Thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn vì một tương lai bền vững của Việt Nam | Vietcetera
Billboard banner
27 Thg 12, 2022

Thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn vì một tương lai bền vững của Việt Nam

Vietcetera đã có cuộc gặp gỡ và trò chuyện cùng ông Leonardo Garcia, Tổng giám đốc của Coca-Cola Việt Nam & Campuchia để tìm hiểu thêm về vấn đề rác thải bao bì tại Việt Nam.
Thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn vì một tương lai bền vững của Việt Nam

Ông Leonardo Garcia - Tổng Giám đốc Coca-Cola Việt Nam và Campuchia | Nguồn: Coca-Cola

Theo USAID, Việt Nam là một trong 5 quốc gia gây ô nhiễm nhựa hàng đầu thế giới với khoảng 2,5 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra hàng năm. Trong ba thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gắn liền với quá trình khai thác, sử dụng, và biến tài nguyên thành chất thải không thể tái chế, rồi thải ra bãi rác và đại dương, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Quyết tâm trong công tác giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, tháng 6/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 687 nhằm phát triển nền kinh tế tuần hoàn, với mục tiêu tái sử dụng, tái chế và xử lý 85% rác thải nhựa trên toàn quốc, và giảm 50% lượng chất thải nhựa ra đại dương.

Nhưng xây dựng nền kinh tế tuần hoàn không chỉ là trách nhiệm của mỗi chính phủ và các nhà chức trách địa phương, mà còn cần có sự hợp tác và cam kết của doanh nghiệp, đặc biệt là những tập đoàn sản xuất như Coca-Cola Việt Nam.

Kể từ tháng 9, Coca-Cola Việt Nam đã cho ra mắt bao bì mới làm từ 100% nhựa PET tái chế (rPET), hướng đến giảm 2000 tấn sản phẩm nhựa trên toàn quốc. Dòng bao bì mới này đã được đưa vào sử dụng tại hơn 30 quốc gia. Đây là một bước tiến thuộc chiến lược “Vì Một Thế Giới Không Rác Thải” của Coca-Cola trên toàn cầu. Mục tiêu của chiến lược này là đến năm 2030, mỗi chai và lon Coca-Cola bán ra trên toàn cầu đều được thu gom và tái chế, đồng thời sử dụng ít nhất 50% vật liệu tái chế trong sản xuất bao bì.

Vietcetera đã gặp và trò chuyện với ông Leonardo Garcia - Tổng Giám đốc Coca-Cola Việt Nam và Campuchia từ năm 2020, để tìm hiểu thêm về những nỗ lực của Coca-Cola trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

alt
Mục tiêu của Coca-Cola là đến năm 2030, mỗi chai và lon bán ra trên toàn cầu đều được thu gom và tái chế, đồng thời sử dụng ít nhất 50% vật liệu tái chế trong sản xuất bao bì. | Nguồn: Coca-Cola

Ông nhìn nhận như thế nào về quy mô phát triển bền vững và vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam?

Coca-Cola nhận thấy rất rõ tính cấp bách trong việc giải quyết vấn đề rác thải bao bì, và đây là một thách thức rất lớn không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Từ khi đảm nhiệm vị trí này, tôi luôn dẫn dắt đội ngũ của mình hướng đến không chỉ thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp, mà còn phải phát triển sao cho phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của tập đoàn.

Kể từ khi Coca-Cola đặt chân tới Việt Nam vào năm 1994, chúng tôi không chỉ góp phần vào sự phát triển lợi ích kinh tế của đất nước, mà còn cố gắng tạo ra giá trị cho cộng đồng và môi trường. Khi nhận thấy rác thải nhựa đã trở thành một vấn đề khủng hoảng trên toàn cầu và ở Việt Nam, chúng tôi quyết tâm góp sức vào tìm kiếm giải pháp. Đó là lý do vào năm 2018, Coca-Cola đã công bố các mục tiêu đầy tham vọng hướng tới một "thế giới không rác thải".

Trên phương diện cá nhân, tôi cũng như mọi người đều không muốn môi trường bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa. Và với tư cách là một người cha, tôi muốn con mình lớn lên trong một môi trường tự nhiên trong sạch, lành mạnh. Vì thế, tôi rất vui khi được đóng góp một phần vào việc hiện thực hóa những cam kết toàn cầu về bảo vệ môi trường của Coca-Cola, không chỉ vì lợi ích doanh nghiệp mà còn vì hành tinh và tương lai thế hệ sau của chúng ta.

alt
"Coca-Cola nhận thấy rất rõ tính cấp bách trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, và đây là một thách thức rất lớn không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu." | Nguồn: Coca-Cola

Vấn đề giải quyết rác thải nhựa ở Việt Nam có sự tham gia của nhiều bên. Có bên nào phải chịu gánh nặng nhiều hơn những bên khác không?

