Tóm Lại Là: Tại sao chúng ta vẫn cần thêm hoa hậu? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
21 Thg 11, 2020

Tóm Lại Là: Tại sao chúng ta vẫn cần thêm hoa hậu?

Bạn có thể kể được bao nhiêu cái tên cuộc thi nhan sắc tại Việt Nam? Có bao giờ bạn cảm thán rằng "sao mà nhiều thế!"?
Tóm Lại Là: Tại sao chúng ta vẫn cần thêm hoa hậu?

Tân Hoa hậu Đỗ Thị Hà, cùng Á hậu 1 Phạm Ngọc Phương Anh và Á hậu 2 Nguyễn Lê Ngọc Thảo trong khoảnh khắc đăng quang. Nguồn: BTC.

1. Hoa hậu Việt Nam 2020 là ai?

Ngày 20/11 vừa qua, vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam lần thứ 17 đã được tổ chức tại Nhà thi đấu Phú Thọ, TP.HCM.

Với đường nét gương mặt thanh tú, chiều cao và hình thể ấn tượng, thí sinh 19 tuổi Đỗ Thị Hà đã xướng tên cho ngôi vị Hoa hậu.

Trước vòng chung kết, Đỗ Thị Hà không phải là một thí sinh quá nổi bật. Tuy nhiên, sau hai vòng thi phụ, cô được đánh giá cao với màn trình diễn bikini và bộ áo dài lấy cảm hứng từ đội tuyển bóng đá.

2. Công thức tạo nên một hoa hậu?

Đủ 18 tuổi, đã tốt nghiệp trung học phổ thông, chiều cao trên 1m63, mang nét đẹp tự nhiên, không phẫu thuật thẩm mỹ, chưa từng chuyển giới, chưa lập gia đình, không tiền án tiền sự - là các yêu cầu cơ bản để đăng ký cho cuộc thi Hoa hậu Việt Nam.

Nhưng nổi bật giữa một rừng thí sinh mà ai cũng “tiềm năng”, chỉ thế là chưa đủ. Nhìn lại hành trình hơn 30 năm của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, có thể thấy được rằng rất nhiều “gia vị” cần được thêm vào:

  • Phải “nhanh như chớp”, thấy mình sắp trở thành Hoa hậu là lập tức khóa Facebook để kịp thời tẩu tán mớ ảnh “dìm” từ xa xửa xừa xưa. Nếu không, quá trình dậy thì sẽ bị nghi ngờ là “có đụng chạm dao kéo”.
  • Bằng tốt nghiệp phổ thông chỉ là điều kiện tối thiểu. Cần học trường top, bằng IELTS cao, biết nhiều ngôn ngữ càng tốt.
  • Có năng khiếu trong việc thiền định để giữ tâm hồn ‘không chút bụi trần’. Không được nói tục chửi bậy dù là viết tắt hay không, càng không được phản ứng mạnh khi có người nói xấu mình.

3. Từ khi nào “sắc đẹp” trở thành một cuộc thi?

Cuộc thi sắc đẹp đầu tiên trên thế giới được tổ chức vào năm 1854 tại Mỹ bởi doanh nhân P.T Barnum (nguyên mẫu của bộ phim nổi tiếng The Greatest Showman). Tuy nhiên, thời điểm đó, cuộc thi vấp nhiều phản đối nên phải dừng lại.

Năm 1921, cuộc thi Hoa hậu tại Mỹ lần đầu tiên được tổ chức dưới cái tên “Cuộc thi Hoa hậu liên thành phố”, bởi hiệp hội doanh nhân thành phố Atlantic. Kể từ đó, các cuộc thi tìm người đẹp liên tục được tổ chức với quy mô ngày càng lớn.

Năm 1988, cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, với cái tên Hoa hậu Toàn Quốc Báo Tiền Phong. Ngoài để tôn vinh sắc vóc phụ nữ Việt, việc có một cuộc thi để để tìm kiếm gương mặt đại diện quốc gia, hội nhập với bạn bè quốc tế vào thời điểm đất nước mới mở cửa dường như là một điều tất yếu.

4. Tại Việt Nam, mỗi năm có bao nhiêu cuộc thi sắc đẹp?

Trước 2011, chỉ có duy nhất một cuộc thi Hoa hậu cấp quốc gia do báo Tiền phong tổ chức. Tuy nhiên, kể từ 2012, một loạt các cuộc thi mới được tổ chức, với đủ cấp độ từ quốc gia đến khu vực: Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Biển, Hoa hậu Đại dương, Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt...

