trò gì trong tổng thể cả bộ phim?

Người đàn ông da đen này không được biết mặt đặt tên trong lịch sử. Trong Nope, nhân vật này đã được hư cấu hoả, trở thành "cụ" hoặc "kị" của hai anh em OJ và Emerald. Diễn viên đầu tiên, đóng vai chính trong bộ phim đầu tiên của lịch sử điện ảnh, là một người đàn ông vô danh, bị lịch sử quên lãng.

Nhưng hình ảnh ấy đã trở thành bình minh của điện ảnh, là spectacle đầu tiên khiến nhân loại phải “wow” về một thứ phép màu mới, là sự mãn nhãn khởi nguyên và Jordan Peele đang bắt chúng ta phải nhìn trực diện vào nó!

Cảnh phim này và và cảnh ending thật ra rất liên quan đến nhau. Nếu hình ảnh người da đen cưỡi ngựa không tên tuổi, không được “credit” đúng nghĩa, bị xóa khỏi lịch sử là tiền đề cho bộ phim, thì chúng ta có một OJ cưỡi ngựa thật ở kết phim, đứng trong một khung hình bi tráng bên kia cánh cổng có dòng chữ “Out Yonder” (Xa ngoài kia).

Nói một cách đơn giản nhất: hình ảnh người đàn ông cưỡi ngựa là spectacle đầu tiên của thế giới điện ảnh và cũng là spectacle cuối cùng, spectacle thực sự của bộ phim này. The true spectacle!

Vậy mới thấy, Jordan Peele chưa từng đi quá xa khỏi những gì ông quan tâm qua các tác phẩm của mình: sự trân trọng và yêu thương cho những người Mỹ gốc Phi và vị thế họ đã đánh mất trong quá trình hình thành và phát triển của văn hoá, chính trị Mỹ.

Trong rất nhiều phim viễn Tây, cao bồi Mỹ, hình ảnh kết phim về người anh hùng da trắng cưỡi ngựa đi về phía hoàn hôn sau chiến thắng của mình là hình ảnh vô cùng kinh điển (ý này cũng được nhắc đến cuối phim).

Jordan Peele đã đưa người da đen vào vào hình ảnh đó, cho họ một sự công nhận với thước phim của mình qua một khung hình quá đẹp, vượt khỏi câu hỏi rằng liệu OJ còn sống hay đã chết.

Và trong một bộ phim mà ai cũng muốn chiêm ngưỡng thứ kì dị kia, hai nhân vật chính của chúng ta: OJ và Emerald cũng có một sự phát triển rõ ràng.

Họ đi từ những người muốn có “perfect shot” nhất trở thành những người không còn cần nó nữa, mà chỉ cần có được “perfect shot” của nhau. Cũng như khán giả đã dần dà kết nối với những nhân vật rất dễ mến này và không còn quá tập trung vào câu hỏi “liệu họ có chụp được tấm ảnh của Jean Jacket hay không?”.

Cả hai chiếm trọn những khung hình cuối cùng của bộ phim ở hai góc máy dường như hoán đổi vị trí cho nhau. Emerald nhìn thằng vào ổng kính trong niềm hân hoan vui sướng, không giấu nổi sự xúc động.

OJ nhìn về phía ống kính từ xa kia, như cái cách mà họ trao nhau cử chỉ thân yêu: “I see you”. Cả hai đã “break the fourth wall”, phá bức tường thứ tư để kết nối trực tiếp với khán giả.

Họ bắt đầu bộ phim này với mong muốn có được những thước phim và hình ảnh mãn nhãn của sinh vật kia, nhưng cuối cùng không còn gì quan trọng nữa.

Đối với OJ và cả Emerald khi hai anh em quyết định rằng thứ mãn nhãn nhất trong cuộc đời họ là chính họ, vẹn tròn một khung hình, vượt ra “xa ngoài kia”, xa khỏi những thứ mãn nhãn tưởng như lớn lao khác.

Nope, chung quy lại là một bộ phim Jordan Peele làm nên để tri ân sự mãn nhãn - the spectacle, nhưng cũng không quên nhắc cho chúng ta mặt tối của nó, rằng nó có thể nuốt trọn xã hội.

Và dĩ nhiên, ông không quên khẳng định rằng thứ mãn nhãn nhất luôn đến từ sự trân trọng, yêu thương giữa con người với con người.