Chúng ta chỉ có thể tạo ra những thay đổi tích cực tới vấn đề rác thải nhựa trên toàn cầu khi có sự hợp sức và phối hợp của nhiều bên liên quan. Việc phối hợp hành động ở cấp độ quốc tế, quốc gia, và địa phương là yêu cầu cấp thiết để đạt được mục tiêu trong chiến lược “Vì Một Thế Giới Không Rác Thải” của Coca-Cola.

Chúng tôi tin rằng phát triển nền kinh tế tuần hoàn — một hệ thống kinh tế nhằm phục hồi và tái tạo tài nguyên để giảm thiểu lượng chất thải — là một trong những phương án hiệu quả nhất nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến xử lý chất thải nhựa và biến đổi khí hậu do các rác thải bao bì nhựa gây ra.

Sử dụng các loại thực phẩm tiện lợi với bao bì nhựa đã trở thành thói quen và là một phần thiết yếu trong đời sống của chúng ta. Nhưng vì thế, rác thải từ các loại bao bì này cũng trở thành một vấn đề nan giải trên toàn cầu. Trách nhiệm xử lý không chỉ nằm ở các doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, mà còn ở chính chúng ta.

Chỉ khi người tiêu dùng và doanh nghiệp cùng góp sức thì nền kinh tế tuần hoàn mới có thể hoạt động một cách hiệu quả. Với các sản phẩm của Coca-Cola, người tiêu dùng chỉ cần chung tay phân loại bao bì đã qua sử dụng, chúng tôi sẽ nỗ lực thu gom và tái chế để mỗi chai nhựa sẽ tiếp tục có thêm nhiều vòng đời mới.

Để đạt những bước tiến như hiện nay, chúng tôi không thể đi một mình. Mỗi một chai nhựa làm từ 100% nhựa tái chế chính là thành quả nỗ lực và phối hợp của một hệ thống thu gom, tái chế và cộng đồng.

Cùng với các đối tác đóng chai của mình, Coca-Cola đang làm việc với Chính phủ và các tổ chức địa phương để nâng cao cơ sở hạ tầng tái chế và tăng tỷ lệ thu gom bao bì. Đồng thời, chúng tôi cũng phối hợp với khách hàng, đối tác cũng như các hiệp hội trong ngành để cùng góp ý xây dựng các chính sách cộng đồng, và đưa ra những chương trình hành động thiết thực nhằm hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.

Ngoài ra, quá trình này còn có sự tham gia của các tổ chức phi lợi nhuận và phi chính phủ nhằm nâng cao ý thức cộng đồng với vấn đề ô nhiễm nhựa, các nhà cung cấp, startup, đối tác nghiên cứu và phát triển (R&D) để thúc đẩy sản xuất những loại bao bì bền vững hơn, từ đó giảm thiểu rác thải bao bì và hạn chế tác động của rác thải đến môi trường sống của chúng ta.

alt
"Cần có sự chung tay của tập thể và phối hợp giữa đa ngành, các cơ quan chính phủ, và cộng đồng xã hội trong việc giải quyết các thách thức chung của nhân loại cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn." | Nguồn: Coca Cola

Hiện Coca-Cola Việt Nam đã và đang làm gì để hiện thực hóa mục tiêu Vì Một Thế Giới Không Rác Thải?

Năm ngoái, chúng tôi đã đưa ra một tầm nhìn mới, trong đó Phá triển bền vững là một mục tiêu cực kỳ quan trọng. Không chỉ ra mắt bao bì (trừ nắp và nhãn chai) làm từ 100% nhựa tái chế (rPET) trên toàn quốc với mục tiêu giảm sử dụng hơn 2000 tấn nhựa mới tại Việt Nam hàng năm, chúng tôi cũng đã thực hiện nhiều bước tiến khác.

Đầu năm 2021, sản phẩm Sprite của chúng tôi đã ngừng sử dụng chai màu xanh lá cây đặc trưng, để chuyển sang bao bì nhựa PET trong suốt nhằm giúp quy trình tái chế tại địa phương diễn ra dễ dàng hơn. Cũng trong năm 2021, chúng tôi đã in thông điệp TÁI CHẾ TÔI lên bao bì tất cả sản phẩm của mình nhằm khuyến khích người tiêu dùng chung tay tái chế. Vào năm 2019, Coca-Cola Việt Nam cũng đã bỏ màng co nhựa trên sản phẩm nước đóng chai Dasani để giảm rác thải nhựa dùng một lần.

Chúng tôi không thể thực hiện mục tiêu này một mình. Cần có sự chung tay của tập thể và phối hợp giữa đa ngành, các cơ quan chính phủ, và cộng đồng xã hội trong việc giải quyết các thách thức chung của nhân loại và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.

Ví dụ, năm ngoái chúng tôi đã hợp tác với The Ocean Cleanup, một tổ chức phi lợi nhuận, để triển khai hệ thống làm sạch sông ngòi Interceptor™ nhằm ngăn rác thải nhựa đổ ra đại dương trên sông Cần Thơ. Hệ thống này hiện đang thu gom tới 400kg rác mỗi ngày.

