Phạm Đức Huy sớm được liệt kê vào danh sách hạt giống tài năng của làng bóng đá nước nhà sau khi được phát hiện tại Giải bóng đá nhi đồng toàn quốc năm 2006. Kể từ đó, chàng trai đến từ tỉnh Hải Dương đã xác định theo đuổi sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp bằng việc gia nhập lò đào tạo Hà Nội T&T. Trong giải vô địch quốc gia năm 2015, anh ra sân với số áo 15 cho câu lạc bộ Hà Nội cùng với Đỗ Hùng Dũng và Nguyễn Quang Hải. Năm đó, bộ ba được xem là những mắt xích trẻ nhất nhưng đóng vai trò quyết định trong việc giành giải vô địch và thăng hạng của câu lạc bộ Hà Nội.
Đến năm 2017, Phạm Đức Huy đã ghi bàn với ở cự ly 30m và góp phần vào chiến thắng 4-1 trước đội Felda United tại cúp AFC. Cuối năm đó, anh được huấn luyện viên Park Hang Seo chiêu mộ vào đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu tại Giải vô địch U23 2018 và cùng với đồng đội mang vinh quang về cho nước nhà với vị trí Á quân chung cuộc. Trước đó, anh đã từng được triệu tập vào đội tuyển U23 bởi huấn luyện viên Toshiya Miura, thi đấu cho SEA Games 28 và Giải vô địch U23 châu Á 2016.
Tiền vệ Phạm Đức Huy | Nguồn: Linh PhạmTheo đánh giá của huấn luyện viên Park Hang Seo, điểm mạnh của Phạm Đức Huy là tốc độ và thể lực nổi trội, cùng với khả năng ứng biến tài tình dù chơi ở bất kỳ vị trí nào. “Người không phổi” có nhãn quan, chiến thuật và phòng ngự tốt, cộng với khả năng chuyền bóng tốt bằng cả hai chân. Đặc biệt hơn cả, Phạm Đức Huy không ngại đối đầu tranh chấp trực tiếp với những đối thủ có vóc dáng áp đảo hơn.
Trước giai đoạn nước rút của Giải vô địch châu Âu, Vietcetera đã ngồi xuống cùng Phạm Đức Huy để ôn lại những ngày tháng nồng nhiệt của bóng đá nước nhà cách đây không lâu, cũng như để biết thêm về chiến thuật thi đấu và quan điểm sống của anh chàng cầu thủ vừa tròn 23 tuổi này.
Anh có thể mô tả đôi chút về giải bóng đá U23 cho khán giả được biết không?
Năm 2018 là lần thứ ba mùa giải được tổ chức với sự tham gia của 16 đội tuyển, tranh tài từ ngày 9/1 – 27/1 tại 4 thành phố Thường Châu, Côn Sơn, Thường Thục, và Giang Âm thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Đây cũng là năm thứ hai đội tuyển Việt Nam góp mặt tại giải vô địch bóng đá U23 châu Á. Trùng hợp là cả hai lần Việt Nam đều thi đấu ở bảng I và giành chiếc vé tham dự giải đấu với tư cách đội về nhì bảng xuất sắc nhất. Sau khi tiến vào bảng D cùng với đội tuyển U23 của Hàn Quốc, Australia và Syria, Việt Nam đã giành tấm vé vào tứ kết và cuối cùng là xuất sắc giành được vị trí Á quân chung cuộc.
Theo anh, giải đấu U23 đã ảnh hưởng như thế nào đến lịch sử bóng đá Việt Nam
Trước chúng tôi, Việt Nam đã từng có rất nhiều thế hệ cầu thủ vàng và những chiến thẳng vẻ vang mà họ mang về cho đất nước thật sự đáng để noi theo. Có chăng là vì thế hệ chúng tôi được đào tạo bài bản hơn, chế độ tập luyện, ăn uống và sinh hoạt cũng được săn sóc kỹ hơn. Nên nếu không chinh phục được những thành tựu hiện có thì sẽ thật là đáng xấu hổ. Nhưng tôi tin rằng thế hệ cầu thủ sau này sẽ còn lập được nhiều thành tích hơn những gì chúng tôi đã đạt được.
Vậy trong lúc thi đấu ở Trung Quốc, nếu được, anh có điều gì muốn thay đổi không? Lúc trở về nước cảm xúc đầu tiên của anh là gì?
