The Bear, với vẻ đẹp trong sự hỗn loạn, là một series truyền hình thú vị. Mỗi nhân vật trong suốt 2 mùa phim đầu được xây dựng và phát triển với tính năng động trong các mối quan hệ, bày ra sự phức tạp và đa chiều trong công việc (đầu bếp) lẫn cuộc sống riêng tư.
Có nhiều khía cạnh để bàn luận về The Bear mùa 3, và điều thú vị nằm ở chỗ, “mặt” nào cũng hấp dẫn. Từ cách xây dựng bầu không khí choáng ngợp, cho đến cách tạo nên sự căng thẳng mà không cần xây dựng cốt truyện kịch tính. Hiệu ứng hình ảnh tạo nên sự bức bối bí bách trong từng khung hình. Kỹ thuật dựng phim độc đáo tạo nên sự rối rắm, bứt rứt. Những màn hoá thân vào nhân vật một cách tuyệt vời từ diễn viên chính, phụ cho đến cameo. Và nhiều điều khác nữa.
Khi nhấm nháp mùa phim này, bạn cảm nhận được sự nắm bắt đầy tinh tế của cảm giác được thấu hiểu và chia sẻ. Trên tất cả đó, người viết muốn đi sâu vào bản chất của series The Bear, về thành công và nỗi lo âu.
The Bear phát sóng trên nền tảng trực tuyến Hulu. Mùa 3 của series vừa lập kỷ lục với 23 đề cử cho nhiều hạng mục khác nhau tại lễ trao giải Emmy năm nay.
“Không ai làm biếng mà thành công”
Để mở được nhà hàng The Bear, đó là một hành trình dài của Carmy (Jeremy Allen White). Bắt đầu từ một “hạt giống” niềm tin về việc thức ăn có thể kết nối mọi người, Carmy quyết định xách balo lên và đi. Từ một đầu bếp có tố chất, anh nỗ lực mỗi ngày, vượt qua mọi khó khăn để đạt đến sự hoàn hảo và được công nhận.
Bây giờ anh có The Bear và những người phụ tá thân cận. Syd tài năng và có chính kiến. Richie trưởng thành hơn mỗi ngày. Tina tận tuỵ và Marcus đầy đam mê. Mục tiêu mới của The Bear là tự thách thức chính mình, thay đổi thực đơn mỗi ngày, nâng cao chất lượng phục vụ, đoạt ngôi sao Michelin đầu tiên.
Đó là câu chuyện truyền cảm hứng mà mọi người muốn nghe, đúng không nào? Không qua gian khó sao có thể thành công? - Người ta vẫn nói vậy. Phải thử thách chính mình và thay đổi mỗi ngày mới có thể thành công, hợp lý đấy chứ?
Mọi người đều muốn thành công, bằng mọi giá. Nhưng từ tốt đến xuất chúng và đạt được thành công là một quá trình đầy đau thương, mà Carmy hay bất kỳ nhân vật nào trong The Bear cũng phải nếm trải.
Carmy vật lộn với nó đến mức trầm cảm. Và để thúc đẩy bản thân, anh đã tìm cách sống chung với nỗi đau đó bằng cách tự cô lập, từ tách mình ra với những niềm vui thú khác. Việc Carmy hứng thú với nấu nướng là thật. Sự khát vọng trở thành đầu bếp tài ba của anh là thật. Nhưng việc anh phải chịu đả kích, đến mức chấn thương tâm lý quá nhiều trên con đường thành công cũng là thật.
Từ tập mở đầu với 30 phút hồi tưởng quá khứ cùng những nụ cười và giọt nước mắt, cho đến tập hạ màn của mùa 3 đã hé lộ một Carmy trên con đường chinh phục ước mơ. Mỗi thành công anh gặt hái là thành quả của nỗ lực và giấc mơ anh đã gieo trồng. Chỉ là đôi khi, giấc mơ có giá quá đắt mà thôi.
Thành công, ở những khía cạnh khác
Điều khiến Carmy trở nên cô đơn, lẻ loi và đối lập với các nhân vật khác trong The Bear, chính là sự khác biệt về mục tiêu của họ. Ngay cả Syd (Ayo Edebiri), người có vẻ tương đồng nhất về mục tiêu với Carmy, cũng không hoàn toàn giống người bếp trưởng của mình. Chính Syd cũng từng nói, "Tôi cứ tưởng đây là một nơi khác biệt so với các nơi khác”.
Chẳng ai biết rõ phân cảnh cuối trong tập cuối mùa 3 ngụ ý điều gì, nhưng Syd đã bước ra ngoài cánh cửa với một cơn hoảng loạn. Bên trong căn phòng là tiếng nhạc và lời hò reo, còn Syd ngồi giữa bóng tối trong cơn choáng váng đến run cả người. Thành công có nghĩa lý gì ngoài những cơn đau thắt, quặn cơ hoành vì quá căng thẳng, lo âu?
