Với The Wild Robot, DreamWorks một lần nữa không tin vào tiền định | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
24 Thg 10, 2024

Với The Wild Robot, DreamWorks một lần nữa không tin vào tiền định

Shrek, Po, Megamind, Hiccup và Toothless, rồi giờ đây là Roz đều sở hữu một điểm chung: họ tự viết lại câu chuyện của mình.
Với The Wild Robot, DreamWorks một lần nữa không tin vào tiền định

Hình ảnh trong phim The Wild Robot | Nguồn: DreamWorks Animation

Trong một thế giới nơi mà dường như ai cũng (ít nhiều) bị kìm hãm bởi sự kỳ vọng từ xã hội, từ gia đình hay kể cả từ chính tâm lý và sinh lý của bản thân, một xưởng phim hoạt hình đã liên tục cho ra đời những nhân vật bất chấp tất cả để tìm cách đi ngược lại với con đường đã định sẵn, thay vì thụ động chấp nhận vai trò và số phận dược gán cho bản thân.

The Wild Robot, bộ phim hoạt hình của DreamWorks vừa ra mắt khán giả cũng tiếp tục ẩn chứa chủ đề đó. Và vì vậy, tác phẩm thơ mộng, dễ thương và tràn ngập cảm xúc này tiếp tục âm vang lời phản bác của xưởng phim đối với khái niệm của sự tiền định, để khẳng định rằng mỗi chúng ta - bất kể là người, robot, chằn tinh hay gấu trúc - đều có quyền được tự định hình và thay đổi câu chuyện của mình.

Lưu ý bài viết sẽ tiết lộ nội dung của bộ phim The Wild Robot.

The Wild Robot - Câu chuyện của sự thay đổi

Thoạt đầu, Roz - nhân vật chính của bộ phim The Wild Robot - chỉ đơn giản là một cỗ máy, được lập trình để làm theo giao thức và không có bất kỳ cá tính riêng biệt nào. Vậy nhưng, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn khi Roz bị lạc tới một hoang đảo với vô vàn những sinh vật hoang dã. Tại đó, Roz tìm thấy - và bắt đầu chăm sóc một chú ngỗng con mồ côi được cô đặt tên là Brightbill.

Hành trình của Roz để trở thành người mẹ bất đắc dĩ cho Brightbill là chiếc lõi cảm xúc của bộ phim The Wild Robot. Bất chấp không được lập trình với bản năng hay cảm xúc của một sinh vật sống thực thụ, Roz dần học cách nuôi dưỡng và bảo vệ cho chú ngỗng con, và kết bạn với những loài động vật khác trên hòn đảo.

alt
Hình ảnh trong phim The Wild Robot | Nguồn: DreamWorks Animation

Roz là hiện thân của sự tiền định. Cô là một cỗ máy, được tạo ra với một mục đích duy nhất: phục vụ con người - thứ mà nhân vật phản diện của bộ phim liên tục nhắc lại. Tuy nhiên, ngay từ giây phút Roz dạt vào bờ biển đá gồ ghề của hòn đảo hoang, xa rời khỏi mục đích và môi trường làm việc lý tưởng của những robot, câu chuyện của cô đã trở thành một cuộc hành trình của sự thay đổi và tự quyết định vận mệnh của bản thân.

Bộ phim đưa chúng ta theo chân Roz, chứng kiến cô - qua từng bài học sinh tồn, từng tương tác với chú ngỗng con và những sinh vật khác của hòn đảo - dần bác bỏ thứ danh tính máy móc đã được định sẵn để chấp nhận những cảm xúc mới lạ ngày một nở rộ trong cô: sự đồng cảm và lòng trắc ẩn, tình mẫu tử, tình bạn, … Là một cỗ máy, (đáng lẽ) Roz không thể có những cảm xúc như con người và các sinh vật khác. Vậy nhưng qua từng ngày, cô tự viết lại lập trình của mình, để trở thành một phần của hòn đảo, và một thứ gì đó đặc biệt hơn mục đích tiền định.

alt
Hình ảnh trong phim The Wild Robot | Nguồn: DreamWorks Animation

DreamWorks và sự phản bác đối với câu chuyện đã được định sẵn

The Wild Robot mang đến góc nhìn mới mẻ qua lăng kính của một robot, song chủ đề về việc bác bỏ kỳ vọng, định mệnh và con đường đã định sẵn, từ lâu đã thấm đẫm vào các tác phẩm được yêu mến nhất của xưởng phim DreamWorks.

