Không biết từ khi nào, 2 giờ sáng bỗng trở thành một thời khắc mang tính quyết định mỗi đêm.
Từ năm 2022, “Kết quả chốt đơn lúc 2 giờ sáng”, hay “Dừng ngay việc chốt đơn lúc 2 giờ sáng” là những tiêu đề video TikTok phổ biến. Dù nghe có vẻ mang tính khuyên can, nhưng thật chất các “hậu quả” trong những video này lại không có gì nghiêm trọng, ngoài trừ một vài món đồ nho nhỏ và vô tri.
Gọi là chốt đơn vô tri vì chốt đơn với tinh thần vui là chính, và chúng ta không phải dùng não quá nhiểu khi đưa ra quyết định mua hàng.
Để được phân loại vô tri, một món đồ phải đáp ứng được tiêu chí sau: độc lạ, ngộ nghĩnh, ngớ ngẩn, giá thành rẻ, có lúc hữu dụng (có lúc không). Đó có thể là một chiếc ốp lưng điện thoại hình gậy thuỷ thủ mặt trăng, một bộ đồ hoá trang hình con vịt môi dày, và ti tỉ những món đồ nhìn qua không thể đoán được công dụng của chúng.
Điều gì thôi thúc chúng ta chốt đơn những món đồ vô tri?
Nói không với hối hận sau mua hàng
Khi chốt đơn vô tri, chúng ta không phải cân đo đong đếm giữa việc giá trị sử dụng của món đồ có phù hợp với giá tiền không. Đơn giản vì: 1) đồ vô tri thường rẻ; 2) vì vô tri nên ngay từ đầu người mua không hề đặt kỳ vọng lớn lao gì về tính hữu dụng của chúng.
Không mong đợi, không thất vọng, không ‘đau' ví tiền (thiệt hại lớn nhất cùng lắm là một… tràng cười), nên những người chốt đơn vô tri cũng tránh được tình trạng buyer’s remorse - cảm giác hối hận sau khi mua hàng.
Vỗ về đứa trẻ bên trong
So với hành vi mua sắm bốc đồng (impulsive buying) để giải toả căng thẳng lo âu, hay vì sợ bỏ lỡ một món hời, một đợt giảm giá, việc chốt đơn vô tri có vẻ lành mạnh hơn vì người mua nhận thức được rõ mục đích và “hậu quả” mua hàng của mình.
Đó là một chút niềm vui trong trẻo từ việc khám phá ra một món đồ lạ lùng, ngộ nghĩnh, bất ngờ giữa cuộc sống trưởng thành qua nhiều tính toán.
Việc chốt đơn vô tri vì vậy có thể được xem là một dạng trị liệu mua sắm (retail therapy) trong tầm kiểm soát, giúp xoa dịu bản thân một cách lành mạnh.
… và một chút FOMO
Theo báo cáo của TikTok (23/1/2024), tại các thị trường như Việt Nam, Thái Lan và Hàn Quốc, người dùng có thiên hướng tin tưởng vào nội dung giới thiệu sản phẩm - dịch vụ từ cộng đồng nhà sáng tạo nội dung thay vì quảng cáo.
Đây chính là con đường đưa những món đồ vô tri tiếp cận rộng rãi với công chúng, mở màn bằng những nội dung như “hậu quả chốt đơn lúc 2 giờ sáng”.
Khi các nội dung này càng ngày càng phổ biến, người dùng mạng xã hội càng được giới thiệu thêm nhiều món đồ vô tri độc lạ hơn, khơi gợi tò mò hơn và cuối cùng là chốt đơn rinh về cho mình một món.
…nhưng tại sao lại 2 giờ sáng?
Đầu tiên, tại sao chúng ta lại thức đến 2 giờ sáng? Khó mà giải thích được vì sao lại có một mốc thời gian cụ thể đến vậy. Nhưng chúng ta có thể thấy người trẻ ngủ rất trễ, ít nhất là sau 2 giờ vì 2 giờ họ còn đang bận… chốt đơn vô tri.
Một trong những nguyên nhân phổ biến của việc thức khuya ngày nay chính là… để thức bù, hay còn gọi là Revenge bedtime procrastination - cố tình trì hoãn giấc ngủ để giải trí bù cho ban ngày bận rộn.
Nếu còn thức sau nửa đêm, cơ thể bạn đang hoạt động trái ngược với chu kỳ sinh học thông thường, dẫn đến những thay đổi trong nhận thức và hành vi khi thức đêm. Đây là một giả thuyết tên The Mind-after-midnight hypothesis - não làm gì sau nửa đêm.
Theo giả thuyết này, cơ thể chúng ta trải qua sự thay đổi sinh lý học thần kinh trong não, ảnh hưởng đến việc tiếp nhận thông tin và hệ thống tưởng thưởng (reward processing). Điều này khiến chúng ta có cảm xúc tiêu cực, có xu hướng đưa ra những quyết định liều lĩnh hơn vì não cố tính lơ đi những hậu quả sau đó.
Ở đây, dù chốt đơn vô tri không để lại hậu quả nặng nề gì về tài chính hay tinh thần, sức khoẻ nhưng nếu trong trạng thái ngủ đúng giờ hơn, bạn sẽ đủ tỉnh táo hơn để cưỡng lại quyết định vô tri này.