Trung bình, mỗi cuộc thi ‘sinh ra’ ít nhất 3 nàng hậu: Hoa hậu, Á hậu 1 và Á hậu 2. Con số các cuộc thi và danh xưng người đẹp từ năm 1988 đến hiện nay có thể lên đến vài trăm.

5. Tại sao các cuộc thi sắc đẹp được tổ chức liên tục?

Thời lượng dành cho quảng cáo trong chương trình Hoa hậu Việt Nam là gần ¼, cho thấy giá trị thương mại không hề nhỏ dành cho các doanh nghiệp tài trợ. Do đó, sẽ ngày càng có nhiều bài viết, nhiều quảng cáo kích thích bạn xem chương trình, để “con gà’ được tiếp tục ‘đẻ trứng vàng’.

Mặt khác, có lẽ ước vọng ‘hoàn hảo’ luôn có sẵn trong rất nhiều người trong chúng ta, khiến ta đón chờ những cuộc thi đi tìm sự hoàn hảo một cách tự nhiên. Xem những chương trình thực tế còn thoả mãn việc được tự do phán xét, được ‘soi’ và đánh giá về những gì người khác làm một cách công khai - một điều khó làm được ở đời thật.

Quan trọng là, chừng nào các thí sinh vẫn mong đổi hình ảnh của bản thân để đổi lấy một cuộc sống của người công chúng, chừng ấy danh xưng hoa hậu còn tồn tại. Chừng nào chúng ta thôi khao khát sự hoàn hảo, chừng ấy mỗi người đều có cơ hội trở thành hoa khôi.

6. Tiêu chuẩn “sắc đẹp” đã thay đổi như thế nào?

Hình thể của các thí sinh có sự phát triển rõ rệt qua các thế hệ, hướng đến gần hơn đến tiêu chuẩn hiện đại của thế giới. Chẳng hạn từ hoa hậu Bùi Bích Phương đăng quang vào năm 1988 với chiều cao 1m58 đến Tân Hoa hậu Đỗ Thị Hà cao 1m75.

Các cuộc thi sắc đẹp đưa hình thể phụ nữ lên truyền thông đã không còn nhận được nhiều sự quan tâm tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc hay bỏ hẳn tại một số nước phương Tây. Tiêu chuẩn sắc đẹp của phụ nữ cũng dần dịch chuyển sang cân đo mức độ ảnh hưởng của họ đến cộng đồng.

Tại cuộc thi Hoa hậu Peru năm 2018, các thí sinh thay vì đưa cho ban giám khảo các số đo ba vòng, họ dùng các con số phản ánh thực trạng của quyền nữ, chẳng hạn như con số 2202 để đại diện cho số ca “femicides” (phụ nữ bị giết vì giới tính của họ).

7. Tương lai của các cuộc thi sắc đẹp?

Số lượng vé được bán ra của chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020 thiếu 5000 vé so với dự kiến vì lượt đặt quá nhiều, chứng tỏ sức hút không hề giảm của cuộc thi trong tương lai gần.

Trong chung kết cuộc thi 2020, Đỗ Thị Hà đã được hỏi: “Nếu trở thành Hoa hậu Việt Nam 2020, bạn có nghĩ mình là hình mẫu cho các cô gái trẻ?” cho thấy kỳ vọng của Ban tổ chức trong việc khiến các nàng Hoa hậu trở thành mục tiêu cho nhiều người hướng đến. Nhưng sẽ thế nào nếu các cô gái phải luôn sống trong áp lực ‘hình thể luôn chuẩn hình chữ S’, ‘học vấn bắt buộc phải ấn tượng’ và phải gồng mình hành xử theo quy chuẩn được đề ra trước?

Các cuộc thi sắc đẹp trên thế giới đang hướng tới loại bỏ hoàn toàn tính tranh đua trong việc xây dựng vẻ đẹp hình thể. Bởi suy cho cùng, mục đích tối thượng của một cuộc thi về “sắc đẹp” nên là tuyển chọn đại sứ truyền cảm hứng sống tích cực, đóng góp cho các lợi ích cộng đồng, trong đó có việc thúc đẩy phụ nữ nhận thức và thực hành quyền nữ mà họ xứng đáng.