Coca-Cola đã làm việc với lực lượng thu gom rác phi chính thức dưới nhiều hình thức khác nhau trong những năm qua. Việc này diễn ra như thế nào.?

Ở các nước ASEAN như Việt Nam, rác thải được thu gom qua hai kênh chính thức và phi chính thức (người thu mua đồng nát, ve chai). Mỗi kênh đều có những đóng góp cụ thể trong công tác quản lý chất thải quốc gia và bảo vệ môi trường.

Tại Việt Nam, lực lượng thu gom rác thải phi chính thức có vai trò quan trọng trong hệ thống phân loại và thu gom rác thải tái chế như sắt, thép, giấy, hay nhựa. Chúng tôi đã quan sát và thí điểm nhiều dự án khác nhau ở cả hai kênh thu gom chính thức và phi chính thức. Coca-Cola đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ cả hai kênh thông qua truyền thông công cộng, khích lệ những người thu gom rác và các đơn vị tái chế, từ đó thu thập nhiều hơn bao bì có thể tái chế và cho chúng một vòng đời mới.

Với chiến lược “Vì Một Thế Giới Không Rác Thải”, Coca-Cola đã hợp tác với nhiều tổ chức để nâng cao hiệu quả thu gom và tái chế rác thải nhựa tại địa phương. Năm 2018, chúng tôi đã phối hợp với với Công ty Môi trường Đô thị CITENCO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Unilever Việt Nam và Dow Việt Nam phát động sáng kiến ‘Zero Waste to Nature’ (Không xả thải ra thiên nhiên). Dự án nhằm kêu gọi cộng đồng trên địa bàn quận Tân Phú (Thành phố Hồ Chí Minh) phân loại rác tại nguồn và không xả thải ra môi trường.

Sau đó, chúng tôi đã làm việc với Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) khởi động dự án “Mạng lưới hành động giảm thiểu ô nhiễm nhựa” ở miền Bắc Việt Nam. Đây là một trong những chương trình hiệu quả nhất của Coca-Cola nhằm tái khẳng định giá trị của rác thải nhựa cũng như thúc đẩy và hỗ trợ các nhóm cộng đồng địa phương trong hệ thống quản lý rác thải ở miền Bắc Việt Nam. Năm nay, dự án sẽ mở rộng sang huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hơn nữa, Coca-Cola Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập của Liên minh Tái chế Bao bì (PRO) Việt Nam, hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu, đơn vị tái chế và cơ quan chính phủ nhằm thúc đẩy quá trình thu gom và tái chế bao bì trong nước, hướng đến mục tiêu vì một Việt Nam sạch và xanh.

alt
"Tôi tin rằng khi nhà sản xuất, đơn vị thu gom, tái chế, nhà quản lý và cả cộng đồng cùng chung tay sẽ mở ra tiềm năng vô hạn cho một tương lai phát triển bền vững của Việt Nam." | Nguồn: Coca-Cola

Điều gì khiến ông đặt hy vọng vào khả năng giải quyết rác thải nhựa ở Việt Nam?

Từ những ngày đầu bước chân đến Coca-Cola Việt Nam vào năm 2020, tôi đã được chứng kiến sức mạnh và sự kiên cường của đất nước trong hai năm đầy biến động và thách thức này. Không chỉ chiến thắng COVID-19 để tiếp tục phát triển kinh tế và bắt kịp nhanh chóng quá trình chuyển đổi số, Việt Nam vẫn đảm bảo phát triển sinh thái xã hội theo hướng bền vững.

Tôi tin rằng khi tất cả nhà sản xuất, đơn vị thu gom, tái chế, nhà quản lý và cả cộng đồng cùng đồng tâm hiệp sức với nhau, sẽ mở ra tiềm năng vô hạn cho một tương lai phát triển bền vững của Việt Nam. Hai năm trước, nếu được hỏi câu này, tôi có thể hơi do dự về khả năng thành công trong hành trìnhxây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho bao bì nhựa tại Việt Nam. Thế nhưng hiện tại đã chứng minh, việc thành công cho ra mắt chai Coca-Cola làm từ nhựa tái chế 100% chính là một bước tiến đặc biệt quan trọng trong hành trình nhiều ý nghĩa này.

Không chỉ trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, tôi có thể cảm nhận sự thôi thúc mạnh mẽ đối với các sản phẩm bao bì bền vững, đó là sự hỗ trợ tích cực của chính phủ và chính quyền địa phương, cũng như sự quan tâm đến vấn đề môi trường ngày càng tăng của người tiêu dùng trẻ tại Việt Nam. Chính điều này càng củng cố niềm tin của tôi về sự phát triển đầy hứa hẹn của mô hình kinh tế tuần hoàn cho bao bì, và tiếp đến là các giải pháp bao bì bền vững khác. Cùng nhau, chúng ta có thể biến vấn đề rác thải nhựa trở thành dĩ vãng.

Chuyển ngữ bởi Bích Trâm