Các cuộc thi hoa hậu kiếm tiền như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner

Các cuộc thi hoa hậu kiếm tiền như thế nào?

Tổ chức thi sắc đẹp thu tiền tỷ là có thật.
Các cuộc thi hoa hậu kiếm tiền như thế nào?

Nguồn: Miss Grand International 2021.

Và người chiến thắng là... Miss Grand Việt Nam, Nguyễn Thúc Thùy Tiên.

Đó có lẽ là phần hào hứng nhất của người hâm mộ khi theo dõi chung kết Miss Grand International 2021 (Hoa hậu Hòa bình Quốc tế) tối 04/12 vừa qua. Tuy nhiên, ngoài những nụ cười rạng rỡ của các người đẹp trên màn hình TV còn là những nụ cười phía sau cánh gà của nhà tổ chức.

Các cuộc thi hoa hậu là đấu trường sắc đẹp của người tham gia, chủ yếu là phụ nữ; nhưng là thương trường của những ông chủ, nhà tổ chức. Báo chí từng đưa tin, thi hoa hậu là những thương vụ bạc tỷ với siêu lợi nhuận.

Vậy các cuộc thi hoa hậu kiếm tiền như thế nào? Có phải vì dễ dàng kiếm tiền tỷ nên các đấu trường sắc đẹp mọc lên như nấm sau mưa trong nhiều năm trở lại đây?

Tiền tài trợ từ các doanh nghiệp, nhãn hàng

Một trong những khoản thu nhập chính của các cuộc thi hoa hậu là tiền tài trợ. Được biết, số lượng nhà tài trợ cho một cuộc thi sắc đẹp (tùy vào quy mô và độ nổi tiếng) khá nhiều, có thể lên đến vài chục. Các hạng mục tài trợ như Kim Cương, Vàng, Bạc thường nằm từ vài tỷ đến vài trăm triệu đồng.

Theo báo Phụ nữ TP.HCM, một cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam đã thu hút số tiền tài trợ khoảng 11 tỷ đồng. Trong đó, nhà tài trợ kim cương của chương trình là 5 tỷ đồng, 2 nhà tài trợ vàng 3 tỷ đồng/ đơn vị. Số tiền này chưa tính đến các nhà tài trợ vừa và nhỏ khác.

Top 3 Hoa hậu Việt Nam 2020. | Nguồn: Hòa Nguyễn/Vietnamnet

Điều bất ngờ ở đây là, rất nhiều doanh nghiệp muốn làm nhà tài trợ cho cuộc thi sắc đẹp. Tuy nhiên, đơn vị tổ chức phải từ chối vì đã nhận quá nhiều nhà tài trợ trước đó.

Tuy nhiên, sự góp mặt của các doanh nghiệp (nhà tài trợ) cũng đã biến các cuộc thi trở thành chương trình quảng cáo dài kỳ. Việc các cuộc thi hoa hậu thực hiện những bài phát biểu, chạy TVC, quảng cáo ngắn để quảng bá cho nhà tài trợ dần được xem là bình thường.

Tiền bán vé xem đêm chung kết

Đêm chung kết của các cuộc thi lớn (Hoa hậu Việt Nam- HHVN, Hoa hậu Hoàn Vũ-HHHV) thu hút sự quan tâm rất lớn của công chúng. Khán giả không chỉ theo dõi trực tiếp các người đẹp dự thi, khán giả còn có cơ hội thưởng thức âm nhạc đến từ những ngôi sao hạng A. Vì thế, tiền bán vé cũng được xem là một nguồn thu của nhà tổ chức.

Trước đây, BTC các cuộc thi sắc đẹp như HHVN sẽ phát hành thư mời tham dự miễn phí. Tuy nhiên, gần đây các đêm chung kết hoa hậu đã phát hành vé công khai. Đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2020 thiếu 5000 vé sau khi chính thức mở bán.

Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam được tổ chức dạng chương trình thức tế. | Nguồn: HHHVVN

Vì thế, hiện tượng "phe vé" cũng xuất hiện ngay sau đó. Vé chợ đen đêm chung két HHVN 2020 được rao bán với giá 500 - 700 - 800 nghìn đồng/cặp. Những cặp vé V.I.P thậm chí còn có giá từ 3-12 triệu đồng cho mỗi cặp.

Hay như cuộc thi HHHV Việt Nam được tổ chức dưới dạng chương trình thực tế, thu hút khán giả theo dõi. Theo đó, giá vé vòng chung kết cũng được niêm yết công khai với mức từ 400 nghìn đến 5 triệu đồng/chiếc.