Shrek, loạt phim đầu tiên đã tạo nên tên tuổi của DreamWorks, có lẽ cũng là “pha” giải cấu trúc rõ ràng nhất trong số kho tàng tác phẩm của xưởng phim đối với khái niệm tiền định. Loạt phim, qua những tình tiết châm biếm khôi hài, phá bỏ hoàn toàn những khuôn mẫu trong cổ tích. Shrek, một gã chằn tinh mà vẫn luôn miêu tả là xấu xa và cô độc, bác bỏ “vai diễn” được định sẵn để đi tìm tình yêu và sự phiêu lưu. Và cũng chính Shrek, chứ không phải một chàng hoàng tử hào hoa, là người đã giải cứu công chúa.

alt
Hình ảnh trong phim Kung Fu Panda 2 | Nguồn: DreamWorks Animation

Kung Fu Panda cũng là một “cú đấm” vào khuôn mẫu mặc định phim võ thuật, nơi những người có sẵn tố chất đặc biệt sẽ trở thành anh hùng nghĩa hiệp. Po là một chú gấu trúc mập mạp và hậu đậu, không giống gì một võ sư truyền thống hay ứng viên cho danh hiệu Thần Long Đại Hiệp - và có lẽ hợp hơn với công việc trong tiệm mì của cha nuôi. Thế nhưng bất chấp những ngờ vực của mọi người xung quanh và chính bản thân, Po kiên cường tự định hình lại định mệnh để trở thành một anh hùng võ thuật trong huyền thoại.

Là con trai của tù trưởng trong một ngôi làng nơi mọi người đều tin rằng rồng là kẻ thủ truyền kiếp, Hiccup trong How to Train Your Dragon được kỳ vọng sẽ tiếp nối truyền thống săn rồng. Thế nhưng, cậu lại kết thân với chú rồng Toothless, và qua đó, không chỉ bác bỏ thứ di sản của bạo lực và sự sợ hãi đã định hình xã hội của cậu qua nhiều thế hệ, mà còn mở ra một con đường mới được xây dựng nên bởi sự hòa thuận và cộng sinh.

Megamind lại xoáy sâu vào chủ đề tranh luận muôn thuở về môi trường và sự nuôi dưỡng để phá bỏ mô-típ rập khuôn của anh hùng và phản diện. Được số phận sắp đặt để lớn lên trong vai người xấu, Megamind luôn tin rằng đó là định mệnh của mình, cho tới khi hắn tiêu diệt được siêu anh hùng và chợt nhận ra rằng thứ định mệnh kia không mang lại sự thỏa mãn. Và rồi dần dần, Megamind rũ bỏ “vai diễn” của một siêu phản diện để trở thành người anh hùng mà thành phố đang thiếu vắng.

alt
Hình ảnh trong phim How to Train Your Dragon: The Hidden World | Nguồn: DreamWorks Animation

Việc DreamWorks nhiều lần khai thác chủ đề này, có thể là vì mô-típ câu chuyện của một nhân vật bác bỏ số phận của bản thân thực chất đã “xưa như trái đất”, và vì vậy đã được kiểm chứng chất lượng qua nhiều thế hệ khán giả. Bởi lẽ ai cũng từng cảm thấy bị kìm hãm bởi những kỳ vọng định sẵn, và do vậy ý tưởng về việc bác bỏ tiền định luôn là những câu chuyện truyền cảm hứng.

Hơn nữa, ai cũng yêu mến câu chuyện của những kẻ yếu thế. Thông qua các Po, Hiccup hay Shrek - tất cả đều bắt đầu là những nhân vật ngoài cuộc, lạc lõng, không phù hợp với khuôn mẫu mà thế giới đặt ra cho họ - DreamWorks muốn tôn vinh khái niệm “thời thế tạo anh hùng”, và kể cả định mệnh cũng có thể được viết lại bởi ý chí và niềm tin vào bản thân.

alt
Hình ảnh trong phim The Wild Robot | Nguồn: DreamWorks Animation

Hành trình của Roz, giống như những Shrek, Po, Hiccup và Megamind trước đó, tiếp tục âm vang sự phản bác của DreamWorks đối với khái niệm tiền định, và nhấn mạnh vào tầm quan trọng của sự lựa chọn và quyền tự quyết. Qua những yếu tố hài hước hước, hành động và tình cảm, xưởng phim hoạt hình này liên tục trở thành bệ phóng cho những nhân vật có phần… ương bướng, những người đã một mực từ chối đi theo con đường được định sẵn để tự tìm lấy câu chuyện của riêng mình.

Bởi lẽ những khuôn mẫu mà chúng ta “đáng lẽ phải trở thành” chỉ nên dừng lại ở đó - “đáng lẽ”.