Lần đầu tiên tôi chú ý đến bóng đá SEA Games là vào năm 2003 được tổ chức tại Việt Nam. Thời kỳ “cậu bé vàng” Phạm Văn Quyến đang nổi lên như một trong những cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á.
Với tư cách chủ nhà, U23 Việt Nam tràn đầy hi vọng sẽ giành HCV bóng đá nam đầu tiên tại SEA Games năm đó. Nhưng mùa hè năm ấy, các cầu thủ đã bại trận dưới chân người Thái. Đó là lần đầu tiên tôi có nhiều cảm xúc đến thế khi xem một trận cầu.
Tình yêu với đội tuyển quốc gia của chúng tôi cũng đến từ đó, từ một sự thất bại. Nhưng niềm an ủi lớn với người hâm mộ là Đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia đã vô địch trong SEA Games năm 2003.
Sau gần 20 năm theo dõi các đội tuyển quốc gia, bóng đá cho chúng tôi nhìn thấy những vẻ đẹp mà hiếm môn thể thao nào có được.
Tình đoàn kết của cả một dân tộc
Những hàng xe nối dài trên đường, mọi người trên tay cầm lá cờ đỏ bay phấp phới. Xung quanh những tiếng hô vang “Việt Nam vô địch” khiến cho bất cứ ai được ở trong đám đông cũng lâng lâng cảm xúc.
Mỗi trận thắng đến là chúng tôi lại có cơ hội được “đi bão”, những người không quen biết chia sẻ cùng nhau niềm vui chung, đội nhà chiến thắng; cái bắt tay, cái ôm thân thiết như những người bạn thân.
SEA Games 22, trận bán kết Việt Nam gặp Malaysia. Cơn mưa bàn thắng diễn ra trên sân Mỹ Đình. Hai đội đã ghi tới 7 bàn thắng, cuộc đua tỉ số diễn ra liên tục trong suốt thời gian thi đấu chính thức.
Phút 90 khi kết quả đang là 3-3, cầu thủ Phan Thanh Bình ghi bàn quyết định giúp Việt Nam vào chung kết. Bên chiếc TV màu bé xíu 14 inch, bố tôi cùng các bác hàng xóm đã nhảy lên hò hét, ôm nhau vì sung sướng. Hình ảnh thân thương đó, đến nay tôi chỉ thấy một lần trong đời.
Tinh thần đoàn kết tôi cảm nhận rõ nhất vào SEA Games 30 trên đất Philippines. Lần đầu tiên Việt Nam vô địch, điều mà người hâm mộ đã phải chờ rất rất lâu. Cả đất nước sống trong không khí lễ hội, những khuôn mặt vui tươi hiển hiện trên khắp những con phố.
Bóng đá đã truyền cảm hứng đến mọi ngóc ngách, từng con người. Tôi còn nhớ, thời điểm đó, tôi đi làm về trên con phố Nguyễn Trãi, những hàng người đứng 2 bên đường ăn mừng, tôi đã đi chậm và cùng đập tay và nở nụ cười tươi với những người xa lạ.
Những cung bậc cảm xúc
Lo lắng, vui mừng, thấp thỏm, tức giận, chán nản, hạnh phúc… và có lẽ tất cả các trạng từ chỉ cảm xúc của con người đều xuất hiện trong một trận bóng đá, nhất là trận đấu đó quyết định xem ai là nhà vô địch.
Từ SEA Games 18 (1995) đến SEA Games 29 (2017), đội tuyển bóng đá nam Việt Nam mang đến nhiều nỗi buồn hơn niềm vui. Trong 5 lần đội tuyển lọt vào chung kết thì cả 5 lần đều về Nhì, trong đó có tới 4 lần bị bại dưới tay đối thủ truyền kiếp Thái Lan.
Nếu bạn từng ngồi xem 4 trận Việt Nam thua trong trận chung kết SEA Games, có thể bạn cũng rất buồn, thất vọng và tức giận sau mỗi lần đội nhà thua.
Thế nhưng, cứ khi SEA Games đến, chúng ta lại theo dõi từng trận đấu của các cầu thủ và cổ vũ cho họ. Chúng tôi gọi đó là tình yêu, có giận, có hờn nhưng vẫn luôn bên cạnh nhau.
