1. Khi hoa hậu thành meme?
Ngày nay, khi mà người người nhà nhà đều có sở thích “ăn muối” thay cơm thì bất cứ ai, cái gì, ở đâu, làm gì đều cũng có khả năng trở thành meme. Thậm chí đến cả hoa hậu cũng không thoát khỏi "số phận".
2. Nguồn gốc?
Khoảnh khắc trở thành chủ đề bàn tán chính là giây phút khi chiếc vương miện hoa hậu được trao cho tân Hoa hậu Hoàn vũ 2020 - Andrea Meza, đại diện đến từ Mexico bởi hoa hậu Zozibini Tunzi của Nam Phi, người thắng cuộc năm 2019.
Biểu cảm đầy kịch tính của cựu hoa hậu Nam Phi là điều khiến khoảnh khắc này trở nên viral ở nhiều diễn đàn.
3. Vì sao mọi người lại thích?
Với cương vị là người đại diện sắc đẹp của quốc gia, các hoa hậu đặc biệt phải chú ý đến nhất cử nhất động của mình. Từ trước đến nay, không ít trường hợp các người đẹp bị bóc phốt thái độ trong khoảnh khắc trên sân khấu. Ví dụ như trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ 2007, khi hoa hậu tiền nhiệm Zuleyka Rivera trao vương miện cho tân hoa hậu Riyo Mori đến từ Nhật Bản.
Việc phải thân thiện thường được mặc định là điều đương nhiên đối với các hoa hậu. Thậm chí, người ta còn có riêng một giải được gọi là "hoa hậu thân thiện". Vì thế biểu cảm kịch tính của những người đẹp thường ít khi thoát khỏi tầm ngắm.
Nhưng nếu lần này bạn đang trông chờ vào câu chuyện hiềm khích giữa hai hoa hậu ở sau hậu trường thì sự thật là... chẳng có gì cả. Cựu hoa hậu Nam Phi chỉ đang vô cùng tập trung để giữ cho chiếc vương miện không bị rơi mà thôi.
Thay vì bóc phốt, cư dân mạng đã lưu lại khoảnh khắc này cho một mục đích vui vẻ hơn đó là... chế meme. Ngoài cựu hoa hậu Nam Phi, một người đẹp khác cũng vô tình trở thành "nạn nhân" chính là Hoa hậu Hoàn vũ 2012 đến từ Mỹ - Olivia Culpo, với biểu cảm “Chừng nào thì được về?”.
Với sự hài hước này, có lẽ rồi đây các hoa hậu không phải canh cánh nỗi lo bị gán ghép biệt danh "resting bitch face" hay là có khuôn mặt "khó ở" nữa, bởi vì không phải cứ thân thiện mới được yêu mến.