Roommate phase: Khi tình yêu thoái hóa thành tình... người thuê trọ | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
03 Thg 03, 2024

Roommate phase: Khi tình yêu thoái hóa thành tình... người thuê trọ

Dọn vào sống chung, 2 bạn những tưởng sẽ thân nhau hơn nhưng thực chất lại quay về làm… bạn thuê trọ với 0 cảm xúc và 101 hóa đơn điện nước phải lo.
Roommate phase: Khi tình yêu thoái hóa thành tình... người thuê trọ

Nguồn: Linh Thảo @in_prairie cho Vietcetera.

Một ngày đẹp trời, bạn nhận ra sự xuất hiện của người yêu không còn khiến bạn hào hứng.

Tình cảm hạ nhiệt là giai đoạn hầu như ai cũng trải qua trong mối quan hệ. Tuy nhiên, thờ ơ lãnh đạm ngay cả khi cả 2 đã sống chung nhà thì lại là câu chuyện khác.

Đây gọi là “Roommate phase” (tạm dịch: Giai đoạn Bạn cùng phòng) khi bạn bắt đầu xem người yêu như… đứa bạn ký túc xá ở chung để chia hóa đơn tiền điện không hơn.

Roommate phase là gì?

Roommate phase là khi 2 người yêu nhau đã đạt đến cảnh giới gần gũi cao nhất nhưng lại trở về trạng thái cảm xúc nhàm chán nhất: về làm “đôi bạn ở trọ”.

Ở giai đoạn “roommate”, bạn bắt đầu xem người yêu mình như đứa bạn ký túc xá ngày ấy lang thang trong nhà không chút cảm xúc. Họ vẫn ở đó, nhưng bạn không còn chút nhu cầu gần gũi nào.

Đây là khi mối quan hệ lâu năm thoái hóa thành “roommate”, với hàng tỷ vấn đề điển hình của những người “bạn trọ” như:

  • Chia hóa đơn tiền điện.
  • Cãi nhau việc nhà.
  • Bất bình nếp sinh hoạt ăn ở.
alt
Bạn bắt đầu phải chia hóa đơn điện nước và phân công nhiệm vụ nhà cửa - những vấn đề dễ nảy sinh tranh cãi giữa 2 người.

Theo ​​Hilary Weinstein - Nhà trị liệu từ New York, thuật ngữ này thường dùng trong trị liệu tâm lý giúp các cặp đôi gọi tên sự lạnh nhạt sau thời gian sống thử. “Vì sao phải lên kế hoạch hẹn hò trong khi tôi đã gặp họ mỗi ngày?” - khi những nồng nhiệt một thời không còn khiến bạn lưu tâm, bạn biết mình đã bước vào roommate phase.

Vì sao ta “hết thương cạn nhớ” dù đã ở gần nhau?

Vì đối phương không còn “khan hiếm” trong mắt bạn

Tâm lý Khan hiếm mặc định cái gì càng quý hiếm, càng có giá trị. Khi tần suất gặp đối phương đã gần như mỗi ngày, bạn bắt đầu giảm dần hứng thú.

Ngược lại khi số lần nhìn thấy nhau vẫn hạn chế, ta sẽ trân trọng mọi cơ hội thấy họ và “phản ứng hóa học” giữa 2 người cũng xảy ra mạnh mẽ hơn.

Chính sự thiếu thốn trong tình yêu giúp não tiết ra nhiều dopamine hơn khi ta được gặp họ trực tiếp. Não sẽ gửi đi tín hiệu khao khát được lặp lại sự vui sướng này, bằng cách hẹn hò thêm nhiều lần tiếp theo.

Đáng tiếc thay “tàu lượn cảm xúc” sẽ phai dần khi ta bắt đầu nắm rõ đối phương trong lòng bàn tay. Không còn những lần tim đập thình thịch hay cảm giác mong chờ buổi hẹn, việc dọn vào ở chung và gặp nhau 24/7 sẽ khiến bạn chai lì cảm giác.

Vì trách nhiệm đã trở thành “bàn đạp” duy nhất cho mối quan hệ

Không còn tình yêu nhưng vẫn ràng buộc bởi tiền nhà, điện nước, hay thậm chí là… mối làm ăn chung giữa 2 người, đó là lý do nhiều cặp đôi chọn bước vào roommate phase để nuôi sống cho lợi ích riêng của họ.

“Đôi khi cái giá phải trả của việc rời đi quá đắt, ví dụ bạn đang cần họ để… chia tiền phòng chẳng hạn, nên bạn quyết định ở lại dù chẳng còn chút ham muốn” - Nhà Tâm lý Valeria Sabater cho biết.

Lấy lại cảm xúc thế nào với “người bạn cùng phòng”?

Nâng cấp mối quan hệ thành bạn tri kỷ

Dù mất cảm xúc nhưng tài sản 2 bạn tích lũy được là sự thấu hiểu lẫn nhau qua thời gian dài gắn bó. Vì thế, nhà văn Laura Silverstein khuyên rằng bạn có thể xem xét phát triển thành “tri kỷ” với nửa kia như một phần của hành trình.

alt
Có một tri kỷ để lắng nghe vẫn tốt hơn là không còn ai cả.

Lúc này, 2 người có thể đồng hành cùng nhau như chiến hữu. Giải pháp này hiệu nghiệm hơn khi bạn trân quý nhiều phẩm chất ở đối phương và không nỡ rời bỏ họ.

Chủ động chia sẻ về những bất an của nhau

Bạn chưa thể rời đi vì sợ không thể kiếm được ai đối tốt với mình?

Bạn vẫn muốn cam kết dù chẳng còn tình cảm nồng nhiệt?

Hãy thử đối thoại nghiêm túc về những gì mình thật lòng suy nghĩ. Nếu thời gian dài lạnh nhạt khiến kết nối giữa 2 người đứt gãy, thì đây là lúc bạn dũng cảm đối mặt với sự đứt gãy đó.

Thay đổi thói quen để thoát khỏi vòng lặp “bạn trọ”

Nếu muốn bứt khỏi sự nhàm chán, hãy thử đổi cách bạn phản ứng với họ mỗi ngày. Dưới đây là một số cách giúp bạn thêm gia vị cho chuỗi ngày tẻ nhạt với bạn trọ:

  • Thử nấu một bữa brunch thay vì bữa sáng.
  • Trải nghiệm hẹn hò theo bảng chữ cái ABC, bốc ra chữ nào sẽ cùng làm 1 hoạt động theo chữ đó. Ví dụ: P - Picnic cùng nhau.
  • Ghé thăm những địa điểm kỷ niệm của 2 người xem sự thay đổi qua nhiều năm, từ đó cho nhau thời gian lắng đọng.

Thay phiên nhau lên kế hoạch đi chơi

Liên tục nhìn thấy nhau trong không gian hẹp cũng khiến tâm lý ta bức bối. Nếu được, hãy xếp cho nhau một ngày cố định để 2 bạn khám phá các địa điểm mới.

Hoạt động này giúp đưa 2 người trở về những ngày đầu. Đặc biệt hơn bạn có thể luân phiên người lên kế hoạch hẹn hò để đổi gió. Cách một người tinh tế lựa chọn địa điểm hẹn cũng thể hiện điều họ muốn nói với bạn, từ đó nhen nhóm lại ngọn lửa giữa 2 người.