Buồn với bóng đá nam nhưng chúng tôi có niềm vui với bóng đá nữ. Khi các đồng nghiệp khác giới không thực hiện được mơ ước giành HCV, họ vô địch vào 2 năm liên tiếp 2003 và 2005.
Nhưng bạn chắc cũng hiểu, rất nhiều khán giả, trong đó có tôi, mong muốn một lần nhìn thấy đội tuyển nam chiến thắng.
Niềm vui trọn vẹn phải chờ đến 16 năm, cũng đủ lâu để từ một cậu nhóc tuổi teen bước vào tuổi trung niên. Vẫn là SEA Games 30, đội tuyển Việt Nam có những hảo thủ như Quang Hải, Hùng Dũng, Hoàng Đức, Thành Chung mang về tấm HCV đầu tiên.
Tôi đoán, nếu bạn đọc được bài viết này, bạn cũng biết được cảm xúc lúc đó như thế nào mà, đúng không?
Niềm tin chiến thắng
Mỗi đội bóng đều có những đối thủ kỵ dơ và cực khó chơi, đối với Việt Nam chính là những anh bạn người Thái. Trong lịch sử đối đầu, chúng ta đều thua ở những trận quan trọng.
Thua nhiều đến nỗi, mỗi lần đội tuyển gặp Thái Lan, chúng tôi đều lo lắng. Nói khán giả Việt sợ đội nhà gặp người Thái cũng chẳng sai.
Thực tế, trong suốt 2 thập kỷ qua, đội tuyển Thái Lan vẫn là ông kẹ ở Đông Nam Á, tuy nhiên tâm lý sợ thua của chúng ta đã thay đổi rồi. Có lẽ phải dành lời cảm ơn đến ông Park Hang Seo về cách ông xây dựng chiến thuật, bồi dưỡng thể lực và tâm lý cho các cầu thủ.
Kể từ khi vị HLV người Hàn dẫn dắt, các đội tuyển nam quốc gia đã thi đấu kỷ luật, bình tĩnh, đúng đấu pháp và không bị ảnh hưởng bởi tâm lý. Minh chứng cụ thể là 2 HCV SEA Games liên tiếp, vô địch AFF Cup và lọt vào vòng loại World Cup thứ 3.
Trong đó có những chiến thắng đẹp trước Thái Lan, như trận chung kết SEA Games 31 vừa qua. Hiện tại, dù có gặp Thái Lan, chúng ta cũng chơi sòng phẳng với họ. Khán giả tự tin vào khả năng chiến thắng của các cầu thủ con cưng.
Công bằng hơn cho đội tuyển nữ
Theo dõi bóng đá SEA Games nhiều năm, tôi và hẳn nhiều người nữa biết được sự thiệt thòi của nữ cầu thủ khi thi đấu vì màu cờ sắc áo. Vào thập niên 2000, khi giành HCV, họ cũng không được thưởng nhiều bởi các doanh nghiệp, nhà tài trợ.
Trong thi đấu, họ cũng không được người hâm mộ quan tâm như các đồng đội nam. Hiển nhiên đấy là sự thiếu công bằng với những đội tuyển nữ, mặc cho sự hi sinh của họ cho thể thao chẳng kém gì các đồng nghiệp nam.
Trong những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt khi mạng xã hội phát triển. Mỗi lần thi đấu, đội tuyển nữ đã được những người hâm mộ dõi theo, họ có thu nhập đủ tốt khi mang vinh quang về cho quốc gia. Nhiều nữ cầu thủ đủ nổi tiếng để có những hợp đồng quảng cáo, điều mà trước kia thật hiếm hoi.
Đội tuyển nữ Việt Nam là những người giàu thành tích nhất tại SEA Games với 7 lần vô địch. Đó là lý do tuyệt vời nhất để những khán giả cổ vũ họ nhiệt tình hơn.
Trong trận đấu chung kết gặp Thái Lan tại SEA Games 31, khán giả đã đến kín sân Cẩm Phả để cổ vũ cho đội tuyển nữ. Có những cổ động viên đã xếp hàng qua đêm để có vé. Động lực to lớn đã tiếp thêm sức mạnh cho các nữ cầu thủ đánh bại Thái Lan, giành HCV ngay trên sân nhà.