Tiền quảng cáo

Một nguồn thu nhập khác mà ban tổ chức các cuộc thi hoa hậu là tiền quảng cáo. Bao gồm:

  • Quảng cáo cho nhà tài trợ: Thực ra đây là cách nhà tổ chức trả quyền lợi cho doanh nghiệp, nhãn hàng tài trợ cuộc thi (đã nói ở trên).
  • Quảng cáo có lợi nhuận: Các TVC hoặc các nội dung quảng bá có thể thu lại lợi nhuận.

Đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2020, thời lượng quảng cáo trong đêm chung kết là 20 phút. Tuy nhiên, thời lượng quảng cáo thực tế chiếm gần 1/4 trong 4 tiếng chương trình diễn ra.

Đêm chung kết HHHV Việt Nam 2019 phát sóng trên Kênh VTV1 có giá quảng cáo TVC lần lượt là 35 triệu/10s, 42 triệu/15s, 52,5 triệu/20s và 70 triệu/30s.

Vì thế, sẽ ngày càng có nhiều bài viết, nhiều quảng cáo kích thích bạn xem chương trình, để “con gà" được tiếp tục "đẻ trứng vàng".

Quản lý hoa hậu và cấp phép dự thi quốc tế

Các đơn vị tổ chức cuộc thi hoa hậu còn có thể kiếm tiền từ việc quản lý hoa hậu (trong và sau cuộc thi) cũng như bán giấy phép tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế.

Khi nắm quyền quản lý các người đẹp, nhà tổ chức sẽ được hưởng lợi từ các hợp đồng quảng cáo, sự kiện giữa các nhãn hàng và các hoa hậu, á hậu. Hai bên sẽ có tỉ lệ ăn chia nhất định nhưng thường không được công khai.

Những đơn vị tổ chức cuộc thi trong nước còn có quyền đưa thí sinh dự thi quốc tế và có tạo ra một lợi nhuận. Theo đó, một số người đẹp muốn tham dự thi quốc tế phải đủ danh hiệu, phải chi tiền "mua bản quyền". Báo chí từng đưa tin, có người đẹp đã bỏ ra số tiền từ 350 triệu - 1 tỷ đồng để có cơ hội thi sắc đẹp quốc tế.

Tiền mua giải, danh hiệu

Sau khi Nguyễn Thúc Thùy Tiên đăng quang Miss Grand International 2021, tin đồn cô mua giải bắt đầu xuất hiện trên Internet. Người đẹp được đồn đoán đã chi khoảng 150 nghìn USD (gần 3,5 tỷ đồng) để “mua giải” tại cuộc thi năm nay. Thùy Tiên phản pháo cho rằng tin đồn cô mua giải là vô lý.

Tiền mua giải, danh hiệu không phải là nguồn thu nhập chính thức của nhà tổ chức. Báo Phụ nữ Online đưa tin, có nhiều thí sinh được cho là đã bỏ tiền để mua danh hiệu hoa hậu, á hậu tại các cuộc thi sắc đẹp. Tùy theo độ chịu chi của mỗi người, số tiền từ vài trăm triệu đến vài tỷ sẽ quyết định giải thưởng, danh hiệu của người đó tại cuộc thi.

Thùy Tiên bị đồn mua giải tại Miss Grand International 2021. | Nguồn: MGI

Cũng tờ báo trên cho biết, có người từng "móc hầu bao" ít nhất 100 nghìn USD (khoảng 2 tỷ đồng) để mua giải. Có thí sinh từng chi ra 9 tỷ đồng để đạt được danh hiệu Hoa hậu tại một cuộc thi sắc đẹp.

Mua bán danh hiệu để thu lợi được xem là mảng tối tại các cuộc thi sắc đẹp. Tuy báo chí và dư luận có đưa tin nhưng đến nay thực hư câu chuyện này vẫn chưa được khẳng định, và thường diễn ra ở các cuộc thi nhỏ, mới và thiếu uy tín.

Tạm kết

Tại Việt Nam, trước năm 2011 chỉ có một cuộc thi hoa hậu duy nhất là Hoa hậu Việt Nam do báo Tiền Phong tổ chức. Từ 2012, một loạt các cuộc thi hoa hậu "lên sàn", từ mua format nước ngoài đến tự nghĩ ra như Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Biển, Hoa hậu Đại dương, Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt...

Tóm lại là: Chúng ta vẫn cần thêm hoa hậu? Các cuộc thi cứ nối đuôi nhau lên sóng, mỗi năm lại thêm một vài "bông hậu" và công chúng được dịp bàn tán xôn xao. Tất nhiên, đơn vị tổ chức lại tiếp tục kiếm được nhiều tiền.