Chắc chắn là thời tiết. Mặc dù đã được thông báo trước nhưng chúng tôi không tài nào tưởng tượng được điều kiện thời tiết lại xấu đến như vậy. Mặc dù mang quyết tâm rất lớn nhưng việc không quen với tuyết cũng khiến chúng tôi không thể thi đấu ở phong độ tốt nhất. Sau trận đấu, chân của các cầu thủ trong đội đều bị cước, sưng phồng và rất đau đớn.
Mặc dù vẫn thường xuyên cập nhật tin tức trong lúc thi đấu và biết là ở nhà mọi người đang cổ vũ cho mình rất nồng nhiệt. Nhưng khi vừa về đến sân bay, nhìn thấy cả một rừng cờ đỏ sao vàng và đi đến đâu cũng bắt gặp người hâm mộ chào đón nồng nhiệt, một người không quen khóc như tôi cũng cảm thấy trào dâng.
Anh có thể chia sẻ cụ thể một vài tin nhắn ý nghĩa từ người hâm mộ được không?
Đó là khi tôi bất ngờ bị chấn thương và không thể tham gia thi đấu tại SEA Games 2017, có rất nhiều người hâm mộ đã gởi tin nhắn động viên và bày tỏ sự tiếc nuối. Trong đó, có một chú ở tỉnh Hải Dương đã nhắn cho tôi thế này: “Dù không còn cơ hội đá ở SEA Games cũng không sao. Người hâm mộ ở Hải Dương chỉ mong Huy nhanh hồi phục chấn thương và chóng khỏe nhé.” Lại có một cô bé cứ nắm tay tôi mà khóc nức nở nhưng chính tôi cũng không hiểu tại sao. Hóa ra cô bé khóc là vì tôi bị chấn thương.
Tại thời điểm đang thi đấu cho Giải vô địch bóng đá U23 châu Á 2018 thì người bác ruột của tôi qua đời. Thời điểm đó tôi đã nhận được tin nhắn động viên từ người hâm mộ Việt Nam, đồng đội, các thầy trong ban huấn luyện và cả báo chí trong nước. Điều đó khiến tôi nhận ra rằng mọi người đều hiểu và đồng cảm với những chấn thương tâm lý của các cầu thủ. Vì đôi khi, điều đó đáng sợ hơn cả những chấn thương về thể xác.
Tại sao anh lại có biệt danh “người không phổi”? Ngoài biệt danh đó ra anh còn biệt danh nào khác không?
“Người không phổi” là biệt danh báo chí Việt Nam ưu ái tặng cho. Đó là do được luyện tập trong môi trường chuyên nghiệp từ năm 11 tuổi nên cả sức bền và khả năng bứt phá tôi đều có. Hay có cơ duyên được thử sức với nhiều vị trí khác nhau nên tôi có kinh nghiệm và dễ dàng bắt nhịp tại bất kỳ vị trí nào được giao. Ngoài ra, đồng đội bắt đầu trêu tôi là “hoàng tử Ả-rập” kể từ lúc quay được đoạn clip tôi nghịch ngợm dưới tuyết. Còn ở nhà, bạn bè và người thân lại gọi tôi là Chivas vì tính cách mạnh mẽ và khẳng khái.
“Thầy Park là một huấn luyện viên kỷ luật nhưng cũng rất tình cảm,” Đức Huy nói về huấn luyện viên của mình, ông Park Hang Seo | Nguồn: Linh Phạm
Cuộc sống của cả đội có thay đổi nhiều từ lúc trở về từ Giải vô địch U23 không?
Chúng tôi vẫn thế. Vẫn tập luyện và chơi bóng hằng ngày. Chỉ là ra phố được nhận ra nhiều hơn, tuy nhiên, sự quan tâm từ mọi người đều rất dễ chịu nên cũng không gây ra sự phiền hà gì cả. Chỉ là phải cẩn trọng trong lời ăn, tiếng nói hơn một chút, không được nghĩ gì nói nấy nữa (cười).
Anh có thể chia sẻ quan điểm của mình về tầm quan trọng của kỹ năng cá nhân trong một đội bóng?
Theo tôi, kỹ năng cá nhân là điều kiện cần để mỗi cá nhân cảm thấy tự tin khi ra sân và giúp cầu thủ tránh được những pha phạm lỗi nguy hiểm từ đối thủ. Sẽ thật tốt nếu mỗi cá nhân đều thành thục kỹ năng mũi nhọn (gồm người chơi đầu, người dứt điểm – ghi bàn và người kèm đối thủ). Dĩ nhiên là không thể thiếu sự dẫn dắt hết lòng từ ban huấn luyện viên.
