Trong ngành sáng tạo, sự khác biệt không chỉ để phân biệt các tác phẩm với nhau. Trên tất cả, nó còn là lời tuyên ngôn phong cách, sự khao khát khẳng định vị thế và cái tôi nghệ thuật của mỗi người nghệ sĩ trong thế giới sáng tạo muôn vàn cá tính.
Với số đông, sự khao khát này khiến họ bị áp lực phải tạo ra những sản phẩm mới hoàn toàn, để trở nên khác biệt với những thiết kế biểu tượng, và cả chính mình trước đó. Nhưng với “kẻ gây rối vĩ đại” của ngành thời trang, thay đổi chỉ 3% đã là đủ để tạo sự khác biệt.
Virgil Abloh là nhà thiết kế thời trang người Mỹ gốc Ghana. Thương hiệu Off - White do Virgil sáng lập và điều hành đã mở ra kỷ nguyên của thời trang đường phố hạng sang. Năm 2018, anh được bổ nhiệm làm Giám đốc sáng tạo của Louis Vuitton, trở thành nhà thiết kế da màu đầu tiên nắm giữ vị trí này.
Di sản Virgil Abloh để lại cho ngành thời trang toàn cầu chính là sự xóa nhòa ranh giới, để mang thời trang đường phố (streetwear) đến gần hơn với thời trang cao cấp (couture). Mục tiêu của Virgil, là thay đổi định kiến về thời trang đường phố là “ăn xổi ở thì” của những tên tuổi lớn trong ngành.
Sáng tạo là tìm kiếm sự khác biệt từ những điều có sẵn
Trong buổi nói chuyện với các sinh viên Đại học Harvard vào năm 2017, Virgil Abloh đã chia sẻ về những “cheat codes” (mẹo) trong cách làm việc và thiết kế của mình. Nổi bật trong đó, là triết lý thiết kế đã làm nên tên tuổi của Virgil:
“Bí quyết thiết kế tuyệt nhất với tôi là nhìn người khác đang làm những gì, rồi làm nó khác đi từ 3-5%.”
"My greatest design tool personally is to look at what that genre is doing and make it 3–5% different."
Virgil cho rằng 3% này có thể là bất cứ điều gì. Từ cách đóng gói, marketing, đến một chiếc giày Nike được thiết kế theo 50 cách khác nhau, hay lớn lao hơn là sự tự do, bình đẳng xã hội và sắc tộc.
Theo Virgil, nguyên tắc 3% giúp người làm sáng tạo kết nối cảm xúc với những gì mắt thấy tai nghe, mà vẫn có thể suy nghĩ lý trí. Nhờ vậy, thế giới quan của họ được mở rộng, nhưng không quá xâm phạm đến vùng an toàn sẵn có.
Nguyên tắc 3% được áp dụng như thế nào?
Virgil đã diễn giải cách áp dụng nguyên tắc 3% trong khóa học về xây dựng thương hiệu “Free Game” do anh đứng lớp. Về cơ bản, Virgil sử dụng những nguồn tham khảo có sẵn, rồi thêm vào đó những “cú twist”.
Đầu tiên, thay vì tạo ra một thứ nguyên bản từ đầu, Virgil tìm kiếm trên Internet những thiết kế hay ho, và những thông tin liên quan đến chúng. Sau khi “chốt” được một ý tưởng, Virgil thêm thắt với một chút chất riêng của bản thân, như cách anh đã từng làm với những chiếc áo Ralph Lauren cho thương hiệu đầu tiên của mình là Pyrex Vision.
Virgil Abloh nổi tiếng, nhưng cũng gây tranh cãi với tư duy sáng tạo của mình - công việc mà anh mô tả là “sao chép, tham khảo và áp dụng lại có cơ sở”. Điều này được thể hiện rõ nét qua bộ sưu tập nổi tiếng “The Ten” của Virgil Abloh với Nike, khi anh thiết kế lại những mẫu giày nổi tiếng nhất của Nike “chỉ” bằng cách thêm thắt một vài dấu ấn của Off - White.
Bình luận về phong cách của Virgil, nhiều nhà phê bình cho rằng anh không phải là một nhà thiết kế thời trang, vì một nhà thiết kế đích thực sẽ chú trọng tạo ra những sản phẩm nguyên bản.
Nhưng trước khi chỉ trích Virgil Abloh, hãy nhớ về những gì anh từng nói vào năm 2018: “Tôi có phải là nhà thiết kế đâu, tôi chỉ là một người làm sáng tạo mà thôi.”
Sáng ngày 29/11/2021, nhà thiết kế thời trang Virgil Abloh qua đời ở tuổi 41 do một dạng ung thư tim hiếm gặp. Anh đã âm thầm chiến đấu với bệnh tật kể từ khi được chẩn đoán vào năm 2019.
Tạm biệt Virgil. Cảm ơn anh vì tất cả.