Một nhân vật khác trong phim, Richie (Ebon Moss-Bachrach) cũng không tiến đến sự thành công hay hoàn hảo bằng mọi cách. Anh chăm chú vào từng chi tiết, muốn thật hoàn hảo, nhưng không lấy thành công làm mục đích sống. Anh cho rằng hoàn hảo là không có thực. Anh lấy “sự hoàn hảo” để từ chối khéo vợ cũ khi cô muốn đến nhà hàng The Bear thưởng thức đồ ăn.
Marcus (Lionel Boyce) cũng là nhân vật thú vị với câu chuyện được xoáy sâu hơn trong mùa phim thứ 3. Sự ra đi của người mẹ sau thời gian lâm bệnh để lại một vết thương trong lòng anh. Tạo ra những món tráng miệng xuất sắc là cách anh muốn báo đáp mẹ, để tiến lên trong sự nghiệp. Marcus cũng muốn thành công như mọi người, muốn để lại di sản của riêng mình. Nhưng di sản đó rất bình dị. Đó là tạo ra món ăn ngon, được mọi người công nhận.
Những phân cảnh hồi tưởng về Mikey (Jon Bernthal), anh trai quá cố của Carmy cũng gợi mở một góc nhìn khác về sự thành công. Cách anh đến với công việc đa phần là kinh khủng, nhưng sự thành công được anh đong đếm bằng nụ cười, bằng niềm vui được ở cạnh những người thân thiết. Đó không phải là tiền bạc, càng không phải là ngôi sao Michelin như trong định nghĩa của Carmy. Thành công của Mikey, nói theo một cách khác, là được nhìn thấy Carmy thành công.
Thành công trong mắt của vị bếp trưởng tài ba Terry (Olivia Colman), một trong những người thầy của Carmy là được du lịch, tham gia tiệc tùng bên những người bạn. Bà quyết định đóng cửa nhà hàng lâu năm. Đó không phải là sự thất bại; đó là thành công, ở một khía cạnh khác. Terry thành công trong việc thoát ra khỏi những ảo tưởng mà chính khát khao thành công mang lại.
Phi thường trong điều bình thường
Napkins có lẽ là tập phim hay nhất, cảm xúc nhất, sâu lắng nhất trong The Bear mùa 3. Ở đó, ta được đi sâu khám phá vào nhân vật Tina (Liza Colón-Zayas) với hành trình tìm việc làm mới sau khi bị sa thải. Những chủ đề về khoảng cách thế hệ, việc làm, giấc mơ… được truyền tải một cách đầy dịu dàng.
Câu chuyện của Tina cho thấy một khía cạnh thú vị của một cuộc đời đáng sống. Đó không phải là cuộc đời trong mơ, trở thành vĩ đại nhưng là được làm những thứ bình thường và nhỏ nhặt, được chăm sóc mọi người xung quanh. Khi giọt nước mắt của Tina rơi xuống và nụ cười của Mikey vang lên, bạn thấy được rằng, sự phi thường có thể nằm trong điều bình thường.
Với một người từng trải, Tina càng thấm thía về cuộc đời, về sự thay đổi. Niềm hạnh phúc của bà chính là những thói quen cũ và những bài học mới. Tina nhận ra mình là ai, đang làm gì trong thế giới này. Không ai đánh thuế ước mơ, nhưng hãy cẩn trọng với chính ước mơ của mình.
Tạm kết
The Bear không chỉ nói về niềm vui và sự ngột ngạt về nghề đầu bếp và ngành F&B, mà bao trùm cả những câu chuyện về cuộc đời và cách chúng ta đang sống. Nhà bếp là một ẩn dụ, một xã hội thu nhỏ, đầy xa lạ và kích thích đối với hầu hết mọi người. Ở đó có đủ mọi thứ khiến con người tò mò, thích thú nhưng cũng hết sức căng thẳng, áp lực.
Điều tuyệt vời mà The Bear mang lại là cái nhìn trực tiếp vào sự thành công mà không tô vẽ hay lãng mạn hoá. Người xem nhìn cách Carmy thành công để nhận ra cái giá phải trả đôi khi quá đắt. Họ cũng tìm thấy được các khía cạnh và góc nhìn khác nhau về sự thành công và sự đánh đổi. Và rằng, chẳng có gì quan trọng hơn là để bản thân tập trung và không lạc lối trước mỗi hoàn cảnh ngặt nghèo có thể bất ngờ xảy ra.