Anh có ngưỡng mộ tài năng của cầu thủ nào trong nước không?
Đó là cựu tuyển thủ quốc gia, thầy Thạch Bảo Khanh và anh Văn Quyết trong câu lạc bộ Hà Nội. Đối với tôi, họ đều là những tấm gương sân cỏ. Khi còn trong thời kỳ thi đấu, thầy Bảo Khanh luôn là người có lối chơi tốt, sở hữu chân trái “ma thuật” cùng khả năng đi bóng dọc biên với tốc độ được ví như cánh chim không mỏi của làng bóng đá Việt. Đến tận bây giờ, khi đã là một huấn luyện viên, thầy Bảo Khanh vẫn luôn được các thế hệ đi tiếp tôn trọng tuyết đối cả về năng lực chuyên môn và nhân cách sống. Còn anh Văn Quyết thì luôn thi đấu ở phong độ rất ấn tượng, bất kể là ở màu áo đội tuyển quốc gia hay câu lạc bộ Hà Nội. Hơn nữa, anh Văn Quyết còn là một người anh đúng nghĩa của chúng tôi.
Anh có cảm nhận sự khác biệt trong cuộc sống của một vận động viên quốc gia và một cầu thủ thi đấu cho câu lạc bộ không? Thường các cầu thủ sẽ làm gì khi họ giải nghệ?
Hầu như là không có sự khác biệt. Dù là ở trong câu lạc bộ hay thi đấu cho đội tuyển quốc gia, chúng tôi đều phải ăn ngủ đúng giờ, tập luyện cường độ cao để duy trì và nâng cao chuyên môn, thể lực cũng như tuyệt đối tôn trọng kỷ luật của Đội cũng như Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
Theo tôi, tuổi thọ ngắn hay dài phụ thuộc rất nhiều vào năng lực và ý chí của mỗi cầu thủ, cộng thêm một chút yếu tố may mắn. Đối với tôi, bóng đá đã là hơi thở. Nếu không đá bóng nữa, tôi vẫn sẽ theo đuổi sự nghiệp liên quan đến trái bóng, thậm chí là mở một cửa hàng bán bóng cũng được (cười). Tuy nhiên, hiện giờ tôi đang ở trong thời điểm đẹp đẽ và lợi thế nhất của một cầu thủ, thế nên điều mà tôi quan tâm nhất là được chơi bóng và chơi thật hay.
Ở Anh, cầu thủ hay bị phê bình là chỉ thi đấu nhiệt huyết với câu lạc bộ. Vậy còn các cầu thủ ở Việt Nam thì sao?
Theo tôi, cả tuyển quốc gia và câu lạc bộ đều đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp của người cầu thủ. Nếu như câu lạc bộ là nơi cầu thủ rèn luyện tài năng và nuôi sống bản thân thì tuyển quốc gia là nơi bóng đá thăng hoa thành niềm tự hào dân tộc. Chơi ở đâu cũng phải chơi với tinh thần quyết tâm cao độ nhất và vì một mục đích duy nhất: quyết tâm vì màu cờ sắc áo.
Anh có nghĩ người hâm mộ Việt Nam ưu ái đến Giải bóng đá vô địch châu Âu hơn không? Nếu được, anh sẽ chọn chơi cho đội tuyển nào trên thế giới?
Tôi chỉ thích chơi cho đội tuyển Việt Nam thôi. Cá nhân tôi nghĩ rằng người hâm mộ Việt Nam yêu bóng đá nước nhà không kém bất cứ cổ động viên nào trên thế giới. Chỉ có điều là Giải bóng đá vô địch châu Âu được tổ chức lâu đời hơn nên nhận được sự chú ý từ cả thế giới, chứ không chỉ riêng cổ động viên Việt Nam.
Cuối cùng, trong đêm chung kết Giải vô địch bóng đá châu Âu sắp tới, anh có thể dự đoán vui rằng Liverpool hay Real Madrid sẽ vô địch không? Và tỉ số là bao nhiêu?
Hừm, thật khó nghĩ vì tôi thích cả hai đội. Nhưng nếu bắt buộc, tôi xin phép dự đoán tỉ số là 2-1 cho Liverpool.