“Chẳng phải Oscar vừa diễn ra cách đây không lâu sao?” - Một vài độc giả chắc hẳn sẽ thắc mắc điều này. Đúng là lễ trao giải Oscar 2024 chỉ diễn ra chưa đầy 6 tháng trước (và đối với khán giả Việt Nam, một số bộ phim thắng tượng vàng thậm chí còn ra rạp muộn hơn).
Nhưng do một thay đổi từ Viện Hàn lâm - đẩy hạn nộp phim sơ tuyển của các nước sớm hơn một tháng - nhiều quốc gia đã “chốt” được tác phẩm điện ảnh (hy vọng rằng) sẽ đại diện cho họ tại lễ trao giải Oscar lần 97.
Và trong khi cuộc đua Oscar cho phim nước ngoài dần định hình, một câu hỏi vẫn đang khiến nhiều mọt phim nước nhà phải dò đoán: Bộ phim nào sẽ đại diện cho Việt Nam?
“Soi kèo” đường đua
Tính tới thời điểm hiện tại, 59 quốc gia đã nộp phim cho Viện Hàn lâm. Thời hạn nộp phim sẽ khép lại vào ngày 2/10. Sau đó, 15 bộ phim lọt vào danh sách rút gọn sẽ được công bố vào ngày 17/12, trước khi Viện Hàn lâm chính thức đề cử 5 tác phẩm xuất sắc nhất vào ngày 17/1/2025.
Đã có nhiều “ông lớn” lộ diện tại đường đua. Emilia Pérez, chủ nhân của giải thưởng danh giá “Prix du Jury” (Giải của Ban Giám khảo) tại LHP Cannes năm nay, được lựa chọn làm đại diện của Pháp. Bộ phim với sự tham gia của Selena Gomez và Zoe Saldaña được xem là ứng cử viên sáng giá cho cả tượng vàng Oscar dành cho phim nước ngoài lẫn phim xuất sắc nhất trong năm.
Điều thú vị nhất về cuộc đua năm nay là sự “muôn màu muôn vẻ” của các bộ phim. Vẫn không thiếu các tác phẩm chính kịch giống với những gì khán giả đại chúng tưởng tượng về một bộ phim tranh giải Oscar, như The Seed of the Sacred Fig (Đức), The Girl with the Needle (Đan Mạch), Memories of a Burning Body (Costa Rica).
Nhưng cũng có những bộ phim… lạ thường hơn đôi chút. Emilia Pérez kết hợp dòng phim tội phạm với yếu tố nhạc kịch opéra. Cửu Long Thành Trại của Hồng Kông là một bộ phim “chưởng”. Tác phẩm hợp tuyển From Ground Zero được cấu thành từ 22 bộ phim ngắn đa thể loại từ các đạo diễn của Palestine. Kneecap của Ireland là một bộ phim hài về nhạc hip-hop, trong khi Flow của Latvia là một tác phẩm hoạt hình không lời thoại.
Đại diện của Việt Nam là…
Cục Điện ảnh Việt Nam đã nhận được thư mời từ Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ và bắt đầu tìm kiếm bộ phim đại diện tham dự vòng sơ tuyển Oscar kể từ ngày 11/8.
Sẽ không quá bất ngờ nếu vinh dự này được trao cho bộ phim Mai. Là chủ nhân của giải thưởng Cánh Diều Vàng cũng như danh hiệu bộ phim Việt Nam có doanh thu cao nhất lịch sử, không thể phủ nhận Mai là tác phẩm nổi bật nhất của điện ảnh nước nhà năm nay.
Năm 2021, một bộ phim khác của đạo diễn Trấn Thành là Bố Già (đồng đạo diễn với Vũ Ngọc Đãng) cũng được lựa chọn đại diện cho Việt Nam dự sơ tuyển Oscar.
Tại lễ trao giải Cánh Diều năm nay, giải thưởng Cánh Diều Bạc thuộc về hai bộ phim Móng Vuốt (đạo diễn Lê Thanh Sơn) và Đào, Phở và Piano (đạo diễn Phí Tiến Sơn). Không thể bỏ qua khả năng (dù nhỏ hơn) một trong hai tác phẩm này được lựa chọn.
Ngoài ra, một trong số sáu bộ phim đồng hạng ba tại lễ trao giải Cánh Diều 2024 là tác phẩm duy nhất của điện ảnh Việt Nam trong năm nay đã có thành tích tại “đấu trường” điện ảnh quốc tế.
Vào tháng 2, bộ phim Cu Li Không Bao Giờ Khóc của đạo diễn Phạm Ngọc Lân đã được vinh danh với giải thưởng “Phim đầu tay xuất sắc nhất” trong hạng mục Panorama tại LHP Quốc tế Berlin - một trong số năm LHP được mệnh danh là “Big Five” của Thế giới. Liệu bộ phim này có được trao cơ hội để tiếp tục “chinh chiến” không?
Thời hạn nộp phim đã khép lại kể từ ngày 15/9, và Hội đồng tuyển chọn của Cục Điện ảnh sẽ sớm có thông báo chính thức về “danh tính” của tác phẩm được “chọn mặt gửi vàng”.
Bộ phim được lựa chọn sẽ tiếp nối Tro Tàn Rực Rỡ (2023) của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và trở thành tác phẩm điện ảnh thứ 21 đại diện cho Việt Nam tham dự vòng sơ tuyển Oscar, kể từ Mùi Đu Đủ Xanh (1993) của đạo diễn Trần Anh Hùng.